Hồ Gươm - trong dòng ký ức

Từ xưa đến nay, người Hà Nội luôn coi Hồ Gươm như là linh hồn của thành phố. Với vị trí địa lý 'đắc địa', không gian thiên nhiên lý tưởng, Hồ Gươm được ví như tấm gương soi in dấu lịch sử, chứng kiến những dấu ấn Hà Nội rất riêng. Ít ai biết rằng, cách đây 65 năm, Hồ Gươm cũng chính là điểm đến được nhiều người dân Thủ đô lựa chọn để ăn mừng ngày giải phóng.

Toàn cảnh Hồ Gươm nhìn từ trên cao (Ảnh: Zing.vn)

Toàn cảnh Hồ Gươm nhìn từ trên cao (Ảnh: Zing.vn)

Lưu giữ ký ức ngày giải phóng

Hồ Gươm là một phần không thể thiếu của Hà Nội ngàn năm, nó được ví như trái tim của Hà Nội nói riêng và của cả nước Việt Nam nói chung. Hồ Gươm không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm cho những ai đã từng một lần nghe, một lần đến với Hồ Gươm qua truyền thuyết rùa thần, qua vẻ đẹp duyên dáng mà tạo hóa ban tặng. Đây cũng là nơi lưu giữ những ký ức, những khoảnh khắc thiêng liêng của dân tộc, trong đó có thời khắc chào mừng bộ đội về tiếp quản Thủ đô 65 năm về trước.

Và trong ký ức của những người Hà Nội, ngày Thủ đô giải phóng, không khí tại Hồ Gươm cũng thực sự hào hùng. Đó là kí ức không thể nào quên qua trí nhớ của ông Dương Tự Minh - Ủy viên Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, Nguyên Giám đốc Khách sạn Hà Nội, bởi nhà ông Minh ở phố Hàng Bông, muốn về nhà khi ấy bắt buộc phải đi qua Hồ Gươm.

Thế nhưng Hồ Gươm đông quá, chật kín người khiến ông không chen chân nổi. Ông nhớ không khí khi ấy vô cùng rộn ràng, phố xá rực màu cờ đỏ sao vàng. Cổng chào được dựng lên ở khắp nơi cùng nhiều khẩu hiệu, băng rôn, ai cũng cười nói vui vẻ. Rồi tất cả như vỡ òa lúc quân ta tiến vào. Đoàn quân tiến đến đâu, tiếng hò reo rộ lên tại đó. Nhiều thiếu nữ và cụ già chạy ra tặng hoa.

“Còn chúng tôi thì hò hét khản cả cổ, vẫy cờ mỏi tay khi đoàn quân đi qua. Mãi cho đến lúc đoàn quân đã đi xa không còn nhìn thấy nữa, mọi người mới như tỉnh giấc và thôi hò hét. Lúc này tôi mới nhớ đến việc phải trở về nhà thăm mẹ. Bà không biết là tôi đã trở lại Hà Nội hoạt động hàng năm trời sau ngày tiễn tôi trốn ra vùng tự do để tránh địch lùng bắt. Và tôi cũng cần nhanh chóng về nhà để mong gặp lại các anh chị tôi từ vùng kháng chiến nay cũng đã trở về. Ngày giải phóng Thủ đô cũng là ngày hội ngộ của biết bao gia đình người Hà Nội đã từng bị chia lìa khắp nơi trong những ngày toàn quốc kháng chiến”, ông Minh chia sẻ.

Là một người từng được mệnh danh là “Biểu tượng của tình yêu Hà Nội”, lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng cũng từng đặt chân đến Hồ Gươm vào thời khắc lịch sử tháng 10 của 65 năm về trước. Khi ấy, nghệ sĩ còn là một chàng trai 22 tuổi, thạo tiếng Anh, Pháp và cả nhiếp ảnh nên được chọn vào công tác cho Ban liên hiệp đình chiến.

Ngày 8 và 9/10/1954, ông được giao 10 cuộn phim với nhiệm vụ đi chụp tất cả các điểm có quân Pháp trú đóng ở Hà Nội. Cả hôm ấy, ông lang thang khắp nơi và chụp hết sạch 10 cuộn phim, về nộp lại cho cấp trên như những bằng chứng cho thấy quân Pháp không còn biểu hiện kháng cự. Nhiệm vụ đã xong, ngày 10/10/1954, ông cho phép mình lang thang, chìm vào khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô.

“Hà Nội hôm ấy rất vui. Hồ Gươm rất đẹp. Lại có thêm trẻ con, có cả tình yêu đôi lứa. Đời tôi không biết đã bao nhiêu ngàn lần dạo hồ Gươm, nhưng cuộc dạo quanh hồ Gươm sáng 10/10/1954 là đẹp nhất”, nghệ sĩ cho biết. Tôi biết, không chỉ ông Minh hay nghệ sĩ Quang Phùng được chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của ngày giải phóng, mà hàng vạn dân Thủ đô năm ấy đứng chật kín quanh bờ hồ, trong đó có người còn, người mất nhưng những kí ức thì còn mãi. Và trong tim họ vẫn nhớ rằng Hồ Gươm đã chứng kiến khoảnh khắc thật đặc biệt của Thủ đô.

Nhịp sống chậm của người Hà Nội

Cũng như mọi năm, để kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô, năm nay phố đi bộ Hồ Gươm cũng có nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn du khách. Đó là, triển lãm nghệ thuật múa Hà Nội sẽ khai mạc tại khu vực Nhà bát giác; giới thiệu những tác phẩm âm nhạc kinh điển do Dàn nhạc Giao hưởng London biểu diễn; Liên hoan múa rồng Hà Nội 2019 tại khu vực phía trước đền Bà Kiệu. Năm nay, có 15 quận, huyện tham gia, đều là những địa phương có đội rồng mạnh, từng tham gia nhiều hoạt động liên quan do địa phương và thành phố tổ chức….

Sau ngày giải phóng, Hồ Gươm trở thành nơi dạo mát của người Hà Nội, nơi nghỉ chân ăn kem của một vài người từ nông thôn ra, và đặc biệt đông đúc vào những ngày Tết. Nhiều người rủ nhau đón Tết, đón khoảnh khắc giao thừa ở Hồ Gươm. Dần dà, nhu cầu đi dạo quanh hồ đã phát sinh ngày một lớn, rất nhiều người thường xuyên dạo chơi và làm việc tại đây. Đặc biệt, khi chào đón một niềm vui gì đó của Thủ đô, của đất nước, người ta cũng thường đến Hồ Gươm để ăn mừng.

Ngày nay, sau 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển nhảy vọt, hiện đại hóa về mọi mặt. Tuy nhiên, những con đường, những tuyến phố đoàn quân giải phóng đã đi qua vẫn in vang lên những niềm tự hào của ngày giải phóng Thủ đô 65 năm trước.

Và Hồ Gươm cũng như 36 phố phường của Hà Nội dù có đón thêm người hay khoác tấm áo mới của văn minh và hiện đại, thì cái cốt cách thư thái, bình yên vẫn đọng lại. Ở quanh Hồ Gươm, rất nhiều người vẫn còn giữ thói quen sớm tinh mơ chạy một vòng hồ, hít cái khí trời trong và dịu đến nao lòng, thư thả ngồi trên băng ghế đá mát lạnh ngắm những nhịp sống đầu tiên của một ngày mới túa ra từ các tuyến phố.

Hồ Gươm còn là điểm hẹn, nơi gặp gỡ và trao đổi là nơi tối ưu để học cách cảm nhận về cuộc sống bởi các hoạt động đa dạng diễn ra xung quanh với hình ảnh, tiếng ồn, kết cấu và mùi vị phức tạp của nó được phản ánh rất khác biệt trong cả 24 giờ của ngày. Ở những ghế đá rợp bóng cây xanh mát lành, chiều tà thả bộ, thấy lũ trẻ nhảy nhót vui đùa, nghe lòng nhẹ bẫng. Bờ hồ cũng chính là địa điểm, hẹn hò của lớp thanh niên, học sinh, hay những buổi đàm đạo văn chương, và thú chơi cờ tướng hàng ngày của giới trí thức cao tuổi.

Có thể nói, ngày nay, Hồ Gươm đóng vai trò là trung tâm, nơi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thống, nơi chứng kiến và tiếp nhận những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân nơi đây. Chính từ đây mà Hồ Gươm đã hình thành và tổ chức nên những tập quán sinh hoạt rất riêng, những tập quán đã trực tiếp ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội.

Đặc biệt, từ năm 2016, khi những tuyến phố quanh Hồ Gươm trở thành phố đi bộ vào những ngày cuối tuần dường như đã tạo ra cho Hồ Gươm một không gian mới mẻ, giúp cho nhiều người yêu Hà Nội và du khách có điều kiện khám phá rất nhiều điều thú vị quanh Hồ Gươm.

Hồ Gươm và những di tích lịch sử, văn hóa, công trình có tính thẩm mỹ quanh hồ đâu chỉ có thời gian ngưng đọng, nó còn ẩn chứa quá khứ, trong đó một phần quá khứ trở thành lịch sử của thành phố và của cả dân tộc. Khi nhìn lại lịch sử Hồ Gươm chúng ta càng thêm yêu và có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, nâng niu, nhằm gìn giữ cho Hồ Gươm mãi là lẵng hoa lung linh giữa lòng Hà Nội.

KIM TIẾN

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ho-guom-trong-dong-ky-uc-97718.html