Hồ sơ mật: Cuộc tập trận suýt khơi mào cho chiến tranh hạt nhân - Chiến tranh thế giới thứ ba

Một cuộc tập trận năm 1983 của phương Tây đã đẩy thế giới tiến gần tới ngưỡng cửa của Chiến tranh thế giới thứ ba, một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt loài người. May thay, điều đó đã không xảy ra.

Tình huống như thật

Ngày 7-11-1983, khoảng 100 sĩ quan quân đội cấp cao có mặt tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ để cùng tham gia chỉ đạo tình huống giả định về Chiến tranh thế giới lần ba - một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đây là cuộc tập trận thường niên mang tên Able Archer (tạm dịch: Thiện xạ) với sự tham gia của 40.000 quân từ các nước thành viên NATO trên phạm vi rộng khắp Tây Âu.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Chiến tranh lạnh leo thang đến đỉnh điểm. Đầu năm đó, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khởi xướng kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược mang bí danh “Star Wars” (tạm dịch: Chiến tranh giữa các vì sao) vốn luôn bị Liên Xô phản đối. Về phần mình, Liên Xô cũng thông báo sẽ có những biện pháp đáp trả. Các quốc gia ở hai phía “bức màn sắt” cũng đang trong quá trình triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung. Quan hệ giữa khối Hiệp ước Warszawa và NATO “căng như dây đàn”.

Binh sĩ NATO tham gia huấn luyện tại Đức vào tháng 9-1983. Ảnh: Getty Images

Binh sĩ NATO tham gia huấn luyện tại Đức vào tháng 9-1983. Ảnh: Getty Images

Able Archer 1983 là cuộc tập trận chiến thuật điều động binh sĩ và khí tài nhằm kiểm tra, đánh giá và nâng cao năng lực chỉ huy chiến đấu trong tình huống NATO bị tấn công. Tình huống được thiết kế trên địa bàn thực tế với quân đội và vũ khí thật di chuyển như đang trong một cuộc chiến tranh hạt nhân thật, được điều phối bởi các hệ thống truyền thông được mã hóa. Mục đích của Able Archer 1983 nhằm thử nghiệm kênh liên lạc giữa Bắc Mỹ và châu Âu trong quá trình chuyển từ chiến tranh thông thường sang chiến tranh hạt nhân nếu chiến tranh thế giới lần thứ ba bùng nổ.

Theo kịch bản, bất ổn tại khu vực Trung Đông có nguy cơ chặn đứng nguồn cung dầu của Liên Xô. Trong khi đó, Nam Tư - quốc gia trung lập trong Chiến tranh lạnh - đã quyết định ủng hộ phương Tây khiến Moscow lo ngại về làn sóng các nước Đông Âu theo chân Nam Tư rời khỏi khối Hiệp ước Warszawa để sang NATO.

Mở màn tình huống giả định là việc quân Cam (Orange Forces - các nước khối Hiệp ước Warszawa) vượt biên giới, tiến vào Nam Tư, rồi sau đó tràn sang khu vực Scandinavia và Tây Âu. Bị áp đảo, quân Xanh (Blue Forces - các nước thành viên NATO) buộc phải rút lui. Khi không thể ngăn chặn đà tiến quân của quân Cam, chính phủ các nước phương Tây cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân một cách hạn chế. Lực lượng NATO phóng một tên lửa hạt nhân tầm trung, xóa sổ thủ đô Kiev của Ukraine khỏi bản đồ thế giới. Và khi vũ khí hạt nhân vẫn không thể ngăn chặn được quân Cam, Bộ chỉ huy Tối cao quân Đồng minh ở châu Âu (SACEUR) yêu cầu giải phóng các kho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Phần lớn thế giới bị phá hủy. Hàng tỷ người thiệt mạng. Nền văn minh nhân loại theo đó cũng diệt vong.

Cuộc tập trận được tổ chức rầm rộ trên quy mô lớn với nhiều căn cứ không quân của Anh được huy động như Greenham Common, Brize Norton và Mildenhall. Xe tăng, máy bay chiến đấu và bộ binh mang mặt nạ phòng độc xuất hiện liên tục tại khu vực gần biên giới các nước Đông Âu. Phía Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân Pershing II đến sát biên giới Ba Lan. Một số căn cứ của Không quân Mỹ còn luyện tập di chuyển vũ khí có các đầu đạn hạt nhân giả trông như thật ra khỏi kho chứa. Chưa dừng lại ở đó, sự kiện còn “thực tế” đến mức khi báo động hạt nhân được nâng lên mức cao nhất, lãnh đạo các nước như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl cũng tham gia diễn tập trú ẩn, chỉ huy.

Cuộc tập trận kéo dài 4 ngày kết thúc tốt đẹp. Các tướng lĩnh ra về và chúc mừng nhau về thành công của sự kiện này mà không hề hay biết rằng, nó đã suýt chút nữa khơi mào Chiến tranh thế giới lần thứ ba giữa phương Tây và Liên Xô. Hậu quả do cuộc tập trận kéo theo chỉ tường minh sau khi được giải mật.

Able Archer 1983 trong khuôn khổ cuộc tập trận quy mô lớn Autumn Forge 1983 của NATO đã suýt khơi mào cho Chiến tranh thế giới thứ ba - một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt loài người. Ảnh: Getty Images

Lằn ranh đỏ mong manh

Theo Dự án Đạo luật tự do thông tin (Dự án FOIA) thuộc Trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thủ đô Washington, D.C, vào thời điểm đó, nhiều tài liệu xác nhận rằng Liên Xô thực sự lo sợ phương Tây sẽ tấn công hạt nhân. Điện Kremlin ngày càng khó phân biệt một cuộc tập trận với một cuộc tấn công thực sự. Bên cạnh đó, bối cảnh căng thẳng cộng thêm tính chất cuộc tập trận quá sát với thực tế tình hình địa chính trị lúc bấy giờ khiến cho lực lượng điệp viên nằm vùng của Liên Xô nghĩ rằng NATO đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh và rất có thể một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân sẽ nhằm vào Moscow.

Trước đó, từ tháng 2-1983, cơ quan tình báo Liên Xô - KGB đã triển khai chiến dịch mang tên RYaN (Raketno-Yadernoye Napadenie) nhằm tìm kiếm, xác định các dấu hiệu khả nghi của một vụ tấn công hạt nhân từ phương Tây. Vì vậy, mọi động thái chuẩn bị cho cuộc tập trận Able Archer năm đó đều được các điệp viên KGB ghi nhận và xem như dấu hiệu của sự chuẩn bị của NATO nhằm vào Moscow.

Chính vì vậy, khi cuộc tập trận bắt đầu, Điện Kremlin đã nhanh chóng triển khai hành động ứng phó. Quân đội Liên Xô được lệnh lắp vũ khí hạt nhân cho hàng chục máy bay ở Đông Đức và Ba Lan. Khoảng 70 tên lửa SS-20 Saber mang đầu đạn hạt nhân cũng được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các biện pháp phòng thủ dân sự cũng được nâng lên ở mức chưa từng thấy. Theo tài liệu “The Soviet War Scare” (tạm dịch: Nỗi sợ chiến tranh của Liên Xô) do Ban cố vấn tình báo nước ngoài của Tổng thống Mỹ soạn thảo vào năm 1990, dường như Moscow đã chuẩn bị toàn diện cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Binh sĩ Liên Xô tại một cuộc tập trận vào đầu thập niên 1980. Nguồn: Getty Images

May thay, nhờ thông tin từ một điệp viên hai mang Oleg Gordievsky (vốn là của KGB, sau làm việc cho cơ quan tình báo Anh MI6), quân đội Anh phát hiện ra phản ứng mạnh mẽ bất thường từ phía Liên Xô và thông báo cho phía Mỹ. Họ nhanh chóng nhận ra rằng Moscow coi Able Archer 1983 là vỏ bọc cho hành động chiến tranh. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher chỉ đạo khẩn trương thông báo cho phía Mỹ về việc Liên Xô có thể hiểu lầm về một cuộc tấn công bất ngờ của NATO đối với Moscow. Tổng thống Mỹ Reagan liền ra lệnh rút các vũ khí hạng nặng và tên lửa hạt nhân. Chỉ khi cuộc tập trận kết thúc, Liên Xô mới kết thúc tình trạng trực chiến. “Ngòi nổ” Chiến tranh thế giới lần ba đã được tháo gỡ.

Với Able Archer 1983, phương Tây đã không tính toán kỹ đến khả năng phản ứng của Moscow. Theo báo cáo hậu tập trận từ Ủy ban Tình báo liên quân (JIC) của Anh, sai lầm của NATO là nghĩ rằng Liên Xô cùng lắm sẽ chỉ tổ chức một cuộc tập trận tương tự để đáp lại, trong khi trên thực tế, mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu đi trông thấy. Ông Paul Dibb, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Australia nhận định, cuộc tập trận Able Archer 1983 còn “nóng” hơn cả sự kiện Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Các tài liệu do Chính phủ Mỹ giải mật cũng tiết lộ thời điểm diễn ra cuộc tập trận, phương Tây và Liên Xô đã tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết.

Sau sự việc này, NATO “rút kinh nghiệm” bằng cách thường xuyên thông báo cho Moscow về các hoạt động tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân nhằm tránh xảy ra những hiểu lầm nguy hiểm tương tự. Căng thẳng giữa hai bên giảm dần. Tổng thống Mỹ Reagan và Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev sau đó đã bắt tay xây dựng một loạt hiệp ước cắt giảm vũ khí.

Lễ duyệt binh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga tại Quảng trường Đỏ vào ngày 7-11-1983. Ảnh: Getty Images

Nguy cơ vẫn hiển hiện

Mặc dù 4 thập kỷ trôi qua kể từ cuộc tập trận Able Archer 1983 nhưng đây vẫn luôn là bài học cảnh tỉnh cho thế giới. Chỉ một sự hiểu lầm giữa các cường quốc hạt nhân mà nhân loại đã đứng trước “lằn ranh đỏ” của một cuộc đại chiến hủy diệt. Thậm chí, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) còn đánh giá, nếu ngày nay xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự, nguy cơ hiểu lầm như thời kỳ 1983 sẽ còn lớn hơn.

Lo ngại đó không phải là không có căn cứ khi thế giới tiếp tục đứng trước kịch bản “hạt nhân hóa xung đột”. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2001 và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019. Trong khi đó, “số phận” của Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng giữa Nga và Mỹ - vẫn còn để ngỏ. Hiện Nga đã đình chỉ tham gia New START.

Thế giới vẫn đối mặt với nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân. Ảnh: Slate

Nếu New START sụp đổ hoặc hai bên không gia hạn trước tháng 2-2026, đây sẽ là dấu chấm hết hơn nửa thế kỷ thực hiện các hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa Moscow và Washington - hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. Khả năng Nga và Mỹ ngồi xuống đàm phán một hiệp ước mới thay thế New START là rất thấp trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng về vấn đề Ukraine và có cáo buộc lẫn nhau ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

MINH ANH (tổng hợp từ Live Science, Nuclear Museum, War on the Rocks)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-cuoc-tap-tran-suyt-khoi-mao-cho-chien-tranh-hat-nhan-chien-tranh-the-gioi-thu-ba-725662