'Hô biến' một đứa trẻ nhút nhát trở nên tự tin hơn

Biểu hiện nhút nhát dưới 3 tuổi là bình thường, do đó để trẻ có thể sẵn sàng làm quen với điều mới, cha mẹ hãy nói trước với những người quen là bé cần thời gian làm quen.

Hãy nói mọi người đừng trêu chọc bé ngay, điều nên làm là bế bé bên cạnh, lâu lâu vuốt tóc, mặt để bé có cảm giác thân thiết. Bé sẽ rất nhanh hòa nhập nếu người mới thân thiết với bé.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động

Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động tập thể để con dạn dĩ hơn. Khi tham gia hoạt động tập thể, mẹ cũng cần khéo léo để con làm quen với bạn mới. Vì với trẻ nhút nhát, con chưa thể ngay lập tức hòa đồng được, con cần có thời gian quan sát và làm quen. Mẹ hãy dẫn dụ con vào cuộc chơi nhẹ nhàng và tránh mọi xung đột giữa con và trẻ khác. Khi ở nhà, cha mẹ hạn chế tối đa việc thể hiện sự căng thẳng, mệt mỏi trước mặt trẻ. Hãy tạo ra sự vui vẻ, hạnh phúc để trẻ cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn.

Hãy nỗ lực thừa nhận ngay cả khi con thất bại

Trong sự phát triển của trẻ, quá trình luôn quan trọng hơn đích đến. Chuyên gia cho rằng, kể cả khi những đứa trẻ giành chiến thắng hay bị loại trong các cuộc thi đấu, hãy cứ khích lệ chúng. Từ đó, chúng sẽ luôn cố gắng thử sức mà không cảm thấy ngượng ngùng. Trong suốt quãng đường dài, việc liên tục cố gắng sẽ xây dựng được nhiều sự tự tin hơn là chỉ cố gắng trong chốc lát.

Tạo dựng cho con "giá trị bên trong"

Một đứa trẻ không thể nói tốt trước đám đông nếu như trẻ chẳng biết nói gì. Nội lực bên trong của trẻ chính là thứ bạn cần vun đắp cho con từ từ, qua nhiều ngày nhiều tháng trong chính gia đình. Ví dụ như bạn có thể kể cho con nghe nhiều câu chuyện, hướng dẫn trẻ đọc các loại sách phù hợp độ tuổi, xem những bộ phim nội dung bổ ích… Tích tụ lâu ngày, những chất liệu này sẽ chính là "chất ngọc" giúp con bạn có được một kiến thức rộng, những suy nghĩ độc lập. Khi bé có được càng nhiều "giá trị bên trong", những lời bé nói ra khi đứng trước đám đông sẽ càng mang tính thuyết phục, tự tin, chững chạc.

Để trẻ tự mình tìm ra vấn đề

Nếu các bậc cha mẹ luôn làm tất cả mọi thứ cho con thì chúng sẽ không thể phát huy năng lực cũng như tự tin chỉ ra vấn đề mình đang mắc phải. Việc bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ con cái không những ngăn cản sự tự tin mà còn hạn chế bản năng tự lực cánh sinh của trẻ. Nói cách khác, khi con trẻ nhận được vài điểm B hay C có khi tốt hơn việc chúng liên tục nhận điểm A, miễn là chúng có thể thật sự học được phương pháp tốt để giải quyết vấn đề.

Dạy con biết lắng nghe

Trước khi trẻ có thể là người nói tốt thì trẻ nhất thiết phải là người nghe tốt đã. Cha mẹ hãy hướng dẫn con cách đừng vội cắt ngang lời người khác mà phải luôn lắng nghe một cách lịch sự, luôn quan sát thái độ của người khác, chờ đến lượt mình mới trình bày ý kiến. Việc này nghe thì to tát, nhưng thật ra bạn có thể tập với con hằng ngày. Chẳng hạn, khi bé và em tranh nhau "mách tội" với cha mẹ thì bạn nên ngăn con lại, chấn chỉnh con một cách thật nhẹ nhàng, để từng đứa trẻ lần lượt nói, và đứa trẻ này nói phải có đứa trẻ kia nghe. Khi trẻ học được cách lắng nghe, trẻ sẽ "luyện" dần cho mình cách nói chuyện thuyết phục, có đầu có đuôi, logic để thuyết phục người khác.

Hãy cổ vũ khi con gặp khó khăn

Cuộc đời vốn không công bằng và những đứa trẻ phải học được điều này. Khi chúng gặp khó khăn, chuyên gia Pickhardt nói rằng cha mẹ nên cho trẻ biết những thách thức này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của chúng như thế nào. Điều quan trọng là phải để cho con trẻ biết được rằng trên con đường thành công sẽ có rất nhiều thất bại mà chúng phải vượt qua.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/ho-bien-mot-dua-tre-nhut-nhat-tro-nen-tu-tin-hon-20210105165607662.htm