Hồ chứa thủy lợi - Không để chứa nỗi lo

Hồ chứa thủy lợi có vai trò quan trọng điều tiết việc cung cấp nước phục vụ đời sống và sản xuất, đồng thời góp phần hạn chế lũ lụt bất thường xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hồ chứa bị xuống cấp không chỉ hạn chế khả năng bảo đảm nguồn nước phục vụ đời sống và sản xuất của người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho vùng hạ du.

1.200 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), hiện cả nước có tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi các loại với tổng dung tích khoảng 13,5 tỷ m3, được phân bố tại 45 địa phương. Các địa phương có nhiều hồ chứa (chưa tính các hồ chứa thủy điện) là: Nghệ An 625 hồ, Thanh Hóa 610 hồ, Đắc Lắc 543 hồ, Hòa Bình 513 hồ, Tuyên Quang 346 hồ, Đắc Nông 195 hồ… Hồ chứa thủy lợi được phân loại bao gồm 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Các hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên (1.800 hồ, chiếm 27% tổng số lượng hồ chứa thủy lợi cả nước) được giao cho các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi trực thuộc các tỉnh quản lý. Còn đối với những hồ chứa có dung tích dưới 1 triệu m3 thường được giao cho các đơn vị cấp huyện, xã quản lý. Việc quản lý, vận hành đối với những công trình do các công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi ở các tỉnh, thành phố thực hiện tương đối bài bản. Đối với công trình hồ chứa nhỏ do cấp huyện, xã quản lý bộc lộ không ít khó khăn, bất cập từ bộ máy, năng lực cán bộ.

Đáng lo ngại hơn, hiện cả nước có 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định. Phần lớn các hồ chứa nhỏ đều được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước trong điều kiện công tác khảo sát, thiết kế và thi công hạn chế. Nhiều hồ chứa hiện không có khả năng xả lũ, nhiều nơi chỉ là đập đất, sau 30-40 năm sử dụng, đang xuống cấp với các loại “bệnh” như thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở…

Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây mưa lũ bất thường nên nhiều hồ chứa không bảo đảm khả năng chống lũ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn công trình và vùng hạ du. Theo Tổng cục Thủy lợi, chỉ tính riêng năm 2017 đã có 23 hồ bị sự cố. Trong tổng số 1.200 hồ bị hư hỏng, xuống cấp hiện mới chỉ có 450 hồ chứa đã được đưa vào danh mục đầu tư trong Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” với tổng kinh phí khoảng 433 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, còn lại 750 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa. Riêng 23 hồ chứa bị sự cố năm 2017 hiện các địa phương đã khắc phục tạm thời hoặc đã bố trí kinh phí sửa chữa.

 Hồ Dầu Tiếng xả lũ xuống sông Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Hồ Dầu Tiếng xả lũ xuống sông Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Khẩn trương rà soát, có phương án bảo đảm an toàn

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế, khu vực miền Trung hiện đang có rất nhiều hồ, đập xuống cấp. Vì vậy, việc dự báo tình hình mưa, bão, lũ đối với miền Trung rất quan trọng để đưa ra các kịch bản, chủ động phân lũ, xả lũ, ngăn lũ. Ông Hùng cho rằng, nếu có dữ liệu, đặc biệt là công tác dự báo được lượng mưa trong ngắn hạn cũng như dài hạn để từ đó phân tích thông tin chính xác, đồng thời áp dụng quy trình vận hành các hồ chứa nghiêm túc sẽ góp phần chủ động phòng, tránh, giảm việc xả lũ bất ngờ, gây thiệt hại cho hạ du.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Đức Cường nhận định: "Diễn biến khí tượng thủy văn (KTTV) năm 2018 sẽ có chiều hướng phức tạp, bất thường. Đặc biệt, có thể có nhiều đợt mưa lớn cục bộ xuất hiện trong thời gian ngắn. Các đợt mưa lớn diện rộng hoặc mưa gây lũ lớn cục bộ trong thời gian ngắn sẽ là yếu tố nguy hiểm đối các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng bị hư hỏng, mất an toàn. Do đó, trung tâm sẽ theo dõi thường xuyên diễn biến KTTV và các thông tin dự báo, cảnh báo để sớm các địa phương, các công ty chủ động lập kế hoạch và phương án vận hành bảo đảm an toàn hồ chứa nước thủy lợi".

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách 575 tỷ đồng để tập trung tu sửa, nâng cấp các hồ chứa đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Ông cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng bổ sung nâng cấp mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, phục vụ vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du.

Nhận định diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng yêu cầu, đối với những hồ, đập đã quá xuống cấp, Tổng cục Thủy lợi phải phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ hồ, chủ động phương án không tích nước, thậm chí phải tính đến phương án phá đập tràn trước mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, cần phải làm ngay việc thực hiện kiểm tra, đánh giá tất cả các hồ, đập; đặc biệt là ở các tỉnh có số lượng hồ chứa lớn, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Lắc. Với các hồ đập có nguy cơ cao yêu cầu phải tập trung có biện pháp khẩn trương bảo đảm an toàn hồ chứa, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi mùa mưa lũ đang tới gần.

NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ho-chua-thuy-loi-khong-de-chua-noi-lo-536446