Hình thành văn hóa Xếp hạng tín nhiệm: Góp sức thúc đẩy phát triển thị trường vốn

Từ ngày 1/1/2021, Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực, theo đó sẽ có một số lĩnh vực bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việt Nam cần làm gì để phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm?

Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về phát hành trái phiếu.

Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về phát hành trái phiếu.

Đây là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa phóng viên TBTCVN với ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.

PV: Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế thì thị trường vốn của Việt Nam phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây. Sau dịch Covid -19, uy tín và mức xếp hạng thị trường này của Việt Nam cũng được nâng lên, từ nhóm thứ 6 của thị trường mới nổi lên nhóm thứ 4. Vậy việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm có ý kiến như thế nào trong thời điểm này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là một trong những bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển ở cấp độ cao hơn, cần thiết phải thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Dương

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quá trình thiết lập thị trường xếp hạng tín nhiệm ở các nước đều trải qua các giai đoạn ban hành khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, thành lập một số doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước, quy định bắt buộc các tổ chức khi huy động vốn trên thị trường phải được định mức tín nhiệm.

Ở Việt Nam, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường vốn nói chung, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là điều kiện tiền đề cho việc hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đến nay, Bộ Tài chính đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 2 doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vẫn còn rất hạn chế do chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường. Nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.

PV: Nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến thị trường vốn của Việt Nam nhưng cần thông tin xếp hạng tín nhiệm để có cơ sở đánh giá xác thực tiềm năng, rủi ro của doanh nghiệp. Xin ông cho biết lộ trình thực hiện hoạt động xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Nhiều chuyên gia nhận định, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động cả cung và cầu về vốn trên thị trường, đồng thời góp phần vận hành một cách hiệu quả thị trường nợ, cải thiện thanh khoản. Để thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được trình Chính phủ ban hành theo hướng quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện. Quy định này sẽ tạo cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; từng bước hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng không thuộc trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm.

Việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng là cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo hướng phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng và trái phiếu doanh nghiệp không được xếp hạng, qua đó khuyến khích các tổ chức tài chính nêu trên ưu tiên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm tốt.

Với vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được thiết lập ở hầu hết các nước có thị trường vốn, thị trường chứng khoán phát triển và mới nổi. Tại Việt Nam, với khung khổ pháp lý đã được hoàn thiện đầy đủ, Bộ Tài chính sẽ lựa chọn để cấp phép cho các doanh nghiệp tốt nhất hoạt động tại Việt Nam; đồng thời tiếp tục tổ chức các hội thảo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu. Trong thời gian tới, để hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm, góp phần phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp tục tổ chức các hội thảo để tuyên truyền, đào tạo thị trường, dự kiến trong tháng 1/2021, sẽ tổ chức một hội thảo tại Hà Nội.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Chúng tôi sẽ tạo cầu về định mức tín nhiệm thông qua việc phối hợp với các cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực liên quan để đưa vào quy định pháp luật về các điều kiện an toàn tài chính, giới hạn về đầu tư gắn với kết quả xác định tín nhiệm, đồng thời thực hiện các hoạt động đào tạo cho thị trường”. - Ông Nguyễn Hoàng Dương

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-11-18/hinh-thanh-van-hoa-xep-hang-tin-nhiem-gop-suc-thuc-day-phat-trien-thi-truong-von-95423.aspx