Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học nghệ thuật

(Vanhien.vn) Trân trọng giới thiệu bài tham luận "Hỉnh tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học nghệ thuật " của PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng - Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tại Hội thảo "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc" do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

I.Đại tướng Võ Nguyên Giáp Quốc sử lưu danh, lòng dân tạc tượng

Võ công truyền quốc sử

Văn đức quán nhân tâm

Tôi xin mượn câu đôícủa Anh hùng lao động Vũ Khiêu chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tuổi 80 để mở đầu cho bài viết này. Với vốn Hán học uyên thâm, Giáo sư đã khái quát rất tài tình con người, tài năng, đức độ…của vị Đại tướng đầu tiên, một thiên tài về quân sự, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo GS Vũ Khiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con người toàn diện, một trí thức yêu nước, hội tụ đầy đủ truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, phát huy, phát triển thành nhà quân sự đại tài, nhà văn hóa lớn, nổi bật ba đức tính toàn vẹn Nhân – Trí – Dũng.

Trong khuôn khổ tham luận, tôi xin được đề cập đến một vấn đề: “Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học nghệ thuật”.

II.Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học nghệ thuật.

Văn học nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng phản ánh hiện thực đêchuyển tải tư tưởng, tình cảm làm rung động tình cảm của người thưởng thức; là sự sáng tạo để tạo nên những sản phẩm (vật thể, phi vật thể) chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng, thẩm mỹ. Văn học nghệ thuật (văn học, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa) là sự liên kết những cảm xúc giữa người sáng tác và người thưởng thức bằng những thủ pháp nghệ thuật.Mỗi một loại hình nghệ thuật sử dụng chất liệu riêng biệt để xây dựng hình tượng. Đơn cử, chất liệu của hội họa là đường nét, màu sắc; kiến trúc là mảng khối; âm nhạc là giai điệu, âm thanh; nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc; văn học lấy ngôn từ làm chất liệu; sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp (văn học, âm nhạc, hội họa, múa, điện ảnh…) phản ánh hiện thực bằng nghệ thuật ước lệ, hành động, phương pháp trình diễn của diễn viên…

Với tầm vóc lớn, tài năng xuất chúng, Đại tướng Võ Nguyên Giápđã trở thành một hình tượng mẫu mực cho văn học nghệ thuật. Với niềm trân trọng vị Đại tướng huyền thoại, các văn nghệ sĩđã thể hiện hình tượng Đại tướng trong hầu hết các loại hình nghệ thuật, như: văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh…

Điều dễ nhận thấy ở mỗi loại hình nghệ thuật, chân dung Đại tướng được khắc họa gắn với những thời khắc quan trọng, bước ngoặt lịch sử có tính chất quyết định đối với vận mệnh dân tộc;gắn với lãnh tụ Hồ Chí Minh, với Điện Biên Phủ, với những giai đoạn lịch sử cách mạng; Đại tướng trong mối quan hệ với Đảng, Nhân dân, gia đình…Niềm tôn vinh của dân tộc về vị Đại tướng Nhân nhân hậu, yêu thương nhân dân; Đại tướng Trí sáng suốt, trí tuệ trong các quyết định, mệnh lệnh trọng đại; Đại tướng Dũng thể hiện cử chỉ, hành động anh hùng...

2.1.Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm văn chương

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ.Tầm vóc, trí tuệ, sự tinh anh, đức độ, uyên bác, tài năng, tư duy sắc xảo, mến chuộng văn chương nghệ thuật của Đại tướng luôn là mảnh đất màu mỡ cho văn chương. Con người huyền thoại đã trở thành đối tượng khai thác của nhà văn. Kể từ đó,nhiều tác phẩm văn họcvề Đại tướng đã ra đời. Giữa Đại tướng và nhà văn dường như có một mối quan hệ đặc biệt“Hình ảnh của vị Đại tướng dân tộc đã soi sáng niềm tin cho tôi viết” (Xuân Đức) cũng là tâm tư chung của các nhà văn. Hình tượng Con Người huyền thoại đó đã đi vào tác phẩm của các nhà văn: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Hồ Phương, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Xuân Đức, Y Phương, Nguyệt Tú… Con người Đại tướng gắn bó chặt chẽ với lịch sử. Nhưng yếu tố lịch sử không khô khan, hay chi phối làm giảm đi tính hấp dẫn mà trái lại, nó còn nổi bật nên tác phẩm một cách bất ngờ (Xuân Đức).

Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhà thơ Tố Hữu ca ngợi tài chỉ huy thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đậm chất tráng ca:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp

Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp

Tường Duy cho rằng “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên được nhắc tới trong bài thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể nói đây là một sự táo bạo, nhưng hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự ghi nhận chính xác của nhân dân ta cũng như cộng đồng quốc tế về vai trò cá nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.

Theo bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, viết cho tờ báo của Mặt trận, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết nhiều bài ký ngồn ngộn chất liệu hiện thực và nhất là hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trong tầm vóc lớn lao, một thiên tài quân sự, trong đó phải kể đến “Một quyết định khó khăn nhất”, “Mùa xuân của chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Hai bài ký trêntác giả đã viết rất thành công, thể hiện không khí chiến đấu, quyết chiến quyết thắng của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong bút ký “Một quyết định khó khăn nhất” , nhà văn Nguyễn Đình Thi đã kể lại cuộc gặp gỡ xúc động, khó quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Nhận thông báo Đại tướng mời gặp, Nguyễn Đình Thi cấp tốc đi theo người giao liên ngay. Tại cơ quan tham mưu, Nguyễn Đình Thi thấy Đại tướng ngồi ghế chủ tọa với sắc mặt nghiêm nghị. Trước mặt có 7- 8 cố vấn Trung Quốc là ngồi ở hai dãy bàn lớn. Trông thấy nhà văn đi vào, Đại tướng vui vẻgiới thiệu ngay “Đây là một văn nghệ sĩ của chúng tôi”. Rồi Đại tướng quay sang Nguyễn Đình Thi hỏi: “Anh hát bài Người Hà Nội được chứ?” . Thoáng chút bối rối, ngạc nhiên, Nguyễn Đình Thi tuân lệnh Đại tướng đã cất lên tiếng hát khúc mở đầu bài “Người Hà Nội”đầy da diết “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”; nhắc nhớ những sự kiện lịch sử: “Một ngày non sông chiến khu về/ Đường vang tiếng hát cuốn lòng người…/ Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê đón Cha về/ Kín trời phơi phới vàng sao/ Ngày ấy chói vinh quang…” và một niềm tin lạc quan phơi phới: “Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta/ Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn…/ Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi/ trán Người mái tóc bạc thêm/ Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười…”.” .

Một tràng vỗ tay nổi lên. Đại tướng tới bên Nguyễn Đình Thi: “Đại đoàn 316 sẽ làm đường, anh đến sớm ở đó theo dõi và viết bài cho tờ báo của Mặt trận”. Yêu cầu của Đại tướng Nguyễn Đình Thi đã hoàn thành một cách xuất sắc và ông hiểu lý do phải làm “văn công bất đắc dĩ” trong một tình huống cho tình hình bớt căng thẳng khi phải thay đổi một quyết định đánh địch rất khó khăn khác với ý kiến của cố vấn Trung Quốc.

Khởi đầu từ năm 1964, trong hành trình hơn 30 năm “mối duyên nợ văn chương đầy hứa hẹn” (chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), nhà văn Hữu Maiđã dành toàn bộ tâm sức viết 6 tập hồi ký về Đại tướng: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” (1964), “Từ nhân dân mà ra” (1966), “Những năm tháng không thể nào quên” (1970), “Chiến đấu trong vòng vây” (1995), “Đường tới Điện Biên Phủ” (1999), “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (2000).Người đọc từng biết đến hình ảnh vị Đại tướng Tổng tư lệnh qua những văn bản lịch sử, những hồi ký và những thước phim tư liệu.

Ngoài hồi ký, nhà văn đã viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời văn, nhưng lại là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng “Không phải huyền thoại”. Cho đến tiểu thuyết này, chân dung Đại tướng được thể hiện ở một góc độ khác, là một nhân vật văn học với những ưu tư và trách nhiệm của một con người được lịch sử chọn: “Chiến tranh với những thăng trầm thường tạo nên những huyền thoại. Nhưng nhà văn Hữu Mai với mối quan hệ đặc biệt với nhân vật của mình, đã có cuộc hành trình trên trang giấy để tìm ra đâu là khía cạnh phi thường của một con người giữa quan hệ với muôn người, những ảnh hưởng đến sinh mệnh và cục diện chiến cuộc, đâu là khía cạnh chân thực của những nét ngoại cỡ của tầm vóc lịch sử” . Trong tác phẩm, nhà văn đã nói tới những quyết định có tính chất lịch sử, đó là việc “kéo pháo ra” sau khi đã “kéo pháo vào”;“đánh chắc, tiến chắc”trái với phương châm ban đầu “đánh nhanh, thắng nhanh”. Với quyết định táo bạo này, chính Đại tướng cũng đã phải thừa nhận đó là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Việc thuyết phục, tổ chức lại trận địa nếu không phải là vị tướng trí tuệ, tinh anh, tài thao lược thì rất khó có thể nhận được sự đồng thuận để đi đến chiến thắng “Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” (Tố Hữu) trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Võ Nguyên Giáp là con người thông tuệ, hiểu biết nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật. Vì thế, trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn còn viết mối quan hệ của Đại tướng với các văn nghệ sĩ –chiến sĩ Điện Biên, như: Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Chính Hữu. Tuy không phải là mảng chính, nhưng chính chân dung với những nét tính cách nổi bật của văn nghệ sĩvăn nghệ sĩ sẽ góp phần tôn vinh vị tướng ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ thời kháng chiến.

Trong “Những cánh rừng lá đỏ” (Nxb Quân đội nhân dân, 2005), nhà văn Hồ Phương viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong chiến dịch biên giới 1950, trong đó hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc họa ở tầm vóc, tài thao lược, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành nhân vật văn học trong tác phẩm của Hồ Phương. Ông chủ tâm phát hiện và đưa những nhân vật tài năng, nhân cáchvào tiểu thuyết của mình.Tác phẩm đã đưa nhà văn Hồ Phương đến với giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

Nhà văn Xuân Đức viết kịch bản sân khấu “Nhiệm vụ hoàn thành” với tâm niệm: “Tôi tự nhủ rằng sẽ viết với tất cả nội lực trong mình, viết với tấm lòng thành kính, cả nỗi thổn thức, suy tư lắng đọng, cố gắng làm được điều gì đấy biểu hiện nhiều nhất sự tri ân đối với vị Đại tướng kính yêu của dân tộc. Đó cũng là tri ân đối với truyền thống hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh cách mạng mà Đảng, Quân đội ta đã đi qua trong những năm tháng khốc liệt nhất”. Nhà văn đã lựa chọn những lát cắt quan trọng nhất trong lịch sử để chứng minh vai trò, vị trí quyết định của Đại tướng trong lịch sử. Thậm chí có những lát cắt mà lịch sử cần phải làm rõ hơn. Điều này rất cần thiết và nhà văn Xuân Đức đã cố gắng dựa vào những lát cắt như thế để “thể hiện số phận một con người suốt cả một quá trình giải phóng dân tộc, mà thông qua số phận của Đại tướng ta thấy hiện lên số phận lịch sử của cả một dân tộc”. Nhà văn lý giảitên vở kịch là “Nhiệm vụ hoàn thành” vì muốn nhắn nhủ rằng trong suốt cuộc đời hoạt động của Đại tướng không có một hoài bão nào lớn hơn là hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và Quốc dân đồng bào giao phó. Còn đối với tác giả viết xong vở kịch này là tôi cũng đã hoàn thành được một nhiệm vụ khó khăn nhất của người cầm bútNgoài vai trò của Đại tướng đối với trận Điện Biên Phủ như đã thấy, nhà văn Xuân Đức còn kỳ công tìm hiểu, khai thác tư liệu để khẳng định vai trò quan trọng của Đại tướng đối với Đường Hồ Chí Minh trên biển, với cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975. Kịch bản “Nhiệm vụ hoàn thành” đã được nhận Giải .

.

A Giải thưởng VHNT về đề tài cách mạng và kháng chiến 1930 – 1975

Dựa vào những tư liệu lịch sử, kỷ vật, bức thư của gia đình, tác giả Hồng Cư và bà Đặng Bích Hà – người bạn đời của Đại tướng đã phác họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời thanh niên trong cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”. Như thường thấy, các nhà văn viết về Đại tướng là một vị danh tướng huyền thoại, một thiên tài về quân sự, một người con vĩ đại của đất nước…và ở một góc nhìn khác, ông là người yêu nghệ thuật và nhất là con người nặng tình, trách nhiệm với gia đình. Dù là con người bận mải trăm công ngàn việc với đất nước, nhân dân, nhưng Đại tướng là người cha mẫu mực đã cùng vợ nuôi dạy các con: Võ Hồng Anh, Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam trưởng thành, cống hiến cho đất nước ở nhiều lĩnh vực khoa học.

Nhà văn Nguyệt Tú viết về “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Quang Thái” rất cảm động.Từ buổi đầu tiên gặp gỡ, cô nữ sinh Đồng Khánh Quang Thái xinh đẹp, học giỏi, chất giọng Vinh ấm áp , hoạt động cách mạng sôi nổi trên chuyến tàu Hà Nội-Huế năm 1929 đã làm chàng trai trẻ thầm yêu, trộm nhớ: “Lần đầu tiên anh thấy xao xuyến với người một người con gái. Anh thầm mong sẽ có ngày được gặp lại”. Từ sau cuộc gặp gỡ ấy, chàng trai trẻ làm việc ở “Quan hải tùng thư” (nhà xuất bản của Tổng bộ Tân Việt ở Huế) rất nhiều lần dạo xe qua trường Đồng Khánh mong gặp lại người đẹp, nhưng đành trở về với nỗi luyến lưu. Thật bất ngờ Quang Thái xuất hiện trước mắt anh là để nhận công tác của đoàn thể. Và họ lại gặp nhau trong nhà lao Thừa Phủ khi cả hai đều bị thực dân Pháp bắt giam. Anh đã yêu và cảm phục ý chí, tinh thần bất khuất của cô nữ sinh Đồng Khánh tuổi 16 tuổi. Câu nói dặn bạn tù “Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai” (Personne ne vous dénoncé, ne dénoncez personne) và bài thơ của Quang Thái đã được truyền khắp nhà lao “Mười sáu xuân qua sống ở đời/ Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi/ Trông phường đế quốc lòng ngao ngán/ Thấy bạn cần lao dạ rối bời/ Quyết chí hy sinh thây kệ chết/ Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi/ Ngọn cờ vô sản bao giờ phất/ Chín suối hồn ta mỉm miệng cười” .

Theo tiếng gọi tình yêu, năm 1933, anh Võ Nguyên Giáp kết hôn với chị Nguyễn Thị Quang Thái, bất chấp ông Bá hộ giàu có nhất làng sẵn sàng gả con gái và cha anh đã đồng ý, chỉ riêng mẹ để con trai tự quyết định hôn nhân. Võ Hồng Anh sinh năm 1939 là trái kết tình yêu của anh cặp trai tài, gái sắc cùng lý tưởng đấu tranh, dấn thân làm cách mạng dẫu “Gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống coi chỉ còn một nửa” (Tố Hữu). Cuối năm 1939, Mặt trận bình dân đổ, Pháp khủng bố gắt gao, anh Giáp rút vào hoạt động bí mật và được cử sang Trung Quốc hoạt động. Xa người vợ trẻ, xa người con gái đầu lòng trứng nước, bước chân ra đi mà còn văng vẳng lời động viên của vợ “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà”…Chị đưa con vào Quảng Bình gửi bà nội chăm sóc để tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1942, chị bị giặc Pháp bắt, kết án 16 năm tù. Chúng tra tấn chị dã man để truy tìm anh Hoàng Văn Thụ. Nhưng chúng đã thất bại trước một phụ nữ kiên trung, trẻ đẹp, thông minh. Chị thà chịu những cú đòn tra tấn đến chết người chứ nhất định không phản bội anh em đồng chí. Bị ốm nặng, biết khó qua khỏi, chị nhắn mẹ chồng đưa con gái Hồng Anh ra cho chị gặp. Ước nguyện của người mẹ trẻ đã không thành. Hai bà cháu lặn lội từ Quảng Bình ra. Đi nửa đường, xe lửa bị ném bom, hai bà cháu lại phải quay về. Năm 1944, chị đã hy sinh trong nhà giam Hỏa Lò trong nỗi đau quặn xé của người mẹ không được gặp con lần cuối; trong nỗi lo tính mệnh của chồngtrên con đường hoạt cách mạng đầy chông gai;và nỗi thương mẹ, gia đình chỉ trong 3 năm liên tiếp nhận hai nỗi đau mất con . Chị không sợ cái chết cận kề mà đến phút cuối đời vẫn chỉ lo cho đồng chí, anhem, gia đình. Chị chỉ mong chồng “phải sống tiếp cả phần đời của em để chờ ngày cách mạng thành công và để con gái chúng mình không hai lần mồ côi”... Sau một năm vợ hy sinh, khi đang dự Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới biết tin. Nỗi đau không nói thành lời…Người chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nén nỗi đau riêng… Sau 2 năm vợ hy sinh (1946), Võ Nguyên Giáp mới gặp con gái Hồng Anh lần đầu. Thương con gái mới 5 tuổi đã mồ côi mẹ. Nhìn con gái, anh nhớ tới người vợ, người đồng chí trung kiên. Hồng Anh thừa hưởng những nét đẹp, thông minh, trí tuệ của mẹ Quang Thái…Đại tướng là người nặng tình, nặng nghĩa. Sau này, tái hôn với bà Đặng Bích Hà, hình bóng bà Quang Thái vẫn hiện hữu trong gia đình của họ. Trong nhà Đại tướng trưng bày rất nhiều kỷ vật của bà Quang Thái. Các dịp giỗ, tết, ngày 27/7 cả gia đình xum họp, cùng tưởng nhớ bà. PGS.TS Đặng Bích Hà vẫn cùng chồng và con cháu lên nghĩa trang Mai Dịchthắp hương cho bà Thái. Nghĩa cử ân nghĩa, đức tính nhân ái, bao dung, yêu thương con người, sống có trước có sau…đã thấm vào các thế hệ của gia đình Đại tướng như một phương châm sống, xử thế trong cuộc đời.

Điều dễ nhận thấy ngoài tác phẩm chính về Đại tướng, thì hầu hết trong những sự kiện lịch sử trọng đại, các nghệ sĩ đều xây dựng chân dung Đại tướng đan cài trong nhiều mối quan hệ với của Đảng, Hồ Chí Minh, đất nước, Nhân dân. Điều đó đã được nhà văn Hồ Phương chia sẻ “Những cuốn sách viết về Điện Biên Phủ, tôi đều nói về bác Giáp. Khi đã viết về chiến tranh thì không bao giờ thiếu bác Giáp…”.Là nhà thơ dân tộc Tày ở Cao Bằng,trong trường ca “Cúng Hồ ở Pác Bó” tri ân lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà thơ Y Phương không quên một sự kiện quan trọng gắn với Người, đó là việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập ngày 22/12/1944tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng)do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy .

Năm 1994 cùng nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Trần Đăng Khoa gặp Đại Tướng, nhà thơ Anh Ngọc xúc động viết bài thơ "Vị tướng già":

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu.

Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa

Ông ngồi giữa thời gian vây bủa

Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh

Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy

Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy

Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù

Tôi nghe tin Đại tướng mất khi đang là khách mời ở trường quay Đài Truyền hình Việt Nam. Cả khách mời và ê kíp thực hiện đều lặng đi xúc động…Ngay đêm hôm ấy, trước ngôi nhà của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) được thắp sáng bởi những ngọn nến của những học sinh sinh viên. Cả Hà Nội thức cùng vong linh Đại tướng. Đội tuyển U19 Quốc gia đến quỳ gối trước cổng nhà riêng Đại tướng trong đêm bày tỏ lòng thành kính. Sau đó cả đội được người nhà Đại tướng đặc cáchmời vào thắp hương, viếng Đại tướng. Những người dân Hà Nội đầu tiên đã đến bày tỏ lòng tiếc thương và từ đó, những dòng người đủ mọi giai tầng xã hội, lứa tuổi cứ nối dài vô tận đến dâng hương nơi ngôi nhà Đại tướng đã sống gắn bó đến viếng Đại tướng với ý thức, tình cảm tự đáy lòng. Gia đình Đại tướng đã đón tiếp đồng bào đến viếng chu đáo cho đến khi Lễ Quốc tang chính thức. Kể cả khi cánh cổng ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu đã khép lại, thì dòng người vẫn đứng trước nhà nước, mắt tuôn rơi, chắp tay bái vọng vong linh Đại tướng; hoa tươi vẫn xếp quanh hàng rào; 103 ngọn nến luôn cháy sáng…Ông là vị Tướng của dân, được lòng dân tạc tượng: “Cổng 30 Hoàng Diệu, mây trắng vẫn bay về / Tìm bóng hình Người dệt lời thương nhớ/ Sóng Vũng Chùa đêm ru mềm hơi thở/ Mẹ Quảng Bình tình nghĩa vỗ trùng khơi” (Lương Đình Khoa)…

Trong đau thương đến tột cùng, cả dân tộc đã khóc thương Đại tướng của lòng dân. Để thể hiện cảm xúc đau thương này thì không có hình thức nào biểu cảm hơn thơ.Thơ phát huy ưu thế của những cảm xúc đến tận cùng. Khác văn xuôi, thơ vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật giúp cho những vần thơ lãng mạn trữ tình cất cánh. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau khi Đại tướng mất đã có hàng vạn bài thơ viết trong nỗi đau mất mát, tiếc thương dẫu vẫn biết Đại tướng trường thoợ̉ tuổi 103. Viết trong những ngày đại tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tày Y Phương xúc động, nghẹn ngào: “Trời đang nhập nhẹp/Tối rồi/ Đêm thứ hai xa Người/ Trời xẩm đen trước mặt/ Không nhìn thấy gì nữa/ Hai tay đỡ lấy mắt/ Dạ/ Thưa Bác!/ Ở đó có lạnh buốt/ Sao tim conrơi ra”; “Khi nằm xuống cả non sông thương khóc/ Cả non sông thành rồng chầu, hổ phục” (Bất tử - Nguyễn Trọng Tạo). Trong tâm thức dân tộc, Đại tướng luôn được tôn là bậc Thánh: “Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê/ Vì Dân-Nước, Người trở thành bất tử… Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân” (Bất tử-Nguyễn Trọng Tạo); “Khí phách, uy nghi, tài, đức rạng ngời/ Hồn sen Việt rước Người về tiên cảnh/ Mấp máy môi con gọi Người vị Thánh/ Linh hồn người thành hào khí non sông” (Nỗi đau ngàn lần-Nguyệt Vũ)…

Có lẽ chỉ sau Bác Hồ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được các nhà thơ tôn vinh, gọi là Người, là Bác trong nhiều bài thơ: “Đêm thứ hai Người xa/ Lòng dân héo như hoa… Dạ/ Thưa Bác!/ Ở đó có lạnh buốt/ Sao tim con...rơi ra” (Y Phương);“Nghe trái đất rùng mình thương nhớ/ Hướng về Người lấp lánh giữa trời sao” (Nguyễn Trọng Tạo); “Trái tim Người ngừng đập... Việt Nam ơi!” (Lê Thống Nhất); “Người lại trở về với khúc ruột miền Trung/ Nơi khoảng giữa của hai đầu đất nước” (Đặng Quốc Vinh); “Tin sét ngang trời Người đã ra đi… Dẫu mai đây vật đổi sao dời/ Thế giới này vẫn vinh danh tướng Giáp/ Giá trị đó ngàn đời không thể khác/ Kể cả kẻ thù cũng ngưỡng mộ Người ơi…/ Ngủ ngon Bác ơi, trong cõi Người Hiền/ Cả dân tộc đồng lòng ru giấc Bác/ Thêm một lần cả nước nhòa trong nước mắt/ Giây phút bàng hoàng Người lặng lẽ ra đi” (Nỗi đau ngàn lần–Nguyệt Vũ)…

Bài thơ “Hàng triệu người tự cài lấy băng tang” của Tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất thể hiện những cung bậc cảm xúc của người dân Việt Nam khi nghe tin Đại tướng đi xa là một trong những bài thơ được chia sẻ nhiều nhất trong thời điểm này: “Ôi! Vị tướng tài rạng rỡ núi sông/ Sử vàng mãi ghi chiến công lừng lẫy/ Lễ tang Người... có thể không đến đấy.../ Hàng triệu người... tự cài lấy băng tang”

Nhân cách, đức độ của Đại tướng xúc động trong từng bài thơ. Ngay chữ Nhẫn trong hành xử cuộc đời cũng là bài học lớn: “Nhẫn và Vinh đốn ngộ Vinh và Nhẫn/ Trái tim hồng thành Xá lị, Kim đan” (Bất tử-Nguyễn Trọng Tạo); “Đại Nhẫn, kiên cường, Đức–Chí-Nhân/ Anh cả toàn quân... Mưu–Trí-Dũng/ Trò ưu của Bác... Chính-Liêm-Cần” (Đưa tiễn Anh Văn ngoại bách xuân)…

Có bài thơ được làm rất mộc mạc mà tên bài thơ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu trường thọ” được dùng làm câu mở đầu cho mỗi dòng thơ:

Đại đoàn kết nhân dân là sức mạnh

Tướng và quân lớn mạnh bởi kết đoàn

Võ học trí cao anh tài cứu nước

Nguyên khí thịnh suy vận nước là đây

Giáp trận chiến công vang khắp toàn cầu

Kính già thương trẻ sáng ngời đạo đức

Yêu mến vì dân suốt đời tận tụy

Trường kỳ kháng chiến sử ghi huyền thoại

Thọ với non sông mãi lưu danh

Biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhà thơ Anh Ngọc đã chia sẻ những tâm sự xúc động, nghẹn ngào: “Những người thân, đồng đội, bạn bè và mọi người dân trên đất nước này và trên nhiều miền của thế giới... sẽ mãi nhớ đến Người như một biểu tượng của tài năng, nhân cách và phẩm giá của những CON NGƯỜI VIẾT HOA”. Nhà thơ Anh Ngọc vẫn không quên thời khắc gặp Đại tướng để viết bài thơ “Vị tướng già” với hai câu kết ấn tượng “Một chân Ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu”. Và bây giờ ngày 04/10/2013 lịch sử, sau 19 năm Đại tướng đã đặt cả hai chân vào lịch sử…Và cũng đúng vào mùa Thu.

Suốt một đời nặng nghĩa với quê hương.

Nơi Đại tướng an giấc ngàn thu thuộc khu vực Vũng Chùa được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm. Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang (ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 7 km. Người dân địa phương từ lâu vẫn gọi đây là thế đất rồng cuộn hổ ngồi, nơi dãy Hoành Sơn đâm từ dãy Trường Sơn ra biển lớn.Theo người dân địa phương, ngày xưa trên đảo Hòn Nồm thuộc ngọn núi Thọ Sơn (thôn Thọ Sơn) có một ngôi chùa linh thiêng. Xung quanh ngọn núi này trước kia người dân vẫn trồng mía, trồng lúa, mỳ.

Tâm nguyện về quê, sống với Nhân dân là tất yếu, bởi Đại tướng là con người của quê hương, vị tướng của lòng dân. Cả đời sống gắn bó với Thủ đô, nhưng khi mất, Đại tướng có nguyện ước nằm trong lòng Đất Mẹ: “Chết về quê! Chết về quê/ Nằm trong Đất Mẹ bốn bề gió reo”; “Sau những chuyến đi xa/ Hôm nay Người trở về quê Mẹ/ Về với điệu hò khoan xứ Lệ/ Về với quê hương Quảng Bình trăm mến ngàn thương/ Chiều nay, hàng vạn người dân quê đón Đại tướng dọc bên đường” (Đỗ Quý Doãn); “Ông ngủ cho yên/ Giữa lòng đất Mẹ một miền yêu thương/ Ông về với lại quê hương/ Nơi ông nghỉ, gió bốn phương tụ về...” (Nguyễn Minh Tâm). Nhà thơ Anh Ngọc thì lại thấy một vòng tròn khép kín: Ông ra đi/ Và.../ Ông đã về đây/ Đời là cuộc hành trình khép kín/ Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến”.Nhà thơ Đặng Quốc Vinh xúc động khi Đại tướng quyết định trở về với khúc ruột miền Trung nơi “khoảng giữa của hai đầu đất nước/ Hoành Sơn sau lưng, biển Đông phía trước/ Triệu triệu trái tim luôn ở bên Người/ Ơi Đèo Ngang bao huyền thoại trên đời/ Nay huyền thoại trở về nơi huyền thoại”…

2.2.Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trongđiện ảnh

Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp không chỉ xuất hiện trong văn học mà còn thể hiện sâu sắc trong điện ảnh qua các thước phim tư liệu và phim truyện, như: “Nhà tiên tri” (Đạo diễn Vương Đức), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một thế kỷ, một đời người”,“Quyết định lịch sử”, “Trận chiến giữa hổ và voi”…

Phim tài liệu “Giọt nước giữa đại dương” (02 tập) do Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất thể hiện cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giápgắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với lịch sử xây dựng và trưởng thành của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (đạo diễn: Cao Nguyên Dũng, kịch bản: Hoàng Minh Phương và Hà Đình Cẩn) do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Bộ phim gồm 6 tập: Tập 1 “Đường Kách Mệnh”, tập 2 “Từ nhân dân mà ra”, tập 3 “Chín năm làm một Điện Biên”, tập 4 “Cuộc đụng đầu lịch sử”, tập 5 “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” và tập 6 “Người anh cả của Quân đội Nhân dân”.

Phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một thế kỷ, một đời người” (Kịch bản và đạo diễn: NSND Đào Trọng Khánh) do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phim “Quyết định lịch sử” (đạo diễn Hà Bắc) là bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mô tả lại quyết định khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Phim tài liệu “Vị tướng của dân tộc” (biên kịch và đạo diễn: Nguyễn Hoàng) ra mắt khán giả đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2011). Phim dài 20 phút, được dựng đan xen quá khứ với hiện tại. Bộ phim chân thực, xúc động khi nghe Đại tướng tâm sư về trận Điện Biên Phủ và chuyện đời thường của chính mình.

Ngoài ra, đạo diễn người Pháp - Daniel Roussel đã làm bộ phim tài liệu “Trận chiến giữa hổ và voi” và được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền, phát sóng nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.Bộ phim đã xây dựng thành công chân dung Đại tướng Võ NguyênGiáp ở 2 góc độ đạo và đời.

Như đã thấy, hình tượng Đại tướng chủ yếu được thể hiện trong phim tài liệu khoa học. Song bên cạnh đó, Tướng Giáp cũng xuất hiện trong một số bộ phim về lãnh tụ, về Đông Dương, như “Nhà tiên tri” của Việt Nam do Vương Đức đạo diễn; phim “Leclerc” (Tuyết Đông Dương) của Pháp do Marco Pico đạo diễn. Diễn viên Trịnh Mai Nguyên – người được chọn vào vai tướng Giáp kể lại “Khi tôi hóa trang xong, Marco Pico đã chấm ngay. Lúc ấy, tôi có hỏi đạo diễn: Ông thấy tôi có giống Tướng Giáp không? Đạo diễn gật đầu. Tôi lấy tấm hình ông nội tôi từng là người lính của Đại tướng, từng tham gia trận Điện Biên Phủ đưa đạo diễn xem và ông ấy vỗ đùi: Ông nội anh giống Tướng Giáp hiện tại, thảo nào anh giống Tướng Giáp khi trẻ"…

2.3.Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân khấu

Ngoài xuất hiện trong các thước phim tư liệu,phim truyện, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được thể hiện trên sân khấu.Có thể kể đến những vở kịch: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên”,

Có nhiều vở diễn chương kết hợp sân khấu và điện ảnh. Trong đó phải kể đến vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên” (Kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Trịnh Lê Văn) . Theo Nguyễn Quang Vinh, các bối cảnh được thiết kế đồng bộ, mang tính sân khấu, nhưng vẫn có yếu tố của điện ảnh. Phần âm nhạc của chương trình mang đậm chất dân ca miền Trung. Chương trình được công chiếu và tường thuật trực tiếp trên VTV năm 2011 làm nổi bật hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở những thời khắc lịch sử quyết định.

Màn kịch “Cách mạng”do Phạm Nhật Thành đạo diễn trong Đêm hội mừng 350 năm Khánh Hòa, trong đó xây dựng hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp một thiên tài quân sự, uyên bác nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lịch sử. Đại tướng đã từng nói: “Nếu không có chiến tranh, thì tôi vẫn là một giáo viên dạy sử”…

Vở kịch “Nhiệm vụ hoàn thành” (kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn NSND Lê Hùng) do Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng đã công diễn tối mùng 03/10/2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn tái hiện những thời khắc lịch sử quan trọng trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với phẩm chất cách mạng cao đẹp. Chân dung Đại tướng gắn liền với từng chặng đường lịch sử dân tộc cùng với những quyết định lịch sử. Nói như nhà biên kịch Xuân Đức, đó mới chỉ là “những lát cắt thể hiện số phận một con người suốt cả một quá trình giải phóng dân tộc, mà thông qua số phận của Đại tướng ta thấy hiện lên số phận lịch sử của cả một dân tộc bi thương, mất mát, hy sinh, nhưng rất đỗi hào hùng, nghĩa hiệp trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.

Kịch nói có nhiều ưu thế thể hiện hình tượng Đại tướng, song các văn nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng để xây dựng hình tượng Đại tướng trên sân khấu kịch hát dân tộc. Biết dựng hình tượng Võ Nguyên Giáp ở sân khấu chèo có cái khó riêng, nhưng hai tác giả Trần Đình Ngôn và Bùi Đắc Sừ đã cố gắng tận dụng tối đa ngôn ngữ tự sự để thể hiện thành công hình tượng Đại tướng qua vở chèo “Mệnh lệnh thần kỳ”. Tác giả Trần Đình Ngôn đã chia sẻ việc viết kịch bản này: “Chọn thời điểm và giai đoạn hoạt động cách mạng nào của Đại tướng để xây dựng một hình tượng cho nghệ thuật chèo là điều chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ. Rốt cuộc chỉ thấy có giai đoạn thuận nhất có thể viết cho chèo, đó là giai đoạn Đại tướng thay đổi chiến lược trong trận đánh lịch sử ở cánh đồng Mường Thanh. Quyết định từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc” là một mệnh lệnh có ý nghĩa lớn, nó là sự thật nhưng như có sức mạnh siêu nhiên, thần kỳ”. Vở diễn "Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” (tác giả kịch bản: Vũ Hải, kịch bản dân ca: nghệ sĩ An Ninh, đạo diễn: NSND Lê Hùng và NSND Hồng Lựu) được xây dựng trên chất liệu kịch bản dân ca. Vở diễn tạo nên những cảm xúc mãnh liệt về một vị tướng tài bởi những câu chuyện kể chân thực về nghệ thuật cầm quân đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Và nhất là ê kíp sáng tạo đã khai thác sâu sắc con người đời thường của Đại tướng với nhiều cung bậc cảm xúc rất đời và rất người: vui buồn, tâm tư, thăng trầm cùng thế sự…Vở kịch dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được chuyển thể từ vở kịch nói "Khoảng trời con gái" (kịch bản: Nguyễn Sỹ Đại, chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh: An Ninh) do Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ tỉnh Nghệ An dàn dựng và công diễn vào tối 12/7/2018 tại sân khấu dưới chân tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc đã để lại dấu ấn sâu đậm, những giọt nước mắt xúc động của khán giả.Đặc biệt trong vở kịch có sự xuất hiện của hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có cuộc đối thoại giữa Đại tướng với lịch sử.

Chị Võ Thị Tần thay mặt tiểu đội hứa với Đại tướng: “Chúng cháu thề hy sinh tất cả chứ nhất định không để con đường tiếp viện cho Miền Nam giây phút nào bị tắc nghẽn. Xin bác tin tưởng ở chúng cháu ạ”.

Đại tướng dặn dò: "Chúng ta chiến đấu để chiến thắng chứ không phải để hy sinh. Nhưng chiến tranh không thể tránh được hy sinh. Tôi không muốn ai hy sinh cả, mỗi chiến sĩ hy sinh là một nỗi đau lớn trong tôi, tôi không muốn mang thêm nhiều nỗi đau nữa… Tôi mong sớm có hòa bình để các cháu còn rất trẻ tuổi ở đây được sống cuộc đời tuổi trẻ bên người yêu, được đến giảng đường đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ để xây dựng đất nước”…

Nói về hình tượng sân khấu vở “Khoảng trời con gái”, tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Đại cho biết: "Đó chính là một khoảng khắc bình yên hiếm hoi và thiêng liêng giữa 2 trận bom, những nữ thanh niên xung phong trên chiến trường Đồng Lộc ngày ấy soi mình xuống các hố bom. Khoảng trời bình yên, trong xanh hiếm hoi in xuống mặt nước hòa quyện với hình ảnh trẻ trung, tràn đầy sức sống, hồn nhiên, xinh tươi của các thiếu nữ mười tám đôi mươi làm nên bức tranh tuyệt mỹ rất đời và rất thơ. Trong giây phút thiêng liêng ấy, khoảng trời ấy chính là khoảng trời con gái của chính các o thanh niên xung phong"…

2.4.Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trongâm nhạc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người toàn tài trong thời chiến lẫn thời bình. Người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng Đại tướng bởi tài năng, đức độ, sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống… Hình tượng Đại tướng đã đi vào trong âm nhạc với tất cả những vị thế, cảm xúc khi can trường, quyết đoán; khibình dị, gần gũi đời thường; lúc lại mang tâm hồn nghệ sĩ đa cảm. Các hình thức biểu đạt của âm nhạc (ca khúc, hợp xướng) về Đại tướng đã được các nhạc sĩ vận dụng một cách uyển chuyển, tạo hiệu quả thẩm mỹ.

Một tuyển tập âm nhạc đầu tiên “Vị tướng của lòng dân” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2017) gồm 91 ca khúc và 8 bản hợp xướng của 84 nhạc sĩ nổi tiếng (Đoàn Bổng, Doãn Nho, Trương Quý Hải, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Văn Hiên, Đức Trịnh, Trương Quang Lục…) được nhạc sĩ Lân Cường tuyển chọn từ 127 tác phẩm. Có thể kể đến những ca khúc “Có một khu rừng như thế” (của Doãn Nho), “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” (Bùi Hoàng Yến), “Hát về người Đại tướng của nhân dân” (Lê Gia Hiếu-Tống Minh Lung), “Anh Văn của đồng đội” (Đào Hữu Thi)…Mỗi tác phẩm với một góc nhìn đã góp phần khắc họa hình ảnh vị tướng văn võ song toàn, một tấm gương đạo đức ngời sáng và thể hiện niềm kính yêu vô hạn của nhân dân với Đại tướng. Trong đó “Có một khu rừng như thế” là một trong những tác phẩm hợp xướng quy mô đầu tiên được nhạc sĩ Doãn Nhodành bao yêu thương tri ân Đại tướng. Nhạc sĩ đã chia sẻ về ca khúc này “Tôi may mắn vì vừa là một nghệ sĩ, vừa là một người lính, nên đã có nhiều dịp được gặp Đại tướng. Từ lâu, tôi đã ấp ủ những ca từ: "Có một khu rừng như thế/ Tình chiến binh gắn bó keo sơn/ Ta kiêu hãnh gọi rừng Đại tướng/ Tấm gương xanh soi sáng giữa đời”. Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam-nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá về Tuyển tập ca khúc “Vị tướng của lòng dân” chính là tấm lòng, tình cảm của giới âm nhạc kính dâng lên người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam” .

Khi nghe tin Đại tướng mất, chỉ sau 15 phút, nhạc sĩ An Thuyên đã hoàn thành ca khúc “Tiếng đàn” với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, tràn trào bao cảm xúc yêu thương, đau xót, tiếc thươngcho danh tướng huyền thoạiđã ra đi vào mùa thu Hà Nội. Cả êkip đã nỗ lực làm việc trong suốt 2 ngày để tối mùng 7/10/2013, ca khúc “Tiếng đàn” đã được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam trong một chương trình đặc biệt về Đại tướng.

"Sống mãi với thu vàng" là ca khúc dung dị, ấm áp, xúc động của tác giả Nguyễn Anh Trí – người con Quảng Bình tri ân với Đại tướng. Nhạc sĩ chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác ca khúc: “Ngày 04/10/2013, khi tôi đang đi công tác xa nhận được cuộc điện thoại của một người bạn thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Trong tôi dâng trào cảm xúc vừa buồn, vừa thương tiếc, xót xa. Ngay khi trở về tôi đã tới số nhà 30 Hoàng Diệu và lặng nhìn những dòng người bất tận đi vào nhà viếng Đại tướng… Và tôi xúc động sáng tác ngay ca khúc "Sống mãi với thu vàng"…

III.Khúc vĩ thanh

Tác phẩm từ cuộc đời bước vào văn học nghệ thuật và từ văn học nghệ thuật lại bước ra cuộc sống để lan tỏa cái đẹp. Chỉ có sự thiện tâm của lòng người, sự thông tuệ đi tìm ngọn nguồn, bản chất cái đẹp của hình tượng nghệ thuật mới thấy được và làm được điều nhân văn đó. Không phải là tụng ca, nhưng có rất nhiều danh xưng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhân dân suy tôn, như: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Huyền thoại, Danh tướng thế giới, Thiên tài quân sự, Vị tướng chiến đấu vì hòa bình, danh tướng có học thức uyên bác, Nhân vật lịch sử, Nhân vật kiệt xuất, Nhà sử học, Nhà giáo, Nhà báo, anh Văn, Đại tướng của lòng dân...

Con người và sự nghiệp vĩ đại của Đại tướng mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho người sang tác. Đánh giá được tầm vóc vị tướng huyền thoại vẫn luôn là thách thức với văn nghệ sĩ. Dù đã có nhiều tác phẩm về Đại tướng, nhưng hầu như người lao động sáng tạo vẫn canh cánh một món nợlòng. Dù đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cho “Những cánh rừng lá đỏ”, nhưng nhà văn Hồ Phương vẫn chưa thấy hài lòng với tác phẩm của mình.Nhà văn thành thực với mình rằng chân dung Đại tướng vĩ đại, nhưng sáng tạo thì vẫn chưa đến. Nhà văn Xuân Đức không tránh khỏi áp lực tự thấy “Có lúc cứ ngỡ là mình không với tới. Tác phẩm mới chỉ đủ khắc họa một lát cắt nhỏ trong cuộc đời Đại tướng thôi”…

Dù đã có nhiều tác phẩm về Đại tướng, song mỗi văn nghệ sĩ đều tự thấy bổn phận, trách nhiệm lớn laolà có nhiều hơn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật xứng với tầm vóc vĩ đại của Đại tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự, một trí thức vô cùng uyên bác nhiều lĩnh vực…Đồng thời, từ đó văn nghệ sĩ xác định cần phải có tìm hiểu, nghiên cứu sâu, đầu tư nghiêm túc để có thể đáp ứng được công việc. Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi trong lòng dân tộc, trong niềm tôn kính của Nhân dân và khắc chạm MỘT TƯỢNG ĐÀI THÁNH GIÁP BẤT TỬ TRONG LÒNG DÂN.

PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng - Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hinh-tuong-dai-tuong-vo-nguyen-giap-trong-van-hoc-nghe-thuat-66440