Hồ nghi và hy vọng

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang tiếp tục được cải thiện nhưng xét về thực chất vẫn chưa có điểm đột phá nào. Trong khi CHDCND Triều Tiên mong muốn các nước dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế thì Hàn Quốc và Mỹ lại muốn Bình Nhưỡng phải cố gắng hơn nữa trong việc phi hạt nhân hóa. Giải pháp nào tốt nhất cho cả hai miền Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay?

Trong cuộc gặp mặt trực tiếp lần thứ ba (dự kiến từ ngày 18 đến 20-9 tại Bình Nhưỡng), nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thảo luận về việc thực hiện tuyên bố Panmunjom, ký tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 4-2018 giữa lãnh đạo hai nước ở khu phi quân sự Bàn Môn Điếm.

Theo lời tham mưu trưởng của Tổng thống Hàn Quốc, ông Im Jong Seok, trong chuyến thăm CHDCND Triều Tiên lần này, ông Moon Jae In sẽ gặp ông Kim Jong-un ít nhất 2 lần và nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng đã tiếp phái đoàn Tổng thống Hàn Quốc ngay tại sân bay, một điều hiếm thấy. Theo thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, lãnh đạo của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai và SK cũng có mặt trong phái đoàn chính thức của Tổng thống Moon Jae In đến CHDCND Triều Tiên.

Việc dẫn theo một phái đoàn hùng hậu mà đa phần là các chủ doanh nghiệp, phải chăng Tổng thống Moon Jae In muốn ký kết các văn bản hợp tác kinh tế với CHDCND Triều Tiên? Theo chuyên gia Roman Lobanov của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, sẽ là vô ích khi hy vọng vào những bước đột phá ấn tượng của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba tại Bình Nhưỡng.

“Cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul luôn sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại nhưng sự giảm đáng kể căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên không có bất cứ tác động gì tới các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng của cả Mỹ, Hàn Quốc lẫn Liên Hiệp Quốc. Thực tế này cản trở mọi hình thức hợp tác kinh tế”, ông Lobanov giải thích.

Chuyên gia Nga nói thêm rằng Seoul và Washington không vội vàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, một hành vi mà Bình Nhưỡng không thể hiểu được.

Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul, cũng hoài nghi về kết quả cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều này. “Các bên chắc chắn muốn ký các thỏa thuận kinh tế cụ thể tại hội nghị thượng đỉnh nhưng có lẽ họ sẽ không làm được như vậy. Các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2017 khiến cho mọi dự án hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trở nên bất hợp pháp, ông Lankov dự đoán.

Văn phòng liên lạc Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên được khai trương hôm 14-9-2018.

Dù chưa có được bước đột phá nào trong quan hệ nhưng không thể phủ nhận rằng mối giao hảo giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp hơn. Chỉ vài ngày trước khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra, ngày 14-9-2018, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã chính thức mở cửa văn phòng liên lạc tại khu công nghiệp Kaesong, trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Trong lễ khai trương văn phòng, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc - ông Cho Myoung-gyon tuyên bố: “Một trang mới trong lịch sử đã mở ra tại đây”.

Còn lãnh đạo Ủy ban Tái thống nhất Triều Tiên, ông Ri Son Gwon thì khẳng định văn phòng này là “sự đơm hoa kết trái những nỗ lực của nhân dân hai miền”. Theo Seoul, văn phòng liên lạc Nam - Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ mở cửa 24/24 và trong suốt 365 ngày của năm, để phục vụ cho nhu cầu “tham vấn và trao đổi thông tin” giữa hai miền.

Nếu như Bình Nhưỡng muốn được dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt thì Seoul và Washington lại không vội. Hai cuộc gặp trước đó của các nhà lãnh đạo hai miền, diễn ra hồi tháng 4 và tháng 5-2018, đã đặt nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên hồi tháng 6-2018, mà tại đó Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, tiến độ trong việc thực hiện thỏa thuận Mỹ-Triều đã bị đình trệ khi xảy ra bất đồng về việc bên nào thực hiện trước. Bình Nhưỡng đã có một số cử chỉ nhượng bộ khi cho tháo gỡ một số bãi thử vũ khí, không phô trương tên lửa trong lễ duyệt binh mừng quốc khánh mới đây... nhưng phía Mỹ chưa cho đó là đủ.

Và có lẽ vì cần phải nói với nhau rõ ràng hơn, ngày 14-9, Nhà Trắng đã gợi ra khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ “vẫn luôn quyết tâm thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng đó là trung tâm nỗ lực của Tổng thống Trump để thuyết phục Chủ tịch Kim, rằng phi hạt nhân hóa toàn bộ Bán đảo Triều Tiên là điều cần thiết”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất ở Bàn Môn Điếm.

Nếu như Mỹ khăng khăng đòi CHDCND Triều Tiên phải phi hạt nhân trước khi được dỡ bỏ lệnh cấm thì Hàn Quốc có vẻ mềm dẻo hơn. Trả lời báo chí trước khi bay sang Bình Nhưỡng, ngày 17-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, để thực thi các thỏa thuận, việc xây dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên sẽ là điều cần làm.

Trước tình hình phức tạp của vấn đề Triều Tiên hiện nay, theo ông Victor Cha (người từng được Tổng thống Mỹ chọn làm đại sứ mới tại Seoul vào năm ngoái trước khi Nhà Trắng thay đổi ý kiến), Tổng thống Trump nên hòa nhịp với các nỗ lực của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên - đang tìm cách chính thức kết thúc 68 năm tình trạng chiến tranh giữa hai nước nhân cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 tại Bình Nhưỡng.

Theo chuyên gia này, việc chính thức ký kết hiệp định hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên là một khả năng được Trung Quốc, một tác nhân trong cuộc chiến trước đây ủng hộ và điều đó có thể đặt ông Trump “vào một vị trí rất khó xử” vì lẽ nếu không đồng ý, ông sẽ biến Mỹ thành tác nhân duy nhất trong 4 bên liên can tới cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đây còn đứng ngoài.

Tuy nhiên, ông Victor Cha cũng công nhận rằng đối với ông Trump, việc ủng hộ hiệp định hòa bình lại đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ từ bỏ yêu cầu được nhắc đi nhắc lại là Bình Nhưỡng phải là bên đầu tiên thực hiện các bước cụ thể để từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Theo ông Cha, giải pháp cho vấn đề này là tách hẳn hai hồ sơ và như vậy Tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể đòi hỏi lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un một nhượng bộ đáng kể để có được hiệp định hòa bình, chẳng hạn như việc CHDCND Triều Tiên đồng ý triệt thoái hoàn toàn các loại vũ khí nặng ra khỏi vùng sát biên giới hai miền, ra khỏi tầm bắn vào Seoul.

Đối với ông Cha, nếu Tổng thống Mỹ ủng hộ một hiệp định hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên, ông có thể tự nhận vai trò tác nhân hòa bình xứng đáng với một giải Nobel.

M.T. (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ho-nghi-va-hy-vong-511346/