Họ đã sống như thế

Tại cuộc giao lưu các điển hình tiên tiến diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X sáng 10/12, rất nhiều tấm gương bình dị mà cao quý đã cùng trò chuyện.

Thượng tá Mai Hoàng, Trưởng Công an huyện Mộc Châu, Sơn La, người có hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sơn La, nơi luôn là điểm nóng về ma túy chia sẻ, với công việc của mình anh từng đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy. Những ngày Lễ, Tết chạnh lòng không được về nhà hay chuỗi ngày đánh án liên miên không tắm gội, những tình huống mà sống được là nhờ may mắn,… đã tôi luyện cho anh một bản lĩnh thép của người chiến sĩ đấu tranh với “cái chết trắng”.

Anh cho biết, nghề này có quá nhiều thách thức cũng như cám dỗ, nhưng đến mạng sống còn không tiếc thì không gì mua chuộc được.

Chia sẻ tại cuộc giao lưu anh Hoàng nói, dù công việc gặp vô vàn khó khăn, gian khổ và đôi khi gặp không ít cám dỗ nhưng anh xác định tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm mà túy, giữ bản lĩnh, ý chí của mình nhân dân phục vụ.

“Khi nhận những tấm Huân chương, Huy chương là vinh dự lớn, nhưng hãy xếp sang một bên để tiếp tục thi đua để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xứng đáng là anh hùng trong lòng nhân dân", anh Hoàng nói.

Ông Võ Văn Bình. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Võ Văn Bình. Ảnh: Quang Vinh.

Trong khi đó, tấm gương của ông Võ Văn Bình, xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình người đã cứu rất nhiều người trong lũ dữ cũng gây xúc động cho nhiều người xem chương trình giao lưu.

Trả lời câu hỏi về việc cứu người mà tài sản của chính gia đình mình cũng không giữ được ông Bình nói, trong lụt bão, tính mạng con người quan trọng hơn tài sản nên phải cứu người. Lý giải về những việc làm của mình, ông Bình cho biết, trong lũ dân thì đông, lực lượng cứu hộ làm việc không suể. Tôi chỉ giúp chính quyền, các lực lượng xông vào để cứu dân, chỉ đơn giản thế thôi.

“Tôi không lấy tiền vì họ tội lắm, chỉ cần làm điều gì đó giúp họ vượt qua cơn khó khăn này thôi là tôi cảm thấy vui rồi”, ông Bình chia sẻ.

GS Bác Sỹ Trần Đông A và tập thể bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Vinh.

GS, bác sĩ Trần Đông A người đã từng tách thành công cặp sơ sinh Việt - Đức cách đây 32 năm kể lại thời khắc mổ tách cặp sơ sinh ngày ấy.

“Chúng tôi đã vượt qua thử thách nghề nghiệp để tách ca sơ sinh Việt- Đức 32 năm trước. Đây là ca mổ không có trong tiền lệ. Ê kíp thực hiện ca mổ lúc đó chỉ có mình tôi là bác sỹ phẫu thuật nhi, 70 bác sĩ còn lại làm ở các chuyên khoa về người lớn. Mổ tách cặp sơ sinh này nếu sơ xảy sẽ gây ra thảm họa. Chúng tôi đã bàn thảo trong vòng 6 tháng và quyết định mổ và đã thành công. Thành công của ca mổ như nhiều chuyên gia nước ngoài đã từng nói đây là bài học cuộc sống”, bác sỹ Đông A nói.

Cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi

Chia sẻ về ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi mới thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, TS.BS Trương Quang Định Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ xin phép đấng tạo hóa để khai sinh ra hai con một lần nữa với hình hài nguyên vẹn, trả lại cho hai con một cuộc đời lành lặn như bao đứa trẻ khác.

Theo Bác sĩ Định, việc mổ tách thành công cặp song sinh Trúc Nhi, Diệu Nhi cũng là một ca mổ hy hữu, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu. Nhờ có tinh thần đồng đội, tính kỉ luật, thống nhất nên đã thực hiện thành công ca phẫu thuật này.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang.

Khánh Ly

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ho-da-song-nhu-the-546405.html