Hồ sơ những con tàu cá 'biến hình'

Chiếc tàu đánh cá siêu trọng Trondheim ngày đêm qua lại trên bờ biển Tây Phi để kéo lên những mẻ cá thu, cá trích nặng trĩu. Từ Nigeria đến Mauritania, người dân sống bên bờ biển đã quá quen với lá cờ Cameroon bay phấp phới trên boong tàu Trondheim.

Vậy nhưng Trondheim không phải một chiếc tàu gốc Cameroon. Khi còn mang tên cũ là King Fisher, con tàu này treo cờ quốc đảo St. Vincent và Grenadines. Tàu King Fisher sau đó đổi tên và đổi luôn lá cờ hiệu sang quốc kỳ Georgia. Trondheim chỉ mới chưng cờ Cameroon từ năm 2019 đến nay.

Bằng việc tùy tiện “bán” quyền đăng ký tàu cá ở nước mình, Cameroon bị cho là đã và đang “gia nhập” nhóm các quốc gia che chở cho tàu đánh cá ngoại quốc thực hiện hành vi phi pháp. Đây là hành vi có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với những môi trường tự nhiên mà cả sinh kế của người dân ven biển.

Chính những người đánh bắt hải sản ở Cameroon là nạn nhân của tàu cá nước ngoài chưng cờ Cameroon.

Chính những người đánh bắt hải sản ở Cameroon là nạn nhân của tàu cá nước ngoài chưng cờ Cameroon.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Theo một cuộc điều tra của hãng tin AP, trong số 80 tàu cá hạng nặng được đăng ký tại Cameroon trong vòng một năm qua, 18 con tàu nằm dưới quyền sở hữu của các công ty nước ngoài ở Cyprus, Latvia, Bỉ, và Malta. Chuyên gia luật hàng hải Beatrice Gorez nhận xét về kết quả cuộc điều tra: “Tất cả đều tựu chung về lá cờ. Khi đã nâng cờ của một quốc gia như Cameroon lên tàu mình, các chủ tàu muốn làm gì trên biển cũng được”.

Theo thông lệ hàng hải thế giới, chủ tàu ở quốc gia này có thể đăng ký tàu của mình ở quốc gia khác. Vì thế mới có chuyện những chiếc tàu của Mỹ, Nhật, Úc lại treo quốc kỳ của Barbados, Séc hay Anguilla. Ngay cả một quốc gia không có biển như Mông Cổ cũng có những chiếc tàu đánh cá, tàu container treo cờ của họ. Hiện tượng này trong ngành được gọi bằng thuật ngữ “Flag Of Convenience” (FOC) và là một cách để nhiều quốc gia kiếm được những khoản thu ngân sách từ chủ tàu.

Vậy đổi lại các chủ tàu nhận được gì? Tàu dựng cờ của nước nào thì phải tuân thủ luật hàng hải của nước đó và các công ước về biển mà quốc gia đó đã ký kết. Đây chính là kẽ hở lớn của FOC. Chủ tàu sẽ chọn đăng ký tàu ở các quốc gia có hệ thống luật pháp hàng hải lỏng lẻo, lại không tham gia các hiệp ước quốc tế. Vậy là họ có thể tự do thực hiện những hành vi phi pháp như đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt hay buôn lậu.

Lá cờ Cameroon trên một chiếc tàu cá nước ngoài.

Bà Beatrice Gorez là Giám đốc hoạt động của Liên minh Công bằng trong khai thác thủy sản (CFFA), một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu ngăn chặn việc cạn kiệt nguồn thủy sản vì khai thác quá mức. Bà trả lời hãng tin AP: “Cameroon đang là một đầu mối quan trọng của “mạng lưới ngầm” đánh bắt thủy sản trái phép. Chỉ từ 2019 đến 2021 đã có đến 125 tàu đánh cá châu Âu khác nhau đăng ký ở Cameroon. Với việc chính quyền Cameroon không muốn và không có đủ nguồn lực để giám sát hoạt động đánh cá xa bờ, những con tàu nói trên đang làm lợi từ việc “vượt rào” các quy định về đánh bắt cá bền vững”.

Nhà sinh học Aristide Takoukam, sáng lập viên Tổ chức Bảo vệ động vật biển có vú châu Phi (AMMCO), cảnh báo: “AMMCO đã thu thập đủ bằng chứng minh một số tàu đánh cá treo cờ Cameroon, Liberia, Panama và quần đảo Marshall tổ chức đánh bắt trái phép trên các vùng biển được bảo vệ. Vậy nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi đưa những cá nhân, tổ chức sở hữu các con tàu này ra tòa.

Luật pháp các nước kể trên không quy định chủ tàu phải ghi chép đánh bắt được bao nhiêu cá thuộc chủng loại này, hay ai là người hưởng lợi trực tiếp từ sản phẩm đánh bắt. Nếu lỗ hổng này tiếp tục được để mở thì chỉ trong vòng mười năm tới, dân số các loại cá di cư tại Cameroon sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi xuống số không”.

Liên minh châu Phi (AU) từ lâu đã ra cảnh báo Cameroon phải có những hành động “mạnh tay” để nhanh chóng giải quyết vấn đề lạm dụng FOC để đánh bắt trái phép. Bản báo cáo mới nhất từ AU cho biết không ít quan chức Cameroon đã nhận hối lộ để “quay mặt làm ngơ” trước hành vi phi pháp của tàu cá nước ngoài. Theo lời khai của một nhân chứng: “Thông qua đầu mối ở đại sứ quán các nước châu Âu, một chủ tàu có thể trả từ 3000 đến 7000 USD để được đăng ký tàu của mình tại Cameroon. Chỉ một phần ba số tiền này được dùng để trả các khoản phí theo quy định. Phần còn lại sẽ được các đối tượng trong đường dây đút túi”.

Trước đó vào năm 2020, đài truyền hình quốc gia Canada CBC đã phát hiện tập đoàn khai thác, chế biến thủy sản Oceanic Fisheries N.B. của nước này đã chuyển 31 triệu USD vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau ở châu Âu. Chủ các tài khoản này được phát hiện là người nhà của một số quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Chăn nuôi & Ngư nghiệp, và Cơ quan Trọng tài hàng hải Cameroon.

Sau khi bản báo cáo trên được công bố, Ủy ban Châu Âu đã ra thẻ vàng cảnh báo ngành thủy sản Cameroon.

Những quốc gia như Cameroon và Luxembourg gần như không có chính sách kiểm soát tàu biển mang cờ quốc gia mình.

Những mảnh đời tan tác

Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc khai thác thủy sản trái phép không ai khác ngoài Cameroon và chính những ngư dân của họ. Nguồn lợi thủy sản ở Tây Phi trong nhiều năm trở lại đây vốn đã suy giảm nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, nay lại chịu thêm gánh nặng khai thác quá mức. Các tàu cá nước ngoài thường xuyên thả những tấm lưới cỡ bằng sân vận động xuống rồi kéo lê trên trên mặt biển. Cách khai thác này không những tận diệt nhiều loài thủy sản mà còn phá hủy rạn san hô, khiến các giống cá cua không còn nơi ở nữa.

Bà Julien Dadau, Cố vấn cao cấp của Tổ chức bảo vệ môi trường EJF, phát biểu trước Quốc hội châu Âu: “Trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, việc sử dụng lưới kéo đã gần như phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái dưới nước của Biển Bắc. EU đã sớm nhận ra nguy cơ này và nhanh chóng ban bố lệnh cấm sử dụng lưới kéo. Nay các cá nhân, doanh nghiệp châu Âu lại đang sử dụng lưới kéo để tận diệt hệ sinh thái biển Tây Phi. Chúng ta không thể chỉ vì hải sản giá rẻ mà tiếp tục áp dụng “quy chuẩn kép” được”.

Ngoài vấn đề môi trường, một mối lo lớn khác của các tổ chức phi chính phủ là sinh kế của người dân. Ước tính có đến 26,8% dân số Cameroon sống nhờ nghề đánh bắt cá. Cá đã bị tàu nước ngoài đánh bắt hết, ngư dân Cameroon chỉ biết tay không đứng than trời. Chưa hết, số thủy sản khai thác sẽ không được đem ra bán ở Cameroon mà bị chuyển đến châu Âu. Tại một đất nước nghèo như Cameroon, cá biển là nguồn protein chính của nhiều gia đình. Nguy cơ suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực đang hiện hữu rõ đối với đất nước Tây Phi này.

Tài nguyên hải sản đang ngày càng trở nên cạn kiệt vì nạn đánh bắt trái phép.

Anh Simeon Oviri là thế hệ thứ tư làm nghề chài lưới tại ngôi làng đánh cá Youpwe ở ngoại ô thành phố Douala. Anh kể: “Một tàu bằng thép của họ trong một ngày có thể bắt được số cá bằng 1.000 tàu gỗ của chúng tôi. Họ còn có thể hoạt động ngày đêm được, còn chúng tôi chịu nhiều lắm bốn ngày là phải trở về bờ để tiếp thêm nhiêu liệu. Chúng tôi không có cách nào cạnh tranh được với tàu nước ngoài”.

Anh Simeon thuộc về một số ít những ngư dân Cameroon vẫn còn bám chịu với nghề đi biển. Nhiều người khác đã phải bỏ nghề, khăn gói đưa gia đình lên thành phố để tìm kế sinh nhai mới. Những ngôi làng đánh cá như Youpwe đang đứng trước nguy cơ trở thành “làng ma” vì chỉ còn người già và trẻ em ở lại.

Người dân Cameroon đang mất dần sự kiên nhẫn. Vào ngày 26-6 vừa qua, một đoàn người biểu tình đã kéo nhau đi từ nhà Quốc hội đến trụ sở Bộ Chăn nuôi & Ngư nghiệp Cameroon tại thủ đô Yaoundé. Họ phản đối việc để tàu cá nước ngoài tận thu nguồn lợi thủy sản quốc gia, khiến cho nhiều người dân mất kế sinh nhai và đẩy giá thực phẩm lên cao. Trước đó tại thành phố cảng Bota đã xảy ra sự việc một nhóm ngư dân xông vào xưởng sửa chữa tàu và đốt cháy một chiếc tàu đánh cá Tây Ban Nha. Bởi vì Bota là một thành phố du lịch nổi tiếng nên chính quyền địa phương sau đó phải đưa lời khuyên khách du lịch nước ngoài tránh đi khỏi nơi mình tạm trú.

Cách duy nhất để chính phủ Cameroon xoa dịu được công chúng và giải quyết vấn đề trước mắt là kết thúc chính sách FOC. Cứ dựa theo phản ứng của Yaoundé thì có vẻ họ không muốn làm điều này. Trong khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Cameroon tuyên bố chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát hoạt động đánh bắt ngoài khơi nước này, họ cũng ra thông cáo sẽ cắt giảm 35% ngân sách cấp cho cơ quan giám sát thuộc Bộ Chăn nuôi & Ngư nghiệp. Niềm hy vọng duy nhất của người dân Cameroon và những tổ chức quốc tế tại thời điểm này là các đối tác thương mại lớn như EU ra sức ép buộc Yaoundé phải giải quyết ngay vấn nạn tàu cá nước ngoài lợi dụng FOC để tận thu nguồn lợi thủy sản.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ho-so-nhung-con-tau-ca-bien-hinh-i663912/