Hồ sơ mật: Những điệp viên xấu số – Phần 1

Trong thực tế hoạt động, không phải tất cả các điệp viên đều thành công và thậm chí không ít điệp viên xấu số còn bị bỏ rơi, bị bắt, bị truy tố và chịu án tù.

“Tôi bị lột hết quần áo và bị trói vào một chiếc ghế rất cứng, tay vẫn bị còng. Vây quanh tôi là ba, bốn người đàn ông to lớn mặc đồng phục. Một gã cầm dùi cui đứng phía sau… Tất cả bọn họ liên tục thét vào mặt tôi: "Đồ phản bội!"

Đó là những gì điệp viên nhị trùng giấu tên “M” kể lại và được Phó giáo sư lịch sử thế giới Eleni Braat tại Đại học Utrecht và nhà nghiên cứu Ben de Jong tại Đại học Leiden (Hà Lan) ghi chép và đăng trên tờ Independent của Anh ngày 27-9-2022. “M” từng làm việc cho cơ quan an ninh Hà Lan, CIA và cả Stasi (Bộ An ninh Quốc gia Cộng hòa dân chủ Đức) trong suốt 22 năm trong “cuộc so găng tình báo” thời Chiến tranh Lạnh.

Trở thành điệp viên nhị trùng

Sự nghiệp tình báo của “M” bắt đầu từ cuối những năm thập niên 1960 khi được cơ quan an ninh Hà Lan BVD (tiền thân của AIVD ngày nay) tuyển. Khi đó, “M” đang làm việc cho một công ty đa quốc gia của Hà Lan và công việc đó sẽ tiếp tục là một bức bình phong hiệu quả cho hoạt động điệp báo của “M” do nó giúp “M” có cơ hội di chuyển liên tục ra nước ngoài một cách hợp pháp. Khi biết “M” cũng được cơ quan tình báo ngoại tuyến (HVA) của Stasi tuyển, CIA lập tức tìm đến đặt vấn đề.

Và một cách tự nhiên như vậy, “M” đã trở thành điệp viên hai mang, nói đúng hơn là “ba mang”, trong suốt hơn 20 năm, làm việc cho cả BVD, Stasi và CIA.

Berlin là một chiến trường lớn của lực lượng tình báo các nước trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty

Berlin là một chiến trường lớn của lực lượng tình báo các nước trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty

Việc “M” đồng ý kể lại câu chuyện của mình cho 2 học giả Eleni Braat và Ben de Jong xuất phát từ việc “M” muốn tìm hiểu lý do tại sao sau nhiều năm qua mặt được Stasi, cơ quan này lại đột nhiên quay lưng lại với ông ta vào giữa những năm 1980. Có vẻ như cuộc thẩm vấn mà “M” phải trải qua với Stasis trên thực tế chỉ là một vở kịch được dựng lên chỉ để kiểm tra dũng khí của ông ta. Nhưng điều đó cũng đã đủ khiến “M” suy nghĩ về việc Stasi đã bắt đầu nghi ngờ mình. Và điều nghi vấn này càng ngày càng lớn lên trong đầu “M” trong suốt những tháng năm sau đó, đủ để trở thành một nỗi ám ảnh cho điệp viên bị bỏ rơi này.

Theo “M” thì chỉ một rò rỉ nào đó trong nội bộ CIA mới có thể giải thích được điều ông ta nghi ngờ. Rất có thể một điệp viên hai mang trong CIA làm việc cho KGB đã bán thông tin về ông ta cho Liên Xô. Trong Chiến tranh Lạnh, KGB phối hợp rất chặt chẽ và chia sẻ thông tin với Stasi. Trong phỏng vấn với Phó giáo sư Eleni Braat và nhà nghiên cứu Ben de Jong, “M” đã đề cập đến khả năng một kẻ nào đó như điệp viên nhị trùng khét tiếng Aldrich Ames từng làm cho KGB ngay trong lòng CIA từ năm 1985 đến 1994 có thể là người đã rò rỉ thông tin về “M” cho Stasi.

Thử thách hay bị lộ?

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở ở Hà Lan, “M” học một năm tại một trường trung học ở Mỹ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong quân đội Hà Lan, “M” bắt đầu làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia. Với công việc thường xuyên đi lại giữa các quốc gia châu Âu và một số nước châu Phi, châu Á, “M” dễ dàng xây dựng các mối quan hệ với các nhân vật từ nhiều quốc gia khác nhau phục vụ công việc thu thập thông tin tình báo cần thiết.

Nhiệm vụ ban đầu của “M” là thâm nhập các tổ chức cực đoan trong nước. Tuy nhiên, năm 1981, BVD đã chuyển giao “M” cho CIA do các hoạt động điệp báo của ông ta đã vượt quá phạm vi quốc gia Hà Lan và vươn ra tầm quốc tế. Trong khi đó, cơ quan Stasi tiếp cận “M” ngay từ mùa đông năm 1967-1968 trong khi ông ta đang theo một khóa thực tập sinh tại Israel.

Đầu năm 1985, Stasi có vẻ như đã phát hiện ra hoạt động của “M” phục vụ các cơ quan tình báo phương Tây. Khi đó, “M” đang ở Đông Berlin. 4 giờ sáng, khi vẫn còn say giấc thì đột nhiên “M” bị dựng dậy và đưa lên một chiếc xe tải dưới sự áp tải của nhiều người mang vũ khí, chạy thẳng đến một nhà tạm giam. Tại đây “M” bị lột sạch quần áo và kiểm tra xem có giấu bất cứ thứ gì khả nghi trên cơ thể hay không, rồi sau đó được đưa đến phòng thẩm vấn.

Cho đến tận năm 1985, “M” vẫn là một điệp viên nhị trùng đã dày dạn kinh nghiệm và xử lý rất tốt mối quan hệ công việc với hai sĩ quan hoạt động của Stasi là Wolfgang và Heinz. Chính vì vậy, ông ta không hề chuẩn bị chút tâm thế nào cho một cuộc thẩm vấn “điên rồ” tại một trại tạm giam như vậy.

“M” nói: “Trong hoàn cảnh trên người không mảnh vải và phải đi dọc hành lang đến phòng thẩm vấn, bạn sẽ mất hết tinh thần và cảm thấy bất lực...” Trong hoàn cảnh đó, “M” đã liên tục thầm đọc trong đầu câu thần chú “Không được thỏa hiệp...” và tự nhủ không được phép khai nhận bất cứ điều gì.

Cho đến giờ, câu hỏi tại sao Stasi lại tiến hành một cuộc thẩm vấn khắc nghiệt đến vậy với “M” vẫn chưa có câu trả lời. Phải chăng HVA đã nghi ngờ “M” sau khi nhận được thông tin từ một điệp viên nhị trùng nào đó của KGB đang làm việc cho CIA? Hay đó chỉ là một cách Stasi kiểm tra tinh thần của “M”, để xem họ có thể tin tưởng vào ông ta hay không trong trường hợp xảy ra một tình huống tương tự? Dù chưa có câu trả lời, nhưng với “M”, ý nghĩ về khả năng bị một điệp viên nhị trùng CIA bán đứng ngày càng lớn.

Stasi lưu trữ thông tin của hơn 10 triệu người trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty

Được thả

Thế rồi cuộc thẩm vấn kỳ lạ cũng kết thúc đột ngột và kỳ lạ như cái cách nó bắt đầu. Wolfgang và Heinz, hai đặc vụ Stasi phụ trách lưới điệp báo của “M”, bất ngờ bước vào phòng, thân mật: “Xin chúc mừng! Anh đã vượt qua bài kiểm tra. Bây giờ anh là một thành viên trong tổ chức của chúng tôi!”

“M” được cởi trói, cho tắm rửa và mặc quần áo. Sau đó ông ta được đưa đến một ngôi “nhà mật” (nhà được thuê hoặc mua với mục đích thực hiện các hoạt động điệp báo) khác. Tại đây, “M” thậm chí lại còn được trao tặng Huân chương vì thành tích xuất sắc của Quân đội nhân dân quốc gia (Verdienstmedaille der Nationalen Volksarmee). Người trao huân chương lại chính là người đứng đầu HVA Markus Wolf huyền thoại, người được mệnh danh là “Kẻ vô diện”. Cuộc gặp đó với Wolf kéo dài khoảng một giờ.

Cùng lúc làm việc cho cả ba cơ quan tình báo của Hà Lan, Mỹ và Đức, “M” là một trường hợp điển hình để so sánh cách hành xử của các cơ quan này đối cùng một đối tượng điệp viên. Điều trái khoáy là chính những người “M” theo dõi, tìm cách đánh cắp thông tin tại Stasi lại là những người duy trì mối quan hệ gắn bó và chân thành nhất với “M”. Và cũng chính hai người này đã tiến hành cuộc thử thách ghê gớm nói trên với ông ta.

“M” cho biết: “Họ rất biết cách tặng quà. Có lần tôi mua một cuốn chuyện cổ tích rất đẹp ở Đan Mạch, và một thời gian sau họ đã kiếm cho tôi một cuốn tương tự để làm quà. Tôi thậm chí còn được họ tặng huân chương. Thế nhưng BVD thì chẳng bao giờ tặng chiếc huân chương nào cho những cống hiến của tôi, thậm chí ngay cả một chiếc bút bi cũng không. Năm 1970, tôi kết hôn. Sáu tháng sau, tôi còn được nhận đủ thứ quà tặng đặc biệt mừng đám cưới từ Wolfgang và Heinz”.

Thế nhưng BVD thì khác. Nhiều năm sau này, khi được tiếp cận hồ sơ của chính mình ở BVD, “M” phát hiện ra rằng BVD quyết định không tặng quà đám cưới cho ông vì ông đã kê khai và chi tiêu quá nhiều tiền trong quá trình hoạt động.

Bị bỏ rơi sau nhiều năm phục vụ

Đột nhiên từ năm 1988, mối quan hệ giữa “M” và các đặc vụ Stasi cứ lạnh nhạt dần đi, khiến ông ta lo lắng, không hiểu mình đã để lộ ra thân phận của mình hay đã làm điều gì bất cẩn. Đầu năm 1990, Cơ quan an ninh Stasi hủy cuộc hẹn đã đặt lịch trước và chính thức từ đây, sự nghiệp của một điệp viên nhị trùng chấm dứt, không kèn không trống, không một tiếng súng. Chỉ đơn giản là không còn kết nối.

Người đứng đầu HVA huyền thoại Markus Wolf trao huân chương cho điệp viên xấu số “M”. Ảnh: Getty

Điều này một lần nữa khiến “M” rơi vào ám ảnh. Cảm giác này trước đây “M” đã từng trải qua khi BVD giao ông ta cho CIA sử dụng khi thấy ông không còn hữu ích cho họ nữa. Giữa những năm của thập niên 2010, khi tiếp cận được bộ hồ sơ tại BVD của chính mình, “M” đã hết sức kinh ngạc khi xem lại tài liệu BVD chuyển giao “M” cho CIA vào năm 1981. Theo tài liệu này thì từ thời điểm đó trở đi BVD sẽ không còn chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với ông ta nữa. “M” đã bị bỏ rơi kể từ ngày ấy.

Năm 2016, khi có vấn đề về sức khỏe tâm lý, “M” phải nhập viện cấp cứu. Khi đó, “M” đã xin sự hỗ trợ của AIVD (tiền thân là BVD) trong việc điều trị. Sau 9 ngày, “M” nhận được câu trả lời từ bộ phận pháp lý của AIVD nói rằng “…Cơ quan không có cơ sở trợ giúp tâm lý nào như ông yêu cầu. Lời khuyên của chúng tôi là liên hệ với bác sĩ đa khoa riêng để có thể giúp ông thường xuyên liên hệ với bác sĩ trị liệu”.

Từng làm việc cho 3 cơ quan tình báo của 3 nước khác nhau, những ngày cuối đời của “M” lại chẳng được như mong đợi. Sau ngày Chiến tranh Lạnh kết thúc, chẳng cơ quan nào trong số những cơ quan tình báo từng sử dụng và lợi dụng “M” đoái hoài đến bất cứ một chút lợi ích nào của ông ta. Thế nhưng “M” vẫn còn có một kết cục khá “nhẹ nhàng” so với nhiều điệp viên khác khi thân phận bị bại lộ trong cuộc chiến thông tin tình báo khắc nghiệt này.

(Còn nữa)

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ nhiều nguồn, gồm Times of India, Independent, Reuters, Wall Street Journal...)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-nhung-diep-vien-xau-so-phan-1-711917