Họ nỗ lực để cứu bệnh nhân Covid-19

Iris Lê (1994) làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide, Australia. Cô từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu Áo dài của Adelaide Nam Australia. 'Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái' là nhật ký của Iris Lê khi chữa trị bệnh nhân Covid-19 và những câu chuyện buồn vui sau 6 năm gắn bó nghề y.Mọi buồn, vui của các y, bác sĩ cứ lên xuống theo biểu đồ hình sin hoặc điện tâm đồ. Nó thay đổi thất thường theo con số thống kê ca nhiễm Covid-19 mới.

Năm 2020 được khởi đầu bằng tin tức không mấy xán lạn về ca bệnh đầu tiên do chủng virus mới gây ra tại Trung Quốc, khiến cả thế giới sống trong sợ hãi. Trong những ngày này, nhân loại đang trải qua một mùa diệt vong đúng nghĩa.

Con virus nhỏ bé đến nỗi chúng ta không thể nhìn thấy đã làm đảo lộn trật tự thế giới một cách ngoạn mục, mọi mặt từ đời sống kinh tế xã hội. Xét về sự an nguy của nhân loại, đây lại là bản án tử!

Con virus này có thể vô lương tâm và vô đạo đức, nhưng tuyệt nhiên rất công bằng. Từ quan chức đến chị công nhân quyét đường, từ người danh gia vọng tộc đến kẻ cơ hàn hay một ngôi sao điện ảnh, đều có nguy cơ nhiễm ngang nhau.

Virus corona không chừa một ai. Ngay cả siêu cường quốc Mỹ cũng lao đao vì tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, nước đến chân mới nhảy. Các quốc gia hầu như đều ngụp lặn trong khủng hoảng khi bị Covid-19 viếng thăm.

Thế giới có những thói quen mới chưa từng thấy trong lịch sử, người ta đứng cách xa nhau một mét rưỡi, ra đường người và người nhìn nhau e ngại. Chưa bao giờ một tiếng ho bình thường nơi công cộng lại đáng sợ như một bộ phim kinh dị như thế.

Người Australia thường rất tự hào về sự phát triển toàn diện của mình, trong đó có hệ thống y tế tiên tiến nhất, nhì trên thế giới, nên rất thờ ơ trước bệnh dịch.

Họ quên mất rằng hệ thống y tế ở Australia trước dịch đã đạt đến sức chứa tối đa và các bệnh viện luôn chủ trương cho bệnh nhân xuất viện sớm nhất có thể để giữ cho dòng chảy xuất nhập được lưu thông đều đặn, không bị tình trạng ứ đọng bệnh nhân dẫn đến thiếu giường.

Lúc nào cũng sẽ có người cần giường, huống hồ ở thời điểm dịch bệnh hoành hành, mặc dù cán bộ y tế là những người liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng, làm việc điên cuồng, cố gắng cứu chữa cho nhiều người càng tốt. Họ chạy nước rút trong cuộc đua marathon với virus.

 Sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái. Ảnh: Q.M.

Sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái. Ảnh: Q.M.

Mia vừa đến chỗ làm thì thấy mọi người đang đứng túm tụm lại với nhau. Mặt ai nấy đều hồ hởi khác thường.

- Có chuyện gì vậy? Mia hỏi.

Một cậu y tá nói:

- Chị nghe tin gì chưa? Nghe nói là người ta đã có vaccine cho virus corona rồi đấy, đã thử nghiệm trên người ở và thành công rồi!

- Thật hả? Mia mừng rỡ há hốc.

- Thật, không tin thì chị thử hỏi…

- Ê! Mọi người ơi, tới đây nhanh lên, có tin tức nè. Faith hô lớn, tay đang đặt trên con chuột của màn hình vi tính. Trên màn hình là kênh thời sự số 9 của Australia.

Mọi người bu đen bu đỏ lại trước chiếc màn hình nhỏ xíu, không chỉ có y tá, mà còn có những cô lao công và nhân viên kho đứng lại xem. Ai cũng cố im lặng không dám thở để dỏng tai nghe ngóng vì âm lượng của máy tính không đủ lớn.

Trên màn hình, giáo sư Griffin với chiếc kính màu xanh côban nổi bật đồng điệu với chiếc áo vest cùng màu đang được phỏng vấn:

- Vaccine đã được thử nghiệm và nghiên cứu tại Mỹ và được Paul Griffin, một giáo sư về bệnh truyền nhiễm và vi trùng học tin tưởng vào tính tiềm năng của loại vaccine mới này. Xin chào giáo sư, ông nghĩ thế nào về loại vaccine này ạ?

- Ôi hay quá! Chúng ta sắp được cứu rồi! Một cô lao công vừa reo lên thì đã nghe một tiếng suỵt khẽ.

- Khẽ thôi! Để người ta nghe tiếp!

Tẽn tò, cô lao công bỏ đi chỗ khác. Trên màn hình, Paul Griffin giảng giải rành mạch:

- Chúng ta vẫn phải tiến đến các giai đoạn kế tiếp của thử nghiệm lâm sàng và phải đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của vaccine trước khi bước vào giai đoạn kế tiếp. Chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để làm mọi thứ một cách năng suất và hiệu quả nhất có thể. Tôi dự đoán vaccine sẽ được sản xuất đại trà trong vòng mười tám tháng nữa.

- Haizzz... Không hẹn mà gặp, trong phòng vang lên nhiều tiếng thở dài não ruột.

- Tưởng sao. Mười tám tháng nữa thì bệnh nhân không chết, chúng ta cũng chết chắc.

- Đừng nói vậy, họ đã cố gắng hết sức rồi. Nghiên cứu vaccine cũng cần thời gian mà, đâu làm cẩu thả được. Một người lên tiếng bào chữa.

- Nhưng họ phải làm nhanh lên đi. Chỉ trong ngày hôm nay New South Wales tăng lên 83 ca rồi đấy! Cứ tiếp tục thế này, chúng ta sẽ đi theo lối mòn của Anh, Italy mất thôi.

Những câu chuyện tán gẫu thường nhật của những y, bác sĩ đã được thay bằng chủ đề Covid-19. Họ bàn tán với nhau về tiềm năng của những loại vaccine. Họ tranh luận về những biện pháp phòng ngừa và cách ly của chính phủ như lệnh cấm bay, về các tiểu bang tự bế quan tỏa cảng.

Và mọi sự buồn vui của họ cứ lên xuống theo biểu đồ hình sin, hoặc như điện tâm đồ, lên xuống thất thường theo con số thống kê ca nhiễm mới:

- Ê! Hôm nay có 430 ca rồi nha!

- Cái gì? Thôi chết rồi! Lại tăng mạnh nữa rồi! Kiểu này thì chết mất thôi. Tôi lo quá. Mất ngủ cả đêm qua.

Nhưng sang ngày hôm sau:

- Hôm nay có 285 ca! Vẫn nhiều, nhưng đã giảm xuống gần phân nửa rồi. Ít ra thì nó không đi lên mãi.

- Vậy cũng là tín hiệu đáng mừng rồi đấy… Mong là sẽ cứ như thế đi xuống thôi.

Ngày 28/3, New South Wales chạm tâm dịch với 460 ca nhiễm mới. Toàn thể nhân viên trong bệnh viện mặt ai cũng ủ rũ như đưa tang. Họ không biết bản thân còn phải tiếp tục chiến đấu đến bao giờ nữa.

Các y tá có đạo thì cùng nhau cầu nguyện. Khi người ta cảm thấy bế tắc cùng cực, và bất lực trước những nghịch cảnh của cuộc sống, đó chính là khi đức tin của họ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Iris Lê / NXB Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ho-no-luc-de-cuu-benh-nhan-covid-19-post1141512.html