HLV Phạm Kim Huệ: 'Danh dự không phải để bị xúc phạm!'

Câu chuyện âm ỉ suốt từ đầu tháng 4 và sau vòng 1 Giải Vô địch bóng chuyền quốc gia 2021, HLV Phạm Kim Huệ mới bắt đầu hành trình đòi danh dự cho mình và các học trò.

Nhiều ngày trước khi mùa giải 2021 khai diễn, nội tình CLB Ngân hàng Công Thương đã vô cùng rối bời, tưởng chừng không có lối thoát. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt nói lời chia tay để cập bến Than Quảng Ninh, mang theo cả các học trò cưng Đoàn Thị Xuân, Lưu Thị Huệ, Vi Thị Như Quỳnh. Càng gần đến ngày khai mạc giải, đến lượt HLV Phạm Kim Huệ cùng ba cầu thủ Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoài đánh tiếng sẽ ra đi, chờ gia nhập đội bóng chuyền Vĩnh Phúc thi đấu ở giải hạng A.

HLV Phạm Kim Huệ dẫn đắt CLB Ngân hàng Công Thương

HLV Phạm Kim Huệ dẫn đắt CLB Ngân hàng Công Thương

Mọi khúc mắc bắt đầu từ đây… Bốn cô trò làm việc với CLB Vĩnh Phúc vào ngày 9-3 và đạt được thỏa thuận miệng về hợp đồng có thời hạn 3 năm, theo đó, HLV Phạm Kim Huệ sẽ nhận được 4 tỉ đồng, chuyền hai Thu Hoài được nhận 3 tỉ còn Ninh Anh và Phương Anh cùng được 2 tỉ. Hai ngày sau, bốn người cùng viết đơn gửi CLB Ngân hàng Công thương xin nghỉ và đến ngày 15-3, phía Vĩnh Phúc chuyển khoản tiền tạm ứng 2 tỉ cho Kim Huệ còn ba VĐV được nhận đủ số tiền đề nghị. Nội dung chuyển tiền của đội bóng Vĩnh Phúc – do Công ty Từ thiện xã hội FLC đại diện – nêu rõ "hỗ trợ việc thanh lý hợp đồng lao động với đội bóng chuyền".

Công ty Từ thiện xã hội FLC chuyển tiền để "hỗ trợ việc thanh lý hợp đồng lao động"

Vấn đề chỉ trở nên phức tạp khi phía CLB Ngân hàng Công thương cho biết, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) đã nhận được danh sách đăng ký thi đấu của đội bóng này từ ngày 9-3, đương nhiên vẫn có tên Kim Huệ và các học trò.

Nhận thấy những vướng mắc khó giải quyết thấu đáo ở thủ tục xin nghỉ, Kim Huệ và 3 cầu thủ đã thông báo sự việc với CLB Vĩnh Phúc vào ngày 22-3 với ý định hủy bỏ các thỏa thuận miệng trước đó.

Phía Vĩnh Phúc yêu cầu 4 cô trò ký văn bản xác nhận nhưng lại không chấp nhận việc họ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận. Yêu cầu hoàn trả tiền từ phía nhà tài trợ của đội bóng Vĩnh Phúc được Kim Huệ và các cầu thủ thực hiện vào ngày 25-3 và họ nghĩ mọi chuyện đã ổn thỏa vì trong thực tế, đôi bên chỉ mới thỏa thuận miệng, chưa chính thức ký kết hợp đồng làm việc. Bốn cô trò cũng cho rằng, số tiền được nhận "để hỗ trợ thanh lý hợp đồng" nên khi không thể rời CLB Ngân hàng Công thương, họ chỉ cần hoàn trả là được.

Quyết định kỷ luật do chủ tịch VFV Lê Văn Thành ký

Trả lời truyền thông ngày 27-4, Kim Huệ phân tích: "Phía FLC cho biết nếu chúng tôi không về đầu quân cho CLB Vĩnh Phúc thì sẽ phải đền bù gấp 3 lần số tiền được nhận. Dĩ nhiên, chúng tôi không đồng ý và không ký vào biên bản".

FLC đã gửi đơn đến VFV tố Kim Huệ và các học trò "đã có hành vi lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của FLC liên quan đến vụ chuyển nhượng", để rồi ngày 10-4, chủ tịch VFV Lê Văn Thành ký quyết định cảnh cáo HLV Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh.

Chuyền hai Nguyễn Thu Hoài (20)

Kim Huệ cho biết, cô đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT đề nghị chỉ đạo VFV thu hồi quyết định kỷ luật vô căn cứ kể trên.

Cô cho biết không hề được VFV yêu cầu giải trình sự việc trước khi ra quyết định kỷ luật cũng như chỉ đọc được thông tin mình bị kỷ luật qua… báo chí. Kim Huệ nói: "Tôi và các VĐV đã hoàn trả tiền cho phía Vĩnh Phúc, cũng chưa ký bất cứ hợp đồng nào, không xuất hiện tranh chấp nào nên không thể nói chúng tôi lợi dụng gì đó để xâm phạm quyền và lợi ích của đội bóng này".

Kim Huệ tại buổi gặp giới truyền thông ngày 27-4

"Án kỷ luật được ký ngày 10-4, chẳng hiểu vì sao được ban hành vào đúng ngày khai mạc giải làm ảnh hưởng tới tâm lý của toàn đội bóng. Chúng tôi phải hỏi lại VFV mới biết mình bị kỷ luật, chưa kể như đã nói, báo chí đăng tải ồn ào chúng tôi mới biết. Liên đoàn mời chúng tôi lên, chẳng nói gì mà ép phải nhận án kỷ luật trước mặt đại diện đội bóng chuyền Vĩnh Phúc. Đội bóng này còn dọa đề nghị rằng nếu chúng tôi không chấp nhận kỷ luật thì VFV phải ra án phạt nặng hơn. Ông Thành khẳng định vì là chủ tịch VFV nên được quyền ký quyết định kỷ luật và chắc chắn sẽ không thu hồi. Trong khi đó, Tổng Thư ký VFV Lê Trí Trường cho rằng đây là sự việc dân sự, không ảnh hưởng tới bóng chuyền nên chúng tôi mới được đăng ký thi đấu bình thường", Kim Huệ chia sẻ.

Chủ tịch VFV Lê Văn Thành sắp mãn nhiệm

HLV trưởng của CLB Ngân hàng Công thương cho rằng quyết định kỷ luật của VFV nhất thiết phải được thu hồi để trả lại danh dự cho cô và các học trò. Cô cống hiến cho bóng chuyền cả đời cầu thủ, giờ là huấn luyện viên, chưa từng được nhận huân chương, bằng khen nào từ VFV nhưng giờ bị chính VFV kỷ luật.

Nhiều người cho rằng, vì Bamboo Airways là nhà tài trợ của cả giải VĐQG lẫn giải Hạng A toàn quốc nên khi có đơn khiếu nại là người đứng đầu VFV phân xử ngay mà không cần tuân theo các nguyên tắc khen thưởng, kỷ luật mà liên đoàn thể thao nào cũng ban hành và tuân thủ nghiêm ngặt.

Danh sách đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia bị... giả mạo

Không ít ý kiến khẳng định, ở giai đoạn "hoàng hôn nhiệm kỳ" chuẩn bị rời hẳn ghế chủ tịch VFV để sang phụ trách mảng tài chính của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ông Lê Văn Thành đã khiến dư luận bàn tán trước rất nhiều sự việc. Ông thẳng thừng giới thiệu một ứng cử viên "là chủ tịch sắp tới của liên đoàn" trước sự khó chịu của nhiều thành viên Ban chấp hành VFV do chưa qua đại hội bầu cử, đề cử.

Ông Thành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc "lộ" danh sách triệu tập đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia năm 2021 mà mới đây, chính Tổng Thư ký Lê Trí Trường cho rằng đây là danh sách… giả!

Việc HLV Li Huan-ning của đội tuyển nam sẽ phải chia tay chỉ sau khoảng 2 tháng làm việc do không xin gia hạn được visa lưu trú ở Việt Nam, ông Thành cũng không thể nói không biết!

Đông Linh - Ảnh: Hải Đăng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/hlv-pham-kim-hue-danh-du-khong-phai-de-bi-xuc-pham-20210427231605125.htm