Hình tượng Paven Coocsaghin truyền lửa tới thanh niên Việt Nam

'Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người'.

Hình tượng nhân vật Paven được xây dựng trong bộ phim "Thép đã tôi thế đấy". Ảnh: Tư liệu

Những dòng triết lý về ý nghĩa đời người của nhân vật Paven Coocsaghin trong cuốn sách nổi tiếng của Nikolai A.Ostrovsky gần một thế kỷ qua vẫn còn nhiều người thuộc và ghi nhớ. Trong một thời kỳ dài, đó là cuốn sách gối đầu giường của thanh niên Liên Xô và thanh niên Việt Nam. Nhân vật Paven, hình mẫu lý tưởng đã từ trang sách bước vào cuộc đời, lan tỏa, truyền lửa nhiệt huyết với lý tưởng đấu tranh cho sự nghiệp cao đẹp nhất là giải phóng loài người, giải phóng dân tộc. Hàng vạn thanh niên Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thuộc lòng nhiều trích đoạn trong cuốn sách nhỏ “Luyện thành gang thép”, sau này đổi tên thành “Thép đã tôi thế đấy”.

Họ chuyền tay nhau đọc, đã mang theo trong ba lô cuốn sách ra trận. Nhiều người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, vượt qua nỗi đau đớn thể xác khi bị thương nhờ được tiếp thêm sức mạnh và lý tưởng sống của Paven.

Chân dung nhà văn Nikolai A.Ostrovsky. Ảnh: Internet

Trong cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc “Mãi mãi tuổi hai mươi” (Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn) còn lưu giữ những dòng của liệt sỹ về nhân vật Paven: “Gấp cuốn sách vào và suy nghĩ về Paven (nhân vật chính trong Thép đã tôi thế đấy - TT). Những trang cuối của tiểu thuyết để lại cho mình nhiều chấn động mạnh hơn cả. Mình chú ý nhiều đến bức ảnh Paven ngồi như một ông già nhưng sôi sục ngọn lửa sống. Lúc ấy ở bên bờ biển và ánh nắng đã nhạt dần...

Cái gì nấp đằng sau con người ấy? Cái gì làm nên nghị lực phi thường và dễ hiểu của Paven? Thật dễ hiểu. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng. Hôm nay, lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy hổ thẹn với mọi người, hổ thẹn với Paven, Pavơlusa thân yêu. Mình chưa phải là một đảng viên!”.

Tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Ảnh: Internet

Suốt nhiều thập niên, cùng với tấm gương hy sinh của những người con anh hùng như Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Thị Hồng Gấm... Paven (hiện thân của nhà văn) trở thành hình mẫu giữa đời thường, lay thức, vẫy gọi, thúc giục thanh niên Việt Nam yêu nước sống và chiến đấu cho lý tưởng. Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Võ Thị Tần và rất nhiều thanh niên Việt Nam ở lứa tuổi hai mươi đã thấm nhuần được ý nghĩa, giá trị sống của một đời người, sẵn sàng hy sinh thân mình cho đất nước, cho Nhân dân.

Những dòng văn về cuộc đời của một thanh niên cộng sản Liên Xô nhận thức được chân lý cuộc đời, sống và hiến dâng cho chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là nghị lực vươn lên vượt qua bệnh tật, chiến thắng chính mình đã để lại bài học sâu sắc không chỉ cho một thế hệ.

“Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh. Từ đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ. Thế hệ chúng tôi đã được tôi luyện như vậy”. Cố nhà văn Nikolai A.Ostrovsky đã lý giải như thế về nhan đề cuốn tiểu thuyết được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ở hơn 80 nước với kỷ lục về số bản in gần 100 triệu.

Nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc (1952 - 1972). Ảnh: Internet

Là cuốn sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam một thời, không chỉ trong ký ức mà hiện giờ, mỗi khi nhắc đến nhân vật Paven, nhiều người Việt Nam vẫn yêu mến, trân trọng.

Nhà báo, nhà thơ Phan Thế Cải chia sẻ: “Cuốn sách này tôi đã đọc hồi cấp 2 và đến nay vẫn nhớ như in. “Thép đã tôi thế đấy” kể vể cuộc đời của Paven, một người xuất thân từ gia đình nghèo khổ sớm nhận ra những bất công của chế độ cũ, chấp nhận chia tay Tônhia, người mình yêu, một cô gái tiểu tư sản để đến với cuộc sống của giai cấp lao động, đi theo lý tưởng cộng sản, hiến dâng sức trẻ cho công cuộc tái thiết đất nước sau Cách mạng tháng Mười Nga. Đó là con người dũng cảm, giàu nghị lực. Tôi nhớ mãi những trang kể về cuộc đấu tranh của nhân vật, cũng chính là tác giả, trên giường bệnh. Sự truyền lửa của Paven là rất lớn. Thời thanh niên, chúng tôi chuyền tay nhau đọc, nhiều người trong làng tôi thấm nhuần lý tưởng đã lên đường ra trận. Cuốn sách là cẩm nang sống của họ”.

Hàng triệu thanh niên Việt Nam lên đường đánh giặc mang theo tâm thế giác ngộ của Paven Coocsaghin. Ảnh: Internet

Tại hội nghị cán bộ cốt cán toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào tháng 11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói xúc động, sâu sắc, nổi tiếng của nhà văn Ostrovsky: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ”.

Cán bộ của Đảng đã được thử thách, rèn luyện nhiều. Tổng Bí thư cũng nhắc lại nội dung chính của đoạn văn và liên hệ với cán bộ, đảng viên nòng cốt: Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để trước khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo.

Gần 100 năm đã trôi qua nhưng phương châm tư tưởng cộng sản của Ostrovsky, lòng yêu cuộc sống không bờ bến, yêu chiến đấu và xây dựng của nhà văn thông qua nhân vật Paven vẫn còn lay động trái tim hàng triệu người trên thế giới, trong đó có người Việt Nam. Đó mãi là những giá trị tư tưởng to lớn mà nhà văn đã mang lại cho cuộc đời, dù ông đã “nhắm mắt xuôi tay” lúc 32 tuổi.

Bùi Minh Huệ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/hinh-tuong-paven-coocsaghin-truyen-lua-toi-thanh-nien-viet-nam/222066.htm