HLV Lê Thụy Hải: Cuồng phong cánh mỏi, về bên núi đợi

HLV Lê Thụy Hải đã rời xa cõi tạm vào trưa 7/5 ở tuổi 76 sau một thời gian dài chống chọi với bạo bệnh, khép lại một cuộc đời và sự nghiệp 'độc nhất vô nhị' trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Có lẽ còn rất lâu nữa, những câu chuyện và giai thoại về ông Hải 'lơ' vẫn sẽ còn được nhắc đến, bởi không phải ai cũng làm được những điều ông từng làm, dám nói những điều ông từng nói.

Đời là những chuyến thiên di

Cả cuộc đời Lê Thụy Hải là những chuyến thiên di, như chính ông từng bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Trong người tôi nói thật là có máu giang hồ, bởi vì tôi đi nhiều thế cơ mà!”.

Chuyến thiên di đầu tiên, và cũng là đáng nhớ nhất trong cuộc đời Lê Thụy Hải, chính là chuyến đi cùng đội Tổng cục Đường sắt vào TP Hồ Chí Minh để đá giao hữu với các đội bóng miền Nam năm 1976. Đó là những trận đấu đầy ý nghĩa, đánh dấu sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đất nước liền một dải sau những năm tháng dài bị chia cắt vì chiến tranh.

Lê Thụy Hải và các đồng đội của mình giống như những vị sứ giả của hòa bình ở chuyến đi ấy. Các cầu thủ hai miền đã biết đến tên nhau nhưng chưa bao giờ được gặp mặt. Họ chờ đợi trận đấu đó với một tâm trạng cực kỳ hứng khởi, bởi suy nghĩ rằng khi đất nước thống nhất, các cầu thủ giỏi của hai miền sẽ được tụ hội cùng nhau và cùng đưa bóng đá Việt Nam đi lên.

Trong rất nhiều đội bóng miền Bắc lúc đó, Tổng cục Đường sắt được lựa chọn. Trận đấu đầu tiên của họ là với Cảng Sài Gòn, vào ngày 7/11/1976. Lượng khán giả đến sân Thống Nhất (đổi tên từ sân Cộng Hòa) vượt xa so với sức chứa 25.000 chỗ, đông đến nỗi lực lượng an ninh phải bắn súng chỉ thiên để ổn định trật tự, khiến cho các cầu thủ Tổng cục Đường sắt nằm rạt xuống sân vì sợ. Khán giả đến để xem các cầu thủ miền Bắc ra sao vì “nghe nói miền Bắc đói nghèo lắm” – như lời kể lại của ông Lê Thụy Hải.

Và cũng chính tiền vệ Lê Thụy Hải là ngôi sao sáng nhất của trận đấu đó. Ông lật cánh cho tiền đạo Mai Đức Chung đánh đầu mở tỷ số trận đấu. Rồi cũng chính Hải “lơ” là người ấn định tỷ số 2-0 với một siêu phẩm sau khi lừa qua Đội trưởng Phạm Huỳnh Tam Lang của Cảng Sài Gòn rồi vung chân sút găm thẳng quả bóng vào lưới thủ môn Lưu Kim Hoàng.

Tổng cục Đường sắt thắng thêm 3 trận nữa và chỉ chịu thua Hải Quan ở trận đấu cuối cùng.

HLV Lê Thụy Hải thời điểm dẫn dắt Bình Dương vô địch V.League 2014.

HLV Lê Thụy Hải thời điểm dẫn dắt Bình Dương vô địch V.League 2014.

Cá tính Lê Thụy Hải

Lê Thụy Hải chính thức giải nghệ và bước vào công tác huấn luyện theo kiểu vừa học vừa làm ở thập niên 80 thế kỷ trước. Sự thành công của thầy Hải “lơ” ở rất nhiều đội bóng ông từng dẫn dắt chính là nhờ “cá tính giang hồ” của ông. Lê Thụy Hải là một cơn cuồng phong, sẵn sàng tạo ra bão ở bất cứ nơi đâu ông đặt chân đến, nhưng cũng rất dân dã gần gũi với các học trò như cách ông thường xưng bố - con với họ. Với Lê Thụy Hải, mấu chốt của nghề huấn luyện chính là việc phải thâm nhập được vào đời sống, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của các học trò.

Mỗi một chuyến đi, mỗi lần nhận nhiệm vụ ở một đội bóng, đối với ông Hải là một trải nghiệm và bài học được rút ra. Có lẽ hiếm có vị HLV nào có được những trải nghiệm phong phú như ông. Ông từng cầm quân ở những địa phương không có phong trào bóng đá mạnh như Quảng Ngãi, hay từng dẫn dắt cả các đội bóng đá nữ. Dám dấn thân và đối diện thử thách, những thành công sau này của Lê Thụy Hải tại V.League được xây dựng trên hai yếu tố cơ bản: Giỏi nghề và “trải đời”.

Lê Thụy Hải cũng là trường hợp hiếm hoi mà các danh hiệu ông có được nhiều khi lại không được chú ý bằng những hành động hay phát ngôn của ông. Chiến lược gia sinh năm 1946 là người đầu tiên đứng lên đòi tiền lót tay cho các HLV tại Việt Nam, ông cũng là người đầu tiên yêu cầu một mức lương tương xứng với khả năng của HLV với phát ngôn nổi tiếng “Tôi là hàng Việt Nam chất lượng cao!”. Ông có lẽ cũng là trường hợp duy nhất trong giới cầm quân dám đuổi ông bầu đội bóng ra khỏi nhà ăn vì mâu thuẫn trong cách điều hành đội bóng .

Sự thẳng thắn, mạnh mẽ nhiều khi đến mức “phũ” của ông Hải “lơ” khiến cho tình cảm dành cho ông cũng chia ra làm hai nửa đối lập nhau như đen với trắng: Hoặc là rất yêu, hoặc là rất ghét. Trong sự nghiệp của mình, ông từng va chạm với rất nhiều người, từ những lãnh đạo Liên đoàn đến cầu thủ ngôi sao cỡ như Công Vinh. Nhà cầm quân quê Hà Đông chưa bao giờ ngại thẳng, ngại thật. Cho đến những năm cuối của cuộc đời, ông vẫn thường xuyên tạo ra những phát ngôn sốc gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn lẫn các CĐV.

Chính ông cũng hiểu rõ hậu quả của những phát ngôn ấy khi bộc bạch: “Tôi cũng bị dìm nhiều, có khi không phải vì bản thân mình mà là vì tôi đã động chạm đến những cá nhân đang được rất nhiều người yêu mến!”, nhưng Hải “lơ” là thế, được sống đúng với bản thân mình là điều còn quan trọng hơn cả danh vọng lẫn tiền bạc.

Cơn cuồng phong Lê Thụy Hải chỉ tạm “lắng xuống” khi ông biết mình đối mặt với cơn bạo bệnh. Cuộc chiến với căn bệnh ung thư tụy cũng là trận đấu lớn cuối cùng trong cuộc đời của ông. Với một người có cá tính mạnh như ông Hải “lơ”, sự ra đi có lẽ cũng chỉ là một chuyến thiên di. Chỉ khác một điều: Lần này là vĩnh viễn.

Nhà vô địch chưa có bằng A huấn luyện viên

Lê Thụy Hải là trường hợp đặc biệt trong giới HLV ở Việt Nam khi đã giành đến 3 chức vô địch quốc gia (V.League 2007, 2008 và 2014) cùng hàng loạt danh hiệu lớn nhỏ khác nhưng lại chưa có bằng A HLV do AFC cấp.

Lý giải về điều này, ông Hải “lơ” tâm sự rằng thời còn trẻ không đi học bởi “dành thời gian kiếm tiền” còn sau này, ông không muốn bổ sung bằng cấp vì không được VFF tạo điều kiện đặc cách và cũng đã dẫn dắt nhiều đội bóng tại V.League.

Chính vì thiếu sót này, ông Hải “lơ” từng lách luật khi còn ở Bình Dương bằng cách đăng ký vị trí Giám đốc kỹ thuật ở đội bóng này, nhưng thực tế là người trực tiếp chỉ đạo mọi thứ. Ông cũng không hề giấu giếm điều này với báo giới.

Đơn Ca

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/hlv-le-thuy-hai-cuong-phong-canh-moi-ve-ben-nui-doi-640340/