Hồ Chí Minh - tấm gương thi đua yêu nước trong sáng, mẫu mực

Thi đua ái quốc (thi đua yêu nước) luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt. Tư tưởng của Người về thi đua yêu nước thể hiện rất sâu sắc, toàn diện, cụ thể.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa thi đua và yêu nước có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết, luôn gắn chặt với nhau “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Người xác định mục đích của thi đua ái quốc là:

“Diệt giặc đói khổ,

Diệt giặc dốt nát,

Diệt giặc ngoại xâm”.

“…để gây hạnh phúc cho dân”“Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là:

Toàn dân đủ ăn đủ mặc.

Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết

Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm.

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.

Nội dung thi đua yêu nước được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua”“Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…”. Theo Người, việc thi đua yêu nước phải thường xuyên, không nhất thời, không mang tính thời vụ, thi đua yêu nước phải kiên trì, lâu dài “Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ”. Đồng thời, hoạt động thi đua yêu nước luôn sâu rộng, là cao trào cách mạng của đông đảo nhân dân nên phải tích cực, sáng tạo; năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác phải cao hơn, tốt hơn, phải:

“ Làm cho mau

Làm cho tốt

Làm cho nhiều”.

Người nêu rất cụ thể: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả những người lao động nước ta - bộ đội, công, nông, lao động trí óc - đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi…”. Người chủ trương phát huy sức mạnh toàn dân trong thi đua yêu nước “Cách làm là dựa vào:

Lực lượng của dân

Tinh thần của dân”.

Lực lượng của dân, tinh thần của dân nên đối tượng tham gia thi đua yêu nước rất đông đảo, toàn diện, “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua”, “Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường...; đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có; đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ; đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai. Tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: Tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”. Hồ Chí Minh còn chỉ ra rất cụ thể công việc thi đua yêu nước cho từng đối tượng :

"Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc;

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn;

Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp;

Đồng bào công nông thi đua sản xuất;

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân;

Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”.

Trong thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn phải chú ý đến việc khen thưởng. Đây là việc làm cần thiết, có tác dụng động viên, cổ vũ rất cao“Thi đua thì phải khen thưởng, khen thưởng để đẩy mạnh thi đua”. Người nêu rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng, cho rằng “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch” và luôn yêu cầu “Khen thưởng phải có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu tại Việt Bắc từ ngày 1 đến 6-5-1952. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu tại Việt Bắc từ ngày 1 đến 6-5-1952. Ảnh tư liệu.

Điều rất đáng trân trọng là bản thân Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự gương mẫu trong thi đua yêu nước. Người không chỉ quan tâm khởi xướng, phát động, theo dõi, uốn nắn, động viên, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước mà còn tự giác gương mẫu thực hiện các công việc, yêu cầu liên quan đến thi đua yêu nước. Ngày 27-3-1946, Hồ Chí Minh có lời kêu gọi toàn dân tập thể dục “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”, đồng thời, Người cũng tự giác, gương mẫu luyện tập “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Trên tờ Báo Cứu Quốc số 53 ngày 28-9-1945, Hồ Chí Minh có bài viết “Sẻ cơm nhường áo” kêu gọi, động viên mọi người tham gia cứu đói “Lúc chúng ta mang bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng, vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Và Người đã nghiêm túc thực hiện việc nhịn ăn cứu đói. Thậm chí khi Người được dự tiệc chiêu đãi khách quốc tế đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn dành gạo cứu đói, mặc dù các đồng chí phục vụ báo cáo với Người là phần gạo của Người đã được đưa vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng Hồ Chí Minh vẫn quyết định bản thân nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau!

Tư tưởng đúng, bản thân gương mẫu, Hồ Chí Minh còn là nhà tổ chức thi đua yêu nước tài giỏi và hiệu quả. Người sớm thành lập tổ chức bộ máy và chọn người làm công tác thi đua yêu nước. Ngày 17-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 83/SL đặt ra Viện Huân chương thuộc Phủ Chủ tịch (nay là Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương). Đến ngày 1-6-1948, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và các cấp. Tiếp theo, ngày 11-6-1948, tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia thi đua kháng chiến và kiến quốc (Ngày 11-6 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống Thi đua yêu nước). Trong tổ chức thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hiệu quả, tính thực chất, gắn chỉ tiêu thi đua yêu nước với công việc thường xuyên hằng ngày. Người chú trọng đến tính khoa học, tính kế hoạch khi tổ chức các phong trào thi đua yêu nước “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ” và trong kế hoạch thi đua thì “Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Người không áp đặt mà tôn trọng tính tự giác, tự chủ của các cá nhân, tập thể trong xây dựng kế hoạch thi đua yêu nước“Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm”. Từ đó mới tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn trong thi đua yêu nước và do hiểu rõ như vậy, Hồ Chí Minh đã có đánh giá đúng về mức thi đua “Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có hạn, nó cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cũng tiến lên mãi”. Đặc biệt, Người luôn quan tâm đến sự lãnh đạo của Đảng và vai trò gương mẫu của cán bộ trong thi đua yêu nước. Người khẳng định“Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng” và yêu cầu các cấp ủy đảng phải coi trọng lãnh đạo công tác thi đua yêu nước“Dưới sự lãnh đạo chung của Đảng, các đồng chí thủ trưởng các bộ, các ngành và các địa phương, cùng công đoàn và Đoàn Thanh niên Lao động cần phải bảo đảm lãnh đạo phong trào thi đua năm sau cho thật tốt”. Tháng 5-1952, trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc các Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, Người cho rằng: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Với tinh thần“Thưởng phạt phải nghiêm minh, có công thì thưởng, có lỗi thì phạt; …thưởng cái nào đích đáng cái ấy…” , Hồ Chí Minh luôn chú ý tiến hành khen thưởng cụ thể, thiết thực, chính xác. Khi tặng huy hiệu của Người cho các gương người tốt, việc tốt đăng trên báo chí, Người đọc rất kỹ, cho kiểm tra chính xác rồi mới tặng. Người cũng chú ý đến yếu tố tinh thần trong việc khen thưởng. Tháng 3-1966, đến dự Đại hội tổng kết thi đua ngành Giao thông vận tải, Người nói:“Bác nghèo không có gì thưởng, Bác đi bắt tay một cái…!”. Phần thưởng dù chỉ là một cái bắt tay nhưng có ý nghĩa thật sâu sắc với những người vinh dự được nhận cử chỉ thân mật, gần gũi ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình tiến hành thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc rút kinh nghiệm, phổ biến các sáng kiến, các bài học… “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng,… Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những con sông to chảy vào biển cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”. Trên thực tế, Hồ Chí Minh rất thành công trong công tác tổ chức nhân rộng, lan tỏa các gương “Người tốt, việc tốt” với nhiều hình thức thiết thực, phong phú, hiệu quả. Tháng 6-1968, Người chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” với những tấm gương cụ thể, chân thật, viết ngắn gọn, giản dị để phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Đã có hàng loạt nhà xuất bản làm tốt công việc chọn lựa những gương “Người tốt, việc tốt” để in thành loại sách “Người tốt, việc tốt” rất nổi tiếng và phổ biến ở nước ta. Tiêu biểu như Nhà xuất bản Kim Đồng với sách “Việc nhỏ nghĩa lớn”, Nhà xuất bản Thanh niên với sách “Thế hệ anh hùng”, Nhà xuất bản Phụ nữ với sách “Dũng cảm, đảm đang”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân với sách “Vì nước vì dân”… Hơn 10 năm qua, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân và các cơ quan, đơn vị tổ chức rất thành công cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, qua đó phát hiện, biểu dương hàng nghìn tấm gương “Người tốt, việc tốt” rồi in thành sách phát hành rộng rãi, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội trân trọng, yêu thích.

Thực tế đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương ngời sáng, mẫu mực về thi đua yêu nước. Tư tưởng và tấm gương thi đua yêu nước ngời sáng, mẫu mực của Người đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát triển mạnh mẽ, sâu rộng phong trào thi đua yêu nước với những kết quả ngày càng toàn diện, sâu sắc, góp phần thiết thực xây dựng và bảo vệ thành công đất nước Việt Nam giàu mạnh.

PHẠM HOÀNG QUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ho-chi-minh-tam-guong-thi-dua-yeu-nuoc-trong-sang-mau-muc-622688