Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 1)

Gã đi ra hiệu cho thuê băng đĩa và thuê hai cuốn phim về bắt cóc, tống tiền của Mỹ mang về xem. Suốt một tuần liền, gã xem đi, xem lại hàng chục lần và nghiền ngẫm từng chi tiết... Và những tình tiết hư cấu của bộ phim đã giúp gã hình thành trong đầu một kế hoạch cướp tài sản tại căn phòng T42 làng Việt - Nhật.

Bây giờ, đã 15 năm trôi qua, nhưng những gì xảy ra trong ngày 20/4/1999 thì vẫn còn đọng lại trong tâm trí của tất cả những người đã tham gia cuộc giải cứu cháu bé Sugimoto Torahiko khi đó mới được hơn 7 tháng tuổi. Đây là vụ bắt cóc trẻ em là người nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam, và trớ trêu thay, lại xảy ra ở một địa bàn cư dân được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, và nằm ở khu vực đặc biệt nhạy cảm...

Mặc dù đối tượng cực kỳ hung hãn và có lắm thủ đoạn, nhưng Cảnh sát Hình sự Hà Nội, Công an quận Tây Hồ và được sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ của Công an Lạng Sơn, đã thực hiện được cuộc giải cứu mà kết quả là "không thể đẹp hơn thế".

Kỳ 1: Học cách cướp từ… phim

Gã có dáng người cao lòng khòng, khuôn mặt lưỡi cày, đôi môi mỏng quẹt luôn mím chặt; đôi mắt nhỏ, hẹp và khi nói chuyện với ai thì cứ hay nhìn trộm... Mà người ta bảo những kẻ có tướng mạo như vậy, thường là có tâm địa chẳng ra gì. Với ai thì không biết, nhưng với gã, nhận xét đó xem ra... quá chuẩn.

Làng Việt - Nhật, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin.

Gã quê gốc ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhưng gia đình sinh cơ lập nghiệp ở Thái Nguyên. Gã sinh năm 1972 và trong một gia đình tử tế. Mẹ là giáo viên, bố là công nhân Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Hồi nhỏ, gã là đứa trẻ có sức khỏe không tốt bởi vì mẹ gã sinh khó, phải dùng thủ thuật mới lấy được gã ra. Thương con ốm yếu, lại là con trai duy nhất trong nhà, cho nên gã được chiều chuộng từ nhỏ. Tuy gia đình chẳng phải dư dả gì cho lắm, nhưng tất cả những gì gã yêu cầu thì đều được bố mẹ đáp ứng.

Học hết lớp 12, gã thi đại học không đỗ, thế là bố mẹ phải xin cho đi học công nhân kỹ thuật. Học xong, bố mẹ chạy vạy xin cho gã vào làm trong một công ty liên doanh thép Posco tại Hải Phòng. Nhưng bản tính thích chơi bời, làm công nhân ở liên doanh thì gã chê lương ít, cho nên cuối năm 1994 gã bỏ về nhà.

Thương con sống vất vưởng và cũng sợ gã theo đám bạn bè du thủ du thực rồi sa vào nghiện ngập thì chết, nên bố mẹ gã bấm bụng nhặt nhạnh tiền nong, mở cho gã một quán karaoke mang tên Minh Hoàng. Nhưng do tính nết cục cằn, hơi tý là dọa "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với cả các "thượng đế" nên quán chả có mấy khách. Mà đâu chỉ có dùng chân tay, có lần gã còn dùng cả dao chém đứt gân tay của một "thượng đế" và đã bị Công an Thái Nguyên bắt giam 4 tháng. Để gã khỏi bị truy tố, bố mẹ gã đã phải bỏ ra khá nhiều tiền đền cho vị "thượng đế" kia.

Kiếm được đồng nào, gã tiêu sạch, đã thế, gã lại mắc cái bệnh "mít-tơ-oai", thích ăn diện, đi xe máy đẹp để làm vừa lòng người yêu... Năm 1997, quán Minh Hoàng phải đóng cửa vì nợ nần. Chán đời, gã đi học tiếng Nhật tại Nhà Văn hóa tỉnh. Nhưng cũng chỉ được vài tháng là hắn lại bỏ. Tuy vậy, trong thời gian đi học, gã cũng tỏ ra là người hoạt ngôn và có chút năng khiếu ngoại ngữ.

Tháng 11/1998, trong một lần cãi nhau với bố, gã như lên cơn điên, đập phá gần như hết sạch đồ đạc trong nhà, kể cả chiếc tivi. Sau cuộc đấy, gã bỏ về Hà Nội và sống dặt dẹo nhờ cô em gái làm nghề thợ may ở xóm Tó, xã Nhân Chính. Nhưng chưa hết, tháng 2/1999, hết tiền, gã lại mò về sống với bố mẹ. Nhưng cũng chỉ được vài ngày, gã lại dùng dao chém anh Nguyễn Trọng Hải và lại để trốn công an, gã chuồn về Hà Nội.

Tại Hà Nội gã sống dựa vào cô em gái. Nhưng gã còn cả gan làm giả thẻ quân nhân với chức vụ "tiểu đội phó" và là lính Trung đoàn Phòng không, đóng quân tại Cao Bằng. Gã làm chiếc thẻ cũng rất đơn giản là lấy một văn bản có dấu của UBND phường Tân Thành rồi cắt dán vào tấm thẻ do gã... chế tạo. Chả hiểu thế nào mà gã lại lò dò đến được Công ty TNHH Thái Bình Dương ở 21 phố Lý Nam Đế và xin làm công nhân. Thái Bình Dương là một công ty chuyên làm các dịch vụ như vệ sinh nhà cửa và một số ngành nghề khác. Thời điểm này, đây là một công ty làm ăn có uy tín, và vì thế mới được Ban quản lý làng văn hóa Việt - Nhật ký hợp đồng lau cửa kính khu chung cư 10 tầng. Thủ tục tuyển người của Công ty Thái Bình Dương rất chặt chẽ, nhưng vì gã dùng giấy tờ giả là quân nhân, lại từ Cao Bằng về, cho nên công ty đã đồng ý cho gã vào làm việc mà bỏ qua khâu xác minh lý lịch.

Ngày 18/3/1999, việc lau cửa kính cho khu nhà 10 tầng được bắt đầu và 4 ngày sau, thì tổ công nhân lau kính do Phạm Bằng Anh làm tổ trưởng được bổ sung thêm một công nhân nữa - đó là gã - có cái tên rất đẹp: Nguyễn Hoàng Tuấn. Lúc đầu, mọi người cũng ngạc nhiên và có phần "kính nể" bởi vì thấy gã nói được một số câu tiếng Nhật. Khi Phạm Bằng Anh phân công gã ngồi vào thùng để thả xuống lau kính thì gã sợ... Gã van nài tổ trưởng cho gã làm việc khác vì gã sợ độ cao. Cực chẳng đã, Phạm Bằng Anh phải cho gã đứng trên tầng thượng, trông xe đối trọng. Được vài ngày thì sinh chuyện.

Số là mọi người thấy gã đi làm, có lúc mặc nguyên bộ quân phục và đeo hàm... thượng úy; rồi gã hay nói linh tinh và hãi nhất là hơi tý gã chửi bới, đe dọa người khác... Anh em cho rằng thần kinh gã "có vấn đề". Và cũng chỉ đi làm được ba ngày, gã báo đánh mất thẻ ra vào làng Việt - Nhật. Tổ trưởng Phạm Bằng Anh phải đứng ra bảo lãnh với bảo vệ làng Việt - Nhật để cho gã được ra vào cổng. Nhưng hai ngày sau, gã lại thông báo là đã tìm thấy thẻ ở... toalét. Không thể để một gã có sẵn máu côn đồ làm việc, ngày 31/3 - nghĩa là sau 9 ngày đi làm - Công ty Thái Bình Dương đã cho gã ăn... "xôi xéo"!.

Đi phụ lau kính ở làng Việt - Nhật, thấy nơi đây toàn người nước ngoài giàu có, gã đã nảy sinh ý định cướp tài sản của những người Nhật ở đây. Trong lúc những công nhân khác chăm chỉ làm việc thì gã để ý quan sát đường đi lối lại cũng như cách bảo vệ của nhân viên. Gã để ý thấy bất cứ ai đi xe máy vào làng Việt - Nhật, nếu là người lạ, thì sẽ bị chặn lại, hỏi giấy tờ rất cẩn thận. Nhưng xe taxi thì lại không bị kiểm soát. Và cũng chỉ vài ngày làm tại đây, rồi hàng ngày đi bộ từ tầng 1 lên tầng 10, gã đã kịp ghi nhớ vào óc mình căn phòng T42 mà chủ nhà là một cặp vợ chồng người Nhật, có đứa con nhỏ mới 7 tháng tuổi và một phụ nữ Việt Nam phục vụ.

Gã cũng để ý thấy mấy ngày liền, cứ vào khoảng hơn 10h là người phụ nữ Nhật lại đi từ đâu về... "Chắc là về cho con bú" - gã nghĩ như vậy. Sau khi bị đuổi việc, tự nhiên trong gã nảy sinh ra ý nghĩ làm thế nào để kiếm được tiền từ căn phòng T42 này.

Gã đi ra hiệu cho thuê băng đĩa và thuê hai cuốn phim về bắt cóc, tống tiền của Mỹ mang về xem. Suốt một tuần liền, gã xem đi, xem lại hàng chục lần và nghiền ngẫm từng chi tiết... Và những tình tiết hư cấu của bộ phim đã giúp gã hình thành trong đầu một kế hoạch cướp tài sản tại căn phòng T42.

Căn phòng T42.

8h30 ngày 20/4/1999, gã - Nguyễn Hoàng Tuấn - lấy con dao Thái Lan loại dùng để thái thịt mà gã đã mua trước đó vài tháng cùng với một chiếc thớt. Gã bỏ con dao vào một chiếc cặp giả da rồi nhét một chiếc kìm và chiếc tuốc-nơ-vít vào túi quần, gã ra vẫy xe taxi đến làng văn hóa Việt - Nhật.

Đúng như gã tính toán, nhờ chiếc xe taxi mà gã qua được cổng bảo vệ một cách trót lọt. Gã bảo lái xe đỗ trước sảnh tòa nhà rồi bảo lái xe cứ nổ máy chờ sẵn ở đó. Gã đàng hoàng bấm cầu thang máy rồi đến thẳng phòng T42, bấm chuông...

Chủ căn buồng T42 là một cặp vợ chồng người Nhật Bản... Ông chồng là chuyên viên của Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại Nhật Bản (OECF) ở Việt Nam. Ông đến Việt Nam vào tháng 10/1998 và 3 tháng sau thì bà vợ tên là Sugimoto Reiko sang Việt Nam cùng cậu con trai Sugimoto Torahiko. Căn phòng T42 mà ông bà đang ở cũng mới chỉ thuê từ tháng 3/1999. Người được ông bà thuê phục vụ là chị Nguyễn Thị Thúy Nhung.

Có tiếng chuông gọi cửa. Chị Nhung ra mở cửa và thấy một thanh niên mặc áo kẻ sọc to đứng ngoài cửa. Không chờ chị hỏi, gã đã mau mắn nói rằng, gã là công nhân sửa chữa điện, điều hòa nhiệt độ, được cử đến kiểm tra chiếc điều hòa nhãn hiệu General. Chị Nhung ngơ ngác và thấy lạ vì chiếc điều hòa nhiệt độ vẫn chạy rất tốt, có ai bảo sửa gì đâu. Nhưng cũng chẳng cần chờ chị đồng ý hay không, gã vào nhà và lấy một chiếc ghế, đứng lên đo, rồi mở nắp điều hòa ra... kiểm tra. Được mấy phút thì gã bảo: "Không có vấn đề gì" rồi điềm nhiên ra phòng khách ngồi chờ, với lý do: "Chờ bà chủ về để ký biên bản".

Sáng hôm đó, bà Reiko có việc ở Sứ quán Australia. Khi đi, bà mang cả con trai Torahiko theo. Xong việc, bà trở về nhà bằng xe riêng của gia đình.

Vừa lên đến phòng thì chị Nhung ra mở cửa và nói ngay bằng tiếng Việt: "Thợ điện Hà Nội". Bà Reiko chả hiểu gì cả vì tiếng Việt thì bà không biết, còn người phục vụ thì lại quên không dùng tiếng Anh. Bà vào nhà và thấy một thanh niên đang ngắm nghía chiếc điều hòa nhiệt độ. Bà không hiểu tại sao lại có chuyện sửa điều hòa nhiệt độ đột ngột, không báo trước thế này.

Theo lệ thường, mỗi khi trong gia đình có sự trục trặc về các thiết bị điện, nước, chủ nhà phải báo cho Ban Quản lý Làng văn hóa Việt - Nhật (COCO), rồi sau đó COCO sẽ cho thợ đến sửa chữa. Nhưng việc sửa chữa đó phải được thông báo trước và có ngày giờ cụ thể. Bà Reiko nói với gã rằng, bà không được văn phòng COCO thông báo về sự có mặt của anh ta. Gã nhanh nhảu nói lại rằng gã ở trong tổ thợ điện, đang đi kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện của tòa nhà.

Thế rồi gã lại hỏi bà bằng... tiếng Nhật là cháu bé đã được mấy tháng tuổi? Bà Reiko thấy hơi vui vui vì có một anh công nhân "biết" tiếng Nhật. Nhưng cái sự "vui" đó chẳng kéo dài được lâu vì đúng lúc bà pha sữa cho con trai thì "gã thợ điện" lại ra ngắt cầu dao, làm cả căn phòng mất điện. Bà Reiko nghiêm mặt, yêu cầu anh ta đóng cầu dao. Rồi gã lại hỏi chuyện bà Reiko bằng tiếng Nhật rằng bà có biết tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc không, rồi cháu bé kia là trai hay là gái...

Bà Reiko cho con ăn xong liền bảo gã đưa biên bản làm việc để bà ký. Gã mở cặp lấy ra tờ giấy mà chỉ liếc nhìn qua cũng biết đó là thứ giấy lộn. Đến phút này thì bà Reiko nghi ngờ gã thợ điện này thực sự. Bà liền nhấc điện thoại, gọi xuống Văn phòng COCO... Nhưng bà chưa kịp bấm số máy thì gã đã xông đến, giằng máy đập xuống... Thế rồi nhanh như chớp, gã lao đến nhấc bổng cháu Torahiko lên và lấy ngay con dao Thái Lan để trong cặp ra dí vào cổ cháu bé.

Bà Reiko hoảng hồn vội cuống quýt van xin gã. Rồi bà bảo gã muốn gì cũng được, nhưng hãy trả lại con trai cho bà. Gã dí con dao vào cổ đứa bé rồi hét lên là phải đưa cho gã 3.000 đôla. Bà Reiko mở túi lục lọi hồi lâu nhưng cũng chỉ còn 200 đôla, nhưng là tiền lẻ. Nhìn thấy quá ít tiền, gã gầm lên tức tối và bắt bà mở két. Bà Reiko vội vàng mở két. Gã vẫn bế đứa bé và thò tay vào két khoắng, được thứ gì, hắn ném luôn ra ghế. Những thứ mà hắn lấy được trong két có một mớ tiền yên, 2 chiếc nhẫn và 1 chiếc vòng cổ bằng ngọc trai.

Đúng lúc này, chị Nhung mở được cửa và lao xuống tầng 1 hô hoán bị cướp. Lúc đó là 10h45...

(Còn tiếp)

N.N.P

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ho-so-ve-mot-cuoc-giai-cuu-con-tin-ky-1-102625.html