'Hồ sơ Panama' - Bí mật tiền bẩn (Kỳ cuối): Ai đứng sau giật dây?

Thời điểm báo chí khai thác 'Hồ sơ Panama' ồ ạt cũng là lúc một loạt nghi vấn và thuyết âm mưu xuất hiện.

THẾ LỰC GIẬT DÂY “HỒ SƠ PANAMA”

Một người tên là John Doe cung cấp 11,5 triệu tài liệu “Hồ sơ Panama” cho báo Đức và hơn 400 nhà báo sau đó đã phối hợp điều tra miệt mài hơn một năm trời rồi mới chính thức tung “quả bom” gây sốc. Thời điểm báo chí khai thác “Hồ sơ Panama” ồ ạt cũng là lúc một loạt nghi vấn và thuyết âm mưu xuất hiện.

CIA giật dây

Đó là khẳng định chắc nịch của Bradley Birkenfeld, cựu nhân viên người Mỹ của ngân hàng Thụy Sỹ UBS AG và là người tố giác âm mưu trốn thuế của ngân hàng này trong năm 2009 với giới chức Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh CNBC từ Munich, ông Birkenfeld nhận định: Vụ rò rỉ hơn 11 triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama gần như chắc chắn không phải từ một người tố giác như ông, mà là của một cơ quan tình báo. “Tôi chắc Cục Tình báo Trung ương Mỹ đứng sau vụ này. Ý kiến của tôi là thế”, ông Birkenfeld nói.

Ông Bradley Birkenfeld.

Lý giải của ông Birkenfeld là những thông tin được phơi bày ra trước dư luận không mảy may tác động tới Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào. CNBC dẫn lời ông Birkenfeld: “Đó là vì thực tế mà chúng ta thấy mọi cái tên xuất hiện đều là ‘kẻ thù’ trực tiếp của Mỹ: nào Nga, nào Trung Quốc, nào Pakistan, nào Argentina… và rồi ta không thấy cái tên Mỹ nào…. Có một điều đặc biệt nham hiểm đằng sau vụ này”.

Khi được hỏi nếu CIA của Mỹ giật dây vụ việc thì tạo sao Mỹ lại làm ảnh hưởng cả tới cả đồng minh thân cận là Thủ tướng Anh David Cameron - người cũng có tên trong “Hồ sơ Panama” và đang chịu sức ép từ dư luận trong nước, ông Birkenfeld nói nhà lãnh đạo Anh có thể bị thiệt hại “lây” không thể tránh được để phục vụ một chiến dịch tình báo lớn hơn của Mỹ. Văn phòng quan hệ công chúng của CIA không trả lời bình luận về nhận định của ông Birkenfeld.

Ông Birkenfeld đã được cơ quan thuế của Mỹ thưởng 104 triệu USD vì đã giúp họ điều tra vụ trốn thuế của các công dân Mỹ, dẫn tới việc UBS bị phạt 780 triệu USD. Ngân hàng này cũng buộc phải tiết lộ tên của 4.700 khách hàng Mỹ có tài khoản bí mật ở Thụy Sỹ. Ông Birkenfeld hiện sống ở Bavaria, Đức và không thích nói chuyện với báo chí. Tuy nhiên, trong vụ “Hồ sơ Panama”, ông đã ngoại lệ trả lời phỏng vấn kênh CNBC.

Thực tế, nhận định của ông Birkenfeld chỉ là một giả thiết cá nhân. Lý giải về việc vắng bóng những cái tên Mỹ, một số người cho rằng các nhà báo cần phải mất nhiều thời gian “ngụp lặn” trong kho 11,5 triệu tài liệu khổng lồ đó. Do hệ thống mạng lưới công ty bình phong của Mossack Fonseca rất phức tạp, việc tìm ra ngay một cái tên người Mỹ nào đứng đằng sau một công ty bình phong không phải là điều đơn giản.

Ngoài ra, còn một giải thích khác nữa theo nhà kinh tế Mỹ Gabriel Zucman ở thành phố Berkeley là bản thân Mỹ đã là một địa điểm hàng đầu cho các công ty bình phong và người trung gian bị nhắc tới trong “Hồ sơ Panama”. Các bang như Nevada có tới 1.260 công ty được liệt kê trong tài liệu rò rỉ, còn bang Wyoming vốn có luật doanh nghiệp lỏng lẻo là một “thiên đường trốn thuế” hoàn hảo không kém Panama. Theo ông Zucman, có một bộ phận ngân hàng và công dân Mỹ đã lợi dụng kẽ hở trong hệ thống để rửa tiền, trốn thuế mà không cần phải ra nước ngoài.

Nga giấu mặt sau “Hồ sơ Panama”

Trong khi đó, ông Clifford Gaddy, một nhà kinh tế làm việc cho Viện Brookings, một trong những chuyên gia phương Tây hàng đầu về kinh tế Nga và là cựu cố vấn của Bộ Tài chính Nga trong những năm 1990, lại cho rằng Nga đứng đằng sau vụ rò rỉ thông tin.

Ông Gaddy chỉ ra một số luận điểm đăng trên trang web của Viện Brookings. Thứ nhất, một tin tặc do chính phủ Nga hậu thuẫn đã viết thư cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung để cung cấp tài liệu rò rỉ. Thứ hai, hầu như không có mấy thông tin trong “Hồ sơ Panama”, kể cả thông tin bạn thân tham nhũng, có thể làm ảnh hưởng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng vụ việc lại ảnh hưởng tới sự ổn định của phương Tây. Trước đây, ông Putin còn bị phương Tây cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng hơn. Thứ ba, có hàng núi thông tin trong “Hồ sơ Panama” khiến các lãnh đạo thế giới lao đao và điều này khẳng định một điều ở đâu cũng có tham nhũng, không chỉ ở riêng Nga. Thứ tư, không có tên người Mỹ nổi bật nào trong “Hồ sơ Panama” có thể là do các thông tin này đã bị xóa trong tài liệu đưa cho tờ Süddeutsche Zeitung, được Nga giữ lại để tống tiền sau này.

Chốt lại, ông Gaddy phân tích: Mục đích của người đứng sau “Hồ sơ Panama” không phải là nhằm vào những người đã bị nêu tên, mà nhằm vào những người chưa bị nêu tên. Câu chuyện thực sự nằm ở những thông tin đang bị ém lại, chứ không phải thông tin đã được bung ra. Người ta tiết lộ bí mật để phá hủy, che giấu bí mật để kiểm soát. Ông Putin không phải là người phá hủy mà là người kiểm soát. Thông điệp của phía Nga có thể là: “Chúng tôi có thông tin về hành vi tài chính mờ ám của ông. Chúng tôi có thể giữ bí mật hộ nếu ông hợp tác”.

Tuy nhiên, các luận điểm của ông Gaddy đã khiến giới quan sát tình hình Nga không phục. Ví dụ như bà Karen Dawisha, một học giả cũng nghiên cứu kỹ về nạn tham nhũng ở Nga, đã nói: Dù rất kính trọng ông Gaddy nhưng ý kiến mới nhất của ông nói trên không thuyết phục bà. Về phần mình, Tổng thống Putin cho rằng “Hồ sơ Panama” có mục đích làm nước Nga bất ổn và chắc chắn có người bảo trợ cho vụ rò rỉ thông tin này.

Riêng về ICIJ - hiệp hội nhà báo điều tra điều phối nghiên cứu “Hồ sơ Panama”, nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về động cơ của hiệp hội này. Đây là một tổ chức do Trung tâm minh bạch Công (CPI, Mỹ) bảo trợ về tài chính và tổ chức. Những người chống lưng cho ICIJ gồm có Quỹ Ford, Quỹ Carnegie Endowment; Quỹ W.K. Kellogg Foundation; Viện Xã hội mở (của trùm tài phiệt G.Soros). ICIJ lại là một thành viên của Đề án Điều tra tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP), được chính quyền Mỹ bảo trợ tài chính thông qua Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Mỹ (USAID). Do được chính quyền Mỹ tài trợ nên người ta không thể không nghi ngờ ICIJ sẽ phục vụ lợi ích Mỹ trong vụ “Hồ sơ Panama”. Tuy nhiên, giám đốc ICIJ Gerard Ryle cho biết có một bức tường lửa giữa hiệp hội và nhà tài trợ và hiệp hội không chấp nhận tiền từ những nguồn muốn kiểm soát các bài báo.

Cho dù ai đứng đằng sau và với động cơ gì thì vụ “Hồ sơ Panama” cũng đã trở thành vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất lịch sử và những diễn biến chắc chắn sẽ chưa dừng tại đây.

Theo Thùy Dương (Báo Tin Tức)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/ho-so-panama-bi-mat-tien-ban-ky-cuoi-ai-dung-sau-giat-day-880969.html