HLV Đặng Thanh Phương : Từ 'chú sóc' trên sân đến ông thầy gieo hy vọng

Tình cờ trong một trận bóng giao lưu giữa đội bóng báo PL&XH với đội các lão tướng Thể Công, chúng tôi đã gặp gỡ và có cuộc trò chuyện thú vị với cựu tuyển thủ Việt Nam Đặng Thanh Phương về triển vọng của bóng đá trẻ nước nhà.

Từ một cầu thủ trẻ lên đội 1 Thể Công, rồi khoác áo đội tuyển quốc gia và giờ đây đảm nhận công tác huấn luyện đội trẻ của Viettel. Anh có thể chia sẻ mình đến với đội bóng này như thế nào?

Cuối năm 1996 tôi được tuyển vào lứa trẻ của Thể Công. Ba năm sau tôi được HLV Vương Tiến Dũng “nhấc” lên đội 1. Vinh dự lắm được khoác lên mình bộ quân phục và là sự hãnh diện của gia đình nữa. Tôi nhớ lúc đó mình đeo lon binh nhì.

HLV Đặng Thanh Phương chia sẻ:“Chúng tôi không chỉ dạy các em đá bóng mà còn giáo dục đạo đức, nếp sống lành mạnh và cả trách nhiệm với xã hội”.

HLV Đặng Thanh Phương chia sẻ:“Chúng tôi không chỉ dạy các em đá bóng mà còn giáo dục đạo đức, nếp sống lành mạnh và cả trách nhiệm với xã hội”.

Ngót 10 năm Viettel xây lại từ đầu nay đã thăng hạng V.League. Anh đánh giá thế nào về lộ trình của Viettel cho ngày trở lại?

Suốt 10 năm qua, Ban giám đốc luôn có định hướng, chiến lược, tính toán kỹ càng. Vốn dĩ ngay từ năm 2009, thời điểm Thể Công không còn tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam thì chúng tôi đã đào tạo ngay các lứa U13-U14-U15. Và thành quả là Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Đại đang là nòng cốt cho U23 và đội tuyển quốc gia. Năm 2016 Viettel lên hạng nhất, năm 2019 thăng hạng V.League. Mọi mục tiêu cơ bản đã thực hiện thành công.

Viettel là một đội bóng của ngành quân đội. Vậy kỷ luật của Viettel trong tập luyện và thi đấu như thế nào?

Thể Công ngày trước hay Viettel bây giờ cũng thế, vấn đề kỷ luật luôn đặt lên hàng đầu. Đi tập phải đúng giờ, muộn 5 phút thôi cũng nghỉ, không được vào tập nữa. Trong lúc tập phải nghiêm túc, không được cười đùa. Đặc biệt những hành vi đá xấu, bạo lực là không thể tồn tại.

Anh có lo lắng cầu thủ trẻ hiện tại dễ thỏa mãn sớm với thành công và dễ mắc sai lầm?

Thế hệ chúng tôi chỉ mong muốn được thể hiện hết mình trên sân. Sau này khi cơ chế thị trường tác động thì khác nhiều. Các em thi đấu tốt thì sẽ được lên đá ĐTQG, được chuyển nhượng, có tiền lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn. Tuy nhiên, các em có được chế độ đãi ngộ đầy đủ thì sự thỏa mãn cũng đến rất nhanh. Đôi khi những điều ngoài bóng đá ảnh hưởng đến chuyên môn và sự phát triển của các em khá nhiều.

Gắn bó với công tác đào tạo trẻ tại Viettel, anh đánh giá thế nào về lứa cầu thủ hiện tại, sau chiến công của ĐT U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2020?

Lứa cầu thủ hiện nay tập trung trong đội U23 Việt Nam có thể hình rất tốt. Tôi xem họ thi đấu ở giải U23 vừa qua mà hoàn toàn không có sự ngỡ ngàng nào cả. Là kết quả tốt sau những tháng ngày các CLB tập trung đào tạo. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có được lứa kế cận như hôm nay.

Anh nghĩ gì khi nhiều người cho rằng U23 Việt Nam nếu cứ đá thế này thì sẽ cầm chắc tấm HCV SEA Games 30?

Hẳn là nếu chúng ta cứ đá như ở trận thắng Thái Lan vừa qua, thì tấm HCV sẽ trong tầm tay. Nhưng bóng đá mà, không phải phép tính toán thông thường 1+1=2. Chúng ta cần tập trung đầu tư và cho các cầu thủ được rèn giũa để họ cứng cáp và rắn rỏi hơn. Và họ chính là những người cùng ông Park bước vào chiến dịch chinh phục tấm HCV SEA Games 30 vào cuối năm nay.

HLV Đặng Thanh Phương rất đam mê công việc đào tạo

Trong những năm tháng khoác áo ĐTQG, kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

Kỷ niệm đẹp nhất đó chính là SEA Games 2003 trên sân vận động Mỹ Đình, giải đấu đó HLV Alfred Rield bố trí tôi chơi ở vị trí tiền vệ cánh. Trong trận đấu ở bán kết với U23 Malaysia, tôi đã có pha kiến tạo giúp Quốc Vượng mở tỷ số từ rất sớm. Rồi cách biệt được nhân đôi cho đội ở phút 50. Tuy nhiên, U23 Malaysia vùng lên và tạo ra màn rượt đuổi tỷ số ấn tượng 3-3. Phải nhờ đến pha dứt điểm của tiền đạo Phan Thanh Bình ở phút 90, U23 Việt Nam mới giành vé vào chung kết. Tiếc rằng, trong trận chung kết, chúng tôi để thua U23 Thái Lan dù Văn Quyến đã gỡ hòa 1-1 ở phút bù giờ thứ nhất hiệp hai. Nhưng pha ghi bàn của Nattaporn ở phút bù giờ thứ sáu đã nhấn chìm mọi nỗ lực của chúng tôi lúc ấy. Và đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy tiếc nuối.

Sau trận bán kết, tôi tái phát chấn thương đầu gối. Sau thời gian chữa trị chấn thương mãi không chơi bóng được như trước, tôi quyết định treo giày tập trung vào con đường học vấn và chuyển sang công tác huấn luyện đội trẻ của Viettel. Thời điểm đó, quyết định ấy quả thật là rất khó khăn, may có bố và anh trai luôn động viên và giúp đỡ tôi rất nhiều.

Mọi người nhận xét anh là một con người điềm đạm, hóm hỉnh và luôn hòa đồng với mọi người, anh nghĩ sao về điều này?

Không chỉ là thầy, các HLV chúng tôi vừa phải là cha mẹ của các cầu thủ và coi đội bóng như gia đình. Chúng tôi không chỉ dạy các em đá bóng mà còn giáo dục đạo đức, nếp sống lành mạnh và cả trách nhiệm với xã hội. Mục tiêu của chúng tôi là truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ sau này nữa, để bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển.

Đặng Thanh Phương trong màu áo U23 Việt Nam tại SEA Games 2003 trên sân vận động Mỹ Đình.

Anh có định hướng gì cho tương lai?

Trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp và thành công luôn là mục tiêu tôi hướng tới, tuy nhiên cần thời gian chiêm nghiệm và trải nghiệm cuộc sống. Tôi rất đam mê công việc đào tạo bởi vì nó mang tính nhân văn và có nhiều ý nghĩa, trợ giúp các vận động viên nhỏ có tiềm năng và đam mê phát triển được tài năng của họ là mục đích của tôi. Hiện tại vợ chồng tôi sống tại Hà Nội và có 1 cậu con trai 10 tuổi cũng rất yêu bóng đá như bố nó.

Tác giả chụp hình cùng HLV Đặng Thanh Phương

Cảm ơn HLV Đặng Thanh Phương về cuộc trò chuyện này, chúc anh và gia đình sức khỏe, thành công.

Đặng Thanh Phương (biệt danh là “chú sóc nhỏ” hay Phương “cóc”) SN 1981 trong 1 gia đình có truyền thống bóng đá, bố là Đặng Gia Mẫn từng đá cho Hà Nam Ninh (nay là Nam Định). Anh ruột là cựu tiền đạo quốc Gia Đặng Phương Nam. Cùng lứa với những cầu thủ như Bảo Khanh, Quốc Trung, Anh Tuấn hay Vũ Dũng, anh thua thiệt hơn các đồng đội rất nhiều về ngoại hình, nhưng bù lại anh có sự nhanh nhẹn, khéo léo và được ví như “chú sóc con”. Tuy nhiên, tài năng của Thanh Phương chỉ được ghi nhận ở các giải trẻ, mà thành công lớn nhất là giải U18 quốc gia năm 1998. Anh đạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất, Vua phá lưới và cùng Thể Công lên ngôi vô địch. Tuy nhiên, vì những chấn thương dai dẳng, anh đã sớm phải giã từ sự nghiệp cầu thủ. Sau này khi hoàn thành khóa HLV chuyên nghiệp của AFC (AFC Professional Coaching Diploma) anh chuyển sang công tác huấn luyện đào tạo các lứa trẻ ở Trung tâm bóng đá Viettel.

Thanh Tuấn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hlv-dang-thanh-phuong-tu-chu-soc-tren-san-den-ong-thay-gieo-hy-vong-142766.html