Hồ Dầu Tiếng 'kêu cứu' vì nạn khai thác cát

Những chiếc xe ben chở cát chạy bạt mạng, bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường là nỗi kinh hoàng của người dân huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh

Những chiếc xe ben chạy bạt mạng nỗi ám ảnh của người dân.

Ám ảnh xe ben chạy bạt mạng

Những ngày giữa tháng 8 có mặt tại ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh PV ghi nhận sự bức xúc của người dân phản ánh việc tình trạng khai thác cát tại vùng quê này. Nhiều lô cao su tại địa phương bị triệt hạ, nhường đất cho các doanh nghiệp thành lập các bãi tập kết trung chuyển cát. Hai bên đường ĐT 781 đoạn qua xã Suối Đá đầy cát bụi.

Ghi nhận tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng có khoảng vài trăm phương tiện hoạt động hút cát, trung bình mỗi tàu chở được khoảng 40m3 cát cập bến bãi. Trong khi đó, theo quy định mỗi ngày ở hồ này chỉ cho phép được khai thác 5.000m3 cát.

Với lượng phương tiện tàu, thuyền như hiện nay thì sản lượng khai thác cát mỗi ngày ước tính nhiều hơn rất nhiều so với quy định. Riêng tại huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) đã có gần 10 doanh nghiệp đăng ký khai thác khoáng sản (cát) với trữ lượng khai thác lên đến hàng trăm m3 cát. Điều nay sẽ khiến lòng hồ Dầu Tiếng đứng trước những nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến địa chất.

Người dân nơi đây phản ánh, ngày cũng như đêm, hàng chục chiếc xe tải chở cát thi nhau phóng nhanh vượt ẩu trên các tuyến đường khiến bụi cát bay mù trời, tấn công vào nhà người dân. “Mỗi lần xe cát đi qua và sau lưng để lại những trận bão cát, chúng tôi không thể thở được”, ông Ba Bé người dân sống tại khu vực thở dài.

Bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường.

“Thông qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri, họp dân tại xã, người dân chúng tôi rất nhiều lần phản ánh sự việc trên cho các cấp chính quyền về việc môi trường bị ô nhiễm bởi hệ lụy của việc khai thác cát nhưng vẫn không được giải quyết? Gia đình tôi sinh sống đã gần 20 năm. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây các doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát tại địa phương thì không ngày nào chúng tôi được yên ổn. Dọc tuyến đường ĐT 781 vào khu vực lòng hồ hình thành nhiều bãi tập kết cát, các đoàn xe ben tải chở cát phóng bạt mạn, thậm chí bất chấp những tuyến đường cấm…như đang thách thức cơ quan chức năng. Người dân vẫn sống trong bụi cát, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông do tài xế tải gây ra đang rình rập và nguy cơ nhiều người mắc bệnh phổi”, bà Nguyễn Thị Thắm (56 tuổi) xã Suối Đá bức xúc.

Cát được đi chuyển đi đâu?

Theo tìm hiểu, sau khi các tỉnh lân cận Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP.HCM… “siết” chặt hoạt động khai thác cát thì các doanh nghiệp, các đầu nậu cát “lậu” đổ xô về khu vực lòng hồ Dầu Tiếng ngày một trở nên rầm rộ hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra xử lý, đặc biệt là việc xử lý các phương tiện chở quá tải trọng cho phép.

Hồ Dầu Tiếng trải dài từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh có tổng diện tích 2.700ha. Theo đó, khu vực lòng hồ Dầu Tiếng có 16 doanh nghiệp được cơ quan chức năng cấp phép cho việc khai thác cát, sỏi (khoáng sản). Trong đó, riêng huyện Dương Minh Châu đã có tới gần 10 doanh nghiệp hoạt động. Vấn đề đặt ra? Vì sao các doanh nghiệp được phép khai thác cát trên lòng hồ đều do UBND tỉnh Tây Ninh cấp phép nhưng cát của các doanh nghiệp thường tập kết trên địa bàn tỉnh Bình Dương?

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình dương có 16 bến thủy nội địa được tỉnh này cấp phép hoạt động. Để hợp thức hóa cho việc tập kết, vận chuyển cát, sỏi đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, một số công ty, doanh nghiệp của Tây Ninh đã ký hợp đồng với các chủ bến thủy nội địa đóng tại Bình Dương về việc tập kết vận chuyện cát. Theo đó, cát của doanh nghiệp Tây Ninh khai thác đã có các bến thủy nội địa đóng trên địa bàn Bình Dương vận chuyển đi tiêu thụ hợp pháp. Trong khi lợi nhuận từ việc khai thác, vận chuyện cát, sỏi thuộc về các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Xe ben cày nát đường.

Để tìm hiểu về nguồn cát được vận chuyển đi đâu, chúng tôi đã theo chân một xe ben chở cát BKS:61F.67... Chiếc xe này sau khi rời khỏi bãi cát men theo con đường ĐT 781, sau đó rẽ vào đường nhánh hướng về TP.HCM. Sau vài tiếng đồng hồ, xe về đến Tỉnh lộ 15 thuộc địa phận huyện Củ Chi, TP.HCM vào một điểm tập kết cát.

Trước tình trạng khai thác cát ồ ạt ở hồ Dầu Tiếng, người dân đã có văn vản gửi UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị chấn chỉnh việc khai thác cũng như giảm mật độ các tàu hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp trên khu vực lòng hồ Dầu Tiếng những đến này tình trạng này vẫn chưa được xử lý khiến người dân rất bức xúc.

Xuân Tiến

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/ho-dau-tieng-keu-cuu-vi-nan-khai-thac-cat-d64093.html