Hồ Dầu Tiếng bị ô nhiễm trầm trọng vì khai thác cát

Thời gian gần đây, việc các công ty chế biến, kinh doanh cát tại hồ Dầu Tiếng hoạt động trở lại rầm rộ hơn làm cho nước hồ bị ô nhiễm trầm trọng. Hệ thống đê hồ bị ảnh hưởng bởi việc khai thác cát và xe vận tải nặng chạy phá nát những con đường.

Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước là 270 km² và có hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa quy mô lớn nhất nước hiện nay. Do vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước nên hồ Dầu Tiếng không chỉ giữ nhiệm vụ cung cấp nước nông nghiệp, mà còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn giúp chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông. Vì thế, nguồn tài nguyên nước từ hồ Dầu Tiếng hiện nay rất quan trọng trong sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây.

 Xe chở cát hoạt động rầm rộ bên hồ Dầu Tiếng

Xe chở cát hoạt động rầm rộ bên hồ Dầu Tiếng

Những năm gần đây, kể từ khi các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An đóng cửa các mỏ khai thác cát khiến cho nguồn cung cát xây dựng cho các tỉnh thành lân cận thiếu nghiêm trọng. Sau một thời gian tỉnh Tây Ninh tạm ngưng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh cát trong lòng hồ Dầu Tiếng thì nay tỉnh tiếp tục cấp phép khai thác cát xây dựng trong lòng hồ.

Mới đây, khi chúng tôi di chuyển trên dường DT744 thì thấy đoàn xe ben có trọng tải lớn chở cát nối đuôi nhau chạy ầm ầm từ trong hồ Dầu Tiếng ra đường DT744 hướng về TP. HCM và Bình Dương. Khi chúng tôi di chuyển vào gần đập chính của hồ Dầu Tiếng nơi đoàn xe đi ra, thấy hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau nằm chờ trên đường DT781 là con đường chạy sát ngay dưới chân đê của hồ để “ăn cát”. Phía trong lòng hồ, những ghe lớn hút cát đang hoạt động tấp nập bơm cát lên bờ và các cần cầu đang hối hả xúc cát lên những chiếc xe ben hàng chục tấn chờ sẵn.

Đường trên mặt đê bị phá khoét vào thân đê

Con đường nhựa DT781 trước đây vốn láng mịn thì nay nhiều đoạn đã trở thành đường đất với những ổ voi đầy nước mấp mô khiến phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn, còn khi nắng lên tung bụi mịt mù khiến nhà dân sống bên đường khổ sở vì bụi và tiếng ồn do các xe ben chở cát chạy trên đường. Con đường đất trên mặt đê hồ Dầu Tiếng cũng bị tàn phá không thua gì con đường DT781 dưới chân đê, với những ổ trâu đầy nước, có đoạn thân đê bị bánh xe ô tô đi vào lòng hồ tàn phá ra mảng lớn ăn sâu vào lòng đê làm ảnh hưởng đến an toàn của con đê? Đi dọc con đê chỉ một đoạn vài trăm mét là những con đường lớn đi qua thân đê dẫn vào bãi cát cao như núi và các phương tiện khai thác cát hoạt động rậm rộ như công trường.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cung cấp, hiện Sở cấp phép khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng là 11 công ty, trong đó có 3 công ty được “ưu ái” với hai giấy phép khai thác cát. Địa điểm khai thác chủ yếu tập trung thuộc các huyện như: Tân Châu, Dương Minh Châu và Châu Thành tỉnh Tây Ninh.

Công trường khai thác cát hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng

Tổng trữ lượng cát được cấp phép mới đây là 9.267.049 m3 đã tăng thêm 2.814.595 m3 so với thời điểm được cấp phép khai thác tháng 4/2017. Như vậy kể từ khi tỉnh Tây Ninh cho tạm ngưng khai thác cát để chỉnh đốn nhưng sau một thời gian việc cấp phép khai thác cát không giảm mà còn tăng thêm? Không những thế, việc quản lý của các cơ quan chức năng lỏng lẻo khiến một số công ty khai thác cát trong lòng hồ không gắn biển hiệu bến bãi khai thác, tự do thành lập bến bãi tập kết cát, đưa xe có tải trọng lớn vào trong lòng hồ gây mất an toàn cho đê, và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống đường giao thông quanh hồ.

Nước hồ ngay cống xả đục ngầu

Từ khi các bãi khai thác cát mọc lên dọc bên hồ Dầu Tiếng cũng là lúc các con đường như đường Lê Duẩn phần đường từ huyện Tân Châu về trung tâm tỉnh Tây Ninh xuống cấp nhiều chỗ bong tróc đầy những ổ gà, còn đường DT781 hư hại trầm trọng, nhiều đoạn ổ voi ổ trâu có đoạn chỉ còn đất và đá, nhất là đoạn đường gần cống xả chính của hồ. Riêng đường DT 744 mới được nâng cấp, mở rộng trong thời gian gần đây nhưng phía bên đường hướng từ Tây Ninh về huyện Củ Chi cũng bị bong tróc nhiều đoạn đã phải vá lại.

Một người dân thuộc xã Thạnh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Kể từ khi các mỏ cát trong lòng hồ hoạt động trở lại xe ben chở cát chạy ào ào suốt ngày đêm khiến mỗi lần ra đường rất sợ, đường xá xuống cấp trầm trọng toàn “ổ trâu, ổ bò” mưa thì ngập nước, nắng cát bụi mù trời, giờ không biết kêu ai”? Người dân sống quanh hồ cho biết đã liên tục phản ánh, kêu cứu nhiều nơi nhưng vẫn không được phía chính quyền địa phương giải quyết.

Đường xá trên mặt đê bị phá nát

Thiết nghĩ, nguồn nước do hồ Dầu Tiếng cung cấp không chỉ để rửa mặn, phục vụ nông nghiệp mà còn có một nhiệm vụ đặc biệt khác là cấp nước sinh hoạt cho người dân TP. HCM và các tỉnh lân cận. Trước thực trạng môi trường sống khu vực hồ Dầu Tiếng đang bị đe dọa, nước hồ bị ô nhiễm trầm trọng, đê chắn nước của hồ xuống cấp. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tây Ninh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác cát tại lòng hồ và cần nghiên cứu quy hoạch việc khai thác cát hợp lý tránh dẫn đến những hệ lụy do khai thác cát quá mức gây ra.

Nhóm PV

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/camera-24h/ho-dau-tieng-bi-o-nhiem-tram-trong-vi-khai-thac-cat-266148.html