Hồ sơ cảnh sát quốc tế: Bão ma túy 'càn quét' thiên đường du lịch ở khu vực Thái Bình Dương

Đó là con đường vận chuyển ma túy trị giá hàng tỷ USD mà bạn chưa từng nghe đến: cocaine và methamphetamines được đóng gói, vân chuyển bẳng thuyền từ Mỹ và Mỹ Latinh đến Australia qua các đảo ở Nam Thái Bình Dương - những nơi thường được biết đến là thiên đường du lịch nghỉ dưỡng.

Những con số đáng báo động

Trong 5 năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn, có khi lên đến hàng tấn, hành trình xuyên Thái Bình Dương đến Australia. Bị "kẹt" và bị ảnh hưởng trong tuyến đường này là nhiều quốc gia như Fiji, Vanuatu, Papua New Guinea, Tonga…. Hàng trăm kg cocaine đã dạt vào các bãi biển ở Thái Bình Dương xa xôi. Những con tàu chứa đầy ma túy mắc cạn trên các rạn san hô.

Cảnh sát Australia đã thu giữ khoảng 7,5 tấn cocaine được vận chuyển trong các tàu nhỏ đi qua khu vực Thái Bình Dương đến Australia trong 5 năm qua.

Cảnh sát Australia đã thu giữ khoảng 7,5 tấn cocaine được vận chuyển trong các tàu nhỏ đi qua khu vực Thái Bình Dương đến Australia trong 5 năm qua.

Tiến sĩ Andreas Schloenhardt, giảng viên Luật Hình sự tại Đại học Queensland cho biết, Thái Bình Dương được biết đến là điểm trung chuyển ma túy trong nhiều thập kỷ nhưng trong thời gian gần đây, các băng nhóm tội phạm gia tăng sử dụng lộ trình này. Kể từ năm 2014, Cảnh sát liên bang Australia (AFP) đã thu giữ khoảng 7,5 tấn cocaine được vận chuyển trong các tàu nhỏ đi qua khu vực, hướng hành trình đến Australia.

Vào năm 2004, Cảnh sát đã thu giữ 120kg cocaine trên một bãi biển ở Vanuatu. Vào thời điểm đó, đây là vụ thu giữ số lượng ma túy lớn nhất trong một quốc gia nằm ở khu vực Thái Bình Dương. 9 năm sau, cảnh sát đã phát hiện và thu giữ số lượng ma túy lớn gấp sáu lần.

Kể từ năm 2016, đã có 6 vụ bắt giữ ma túy lớn ở Polynesia. Vào năm 2017, một chiếc du thuyền đã bị chặn lại gần New Caledonia với 1,464 tấn cocaine được giấu trong thân tàu. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng đã thu giữ 1,4 tấn cocaine trong một chiếc thuyền ở ngoài khơi bờ biển phía đông Australia. Mỗi lô hàng này trị giá hơn 200 triệu USD.

"Khu vực Thái Bình Dương đang bị cuốn vào cơn bão ma túy. Australia và New Zealand là nơi có tỷ lệ sử dụng cocaine bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. Hai quốc gia này cũng là nơi mà ma túy được mua với giá cao, khoảng 180 bảng Anh/gram, cao hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới", Tiến sĩ Andreas Schloenhardt nói.

Được biết, ma túy được vận chuyển đến Australa qua một loạt phương tiện bao gồm tàu chở hàng, tàu du lịch và đường hàng không. Một tiếp viên hàng không người Ukraine đã bị bắt vào tháng 12-2018 vì vận chuyển ma túy vào Australia. Vào tháng 3/2019, AFP bắt giữ hai người đàn ông, trong đó có một nhân viên tại sân bay Sydney vì cáo buộc là mắt xích trong một đường dây buôn lậu ma túy.

Việc áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo bảo an ninh hàng không, thắt chặt kiểm soát hải quan sân bay ở nhiều quốc gia khu vực Thái Bình Dương và thực tế có ít chuyến bay trực tiếp giữa Mỹ Latinh và Australia, New Zealand nên việc vận chuyển ma túy qua Thái Bình Dương ngày càng trở nên phổ biến. "Điều không may là Thái Bình Dương ở trung tâm của con đường vận chuyển này", ông Tevita Tupou, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hải quan Châu Đại Dương nói.

Gia tăng đáng kể số người nghiện ma túy

Một số quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương bắt đầu chứng kiến nghiện sự gia tăng đáng báo động về số người nghiện ma túy, băng đảng tội phạm cũng như tình trạng cảnh sát tham nhũng. Ông Brett Kidner, người từng là sĩ quan liên lạc cao cấp của AFP ở khu vực Thái Bình Dương từ năm 2016 đến đầu năm 2019 cho biết, trong thời gian ở Suva, ông thấy ảnh hưởng rõ ràng của ma túy đối với cuộc sống của người dân khu vực Thái Bình Dương.

"Ban đầu, họ cho rằng, ma túy chỉ là vấn đề đáng lo ngại của Australia và New Zealand. Cuối cùng, các quốc gia bắt đầu thấy sự gia tăng đáng kể số lượng người sử dụng ma túy trong nước. Tôi chắc chắn rằng, số lượng người sử dụng ma túy đã tăng mạnh ở Fiji, Tonga, Samoa…", ông Brett Kidner nói.

Ông Sitiveni Qiliho đã phục vụ hơn 25 năm trong quân đội Fiji và tham gia lực lượng cảnh sát vào tháng 11-2015. Bắt đầu từ đây, ông tham gia vào một trận chiến mới khi Fiji trở thành điểm dừng chân cho những kẻ buôn bán ma túy vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp qua Thái Bình Dương.

Ông Sitiveni Qiliho cho rằng, việc vận chuyển ma túy xuyên quốc gia qua Thái Bình Dương không phải là nguyên nhân duy nhất của tình trạng gia tăng số người nghiện ở khu vực Thái Bình Dương. Ngành công nghiệp du lịch đang bùng nổ và người dân có thu nhập tốt hơn, có tiền để mua ma túy sử dụng cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng này.

Trong nhiều tháng qua, ông Sitiveni Qiliho đã tự lặn biển để tìm kiếm những thùng cocaine trị giá hàng triệu USD, bắt giữ những kẻ buôn bán ma túy trên biển và thông báo cho cộng đồng sống trên đảo xa rằng, những gói hàng bí ẩn trôi dạt trên bãi biển là cocaine và không nên nướng thành bánh hoặc cho vào trà. "Chúng tôi đã từng triển khai chiến dịch "Vavuraka" - nhổ bỏ những cây cần sa và giờ đây, không chỉ có "ma túy xanh", chúng tôi phải tiếp tục cuộc chiến với "ma túy trắng" (cocaine và methamphetamine)", ông Qiliho nói.

Không có dữ liệu về số người sử dụng ma túy hoặc nghiện ma túy ở Fiji. Không có trung tâm cai nghiện, phòng khám methadone, chuyên gia sức khỏe chăm sóc người nghiện ma túy ở Fiji. Nếu muốn cai nghiện, người nghiện sẽ được đưa đến bệnh viện tâm thần St Giles ở Suva. Báo cáo của bệnh viện St Giles cho hay, từ tháng 5/2017 - 4/2018, gần 20% bệnh nhân được điều trị vì lạm dụng chất gây nghiện, chủ yếu là nghiện methamphetamines.

Theo T. Phạm/cstc.cand

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/ho-so-canh-sat-quoc-te-bao-ma-tuy-can-quet-thien-duong-du-lich-o-khu-vuc-thai-binh-duong/20190721090841914