Hồ sơ mật: Lý do điệp viên Sidney Reilly của Anh bị xử tử ở Nga

Điệp viên Sidney Reilly của tình báo Anh đã bị nhà nước Xô viết bắt giữ vào ngày 27/9/1925 và xử bắn một thời gian ngắn sau đó.

Cuộc đời của điệp viên Reilly vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Tuy nhiên có một điều khá rõ về người này: ông ta có mối quan hệ sâu sắc với Nga, bắt đầu từ khi sinh ra và kết thúc bằng nỗ lực ám sát lãnh tụ cách mạng Lenin.

Reilly là điệp viên của Cơ quan Mật vụ Anh. Reilly có gốc gác Nga và dành cả đời để chống chế độ XHCN ra đời trên lãnh thổ Nga vào năm 1917 nhưng cuối cùng đã thất bại và phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.

Mang nhiều tên

Chân dung điệp viên khét tiếng Reilly. Ảnh: Getty.

Reilly kể cho những người khác nhau những câu chuyện khác nhau về quá khứ của gã. Y lúc thì tự nhận là một mục sư Ireland, lúc lại là con cháu của một gia đình quý tộc Nga nào đó, tùy thuộc vào đối tượng mà y nói chuyện. Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các sử gia nhất trí rằng y sinh vào năm 1873, trong một gia đình Do Thái ở Odessa hoặc một nơi nào đó ở miền tây Ukraine (khi đó thuộc Đế chế Nga).

Họ thật của y là Rosenblum, còn phần tên riêng vẫn là một bí mật. Các nguồn thông tin khác nhau gọi y là Semyon, Sigmund, hoặc Georgi. Năm 1896, Rosenblum tới London, nơi y kết hôn với một phụ nữ gốc Ireland và đổi tên thành Sidney Reilly.

Điệp viên nhị trùng/tam trùng

Các chuyên gia về tiểu sử của Reilly vẫn tranh cãi về việc liệu trước Cách mạng tháng Mười, y đã là gián điệp của Anh hay chưa. Y thì nhớ rằng mình bắt đầu sự nghiệp trong ngành đặc vụ Anh vào thập niên 1890 nhưng sử gia Andrew Cook, tác giả cuốn Ace of Spies: The True Story of Sidney Reilly, cho rằng y có thể đã nói dối.

Thành phố Petrograd, Nga, năm 1918. Ảnh: Global Look Press.

Như nhiều nhà sử học đề cập, Reilly không đáng tin cậy. Y được cho là làm gián điệp cho cả người Anh và người Nhật trong cuộc Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Khi làm việc ở Nga vào năm 1906, y bắt mối với giới cách mạng Nga, đồng thời hoạt động cho mạng lưới tình báo Anh và Sa hoàng.

Trong khi vung tiền để mua chuộc trong hoạt động của mình, Reilly cũng không quên giữ cho tài khoản ngân hàng của bản thân ngày một nhiều thêm vì y mê đắm cuộc sống sung túc, có đàn bà và được đánh bạc. Vào đầu Thế chiến 1, một trong các điệp viên của Cục Mật vụ Anh báo cáo như sau: “Chúng tôi coi anh ta không đáng tin cậy và không phù hợp cho công tác này”.

Mưu đồ đảo chính tại Nga

Mặc dù bị đồng nghiệp nhận xét vậy, Reilly lại giành được sự tin tưởng của cả chính trị gia Anh Winston Churchill và Mansfield Cumming – lãnh đạo đầu tiên của tổ chức tiền thân của MI6 (tình báo đối ngoại Anh). Các lãnh đạo Anh thấy Reilly có sức lôi cuốn, táo bạo và cực kỳ thành thạo trong công việc của mình. Do vậy vào năm 1917, Reilly được cử sang Nga, nơi luôn khiến y hứng thú.

Sống ẩn danh ở đó, Reilly cố gắng tuyển một số điệp viên nhị trùng quan trọng. Ngoài ra, Reilly còn xoay sở để có được một tấm thẻ Cheka (cơ quan an ninh của chính quyền Bolshevik) giúp y vào ra được điện Kremlin. Reilly quyết định rằng cách tốt nhất để đánh bại phe Bolshevik là tiêu diệt các lãnh đạo chủ chốt của họ, như Vladimir Lenin.

Cùng với các điệp viên Anh khác, Reilly xây dựng kế hoạch đảo chính. Các trung đoàn Latvia bảo vệ các yếu nhân của đảng Bolshevik được họ kỳ vọng sẽ quay mũi súng vào chính những người Bolshevik. Chỉ huy của các đơn vị này, Eduard Berzin, hứa sẽ làm vậy và được người Anh trả 1,2 triệu ruble (tương đương 38.700 USD vào năm 1918).

Nhưng thực tế là Berzin chẳng có ý định đâm sau lưng người Bolshevik. Ông ta chỉ giả vờ vậy thôi, theo lệnh của chính Cheka. Sau khi Berzin rút trọn khối tiền lớn từ tay người Anh, giới chức Bolshevik mới vạch trần âm mưu của các nhà ngoại giao Anh và đột kích vào Đại sứ quán Anh ở Nga. Reilly buộc phải chạy trốn sang châu Âu.

Điệp vụ cuối cùng

Điệp viên Reilly tiếp tục nỗ lực phá hoại chế độ Xô viết. Y dành vài tháng trong năm 1918 sống ở miền nam nước Nga, nơi các lực lượng Bạch vệ (chống Bolshevik) đóng tập trung. Y cố gắng thuyết phục London giúp phe Bạch vệ về mặt kinh tế và quân sự.

Nhưng các nỗ lực trên chỉ rơi vào vô vọng. Phe Bạch vệ thua trận và vài năm sau, an ninh Bolshevik cũng dò ra được Reilly.

Vào tháng 9/1925, Reilly vượt biên giới Liên Xô-Phần Lan để gặp các đầu mối từ tổ chức chống cộng “Trust”. Trên thực tế, “Trust” là một tổ chức giả hoàn toàn, do OGPU (cơ quan an ninh kế thừa Cheka) dựng lên để câu nhử các kẻ thù của Liên Xô ở hải ngoại.

Bất chấp kinh nghiệm dày dạn và sự giảo hoạt, Reilly vẫn bị sập bẫy cùng những kẻ khác. Y đã bị hành quyết bên trong một cánh rừng gần thủ đô Moscow vào tháng 11/1925.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/ho-so-mat-ly-do-diep-vien-sidney-reilly-cua-anh-bi-xu-tu-o-nga-885654.html