Hộ cá thể lên doanh nghiệp: Không thể can thiệp thô bạo

Luật hóa là giúp hoạt động kinh doanh của các hộ kinh tế chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, nhưng không thể can thiệp một cách thô bạo, cứng nhắc.

Đang có nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên đưa các hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp hay không. Những người ủng hộ cho rằng “kinh tế hộ gia đình đang chiếm tới hơn 30% GDP nhưng lại bị bỏ quên, cần phải đưa vào luật”. Những ý kiến khác lại lo ngại việc đưa hơn 6 triệu hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là khiên cưỡng và làm khó họ.

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, luật hóa là giúp các hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, nhưng không thể can thiệp một cách thô bạo, cứng nhắc.

Đưa hộ cá thể lên doanh nghiệp không thể can thiệp thô bạo. Ảnh: Theleader

Đưa hộ cá thể lên doanh nghiệp không thể can thiệp thô bạo. Ảnh: Theleader

Nguy cơ không nằm ở luật pháp

PV: Tại Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử vào chiều 30/7, có ý kiến nêu: "Không thể để 30% GDP với hơn 6 triệu hộ kinh doanh ra ngoài vòng pháp luật, phải đưa hộ kinh doanh thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận khác để đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, phải nâng cấp, minh bạch hóa khu vực này". Theo ông, đây có phải là quan điểm khả thi không và vì sao?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Để trả lời câu hỏi có nên đưa các hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không thì chúng ta cần phải trả lời câu hỏi tại sao cần phải có luật cho doanh nghiệp, có luật sẽ giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, hay luật ra đời sẽ làm khó cho sự phát triển của doanh nghiệp?

Để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh thường phải kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa người bỏ tiền trang trải cho các hoạt động kinh doanh (người đầu tư) người quản lý điều hành các hoạt động kinh doanh (người quản lý) và những người lao động trực tiếp thực hiện các tác nghiệp sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (người lao động).

Trong một hộ gia đình, ba bộ phận trên thường không tách biệt mà nằm trọn trong mối quan hệ của các thành viên của gia đình.

Trong trường hợp đó, để phối hợp hài hòa giữa ba bộ phận của hoạt động kinh doanh trong phạm vi một gia đình hoàn toàn có thể sử dụng các quan hệ gia đình để tự điều chỉnh mà không cần sự can thiệp của các yếu tố xã hội hay luật pháp.

Khi là một doanh nghiệp, ba bộ phận trên thường có sự tách biệt: chủ đầu tư, người quản lý và người lao động. Ba bộ phận này kết nối với nhau không phải bằng quan hệ gia đình, mà dựa trên các thỏa thuận (hợp đồng) để cùng đạt được mục tiêu và lợi ích của mỗi bên. Để doanh nghiệp hoạt động tốt, các mối quan hệ dựa trên các thỏa thuận như trên cần phải có một cơ chế để duy trì, thực thi đầy đủ và ổn định theo mục tiêu chung, để lợi ích của các bên được phân định một cách thỏa đáng với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không thể tự mình kiểm soát, điều chỉnh các mối quan hệ trên để giải quyết hài hòa lợi ích các mối quan hệ trong nội tại của mình, mà phải dựa vào những khuôn khổ của luật pháp để điều chỉnh các mối quan hệ giữa các bộ phận trong nội tại doanh nghiệp.

Như vậy luật doanh nghiệp có mục đích trước hết nhằm để duy trì và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa những người tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp cho hoạt động của doanh nghiệp phát triển để cùng mang lại lợi ích nhiều hơn cho mỗi thành viên tham gia.

Việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp dựa trên các qui định của luật pháp không chỉ tạo lập các thông tin minh bạch để giải quyết mối quan hệ trong nội bộ của doanh nghiệp mà còn là những bằng chứng về thực lực hoạt động của doanh nghiệp được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Đó chính là cơ sở pháp lý tin cậy để doanh nghiệp có những cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm bạn hàng, phát triển mở rộng thị trường thuận lợi hơn.

Như vậy, mục đích đưa các doanh nghiệp vào đối tượng điều tiết của luật không phải là để gò các doanh nghiệp vào vòng kiểm soát, mà là nhằm điều tiết các mối quan hệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định để qua đó tăng phần đóng góp cho xã hội. Đưa doanh nghiệp vào đối tượng điều chỉnh của luật là để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhìn sang khu vực kinh doanh của hộ gia đình đang có tới hơn 6 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 30% GDP. Vậy các hộ kinh doanh này có nên chuyển thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không?

Điều dễ nhận thấy là trong số hơn 6 triệu hộ kinh doanh hiên nay, phần lớn các hộ này đều sử dụng lực lượng lao động chính không phải là lao động của bản thân gia đình mà lao động thuê ngoài, thậm chí cả lực lượng những người làm công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ.

Như vậy, về bản chất cơ cấu tổ chức của hộ kinh doanh này không khác gì một doanh nghiệp, điều chỉnh các mối quan hệ giữa chủ hộ với những người lao động rất cần phải dựa trên các căn cứ pháp lý như đối với doanh nghiệp. Để mở rộng cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư, thiết lập các quan hệ pháp lý với các đối tác kinh doanh, thiết lập được các thông tin tin cậy để phát triển thị trường… thì hoạt động của các hộ kinh doanh này cần được điều chỉnh như hoạt động của doanh nghiệp.

Kể cả các hộ kinh doanh bằng chính lực lượng lao động của gia đình, nếu muốn thiết lập hệ thống thông tin tin cậy để tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, thiết lập các quan hệ với các đối tác kinh doanh và tham gia thị trường chính qui, ổn định… thì các hộ này cũng cần thực hiện cơ chế quản trị như một doanh nghiệp và chịu sự điều tiết của luật pháp như một doanh nghiệp.

Việc để các hộ kinh doanh nằm ngoài đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp như hiện nay chính là thái độ đối xử chưa bình đẳng với hộ kinh doanh, so với các doanh nghiệp mà hoạt động của họ được điều chỉnh bằng Luật Doanh nghiệp. Đó chính là lý do làm khu vực kinh tế hộ gia đình còn bị phân biệt đối xử, khó khăn trong tiếp cận vốn, mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa... làm mãi mãi giam chân dừng lại ở kinh doanh hộ.

Như vậy, để thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của các hộ kinh doanh, Nhà nước không thể lờ đi, bỏ qua khu vực này. Giống khu vực doanh nghiệp, đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ là giúp đỡ, hỗ trợ họ để họ phát triển vững mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, chứ không phải dùng luật để “trói buộc”, "quản lý", hay làm khó họ.

Không thể can thiệp thô bạo

PV: Đó là kỳ vọng, nhưng thực tế một tính toán độc lập mới đây cho thấy, một hộ kinh doanh có khoảng 10 lao động, khi đăng ký theo Luật Doanh nghiệp lập tức phải chi trả chi phí tuân thủ chính thức là 183 triệu/năm, kể cả khi theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ). Điều này gây lo ngại, thay vì nhận được hỗ trợ, khu vực kinh tế này sẽ bị trói trong một vòng kim cô thanh kiểm tra, thuế phí, các quy định về sử dụng lao động... Đây sẽ là những nhân tố cản trở sự tồn tại, thậm chí tiêu diệt sức sống của kinh doanh hộ gia đình. Ông có chia sẻ với những mối lo ngại trên hay không? Tiếp cận theo cách thức đã đề cập liệu có hóa giải được những nỗi lo này hay không?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Đó là lý do vì sao các hộ kinh doanh sợ không dám lớn lên thành doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kêu ca rất nhiều vì bị làm khó bởi các thủ tục nhiêu khê, thậm chí có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, cán bộ vòi tiền gây khó dễ, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhìn ra nút thắt này đối với sự phát triển của doanh nghiệp, chính vì thế Thủ tướng Chính phủ đang cương quyết chỉ đạo phải cải cách, cắt giảm tối thiểu 50% các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phương châm chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ.

Chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ đòi hỏi phải thay đổi căn bản phương thức hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp như: thanh tra, thuế, chính quyền cơ sở… từ thái độ hạch sách, hoạnh họe, ngồi chờ doanh nghiệp đến xin, thì Chính phủ phục vụ phải là người tìm đến doanh nghiệp, tư vấn, tháo gỡ những khó khăn, cung cấp các điều kiện, đáp ứng những yêu cầu cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Nếu làm được như thế thì không thể nói đưa hộ kinh doanh vào luật là gây khó, là cản trở sự tồn tại, phát triển của họ được. Luật ra đời là để hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp, không phải làm khó doanh nghiêp bằng các chi phí chuyển đổi, hay chi phí tuân thủ luật pháp, các quy trình thủ tục về kế toán, kê khai thuế, hay việc thanh tra, kiểm tra.
Việc các doanh nghiệp gặp khó không phải là do chịu sự điều tiết của luật, mà do công tác quản lý quá trình thực thi chính sách của các cơ quan quản lý gây ra.

Vậy thì vấn đề cần điều chỉnh là công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là đưa họ vào đối tượng điều chỉnh của luật. Điểm mấu chốt là phải thay đổi quan niệm, phương thức hành động và cơ chế kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đúng vai trò, chức năng là tạo sự minh bạch, công bằng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển.

Qua đó, việc đưa các hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh như doanh nghiệp sẽ làm cho công tác quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp minh bạch, chuyên nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.

Cũng giống như câu chuyện tiêm vacxin phòng bệnh, khi xảy ra sự cố biến chứng sau tiêm phòng không phải do chất lượng vacxin, mà do quy trình tiêm phòng không được tuân thủ chặt chẽ thì chúng ta không thể tẩy chay tiêm vacxin, mà phải rà soát, kiểm tra và tuân thủ chặt chẽ qui trình tiêm chủng.

Tôi không cho rằng việc đưa các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là để thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020.

Không thể thực hiện một cách áp đặt, cứng nhắc theo kiểu phải đưa bao nhiêu hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp, vì không phải bất kỳ hộ kinh doanh nào cũng cần phải trở thành doanh nghiệp khi hộ khi doanh đó không dựa vào lực lượng lao động chính từ bên ngoài, gia đình cũng không có nhu cầu và định hướng phát triển mở rộng.

Tôi lấy ví dụ, một người tự thực hiện các hoạt động kinh doanh, không thuê người lao động bên ngoài, không thuê quản lý… thì pháp luật không nhất thiết phải can thiệp vào mối quan hệ trong nội tại gia đình họ.

Tuy nhiên, nếu người đó có nhu cầu muốn mở rộng thị trường, mở rộng quy mô, muốn tìm kiếm bạn hàng… tức là phải thực hiện các giao dịch, phải có hồ sơ, giấy tờ, sổ sách, báo cáo tài chính… là cơ sở có tính pháp lý để các đối tác, bạn hàng biết được thực lực hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh đó, để khách hàng nắm được các thông tin một cách tin cậy về qui trình sản xuất ra sản phẩm đó… thì tự hộ kinh doanh sẽ chuyển cách quản trị hoạt động kinh doanh của mình như là một doanh nghiệp.

Như vậy, luật không cần đặt vấn đề tất cả các hộ kinh doanh phải thành doanh nghiệp, mà khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát sinh các mối quan hệ mà các mối quan hệ này phải được giải quyết bằng các qui định luật pháp của Luật Doanh nghiệp thì khi đó nhận thấy rõ những lợi ích họ sẽ tự mình muốn trở thành doanh nghiệp.

Do vậy, chúng ta không chủ quan, không áp đặt, không chạy đua theo mục tiêu để ép hộ kinh doanh phải thành doanh nghiệp.

Nên nhớ, khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đóng góp tới 38-39% GDP, trong đó doanh nghiệp đăng ký chính thức chiếm gần 9% GDP và khu vực hộ kinh doanh chiếm hơn 30%, một tỉ lệ rất lớn.

Nếu chủ quan, can thiệp một cách thô bạo, bất cẩn vào khu vực này thì hệ lụy, hậu quả phải gánh là rất nghiêm trọng. Nhất là trong bối cảnh tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản, đóng cửa vẫn tăng cao, lên tới gần 30.000 doanh nghiệp chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019. Nếu bất cẩn, con số này còn đáng báo động hơn.

Tuy nhiên, cũng không vì e sợ mà chúng ta bỏ qua để 30% GDP từ khu vực hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, do vậy không thuộc đối tượng hỗ trợ, không thúc đẩy các hoạt động kinh doanh phát triển chuyên nghiệp.

Nếu cứ để các hộ kinh doanh quanh quẩn với hiện tại, bằng lòng với hiện tại, thì không khác nào đang giam chân hộ kinh doanh, mãi không thể hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, không thể mở rộng quy mô sản xuất, không thể phát triển thị trường, nền kinh tế cũng vì thế mà cứ mãi mãi là sản xuất nhỏ, không thể lớn lên được.

Thực tế hiện có rất nhiều sản phẩm các hộ gia đình sản xuất rất tốt, chất lượng thậm chí còn tốt hơn cả các sản phẩm nhập ngoại, nhưng không thể bán được, không xuất khẩu được. Nguyên nhân cũng vì bị bỏ rơi ngoài các quy định pháp luật, không được kiểm soát quy trình, không được đo lường các chỉ số về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vì thế chỉ có thể loanh quanh trên thị trường nội địa, rất đáng tiếc.

Đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Cần, nhưng phải tính...

PV: Vậy theo ông, những vấn đề cơ bản phải nghĩ đến nếu muốn tác động tích cực đến khu vực này là gì? Xin ông phân tích cụ thể.

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Đúng là những hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua dù đã có quy định nhưng hiệu quả mang lại còn rất hạn chế. Đây là điều khiến các hộ kinh doanh còn e ngại, không muốn lên doanh nghiệp. Với cách nhìn trực diện thì những lo lắng khi chuyển các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là không sai.

Tuy nhiên, như đã nói, vướng không phải do luật, vướng là ở công tác quản lý và cách thức thực hiện, do vậy đã đến lúc phải tháo bỏ các rào cản, xóa bỏ các hạn chế, để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.

Vậy giải pháp là gì? Như đã nói, những chủ thể tham gia vào thực thi các qui định của luật, chịu sự điều tiết của luật đều phải thay đổi. Sự thay đổi này trước hết phải đến từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Tư duy quản lý phải được chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ. Người dân, doanh nghiệp không phải đến xin cơ quan quản lý nhà nước mà cơ quan quản lý nhà nước phải tìm tới người dân, doanh nghiệp, để hỗ trợ.

Bản chất của doanh nghiệp nhỏ và vừa đều là nhóm yếu thế, không có tiếng nói, khả năng chống lại các rủi ro cũng rất hạn chế vì thế cần có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ, bảo vệ họ.

Trách nhiệm của Nhà nước là phải đưa ra một cơ chế để hình thành những người hoạt động chuyên nghiệp có khả năng hỗ trợ cho nhóm này. Cơ chế hỗ trợ phải mang tính tổng thể, thống nhất, bền vững không phải những cơ chế hỗ trợ mang tính nhất thời kiểu chính sách ưu tiên, ưu đãi, miễn giảm thuế hay giảm thủ tục thanh, tra kiểm tra… đó chỉ là những hỗ trợ nhất thời.

Hỗ trợ phải đi vào giải quyết những vướng mắc trong quá trình quản trị các hoạt động của hộ khi chuyển thành doanh nghiệp, khi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp tức là họ cũng phải thực hiện các chính sách, quy định về chế độ kế toán, thuế, các cơ chế thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết những khó khăn này Nhà nước phải có cơ chế để các công ty tư vấn luật pháp, tư vấn quản trị và kế toán… bắt tay vào giúp doanh nghiệp thực hiện được các qui định về công tác quản trị của doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn này sẽ nhận được ngân sách hỗ trợ của Nhà nước dựa trên kết quả mà các tổ chức này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp và được các doanh nghiệp đánh giá, ghi nhận theo mức độ tăng hiệu quả kinh doanh của DN.

Những quy định về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được luật hóa rất rõ ràng để các tổ chức này có cơ chế thực hiện, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn rơi vào thế yếu.

Điều cốt yếu là phải thay đổi cơ chế đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi các nhiệm vụ quản lý đối với doanh nghiệp.

Kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ và các cơ quan quản lý nhà nước phải được đo lường bằng số lượng doanh nghiệp đã được hỗ trợ, số yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra được giải quyết kịp thời, số lượng và tỷ lệ yêu cầu của doanh nghiệp không được đáp ứng hoặc đáp ứng không kịp thời, mức tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp...

Nếu thay đổi tiêu chí đánh giá theo hướng này, cán bộ sẽ không dám hoạnh họe, gây khó cho doanh nghiệp nữa, mà ngược lại còn phải chạy theo, tìm cách tháo gỡ, đơn giản các thủ tục giải quyết các yêu cầu cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh.

Khi làm được như vậy hoạt động hỗ trợ mới thực sự có hiệu quả, nút thắt về thủ tục hành chính được tháo gỡ mới giúp cho hộ kinh doanh sẵn sàng chuyển đổi thành doanh nghiệp và phát triển lớn mạnh.

PV:Xin cảm ơn ông!

Vũ Lan

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ho-ca-the-len-doanh-nghiep-khong-the-can-thiep-tho-bao-3385469/