Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người

Hồ Chí Minh - tên Người là cảm xúc dào dạt cho trái tim nhạc sĩ, đưa tiếng hát tự hào bay vút không gian. Hồ Chí Minh đã hóa thân vào trong mỗi con người, trong mỗi cuộc đời. Vầng dương ấy không bao giờ tắt, cứ tươi mãi một màu hồng chói lọi. Tâm hồn Người luôn luôn dạt dào như biển cả. Hồ Chí Minh là tinh hoa khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập sáng 2/9/1945 tại Ba Đình. Ảnh: TTXVN

Người là ngọn đuốc lương tri, cả cuộc đời chiến đấu để mang lại khát vọng “tự do cho mỗi đời nô lệ”, với tiếng gọi vang vọng khắp tinh cầu “Vô sản những người bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”.

Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người- Hồ Chí Minh

Như một niềm tin như dũng sĩ

Như lòng nhân nghĩa đức hy sinh.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng được sống gần gũi nhiều với Bác, thế nhưng ông vẫn tự bạch với đồng chí mình, cả đời ông vẫn chưa khám phá hết sự vĩ đại và anh linh của Bác Hồ kính yêu.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã có những giây phút sám hối về mình trong bài thơ “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Chế Lan Viên thốt lên rằng: “Bác vĩ đại chẳng làm ai kinh ngạc”. Câu thơ lắng lại trong tâm can chúng ta điều gì? Trước hết, ta cắt nghĩa được điều vĩ đại ấy, xuất phát từ trái tim yêu nước thương nòi. Một trái tim bao dung hàng triệu trái tim, một tấm lòng bao dung hàng triệu tấm lòng. Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông, Bác vẫn hiện hữu giữa cuộc đời ta: Một vị cha già dân tộc, với phơ phơ tóc bạc chòm râu mát, với bộ quần áo ka ki dãi dầu sương gió, với đôi dép cao su. “Bác đi từ thuở chiến khu Bác về/ Phố phường, trận địa, nhà máy đồng quê /Còn in dấu dép Bác về Bác ơi...”. Hiển hiện trong ta đôi mắt của Người, sáng như ngọn hải đăng trên biển, nhưng lại rất đỗi dịu dàng ấm áp như ánh nắng mùa xuân gọi chim én về. Ai đã từng một lần gặp Bác, họ có thể kể chuyện suốt đời cho bạn bè mình nghe, cho con cháu mình nghe về những phút hạnh phúc bất ngờ ấy. Thật kỳ lạ, khi nhắc tới những kỷ niệm thiêng liêng, này từ anh hùng, dũng sĩ, các bậc trí thức, công nhân, nông dân hay cả bạn bè quốc tế đều xúc động đến trào nước mắt, họ thấu hiểu rằng: con người ấy “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Và vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, đã trao cho họ một cốt cách vĩ đại.

Một nhà văn nước Pháp đã ví: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Việt Nam, tinh khiết như một bông sen”. Hoa sen là biểu tượng đẹp nhất của tâm hồn người Việt Nam, sự tinh khiết ấy hướng người đời đến giá trị “chân, thiện, mỹ”, xóa đi sự phàm tục, ích kỷ, cám dỗ tầm thường.

Đã bao lần ta trở về làng Sen quê Bác, nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời giữa mùa sen rực rỡ màu hồng. Hương sen ngào ngạt bay vào giấc ngủ, hương sen ướp hương ca dao, chứa sâu thẳm ân tình ví dặm quê nhà mà thân mẫu Hoàng Thị Loan, đã ru lớn tình yêu quê hương đất nước cậu bé Nguyễn Sinh Cung, từ tuổi ấu thơ. Một khúc dân ca sâu nặng quê nhà, mà sông Lam buồn man mác, mà cụ Nguyễn Sinh Sắc buồn man mác, vì đất nước đang còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Nỗi đau của người cha trên trang sách hiu hắt bên ngọn đèn dầu lạc, trong bối cảnh “quốc loạn, gia bần” đã thấm cả vào dòng sữa mẹ, lẫn trong tiếng nôi đưa kẽo kẹt đêm trường. Một thời thơ ấu của Bác, đã được nhà văn Sơn Tùng tái tạo lại trong “ Búp sen Xanh” để cho hậu thế hiểu rằng: cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tự Tất Thành) đã không phụ lòng với cái tên cha đặt. Muốn cứu nước, muốn làm cách mạng, thì phải học. Nguyễn Sinh Cung đã biết “tiên học lễ, hậu học văn” trong một gia đình nho giáo. Cậu Cung theo cha vào Huế từ lúc còn niên thiếu, nhưng đã quyết tu thân với nghiệp “đèn sách”, rồi trở thành thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành càng thêm tuổi lớn, càng đau đáu với thảm kịch dân mất nước, đang bị đọa đày đau khổ, đang diễn ra hàng ngày. Người thanh niên ấy âm thầm cất bước ra đi tìm đường cứu nước.

Thế rồi vào ngày 5/6/1911, tại Bến cảng nhà Rồng (TP. Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh), chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành xin làm phụ bếp cho chiếc tàu đô đốc Lautouche trevile, để tới một phương trời xa thẳm, với khát vọng nung nấu nước nhà được độc lập, dân được ấm no và hạnh phúc. Những ngày đầu tiên đặt chân trên đất Pháp, Người đã hiểu ra sự dã tâm của chủ nghĩa tư bản, khi bọn chúng rêu rao khai phá văn minh cho nước Việt, thì ở ngay tại thành phố Paris này vẫn diễn ra nhan nhản cảnh “người bóc lột người”. Xa nước rồi, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lại càng thương thân phận dân mình, “thân một cổ hai vòng nộ lê”. Càng thương dân, thương nước bao nhiêu, Người càng nuôi dưỡng niềm tin của chính mình, bằng nghị lực bấy nhiêu. Điều vĩ đại của Bác Hồ, được đổi lấy bằng những giá học phí của những ngày hoạt động cách mạng, đầy gian khổ truân chuyên: dùng hòn gạch nung đỏ để chống giá lạnh giữa Paris, đói chỉ ăn mẩu bánh mì con với đủ thứ lao động cực nhọc. Rồi từ thành phố Paris, Người đã kết nối được tình bằng hữu chở che, họ có tinh thần đấu tranh cho nhân loại vì một nền hòa bình, tự do và bác ái. Chính từ những tổ chức này, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trở thành nhà hoạt động chính trị, lấy tờ báo Người cùng khổ làm vũ khí đấu tranh giai cấp, lên án bọn thực dân Pháp.. Rồi từ Paris, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rong ruổi khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ Latinh... để mong có một ngày tìm được” hạt giống đỏ” của cách mạng, về gieo giống trên đất nhà. Rồi ngày ấy đã đến, chủ nghĩa Mác - Lênin với cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, như một tiếng chuông ngân lanh lảnh cả hành tinh. Lần đầu tiên được lật từng trang sách của Chủ nghĩa Mác - Lênin, trái tim chàng trai Nguyễn Tất Thành hồi hộp như muốn vỡ tung lồng ngực. Càng đọc, Người càng thấm đẫm một nguyên lý sáng như mặt trời, Người khẳng định rằng : Đây là học thuyết cách mạng nhất, khoa học nhất, chân chính nhất, để mình vận dụng vào thực tiễn của đất nước, sớm đưa nước mình thoát khỏi “gọng kìm” của đế quốc thực dân và phong kiến tay sai.

Tái hiện lịch sử ngày 2/9/1945.

Hồ Chí Minh với sự tài ba lỗi lạc đã vận dụng linh hoạt Chủ nghĩa Mác- Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam. Từ “hạt giống đỏ” này, mà tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ra đời. Gió cách mạng đã thổi vào đất Việt, cờ đỏ sao vàng đã tung bay phần phật trên đất Việt. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình dậy nắng và hoa, chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài đọc Bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Người đã tuyên bố với nhân loại thế giới rằng : “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã trở thành nước tự do và độc lập”.

Lời Bác Hồ là lời hồn thiêng sông núi, là hồi kèn xung trận khi thời cơ “vận nước” đã tới, tất cả cùng đứng lên “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Cách mạng ào ào như thác đổ triều dâng. Điều kỳ diệu của vị tư lệnh tối cao dân tộc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù cam go, gian khổ nhất, Người vẫn rất điềm tĩnh, ung dung, với bộ óc anh minh để chèo “con thuyền cách mạng” vượt qua những thác gầm, vực xoáy. Lịch sử không bao giờ quên, hình bóng một vị lãnh tụ gầy guộc, ngồi bên “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” vẫn với một niềm lạc quan bất tận “Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Lán Nà Nưa vẫn còn đây, hang Pắc Bó vẫn còn đây. Ta vẫn nghe rì rào suối hát, ta vẫn nghe ríu rít tiếng chim ca, và ta thấy như bóng ông già Thu (Bác Hồ), đang hiện lên trong bộ áo chàm đơn sơ, ngẩng cao đầu rảo bước. Ai biết rằng, bao nhiêu ngày tháng ông già Thu ấy đã nếm trải muỗi rừng và sốt rét, để cùng với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, từng giờ, từng ngày quyết định từng “đường đi, nước bước” cho dân tộc. Để từ đấy tạo nên làn sóng cách mạng ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sục sôi trong cả nước. “Từ Thủ đô gió ngàn”, cái nôi cách mạng của Chiến khu Việt Bắc, cái nôi được Bác Hồ giáo dục, rèn luyện những người cộng sản kiên trung. Cái nôi “gieo mầm” Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh tới hàng triệu đồng bào, đồng chí. Cái nôi kiến tạo đường lối chiến lược quân sự khoa học nhất, đúng đắn nhất, để làm nên “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu”... Cái nôi ấy, ngọn lửa của Hồ Chí Minh có sức thiêng Phù Đổng, để quân và dân cả nước, lại tiếp tục hành quân ra tuyến lửa “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị, danh nhân văn hóa thế giới mà trái tim ôm cả non sông. Hồ Chí Minh với tình yêu bao la. Từ Cao Bằng, Nghệ An, Thái Bình,... mỗi vùng quê được Người đến thăm đều có hơi ấm diệu kỳ và niềm tin mãnh liệt.

Đã 60 năm đi qua, cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh vẫn đinh ninh lời dặn dò năm ấy về ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, về nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, về đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, về nhận thức đúng lao động được phân công. Người phân tích tất cả mọi ngành nghề từ lao động chân tay và lao động trí óc, nếu làm tốt đều là vẻ vang, đều phục vụ Đảng, phục vụ dân.

“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. Cứ nhắc tới Người, ta thấy như mỗi sáng ta lại bắt gặp bình minh ngày mới. Khi ta sờ lên ngực mình, trái tim còn đập nhịp, thì ta hiểu rằng người cộng sản, chỉ được dân yêu thương nhất, khi họ dám xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích nhân dân, vì lợi ích dân tộc. Hàng ngàn trang sách, hàng trăm pho lý luận, cũng không bằng một câu nói giản dị mà Hồ Chí Minh đã gửi lại cho muôn đời, cho thế hệ tương lai: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư “. Một xã hội sẽ tốt đẹp hơn, văn minh hơn, khi mỗi người biết sống và hành động theo đạo đức Hồ Chí Minh.

Anh Bình - Thế Cải

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ho-chi-minh-dep-nhat-ten-nguoi-post10615.html