'Họ sẽ không tháo chuồng cọp trên nóc nhà ra đâu'

'Sau vụ cháy, người dân quanh đây có thể ý thức hơn, nhưng họ sẽ không tháo những chiếc chuồng cọp trên nóc nhà ra đâu', bà Hoa, một người dân sống ở phố Tôn Đức Thắng, nói.

"Đêm qua cả nhà phải đi ngủ nhờ", ông Trần Trọng Thủy, tổ trưởng tổ dân phố, nói khi dẫn phóng viên đi lên cầu thang ướt sũng của căn nhà số 309 Tôn Đức Thắng. Mùi trầm hương nồng khắp các phòng. Chủ nhà tiến gần đến cửa sổ, nhìn sang tầng tum căn nhà số 311, nơi 4 nạn nhân vừa chết cháy.

Đêm hỏa hoạn xảy ra, ông Thủy cầm búa tạ lao sang phá cửa nhà hàng xóm. Ông cũng hô hào khu phố tập kết bình cứu hỏa. Nhưng khi cửa cuốn nhà 311 được phá, ngọn lửa hừng hực đã cản chân những người không có trang phục chống cháy như ông.

'Chuồng cọp' tràn lan tại các khu tập thể cũ Tình trạng người dân tự cơi nới, làm "chuồng cọp" diễn ra tràn lan ở Hà Nội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt về phòng cháy chữa cháy.

Bịt lối thoát thân

Từ tầng 4 nhà ông Thủy có thể thấy mặt sau căn nhà số 311 tiếp giáp với tòa nhà Quận ủy Đống Đa. Mái tum căn nhà bị cháy chỉ cách ban công trụ sở chính quyền khoảng 1 m.

Xem hình ảnh hiện trường, trung tá Nguyễn Tuấn Anh (Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học PCCC) nhận định gia đình này sẽ có thêm cơ hội sống nếu bố trí lối thoát hiểm thông sang ban công căn nhà phía sau.

 Nóc tầng tum của căn nhà bị cháy chỉ cách ban công tòa nhà Quận ủy Đống Đa khoảng 1 m. Ảnh: Ngọc Tân.

Nóc tầng tum của căn nhà bị cháy chỉ cách ban công tòa nhà Quận ủy Đống Đa khoảng 1 m. Ảnh: Ngọc Tân.

Theo đánh giá của chuyên gia PCCC, chủ nhà có thể làm thang sắt xuyên qua nóc mái tôn để trèo sang tòa nhà tiếp giáp. Ô cửa trên nóc có thể khóa lại để ngăn trộm đột nhập.

"Trong các tài liệu tuyên truyền về PCCC đều nhắc đến kỹ năng thoát hiểm bằng cách leo qua các tòa nhà lân cận. Nếu nhà quây chuồng cọp, giải pháp phổ biến nhất là tạo sẵn ô cửa có bản lề và móc khóa. Chìa khóa phải đặt cố định ở nơi dễ tiếp cận", trung tá Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, ở khu phố này, không phải gia đình nào cũng để tâm đến việc thoát nạn. Ông Thủy cho biết tổ dân phố có hơn 250 hộ chủ yếu là nhà ống, mái quây chuồng cọp. Nhưng chỉ có căn nhà 7 tầng xây mới đây có thiết kế thoát hiểm. Những căn nhà còn lại đều xây từ lâu, sau đó cơi nới. Còn người dân thường tận dụng mọi ngóc ngách trong nhà để chứa hàng hóa.

Sợ trộm hơn sợ lửa

Vụ trộm từng xảy ra trên phố Tôn Đức Thắng được ông Thủy nhắc đến như để giải thích cho việc người dân bịt kín ban công và tầng tum. Kẻ đột nhập đã khoắng hết đồ đạc trong 7 căn nhà.

Sau lần đó, chuồng cọp, song sắt được nhiều nhà dựng lên.

Ông Thủy đặt bình chữa cháy tại các tầng để phòng hỏa hoạn. Ảnh: Mỹ Hà.

Gác thượng nhà ông Thủy cũng có chuồng cọp kiên cố nhưng có thêm lối thoát. Vị tổ trưởng dân phố nói nhiều năm rồi, nơi đây không bị trộm "nhảy tum", nhưng tâm lý người dân vẫn cảnh giác.

"Rồi anh sẽ thấy sau vụ cháy, người dân quanh đây có thể ý thức hơn, nhưng họ sẽ không tháo những chiếc chuồng cọp trên nóc nhà ra đâu. Mỗi ngày đọc tin tức trộm chỗ nọ, cướp chỗ kia, làm sao họ an tâm được", bà Hoa, người dân ở phố Tôn Đức Thắng, nói.

Người phụ nữ này cũng thừa nhận gác thượng nhà bà là chuồng cọp. Thiết kế này có thể gây hại khi xảy ra sự cố nhưng nỗi sợ trộm đột nhập vẫn thường trực. Những ám ảnh từ các vụ trộm đâm chém, giết người khiến chuồng cọp ngày càng kiên cố hơn.

"Nếu đi kiểm tra thì phạt hết cả phường"

Trao đổi với Zing, vị trưởng công an một phường nằm trên đường Đê La Thành (Hà Nội) cho biết thực trạng người dân sống trong nhà ống có tầng thượng quây kín rất phổ biến trên địa bàn.

Từ khi Nghị định 136/2020 được ban hành, lực lượng cảnh sát khu vực của phường đã có thêm quyền hạn trong việc đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.

Đối với hộ kinh doanh, công an khu vực yêu cầu trong nhà phải có bình chữa cháy, đường dây điện phải được bố trí với chiều cao đúng quy định, nơi thờ cúng phải được đặt xa các vật dễ cháy...

Những căn nhà "không lối thoát" phổ biến trên đường Đê La Thành. Ảnh: Duy Anh.

"Chúng tôi đủ thẩm quyền bước vào một nhà dân, quan sát các điều kiện PCCC và ra quyết định xử phạt nếu vi phạm. Nhưng vấn đề là làm thế thì phạt hết cả phường", vị chỉ huy khẳng định.

Cán bộ này cho biết những căn nhà mới xây thường được bố trí luôn hệ thống chữa cháy, thoát hiểm. Nhưng mặt đường Đê La Thành hầu hết là nhà cũ, thiết kế từ ngày xưa, không tính tới lối thoát hiểm hoặc lối thoát đã bị cơi nới làm nơi chứa hàng hóa.

Cán bộ công an cấp phường chỉ có thể kiểm đếm những nội dung đơn giản như trang bị bình chữa cháy. Để kiểm tra việc bố trí đường dây điện hợp lý hay chưa, lối thoát hiểm ở đâu... cần có sự phối hợp của cảnh sát PCCC cấp quận.

Còn với ông Trần Trọng Thủy, bước ra khỏi hiện trường vụ cháy làm 4 người chết, ông nghẹn giọng khi nhớ lại những năm tháng tuyên truyền phòng cháy.

"Khi nhận văn bản của phường về việc vận động mua bình cứu hỏa, tôi bỏ tiền túi ra để photo...", ông Thủy kể và cho biết những giấy tờ tuyên truyền được mang đến từng nhà. Năm nào, người dân cũng ký cam kết phòng cháy nhưng tai họa vẫn ập đến.

Ngọc Tân - Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ho-se-khong-thao-chuong-cop-tren-noc-nha-ra-dau-post1201226.html