Hộ nuôi heo nhỏ lẻ hờ hững việc truy xuất nguồn gốc

Những trang trại lớn, quy mô hiện đại dễ tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc TE-FOOD của Sở Công Thương TP.HCM. Nhưng những hộ nhỏ, lẻ, chỉ nuôi vài con heo (lợn) thì truy xuất thế nào?

Vấn đề này đang là nỗi lo chung của nhiều hộ chăn nuôi tại TP.HCM cũng như vùng Đông Nam Bộ. Một khi bị loại khỏi chuỗi cung cấp thực phẩm chính cho thị trường TP.HCM, những hộ này sẽ càng khó khăn hơn.

Nhà nông, thương lái còn e ngại

Những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ khó tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương sắp thí điểm. Ảnh: T.H

Phải đến từng nhà để vận động!

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, việc tham gia truy xuất nguồn gốc thịt heo để đảm bảo chất lượng sản phẩm là xu thế bắt buộc trong tương lai. Thế nhưng, việc vận động những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia sản xuất VietGAHP, truy xuất nguồn gốc… rất khó khăn. Hiệp hội có lúc phải cử người đến từng nhà, vận động đến “năm lần, bảy lượt” mới có kết quả.

Chưa đầy 3 tuần nữa, chương trình sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để tra cứu thông tin nguồn gốc thịt heo của Sở Công Thương TP.HCM sẽ “chạy” thí điểm. Nhiều tháng qua, TP.HCM đã gấp rút hoàn tất các khâu chuẩn bị, phổ biến thông tin, tập huấn cho các trang trại, doanh nghiệp… Thế nhưng, khi được hỏi tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Mai - hộ chăn nuôi ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết không biết gì và không có ý định sẽ tham gia đề án TE-FOOD.

Bà Mai cho biết, gia đình làm ruộng, chăn nuôi chỉ vài chục con heo thịt để có thêm thu nhập. Việc nuôi rồi bán xưa nay cũng chỉ thông qua thương lái. Hơn nữa, việc chăn nuôi của gia đình bà khá bấp bênh, nhiều khi giá xuống thấp, lỗ nhiều, bà chỉ còn đủ khả năng để mua 15 – 20 heo giống. Việc nuôi heo của bà cũng rất “truyền thống”, không áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP hay chăn nuôi an toàn…

Trong khi đó, để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm thịt heo, TP.HCM ưu tiên chọn các đơn vị đạt chuẩn VietGAP. Ngoài ra, cơ sở chăn nuôi tham gia chương trình phải cam kết cung ứng đủ số lượng, đúng chủng loại hàng hóa đã đăng ký. Do đó, với bà Mai, việc tham gia truy xuất nguồn gốc heo còn khá xa vời.

Không chỉ bà Mai, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ khác trong vùng cũng khá e ngại về chương trình. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhận định, các thương lái cũng như những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa mặn mà với chương trình.

Đặc biệt, khoảng 150 thương lái kinh doanh thịt heo ở thị trường TP.HCM nhưng chưa có cá nhân nào tham gia đề án này. Theo ông Hòa, thương lái là người làm ăn tự do, không đăng ký kinh doanh, không có pháp nhân, việc kêu gọi đối tượng này tham gia vào thực hiện đề án là rất khó vì họ sợ đụng chạm đến quyền lợi cá nhân vốn gắn bó nhiều năm qua.

Sẽ tìm cửa “lách”

Dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa mặn mà, nhưng ông Hòa khẳng định, trong tương lai, các đối tượng này cũng phải tham gia. Ông Hòa cho biết, TP.HCM quyết tâm thực hiện bằng được chương trình này, dù còn thiếu sót, khó khăn thì sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dần. “Chúng tôi đang tìm phương án để hỗ trợ các đối tượng đơn lẻ, sản xuất nhỏ này tham gia vào đề án với mục tiêu đặt ra là thực hiện được nền công nghiệp sản xuất thực phẩm sạch trong tương lai” - ông Hòa khẳng định.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, là nguồn cung cấp chính thịt heo cho thị trường TP.HCM, Sở NNPTNT tỉnh này cũng đang ráo riết tập huấn, kêu gọi, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tham gia chương trình. Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai thông tin, để phối hợp tốt với TP.HCM thực hiện đề án này, tỉnh có chủ trương tất cả các trang trại và lò mổ phải từng bước chuyển đổi theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo yêu cầu của đề án.

Cái khó của Đồng Nai là bên cạnh gần 1.700 trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn, Đồng Nai cũng còn hàng chục nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm hơn 30% tổng đàn heo của tỉnh. Nếu không có biện pháp liên kết, hợp tác, đối tượng này có nguy cơ bị loại ra khỏi “cuộc chơi”.

Để khắc phục, ông Báu cho biết, sau khi có chủ trương phối hợp với TP.HCM thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo, Sở NNPTNT Đồng Nai yêu cầu các hộ chăn nuôi này phải tự liên kết lại, hợp tác với nhau để hình thành các HTX, tổ hợp tác hoặc nhóm chăn nuôi. Các tổ, nhóm này có quy mô từ 20 – 25 hộ chăn nuôi nhỏ, có trách nhiệm làm đầu mối thu mua tập trung để tạo ra một lượng hàng hóa đủ lớn cung ứng cho các lò giết mổ, từ đó mới có thể tham gia đề án. Đây cũng là cách khắc phục nhược điểm sản xuất nhỏ lẻ để có thể lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/ho-nuoi-heo-nho-le-ho-hung-viec-truy-xuat-nguon-goc-725881.html