Hồ Chí Minh kế thừa giá trị đạo đức Nho giáo trong xây dựng đạo đức cán bộ

Hồ Chí Minh (1890 - 1969) sinh ra trong một gia đình Nho học, từ nhỏ đã được giáo dục theo những chuẩn mực đạo đức của Nho gia, cùng các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh internet

Hồ Chí Minh đã chủ động kế thừa các giá trị đạo đức của Khổng giáo, phát huy và bổ sung những nội dung mới để xây dựng nên các chuẩn mực đạo đức cán bộ cách mạng Việt Nam, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng. Trong thời đại mới, cần hiểu rõ, trân trọng và học tập phương thức kết hợp truyền thống và hiện đại của Hồ Chí Minh.

Nho giáo là một học thuyết chính trị, đạo đức, giáo dục, quản lý xã hội ra đời và giữ địa vị thống trị trên kiến trúc thượng tầng của chế độ phong kiến Trung Hoa suốt mấy nghìn năm. Một trong những nguyên nhân thành công của Nho giáo là học thuyết này chú trọng giáo dục, đào tạo người quân tử, người làm quan phò vua giúp nước trên nền tảng đức trí song toàn. Hệ thống chuẩn mực đạo đức nào cũng có những điểm mạnh, điểm yếu nhưng phải khẳng định rằng, chuẩn mực đạo đức của người làm quan, người quân tử, kẻ sĩ trong thiên hạ do Nho giáo đặt ra và rèn giũa con người có khá nhiều yếu tố tích cực, có giá trị không chỉ đối với xã hội phong kiến mà còn có giá trị cần bảo tồn và gìn giữ ở xã hội hiện đại.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, một nhà nước của dân, do dân, vì dân đã hình thành đội ngũ cán bộ công chức nhà nước là công bộc của dân. Thực ra, đạo đức công vụ cũng là đạo đức công dân, đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Điểm đặc trưng hơn đạo đức công dân thông thường đó là đạo đức của người cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ của chính phủ. Tùy theo nghề nghiệp, vị trí, chức vụ khác nhau mà người cán bộ công chức có những yêu cầu, đòi hỏi cũng khác nhau. Vẫn biết rằng, nhân dân là chủ thể của lịch sử nhưng trong những công việc quản lý nhà nước, thành công hay thất bại lại có phần trách nhiệm lớn của cán bộ công chức. Người cán bộ công chức phải vừa có đức vừa có tài. Do vậy, đạo đức công vụ giữ một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với công việc quản lý, xây dựng đất nước.

Đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu với thế giới, các mặt của đời sống xã hội từng ngày thay đổi. Kinh tế thị trường, một mặt tạo ra nhiều động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, mặt khác lại tạo ra những tiêu cực, có yếu tố gây nên sự băng hoại, suy thoái đạo đức con người, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ cách mạng trong thời đại mới là một việc cấp bách, đòi hỏi phải kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời tiếp thu những mặt tích cực của đạo đức hiện đại. Chúng ta có thể học được nhiều bài học giá trị từ Hồ Chí Minh trong cách thức kết hợp truyền thống với hiện đại.

Các nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh thống nhất, trong phong cách, phẩm cách và tư tưởng của Hồ Chí Minh có nhiều yếu tố của Nho giáo, mà chính những yếu tố ấy dung hòa với những truyền thống của dân tộc đã cho con người vĩ đại ấy cái sắc thái độc đáo. Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh nhất quán quan điểm tôn trọng những giá trị, di sản văn hóa tư tưởng truyền thống, phát huy trong thời đại mới để làm nên thành công mới. Người không tán thành với những quan điểm và hành động cực đoan, nhất là đối với những giá trị truyền thống.

Từ năm 1920 trở đi, trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước và học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh thấy rằng việc kế thừa, phát triển tư tưởng đạo đức của Khổng tử là một nhiệm vụ cách mạng cần phải được thực hiện và có thể thực hiện được trong sự nghiệp cách mạng lâu dài của dân tộc. Sở dĩ như vậy vì Hồ Chí Minh tìm ra nội dung tư tưởng Khổng tử không chỉ đóng vai trò như một bộ phận trong nền tảng văn hóa tư tưởng của dân tộc Việt Nam mà còn thực sự là một phần lịch sử của chính dân tộc, góp phần tạo nên phong cách sống của người Việt. Hồ Chí Minh đánh giá Khổng tử và tư tưởng của ông trên cơ sở nhìn nhận ông là một con người với những phẩm chất nổi bật về trí tuệ, đạo đức và nhân cách. “Đạo đức của ông, học vấn của ông và những kiến thức của ông làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục... Công thức nổi tiếng của ông nhìn ngoài, nhìn sự việc từ chỗ nào đi đến như thế, xem cái người ta đi tới chỗ đó, xét cái người ta hài lòng, thì người ta dấu giếm mình sao được biểu hiện chiều sâu trí tuệ của ông” (1).

Hồ Chí Minh khẳng định học thuyết Khổng tử có giá trị chính là tư tưởng nhân văn, là đạo tu thân, sửa mình, vươn tới những phẩm chất năng lực tốt đẹp, hướng tới phục vụ xã hội nhưng không thể đóng vai trò công cụ nhận thức đối với đời sống xã hội hiện đại, thậm chí nếu cứ khư khư giữ lấy học thuyết ấy thì có thể sẽ đi tới xuyên tạc bản chất đích thực của xã hội. “Đạo đức của ông là hoàn hảo nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như cái vung tròn làm sao có thể đậy kín được cái hộp vuông” (2).

Với tinh thần phê phán cách mạng, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những điểm hạn chế, lạc hậu trong tư tưởng đạo đức của Khổng giáo cần phải loại bỏ hoặc khắc phục: “Khổng giáo dựa trên ba sự phục tùng chính: quân - thần, phụ - tử, phu - phụ và năm đức chủ yếu: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Khổng tử viết Kinh Xuân Thu để chỉ trích những thần dân nổi loạn và những đứa con hư hỏng nhưng ông không viết gì để lên án những tội ác của những người cha tai ácnhững ông hoàng thiển cận. Nói tóm lại, ông rõ ràng là người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức” (3).

Với tầm nhìn thời đại, Hồ Chí Minh đã tìm ra phương thức để người Việt có thể giải bài toán hội nhập văn hóa đông tây trong điều kiện mới: “Những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lê nin” (4).

Giữa những giá trị trong tư tưởng đạo đức Khổng tử với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin không có sự đối lập hoàn toàn, mà giữa những yếu tố, bộ phận ấy còn có sự thống nhất với nhau, tương quan bổ sung cho nhau. Điểm thống nhất ấy là giá trị nhân đạo. “Học thuyết Khổng tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu hạnh phúc cho xã hội (5).

Hồ Chí Minh chỉ ra những giá trị của tư tưởng Khổng tử, giá trị tập trung ở tư tưởng đạo đức, yêu cầu tu tâm dưỡng tính, vun đắp, xây dựng một đời sống tinh thần có tầm văn hóa cao, một xã hội đại đồng. Từ đó, Hồ Chí Minh sử dụng nhiều phạm trù đạo đức đã được Khổng tử giải nghĩa, sau khi tiến hành phê phán một cách biện chứng như: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… để xây dựng chuẩn mực đạo đức cho người cán bộ, đảng viên nói riêng, con người Việt Nam mới nói chung. “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt có bốn điều: nhân, trí, dũng, liêm” (6).

Trung với nước, hiếu với dân

Hồ Chí Minh không gạt bỏ từ ngữ trung, hiếu đã ăn sâu, bám rễ trong con người Việt Nam hàng nghìn năm với ý nghĩa trách nhiệm, bổn phận của người dân, người con. Hồ Chí Minh đưa vào nội dung mới, cách mạng, phản ánh đạo đức ngày nay cao rộng hơn, không phải trung với vua và chỉ có hiếu với cha mẹ, mà trung với nước, hiếu với dân. Trung với nước thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội; trách nhiệm với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên của đất nước. Nước ở đây là nước của dân và dân là chủ nhân của nước. Nhân dân từ chỗ là kẻ nghèo hèn, bị sai khiến trở thành lực lượng làm nên lịch sử, sáng tạo ra lịch sử. Quan vốn là phụ mẫu của dân, thì nay cán bộ, đảng viên là đầy tớ trung thành của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là phải suốt đời đấu tranh cho cách mạng, ra sức làm việc, giữ vững kỷ luật, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Hiếu với dân là phải hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ xung quanh Đảng, tổ chức tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng; phải lấy dân làm gốc, thực hiện dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Đảng, Nhà nước hoạt động phải gần dân, thân dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân, phải biết làm học trò dân mới làm được thày học của dân. Chỉ khi thực hiện được như thế, người cách mạng mới được dân tin yêu, cách mạng mới đi đến thành công. Trung và hiếu đã được Hồ Chí Minh nâng lên bậc cao nhất, đó là tận trung với nước, tận hiếu với dân, đó là phẩm chất đặc biệt quan trọng của mỗi người Việt Nam nói chung, của cán bộ, đảng viên nói riêng.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những phẩm chất đạo đức gắn bó chặt chẽ với phẩm chất trung với nước, hiếu với dân, đòi hỏi mỗi người phải lấy bản thân mình làm đối tượng điều chỉnh, diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong công tác, sinh hoạt.

Ngày 3-9 - 1945, một ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khai sinh, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhiệm vụ thứ tư của nhà nước là: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính” (7).

Tháng 6 - 1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Cần, kiệm, liêm, chính. Sau đó, Người thường xuyên đề cập tới các phạm trù đạo đức này. Hồ Chí Minh không chỉ giải thích nghĩa của cần, kiệm, liêm, chính mà Người còn so sánh bốn đức tốt đẹp cần thiết với con người như với bốn mùa của trời, bốn phương của đất, Hồ Chí Minh cho rằngcần, kiệm, liêm, chính đối với cán bộ đảng viên lại càng cần thiết, bởi vì: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút” (8).

Theo Hồ Chí Minh, càng có chức, có quyền càng cần phải cần, kiệm, liêm, chính. “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (9). Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính không chỉ là đức cần thiết với cá nhân con người, với cán bộ, đảng viên mà còn là thước đo văn minh, tiến bộ của một dân tộc. “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” (10).

Vì vậy, cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, của thi đua ái quốc, là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại, là sức mạnh của dân tộc ta: “Từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, lập nền Dân chủ Cộng hòa, cho đến mấy năm kháng chiến, dân ta nhờ cần, kiệm, liêm, chính mà đánh thắng được giặc lụt, giặc dốt, giặc thực dân và giặc đói” (11).

Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, hưởng thụ đi sau, là lòng mình chỉ biết vì Đảng, tổ quốc, đồng bào. Hồ Chí Minh đòi hỏi, thực hành chí công vô tư là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh. Tóm lại, chủ nghĩa cá nhân còn ẩn nấp trong mỗi người chúng ta, nó chờ dịp thất bại hoặc thắng lợi để ngóc đầu đậy. Nó là một kẻ địch của ta nhưng là bạn đồng minh của các kẻ địch khác.

Vì vậy, đạo đức cách mạng là bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch, trong đó kẻ địch hung ác nhất là chủ nghĩa cá nhân. “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” (12).

Chủ nghĩa cá nhân còn là mối nguy hại cho một Đảng, cho cả dân tộc: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (13). Hồ Chí Minh giải thích cho cán bộ làm sách Người tốt việc tốt: “Các chú có biết rằng dân tộc ta vĩ đại, Đảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không? Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người. Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy” (14).

Hồ Chí Minh rất chú trọng đến bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng xuất phát từ lòng thương yêu con người, đồng bào, đồng chí, thương nhân loại lầm than dưới ách áp bức, bóc lột. Từ đó, Người tiếp thu các giá trị nhân văn sâu sắc của đạo đức phương Đông, phương Tây. Nhưng với phương pháp tư duy biện chứng và lập trường duy vật triệt để, Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống quan điểm về đạo đức con người cách mạng Việt Nam một cách độc lập, trình độ lý luận và khả năng áp dụng và thực tiễn cao. Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh thuộc hệ thống tư tưởng đạo đức cộng sản, là sự thống nhất nhuần nhuyễn giữa tư tưởng triết học, chính trị và đạo đức mang giá trị khoa học, nhân văn và thời đại.

_______________

1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Khổng Tử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.604, 605, 606.

5. Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.51.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, Những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Dân chủ cộng hòa, tr.16, 17.

7, 8, 9, 10, 11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sửa đổi lề lối làm việc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.488, 641, 104, 642, 631.

12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.291.

13, 14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.557, 558.

Trần Thị Hạnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ho-chi-minh-ke-thua-gia-tri-dao-duc-nho-giao-trong-xay-dung-dao-duc-can-bo-69786