Họ Khúc và không gian địa văn hóa lịch sử liên quan

Sứ mệnh trung hưng đất nước của họ Khúc đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử.

Lễ tế Tam Khúc Chúa đầu thế kỷ XX tại Đền thờ Họ Khúc. Ảnh tư liệu.

Lễ tế Tam Khúc Chúa đầu thế kỷ XX tại Đền thờ Họ Khúc. Ảnh tư liệu.

Nói như vậy, bởi vì họ Khúc không chỉ giành quyền tự chủ, mà còn đổi mới, cải cách đất nước, ngược lại chính sách đô hộ đã tồn tại 1000 năm của các tập đoàn phong kiến phương Bắc.

50 năm giành và giữ chính quyền tự chủ của họ Khúc đã được ghi chép rất rõ ràng trong các cuốn Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam dật sử.

Tượng Tiên Chúa Khúc Thừa Dụ tại Đền thờ họ Khúc tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Không chỉ với giới nghiên cứu cổ sử, mà các ngành khác như văn hóa, khảo cổ, văn chương… hay thậm chí chúng ta, những con dân Đại Việt cũng muốn tìm hiểu xem, quê hương thực sự của họ Khúc ở đâu (?).

Sách cũ đều chép quê hương của Khúc Thừa Dụ ở Hồng Châu. Nhưng địa danh Hồng Châu chỉ xuất hiện thời Lý, Trần, nơi trước đó là huyện Khúc Dương. Do vậy tìm hiểu quê hương của Khúc Thừa Dụ chính xác là xã, huyện nào… là công việc khó.

Hầu hết các gia phả của họ Khúc hiện đang sinh sống ở Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Trì (Hà Nội), Quảng Nam cũng không ghi chép rõ thủy tổ họ Khúc sinh ở đầu. Bản gia phả ngược lên cao nhất cũng chỉ chép tới 5 đến 7 đời.

Ngay trong gia phả của tướng quân Dương Đình Nghệ, hay Ngô Vương đều không nhắc tới Khúc Chúa sinh ở đâu, và sự kế tục của họ Khúc diễn ra như thế nào.

Đền thờ Họ Khúc ở Ninh Giang, Hải Dương.

Sách Tư liệu lịch sử họ Khúc Việt Nam chép: ‘’…Tổ tiên họ Khúc ở Khúc Ốc nước Tấn thời Chiến Quốc, đã có nhiều kinh nghiệm trị quốc an dân. Từ ngày sang Việt Nam, tất nhiên con cháu họ Khúc còn mang sang xứ sở mới cả một kho kinh nghiệm đấu tranh giữ nước và dựng nước vào thời kỳ tam hùng của nước Tấn xưa…’’.(Tư liệu lịch sử họ Khúc Việt Nam, 2015, Nxb Thế giới, trang 71 – 72).

Bên cạnh đó, cuốn sách này còn chép về một nhân vật được xem là thủy tổ họ Khúc Việt Nam, là Kinh Lược Sứ Khúc Hoàn.

Đến đây xuất hiện một vấn đề cần minh định. Đó là họ Khúc Việt Nam có phải có nguồn gốc từ bên kia biên giới hay không (?).

Căn cứ vào hai cuốn An Nam Chí Lược An Nam Chí Nguyên , phần các mệnh quan phương Bắc sang đô hộ Giao Châu, thì không có nhân vật nào là Khúc Hoàn giữ chức Kinh Lược sứ ở Giao Châu vào những năm 756.

Căn cứ để sách Tư liệu lịch sử họ Khúc Việt Nam chép như trên chính là dựa vào đoạn lý giải này: ‘’Trải qua nhiều thế kỷ, vì những lý do khác nhau, họ Khúc đã từ Cúc Bồ phải lánh đi nơi xa lập nghiệp hoặc đổi sang một họ khác.. Tổ tiên của họ Khúc từ đâu đến? Các tài liệu lịch sử cũng không ghi chép rõ ràng. Chỉ biết trong các gia phả họ Khúc có nhắc đến ấp Khúc Ốc, nay ở phía đông bắc huyện Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc và một nhân vật Khúc Hoàn, người đã từng giữ chức Tiết Độ Sứ tại Giao Châu, nhưng chưa rõ tiểu sử cùng hành trạng, và trong các bộ chính sử Việt nam cũng không thấy ghi chép’’. (Vũ Duy Mền, Lịch sử Việt Nam, tập 1: Từ khởi thủy tới thế kỷ X, Nxb Khoa học xã hội, 2017, trang 383).

Đến đây có thể tạm kết luận họ Khúc Việt Nam không liên quan gì đến họ Khúc bên Trung Hoa. Kết luận này được củng cố bởi mấy điểm sau:

Thứ nhất. Nếu Khúc Thừa Dụ là người phương Bắc sang, chắc chắn sử Trung Hoa sẽ chép, giống như trường hợp của Lý Bí (Lý Nam Đế).

Thứ hai. Đối với nhân vật Khúc Hoàn ở Khúc Ốc, qua sử liệu của Trung Hoa chúng ta thấy, kể từ thời Triệu Đà đến cuối đời Đường, nhân vật (có tên như vậy) chưa một lần đặt chân đến Giao Châu (tức Việt Nam) và không giữ chức đô hộ Giao Châu.

Thứ ba. Các bộ quốc sử của Việt Nam như Đại Việt Sử Ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Phủ biên tạp lục… không có một dòng chữ nào chép Khúc Thừa Dụ là người (gốc) Trung Hoa.

Thứ tư là hiện tượng rất độc đáo. Họ Khúc bên Trung Hoa lấy tên đất (Khúc Ốc) đặt tên họ của mình. Còn họ Khúc Việt Nam lấy họ (của mình) đặt cho nhiều thôn xóm, làng, xã, sông núi ở Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên…

Cổng làng Khúc Thủy.

Ví dụ như thôn Tranh Khúc, sông Cửu Khúc, đình Nhuế Khúc (thuộc xã Phúc Thắng, Phúc Yên, xưa thuộc tổng Bạch Trữ, huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây), xã Khúc Lý (Khi sông Đáy chưa đổi dòng, trên địa bàn còn có sông Đỗ Động nối sông Đáy với sông Nhuệ. Sông Đỗ Động phát nguyên từ cái đầm lớn ở xã Đàn Viên, huyện Thanh Oai, chảy qua các xã Sinh Quả, Khúc Lý, Khất Khúc đến xã Thượng Cung, thuộc huyện Thượng Phúc thì hợp lưu với sông Nhuệ).

Thứ năm. Hệ thống thờ Tam Khúc Chúa thuần Việt. Đặc biệt con gái của Khúc Thừa Dụ là Khúc Thị Ngọc là một mẫu nghi thiên hạ của người Việt, được chép trong điển thờ, được các Hoàng Triều Lê Trung Hưng, Nguyễn Phước sắc phong: ‘’Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Khúc Thị Ngọc Công Phu Nhân Tôn Thần’’ (Sắc phong của Hoàng Đế Khải Định ngày 15/7 năm Khải Định thứ 9, tại đền thờ Thánh Mẫu Quỳnh Hoa Khúc Thị Ngọc tại thôn Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội).

Thứ sáu. Ngay cả lễ hội ẩm thực bánh khúc cũng được tôn vinh bằng lễ hội Lùng Cùng ở Nam Định, hay còn gọi là Tết bánh khúc.

Hoành phi trong Đình Khúc Thủy. (Khúc Thủy Xã Nghĩa Dân)

Thứ bảy. Không gian văn hóa lịch sử liên qua tới họ Khúc chủ yếu nằm dọc theo các sông lớn như sông Luộc, sông Thái Bình, sông Hồng, sông Cầu. Đặc biệt, dọc bờ sông Nhuệ, tạm tính từ làng Triều Khúc xuôi về phía Nam, chúng ta thấy có làng Khúc Thủy, đình Khúc Thủy, chùa Khúc Thủy, làng Tranh Khúc, và kết thúc là đền Vĩnh Mộ, nơi thờ Thánh Mẫu Khúc Thị Ngọc.

Ban thờ Thánh Mẫu Quỳnh Hoa Khúc Thị Ngọc tại thôn Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Thứ tám. Trên các ngói ống được khai quật ở thôn Cúc Bồ xã Kiến Quốc huyện Ninh Giang, các chuyên gia đều đánh giá di vật đó có niên đại từ thế kỷ X. Trên các ống ngói đó được trang trí bằng chữ. Đáng chú ý có hai chữ Vạn Tuế theo kiểu chữ Triện đời Thương Chu.

Theo luật triều đình Trung Hoa, chữ đó chỉ dùng cho nhà Vua hoặc Thái Thượng Hoàng. Chi tiết này rất quan trọng, giúp ta thêm khẳng định quê hương của họ Khúc ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang ngày nay. Và một chi tiết đáng chú ý là trong khu vực huyện Quỳnh Phụ (xưa thuộc Cúc Bồ bên kia sông Luộc) có một ngôi đền cổ có tên Dụ Đại. Chữ Dụ này với chữ Dụ trong tên Khúc Thừa Dụ là một (裕)

Đi điền dã và khám phá những tên xóm, làng, xã, đình đền, lễ hội… có chữ Khúc (曲) cũng là một hướng nghiên cứu thú vị. Trong khi chờ những phát hiện mới, chính xác, thuyết phục hơn nữa về quê hương họ Khúc… thì chuyến đi điền dã cũng giúp hình dung ra cả một không gian địa văn hóa lịch sử, có thể liên qua tới họ Khúc.

(Chúng tôi xin cảm ơn Đạo diễn , nhà nghiên cứu Lê Duy Nghĩa đã tổ chức chuyến điền dã và cung cấp tư liệu liên quan).

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/ho-khuc-va-khong-gian-dia-van-hoa-lich-su-lien-quan-3401239/