Hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp thi công xây dựng công trình được quy định thế nào?

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội tư vấn những quy định của pháp luật về việc lập, lập thẩm định hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp thi công xây dựng công trình…

Độc giả Trần Thanh Tuấn đã gửi câu hỏi tới Báo Công lý có nội dung: Việc lập, thẩm định hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp thi công xây dựng công trình có bắt buộc phải đưa tiêu chí Nhà thầu phải có “chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng” quy định tại Nghị định số 42/2017/NĐ-CP hay không?

Về vấn đề này, Báo Công lý đã tham khảo ý kiến luật sư tư vấn cho bạn Tuấn và độc giả những quy định của pháp luật như sau:

Theo quy định tại Điều 148 Luật xây dựng 2014 thì quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng là cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp; Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng được phân thành hạng I, hạng II, hạng III do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực đồng thời tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật.

 Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Đối với hoạt động Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng thì trước đây, Điều 151 quy định Điều kiện của tổ chức lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng là phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng phù hợp với công việc lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng. Theo đó chứng chỉ năng lực của tổ chức được hướng dẫn bởi Điều 62 Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên từ ngày 01/01/2017 thì Điều 151 đã được bãi bỏ bởi điểm b khoản 3 Điều 2 Luật 03/2016/QH14 sửa đổi bổ sung điều 6 và phụ lục 4 Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Theo đó tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng không còn phải cung cấp chứng chỉ năng lực của tổ chức lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng.

Cũng theo đó thì các hoạt động xây dựng có điều kiện chỉ còn bao gồm: Kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; Kinh doanh dịch vụ khảo sát xây dựng, Kinh doanh dịch vụ tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; Kinh doanh dịch vụ tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình; Kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình; Hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài; Kinh doanh dịch vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Kinh doanh dịch vụ kiểm định chất lượng công trình xây dựng; Kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; Kinh doanh dịch vụ lập thiết kế quy hoạch xây dựng; Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện.

Vướng mắc ở đây là Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 về sửa đồi bổ sung một điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP hiện đang còn hiệu lực quy định tổ chức khi tham gia các lĩnh vực sau đây phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng: Khảo sát xây dựng; Lập quy hoạch xây dựng; Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; Tư vấn quản lý dự án; Thi công xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng; Kiểm định xây dựng; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Như vậy với quy định này thì hoạt động Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng lại yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

Như vậy nếu có 2 văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau thì sẽ áp dụng ra sao? Theo quy định tại khoản 2 điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về áp dụng văn bản pháp luật như sau: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Như vậy trường hợp này sẽ áp dụng quy định tại Luật 03/2016/QH14 sửa đổi bổ sung điều 6 và phụ lục 4 Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Theo đó pháp luật không yêu cầu tổ chức hoạt động lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng phải có chứng chỉ năng lực về lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng.

Cho đến nay thì các nhà làm luật đã sửa đổi hệ thống pháp luật để phù hợp với nhau, theo đó quy định tại Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 nêu trên hiện đã được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 về sửa đổi bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ xây dựng.

Theo đó Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng: Khảo sát xây dựng, bao gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình; Lập quy hoạch xây dựng; Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, bao gồm: Thiết kế kiến trúc công trình; thiết kế kết cấu công trình dân dụng - công nghiệp; thiết kế cơ - điện công trình; thiết kế cấp - thoát nước công trình; thiết kế xây dựng công trình giao thông; thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Thi công xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng công trình.

Như vậy là yêu cầu cần chứng chỉ năng lực không bao gồm các tổ chức lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng. Nghị định này sẽ có hiệu lực pháp luật vào ngày 15/9/2018 tới đây.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-luat/tu-van-phap-luat/ho-so-moi-thau-cac-goi-thau-xay-lap-thi-cong-xay-dung-cong-trinh-duoc-quy-dinh-the-nao-264800.html