Hổ mang Su-30SM mang vũ khí mới tiếp nhiên liệu trên không

Trong cuộc tập trận ở vùng Viễn Đông tiêm kích Su-30SM được trang bị các giá treo loại tên lửa mới thuộc lớp 'không đối không' R-77-1.

Trong cuộc tập trận ở vùng Viễn Đông của Nga các đã diễn ra bài bay đêm kèm theo nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không. Trong cuộc diễn tập này có sự tham gia của hơn 30 phi công lái máy bay tiêm kích và máy bay ném bom.

Tiêm kích Su-30SM thể hiện khả năng nạp nhiên liệu trên không khi mang theo loại tên lửa mới.

Các máy bay tham gia đã bay ở tốc độ hơn 500 km/h tiếp cận gần máy bay chở dầu tiếp nhiên liệu trên không 4 động cơ Il-78 (được phát triển dựa trên Il-76), loại máy bay này có khả năng tiếp đến 2 tấn nhiên liệu mỗi phút.

Công việc huấn luyện bay và tiếp nhiên liệu được diễn ra ở độ cao từ 4000 đến 5000 m.

Tất cả số máy bay tiêm kích Su-30SM và MiG-31 cũng như máy bay ném bom Su-24 đã được nạp khoảng 3 tấn nhiên liệu. Điều đáng chú ý là loại vũ khí trang bị mới trên Su-30SM.

Theo các chuyên gia của kênh truyền hình “Russia 24tv” tiết lộ, trong cuộc tập trận này máy bay tiêm kích Su-30SM (theo chuyên gia gọi là “người bảo vệ bầu trời”) được trang bị một hệ thống treo tên lửa AKU-170.

Thiết bị này được thiết kế để treo loại tên lửa có điều khiển tầm trung thuộc lớp “không đối không” R-77-1 với đầu tự dẫn bằng radar, hoạt động chủ động theo nguyên lý Dopple.

Tên lửa R-77-1 là một biến thể của R-77 (theo phân loại của NATO là AA-12 Adder), phạm vi hoạt động lên đến 110 km.

Các cuộc thử nghiệm với đầu đạn mới của tên lửa đã được hoàn thành vào năm 2013. Đến thời điểm hiện tại R-77-1 bắt đầu được cung cấp cho lực lượng không quân Nga.

Qua phân tích hình ảnh của cuộc tập trận có thể thấy rằng, trung đoàn không quân sử dụng máy bay tiêm kích Su-30SM được trang bị loại tên lửa mới này.

Đây là lần đầu tiên máy bay Su-30MS được tích hợp hệ thống treo vũ khí loại này, trước đó những hệ thống này chỉ xuất hiện trên Su-35S và MiG-29K/KB.

Xuất hiện đầu tiên về tên gọi R-77-1 trên phương tiện truyền thông vào năm 1998. Lúc này các chuyên gia của Cục thiết kế Vympel (nay thuộc Tổng công ty tên lửa chiến thuật- chiến dịch Nga KTRV) đã bắt đầu phát triển phiên bản mới của tên lửa R-77.

Đây là một trong những loại tên lửa mới nhất của Nga, chúng được trang bị động cơ đẩy phản lực tích hợp dòng khí thẳng Ramjet (RVV-AE-PD). Tất cả các thành phần trên tên lửa đều được sản xuất ở Nga.

Dòng tên lửa R-77 được bắt đầu phát triển vào năm 1982 và bay lần đầu tiên vào năm 1984. R-77 là dòng tên lửa có thể được trang bị trên cả những chiếc máy bay tiêm kích hiện đại như Su-27 và MiG-29.

Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước những tên lửa R-77 đã hoàn thành các cuộc kiểm tra cấp nhà nước và vào năm 1994 chúng chính thức được đưa vào lực lượng vũ trang Nga.

Phiên bản mới hơn của R-77 là RVV-SD đã vượt qua các cuộc thử nghiệm và nghiệm thu cấp nhà nước vào năm 2009, sau đó chúng được sản xuất và trang bị cho các loại máy bay Su-27SM, Su-27SM3, Su-30M2 và MiG-29SMT.

Nguyễn Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ho-mang-su-30sm-mang-vu-khi-moi-tiep-nhien-lieu-tren-khong-3347579/