Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn để 'đón' bão số 13

Mực nước gần đầy, trong khi bão số 13 đang tiến vào gần bờ, hiện hồ Kẻ Gỗ đã bắt đầu xả tràn nhằm chủ động ứng phó.

Chiều 14/11, theo thông tin từ Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh hiện nay lượng nước trong hồ Kẻ Gỗ đã gần đầy. Để chủ động đối phó với cơn bão số 13, từ 14h chiều nay hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn. Lưu lượng xả từ 100-300m3/s. Việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ nhằm chủ động “đón” bão, khi bão vào gây mưa thì giảm dần lưu lượng.

Từ 14h ngày 14/11 hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn với lưu lượng từ 100 - 300 m3/s (ảnh mình họa).

Từ 14h ngày 14/11 hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn với lưu lượng từ 100 - 300 m3/s (ảnh mình họa).

Trước đó, nhằm ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện, trong đó yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 28/CĐ-PCTT ngày 11/11/2020 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi khi thời tiết chưa an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có bão, lũ lớn để đảm bảo an toàn. Tổ chức thực hiện cấm biển bắt đầu từ 17h ngày 13/11.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các cột tháp cao, cây xanh,... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão. Rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét theo các kịch bản đã được phê duyệt.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch vùng ven biển, các khu nuôi trồng thủy sản, tuyệt đối không được để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi có bão, lũ.

Triển khai các phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục khẩn cấp khi có sự cố, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, như: Kè biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên; đê Tả Nghèn, huyện Lộc Hà; đê biển Hội Thống, huyện Nghi Xuân...

Các đơn vị, địa phương quản lý khai thác công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi diễn biến, dự báo tình hình mưa, lũ để tổ chức vận hành, chủ động xả lũ đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; đối với các hồ đập đã đầy nước, các hồ chứa lớn, các hồ xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra; chủ động tiêu thoát nước đệm để phòng, chống ngập úng.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để giúp các địa phương tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, đồng thời kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Các sở, ngành triển khai ngay các phương án ứng phó với tình hình bão, lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Quang Phong

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ho-ke-go-bat-dau-xa-tran-de-don-bao-so-13-d140670.html