Hồ Chí Minh và vấn đề hạnh phúc của nhân dân, hội nhập quốc tế

Cách đây tròn 42 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và bản Di chúc thiêng liêng mà giá trị bất diệt của nó vẫn luôn ngời sáng dẫn dắt chúng ta đi trên bước đường xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH trên đất nước ta.

Ngày 2-9-1945, trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định nguyên tắc pháp lý về quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, mà còn khẳng định trong thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam vì các quyền dân tộc thiêng liêng đó. Đó chính là quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền được sung sướng, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bóc lột, thực hiện các quyền dân chủ cơ bản cho mọi người dân Việt Nam. Phải là người luôn đặt con người - nhân dân vào vị trí trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động, mới có thể “mong muốn điều mà nhân dân mong muốn, hành động điều mà nhân dân hành động”.

Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh thật là vô bờ bến. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng đinh: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”. Theo Người: “CNXH là làm cho mọi người dân được sung sướng, ấm no”. Vì tình yêu thương con người mà trong Di chúc, Người đã căn dặn Đảng ta phải thực sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững vị trí Đảng cầm quyền và phấn đấu hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân giao phó. Với các tầng lớp nhân dân, Người dặn dò: Đối với những người đã hi sinh một phần xương máu thì phải đảm bảo cho họ có nơi ăn chốn ở, có khả năng tự lực cánh sinh. Đối với các anh hùng liệt sĩ thì phải làm vườn hoa và bia tưởng niệm để ghi nhớ công lao của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ thì phải giúp đỡ họ để có công việc làm ăn thích hợp.

Đối với thế hệ trẻ thì phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng XHCN vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đối với phụ nữ thì phải bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ họ tham gia phụ trách ngày càng nhiều công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Đối với nông dân là những người luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, góp của, góp người, vui lòng chịu đựng khó khăn gian khổ thì miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho đồng bào hỉ hả, mát dạ mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Đối với các tầng lớp nhân dân lao động nói chung thì Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Suốt cuộc đời, Người luôn tin yêu dân, quan tâm đến dân, vì Người cho rằng: CNXH là do quần chúng nhân dân xây dựng nên, đó là công trình tập thể của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bầu trời, không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Vì vậy, “quan tâm và động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Đó chính là quan điểm nhân văn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng cách mạng không chỉ tiến hành và bó hẹp trong khuôn khổ của một dân tộc. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi theo con đường khác và rút ra kết luận: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”. Có thể coi đây chính là điểm khởi phát của tư tưởng hội nhập và đoàn kết quốc tế. Nghĩa là Hồ Chí Minh đã phát hiện một trong những nhân tố dẫn đến thành công của sự nghiệp cứu nước là phải hội nhập với thế giới, đoàn kết với phong trào cách mạng trên thế giới.

Dưới ánh sáng của học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tham gia phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, gắn kết công cuộc giải phóng dân tộc với phong trào cách mạng cộng sản. Đầu năm 1947, năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, Người đã nhắc lại đường lối đối ngoại của Việt Nam vẫn là “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Năm 1950, Việt Nam chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCH khác; hội nhập vào phe XHCN trong bối cảnh trật tự của thế giới lúc ấy. Tổng kết thành quả của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khăn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày nay”.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa hội nhập quốc tế. Tại Đại hội VII và Đại hội IX, Đảng ta đã tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy” của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Nhờ vậy, nước ta đã vượt qua tình trạng bị bao vây, đặt quan hệ chính thức với hầu hết các nước, đặc biệt là với tất cả các nước lớn và các nước láng giềng.

Nước ta đã tham gia nhiều tổ chức khu vực và quốc tế; gia nhập ASEAN, ASEM, APEC, WTO..., phát huy vai trò tích cực trong mọi hoạt động của các tổ chức đó, kể cả cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bàn về quan hệ hợp tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dặn dò: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”, “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa” đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta”. Nhìn ở một khía cạnh khác, trong quan hệ hợp tác, có thể thấy ở đây một lời cảnh báo nghiêm khắc rằng phải tự lực tự cường xây dựng tiềm lực đất nước phát triển, không thể vì áp lực chính trị và kinh tế mà chủ quyền của ta bị tổn hại, không thể vì áp lực quân sự mà lãnh thổ của ta bị tổn thất, an ninh của ta bị đe dọa. Đó chính là tính độc lập, tự chủ trong đường lối phát triển và hội nhập quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trên con đường chúng ta đang đi tới.

Trọng Phan

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ho-chi-minh-va-van-de-hanh-phuc-cua-nhan-dan-hoi-nhap-quoc-te/