'Họ không phải người châu Á bình thường, họ là người giàu nứt vách'

Khác hình tượng 'mọt sách', tầng lớp siêu giàu gốc Á xuất hiện trên phim Hollywood với hình ảnh hào nhoáng. Song, chúng dễ khiến người xem có định kiến về người châu Á.

"Họ không phải là những người châu Á bình thường, họ là những người giàu 'nứt vách'", cây viết Olivia Truffaut Wong của Refinery29 viết về làn sóng các bộ phim, show truyền hình khắc họa lối sống xa hoa của tầng lớp siêu giàu châu Á những năm vừa qua.

Sau thành công của Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á), House of Ho do HBO sản xuất và Bling Empire của Netflix - hai series truyền hình thực tế mới về những người Mỹ gốc Á sở hữu khối tài sản đồ sộ - tiếp tục lên sóng lần lượt để thỏa mãn sự tò mò của khán giả.

 Show thực tế Bling Empire của Netflix khai thác cuộc sống xa hoa của dân châu Á tại Mỹ.

Show thực tế Bling Empire của Netflix khai thác cuộc sống xa hoa của dân châu Á tại Mỹ.

'Tôi từng nghĩ tình tiết trên phim chỉ phóng đại'

Dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu dân cư, nhưng nhóm những người siêu giàu lại là đề tài yêu thích để các biên kịch truyền hình thỏa sức “múa bút”.

"Khi tôi xem Crazy Rich Asians, tôi từng nghĩ phim chỉ phóng đại mọi thứ lên. Nhưng sau đó, người bạn giàu có đầu tiên tôi gặp ở Los Angeles (Mỹ) là Kane Lim và tôi giống như 'Trời ơi, đây là sự thật'. Cuộc sống xa xỉ ấy hoàn toàn tồn tại", Kevin Kreider, người châu Á duy nhất có gia cảnh bình thường trong Bling Empire, nói ở lời mở đầu phim.

Hầu hết người tham gia Bling Empire đều là thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai trong các gia đình nhập cư đến Mỹ.

Các rich kid có xuất phát "sinh ra đã ngậm thìa vàng", từ gia đình sở hữu tất cả trung tâm mua sắm đắt tiền ở Singapore đến có cha là một tay buôn vũ khí. Nếu không, họ cũng có công việc kinh doanh hái ra tiền hay là DJ được trả hàng chục nghìn USD cho một đêm diễn.

Lý giải sức hút của những bộ phim kiểu này, điều dễ hiểu là nhiều khán giả luôn tò mò về những thứ diễn ra xung quanh tầng lớp lắm tiền nhiều của.

Không còn hình ảnh dân mới nhập cư hay mọt sách, thế hệ siêu giàu châu Á xuất hiện với những tay chơi sở hữu hàng hiệu, xe hơi, dinh thự đắt tiền.

Mọi người tò mò về cấu trúc bên trong của xã hội thượng lưu, muốn tìm hiểu vai trò của người giàu trong toàn bộ xã hội, cách các rich kid tiêu tiền.

Khi khoảng cách giàu nghèo gia tăng, 1% dân số là giới siêu giàu không ngừng giàu hơn, trong khi 99% còn lại không dễ dàng vươn lên. Lối sống xa hoa là thứ dường như chỉ còn có thể nhìn thấy qua các bộ phim, chương trình truyền hình và mạng xã hội.

Dễ tạo định kiến về người châu Á

Trước kia, hình ảnh người châu Á xuất hiện trong các tác phẩm của Hollywood thường gắn theo công thức phổ biến suốt nhiều năm: học giỏi, mọt sách, rụt rè.

Trái ngược với những gì diễn ra trước đó, dàn diễn viên của Bling Empire khác xa hoàn toàn với hình tượng "mọt sách châu Á" hay "dân mới nhập cư". Sự giàu có của họ đặt ra một bước ngoặt mới cho khuôn mẫu người nhập cư châu Á truyền thống.

Các bậc cha mẹ xuất hiện trong chương trình không phải là những tiger mom (tạm dịch: mẹ hổ) hống hách, hay áp đặt lên con cái mà là những bà mẹ tình cảm, ủng hộ con.

Chương trình này cũng khám phá cách thế hệ trẻ châu Á giàu có một mặt đi theo những quan niệm truyền thống của phương Đông, một mặt mạnh dạn phá bỏ nhiều điều vốn bị kỳ thị như sinh con mà chưa làm đám cưới hay tìm gặp bác sĩ tâm lý trị liệu khi chuyện tình cảm gặp khó khăn.

Sau thành công của Crazy Rich Asians, các bộ phim khai thác cuộc sống siêu giàu của người Mỹ gốc Á trở thành chủ đề hút khán giả.

Ngoài Crazy Rich Asians hay Bling Empire, một số series mà người châu Á là nhân vật trung tâm cũng được lên sóng trong vài năm qua song không đạt thành công như mong đợi. Nói cách khác, chúng chìm nghỉm giữa vô số phim, truyền hình thực tế được sản xuất mỗi năm tại Hollywood.

Tuy nhiên, đến nay những tác phẩm thành công đều có một mẫu số chung: khai thác lối sống phù phiếm, xa hoa của tầng lớp siêu giàu gốc Á.

Jeff Jenkins, nhà sản xuất của Bling Empire, thừa nhận lấy cảm hứng từ bộ phim Crazy Rich Asians. Chủ đề "siêu giàu" kết hợp với "văn hóa châu Á" trở thành "thỏi nam châm" thu hút khán giả.

Ở mặt tích cực, những bộ phim này thể hiện chân dung người châu Á giỏi làm ăn, thành công về mặt kinh tế.

Song, chúng cũng có thể dẫn đến một rập khuôn khác về hình ảnh người phương Đông, bên cạnh những định kiến vốn có sẵn: tầng lớp thích khoe khoang, hào nhoáng, ham phô trương sự giàu có của mình bằng những bộ cánh diêm dúa hay hành động khoe mẽ lộ liễu.

Công chúng luôn tò mò về cuộc sống của những người "giàu nứt đố đổ vách", vậy nên mảng đề tài này sẽ còn được các nhà sản xuất khai thác thêm và rất có thể trở thành hình ảnh tiêu biểu cho người gốc Á trong nhiều năm tới.

Năm 2017, báo cáo nghiên cứu các chương trình truyền hình trong 2 năm 2015-2016 cho thấy người châu Á chiếm 4,3% số nhân vật xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

Báo cáo cũng kết luận rằng các nhân vật người Mỹ gốc Á "vẫn bị ra ngoài lề và bị xây dựng rập khuôn trên phim ảnh, mặc dù vài năm qua chứng kiến một số thay đổi".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ho-khong-phai-nguoi-chau-a-binh-thuong-ho-la-nguoi-giau-nut-vach-post1182033.html