Hình tượng anh giải phóng quân đậm chất 'tình' trong thơ của một thi sĩ quân giải phóng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, hình ảnh anh chiến sĩ Giải phóng quân với lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu dũng cảm đã được chúng ta biết đến qua những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu và Lê Anh Xuân. Nhưng không chỉ có vậy, trong đội ngũ giải phóng quân miền Nam anh hùng còn có những thi sĩ - chiến sĩ, họ là những chiến sĩ vừa dũng cảm chiến đấu, vừa viết văn, làm thơ để động viên đồng đội vượt qua gian khổ, chiến đấu hy sinh cho ngày thống nhất đất nước và Đại tá Nguyễn Hồng Minh là một người như thế.

Chiến sĩ An ninh vũ trang Nguyễn Hồng Minh (thư 3 từ trái sang) và đồng đội đón Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đến động viên trước khi ra trận. Ảnh: Trần Khánh Toàn

Chiến sĩ An ninh vũ trang Nguyễn Hồng Minh (thư 3 từ trái sang) và đồng đội đón Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đến động viên trước khi ra trận. Ảnh: Trần Khánh Toàn

Sinh ra ở Thị Cầu, Bắc Ninh, Nguyễn Hồng Minh vốn mang trong mình những câu ca dao và những làn điệu dân ca quan họ của vùng quê yên bình chốn Kinh Bắc, dấu ấn hình bóng quê nhà luôn đọng lại trong thơ ông: Cay cay khói bếp buổi chiều/Mẹ ngồi lửa hắt liêu xiêu bóng buồn/Bếp nghèo bện khói rạ tuôn/Mà lòng ấm áp tình thương quê nhà (Khói bếp quê).

Lớn lên, ông công tác ở vùng mỏ Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. Chiến tranh ùa đến như một cơn lốc, như bao thanh niên cùng thế hệ, ông xung phong nhập ngũ rồi được điều động về công tác ở lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Giữa những tháng ngày sục sôi đánh Mỹ, ông nhiều lần viết đơn xung phong đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam và năm 1974, đơn tình nguyện viết bằng máu của ông đã được cấp trên chấp thuận. Người thanh niên đất Bắc cùng bao chiến sĩ khác đã:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

Sau nhiều tháng ngày hành quân dưới làn mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, vừa đi, vừa chiến đấu từ Bắc vào Nam, Nguyễn Hồng Minh được biên chế vào Tiểu đoàn 18 An ninh vũ trang, bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam (B2) ở Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Từ đây, ông bước vào cuộc chiến đầy cam go, gian khổ cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Trước nhiều trận đánh bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ông và đồng đội vinh dự được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khi nước nhà thống nhất, ông làm Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước và là Chủ tịch Quốc hội thứ hai của nước CHXHCN Việt Nam) trực tiếp gặp gỡ, động viên.

Trưa ngày 30-4-1975 lịch sử, Nguyễn Hồng Minh có mặt trong đội ngũ những chiến sĩ giải phóng quân tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, rồi tiếp tục chỉ huy canh gác bảo vệ những mục tiêu quan trọng của thành phố. Năm 1978, lực lượng An ninh vũ trang thay đổi tổ chức, Nguyễn Hồng Minh được chuyển công tác về phòng Cảnh sát bảo vệ Công an thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1979, ông được cử đi công tác biệt phái làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, sau đó công tác ở Cục Cảnh vệ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đến năm 1997 thì nghỉ hưu. Hiện nay, ông sống trong một căn nhà nhỏ ở phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Cuộc đời sôi động, phong phú của người lính trong những năm chiến đấu gian lao mà anh dũng đã cho Nguyễn Hồng Minh nhiều trải nghiệm, khiến ông viết lên những vần thơ da diết, sâu lắng. Đến nay, Nguyễn Hồng Minh đã in riêng ba tập thơ gồm : “Hương đất”, “Quê hương” và “Trăng treo bên cánh võng”.

Thơ của Nguyễn Hồng Minh viết nhiều về đồng đội trong những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và khi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn. Hình tượng chiến sĩ quân giải phóng trong thơ ông luôn mang đậm một chữ “Tình”.

Sự hy sinh gian khổ nơi chiến trường ác liệt ấy được thể hiện qua những câu thơ mộc mạc mà chỉ những người lính Trường Sơn mới viết lên được: Những cung đường đi qua, xé chớp bom tọa độ/Đất nhàu lên mờ cả mặt trăng/Xao xác lá rừng in dấu chân em/Trận đánh đầu tiên hai đứa cùng chia lửa (Đêm không ngủ). Đó còn là những hình ảnh cảm động về sự hy sinh chịu đựng của các nữ thanh niên xung phong trên rừng Trường Sơn: Cơn rét rừng nước da đen sạm/Tóc rụng đầu giấu dưới chiếc khăn/Quà gửi em chiếc khăn rằn/Vài lá hương nhu/Nắm bồ kết, cây trồng trước ngõ/Em nhớ gội đầu/Con gái phải làm duyên/Hương tóc em tỏa đêm Trường Sơn (Cô gái mở đường).

Bên cạnh đó là những vần thơ in đậm tình yêu thương đồng đội trong gian lao và những dấu chân người lính trên mỗi nẻo đường anh qua: Sẻ chia từng ngụm nước, cọng rau/Viên sốt rét cuối cùng nhường đồng đội/Áo gấp ba lô dành tặng bạn mới/Trước bom đạn thù, giành lấy hiểm nguy (Nén nhang tháng bảy) và những hình ảnh hết sức bình dị nhưng thân thương của người chiến sĩ: Dưới tán rừng trăng chao nghiêng cánh võng/Gió thổi rỗng trời, gom sao sáng phía xa/Sau chiến dịch đồng đội tôi đang ngủ/Võng chụm đầu hình nan quạt xòe ra (Đêm ngủ rừng).

Thế nhưng, những người lính giải phóng quân vẫn bình thản, coi cái chết nhẹ như lông hồng: Đồng đội cười nghiêng ngả đêm nay/ Mai vào trận biết ai còn ai mất/ Những người lính hồn nhiên chân chất/Có khi lần này nghe em hát nữa thôi” (Đêm Trường Sơn nghe em hát).

Đại tá Nguyễn Hồng Minh bộc bạch: “Tôi sinh ra không phải để làm thơ, nhưng chính cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc với sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào và chiến sĩ ta đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, suy tư khiến tôi cất lên tiếng lòng qua thơ ca như một sự tri ân với quê hương, với đồng đội”.

Có thể nói, thơ của Nguyễn Hồng Minh mang đậm chất lính, hồn nhiên, trong sáng và in đậm một chữ “Tình”. Không chỉ thành công trong đề tài về người lính, Nguyễn Hồng Minh còn thành công khi viết về nhiều mảng đề tài khác như: Tình yêu quê hương, đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tình đoàn kết quốc tế, tình yêu đôi lứa, triết lý nhân sinh và các vấn đề xã hội. Càng có tuổi (năm nay Đại tá Nguyễn Hồng Minh đã bước sang tuổi 73), ông viết càng nhiều, càng hay và nhuần nhuyễn.

Đồng cảm với nhà thơ, nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc các bài thơ của ông thành hơn 40 ca khúc được nhiều người yêu thích, có bài thơ được 3 nhạc sĩ cùng phổ nhạc. Đó là niềm vinh dự của một người lính khi trở về với đời thường mà không phải ai cũng có được.

Nắng chiều dần nhạt, người thi sĩ, cựu chiến binh quân giải phóng ngồi bên tôi với ánh mắt xa xăm như đang hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội trên khắp các nẻo đường từ Bắc vào Nam.

Nguyễn Hồng Minh rưng rưng: “Năm nay, mình lại vào chiến trường xưa thăm đồng đội”. Một tháng tư nữa lại về, những bông hoa loa kèn bắt đầu nở như chiếc kèn hiệu nhắc lại những chiến công vang dội và sự hy sinh của những người chiến sĩ giải phóng quân năm xưa góp phần đưa đất nước đến ngày thống nhất.

Trần Khánh Toàn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hinh-tuong-anh-giai-phong-quan-dam-chat-tinh-trong-tho-cua-mot-thi-si-quan-giai-phong-post438732.html