Hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày

Trong chương trình giao lưu 'Bí quyết khai thác mỏ vàng trong thế giới sách' diễn ra gần đây, thật ngạc nhiên khi thấy nhiều học sinh Trung học phổ thông (THPT), sinh viên, trong đó có cả những sinh viên ngành văn hóa, thông tin thư viện, lại đưa ra những câu hỏi rất... ngây ngô: 'Làm sao để có sự thích thú đọc hết một cuốn sách dày mấy trăm trang?', 'Sắp xếp thời gian đọc sách vào lúc nào khi hằng ngày bận rộn đi học, tập gym, tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường?'...

Những câu hỏi ấy cho thấy một thực trạng đọc sách không mấy khả quan ở thế hệ trẻ hiện nay. Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách phải bắt đầu từ việc tạo lập ý thức, thói quen của mỗi cá nhân, trong mỗi gia đình và nhà trường.

Đọc sách không chỉ dừng ở Ngày Sách

Đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất.

Đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất.

Cho đến nay đã có quá nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Bất cứ thời đại nào, quốc gia nào cũng coi trọng việc đọc sách và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất. Không chỉ các danh nhân thế giới, ở Việt Nam từ cổ chí kim có rất nhiều tấm gương tự học. Từ các ông nghè, ông cử thời phong kiến cho đến các học giả, trí thức sau này, không ít người đã tự đọc, tự học, tự nghiên cứu từ kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ cho đến cả các bộ môn nghệ thuật, thể thao..., trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương lớn về tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện.

Nhận thức tầm quan trọng của việc đọc và văn hóa đọc, cách đây 5 năm Ngày Sách Việt Nam đã ra đời nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự đọc đối với việc trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, rèn nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn. Sau 5 năm triển khai, Ngày Sách đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, của xã hội.

Nhưng, việc đọc nếu chỉ dừng ở Ngày Sách hay Tuần lễ Sách sẽ không thực sự mang đến hiệu quả. Một chương trình học cả ngày không có thời gian để giải trí, một hệ thống thư viện trường ở nơi khuất nẻo không thuận tiện cho học sinh, sinh viên tranh thủ giờ nghỉ để tìm sách, đọc sách đang là những rào cản khiến thế hệ trẻ ở thành phố, chưa nói tới nông thôn, lười tiếp cận với sách. Trong khi đó, các nhà trường chỉ chú trọng dạy và học, quan tâm đến điểm số và thành tích của học sinh chứ không dành riêng thời lượng để khuyến khích học sinh đọc sách, thảo luận sách khiến học sinh không cảm thấy đọc sách là một nhu cầu tự thân.

Chị Bùi Thị Minh Trang, nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết: “Số học sinh thường xuyên lên thư viện trường mỗi ngày có khoảng 30 em. Bởi thư viện nằm trên tầng 5 nên các em cũng không thuận tiện lui tới thư viện mỗi giờ ra chơi”. Dù được đánh giá là khả quan so với nhiều trường học khác nhưng con số 30 em thật là quá ít ỏi so với sĩ số hàng nghìn học sinh ở 4 khối lớp của Trường THCS Nghĩa Tân.

Tại nhiều gia đình, thói quen đọc sách hằng ngày cũng không được hình thành. Bố mẹ nếu mải mê điện thoại thông minh thì con cũng sẽ tranh thủ từng phút từng giây chơi ipad, xem ti vi. Đọc sách đôi khi trở thành sự xa xỉ trong nhiều gia đình Việt. Oái oăm hơn, có không ít người lớn mua sách nhưng chỉ bày ở tủ mà không hề mở ra xem. Một bộ phận các bạn trẻ chỉ chờ các hội chợ sách để mua được các loại sách ngôn tình giảm giá. Tuy rằng không phải mọi cuốn sách ngôn tình đều nhảm nhí, nhưng việc chọn sách nào cho độ tuổi nào, tần suất đọc mỗi ngày bao nhiêu thời gian nếu không được quản lý chặt chẽ dễ dẫn đến những sự lệch chuẩn.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, “thực ra việc đọc sách - bất cứ cuốn sách nào cũng có cái tốt, nhưng với trẻ em cần lưu ý tránh các loại sách về tính dục và bạo lực. Người Nhật rất chăm đọc sách, nhất là tầng lớp trung niên và người cao tuổi. Họ đọc đủ các thể loại, thậm chí cả thứ chỉ dám và được phép đọc một mình khi đã đủ tuổi ở không gian riêng”. Điều này cho thấy việc quản lý tránh cho trẻ em tiếp cận những cuốn sách không phù hợp với lứa tuổi ở Nhật được thực hiện khá chặt chẽ. Trong khi đó ở Việt Nam, có một số bạn trẻ khá ham đọc, nhưng lại chỉ chăm chú đọc những cuốn truyện "sắc giới" ở trên mạng với những hình vẽ đến người lớn xem cũng phải giật mình, đỏ mặt, hay những cuốn ngôn tình, truyện fanfic đầy rẫy “cảnh nóng”. Quản lý việc đọc sách của con em, hơn ai hết phải chính từ các gia đình.

Tạo dựng một thói quen

Đề xuất các chương trình, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, PGS.TS Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, cần hướng đến 10 vấn đề chủ yếu.

Đó là có cơ chế khuyến khích các sản phẩm sách hay, có giá trị; đổi mới và đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình nhằm định hướng xây dựng những cuốn sách hay, phê phán những cuốn sách có nội dung không phù hợp; tổ chức thêm nhiều giải thưởng văn học quốc gia thúc đẩy cho những sáng tác văn học, lý luận, phê bình có chất lượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng bồi dưỡng, phát triển lực lượng sáng tác trẻ; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc; khuyến khích, tạo cơ chế để thành lập các phố sách, đường sách, quán sách ở các tỉnh, thành phố; tổ chức có hiệu quả Ngày Sách Việt Nam bằng các kế hoạch hoạt động phong phú và chi tiết hơn ở mọi miền Tổ quốc; tăng cường công tác quản lý báo chí nhằm nâng cao chất lượng thông tin, giảm bớt sự chồng chéo trong việc đưa tin, chấn chỉnh kịp thời tình trạng “thương mại hóa” báo chí, đưa tin bài rẻ tiền, giật gân, câu khách; và cuối cùng là phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ.

Giải pháp thứ 10 được coi là tác động từ gốc để tạo nên nền móng lâu dài và bền vững tác động đến thế hệ trẻ, hình thành phẩm chất ham thích đọc sách như là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Quả thật, chờ đợi sự thay đổi từ chương trình giáo dục hay những giải pháp khuyến khích xây dựng và phát triển văn hóa đọc từ các cơ quan hữu quan là vấn đề dài lâu. Điều quan trọng hơn cả là sự tạo dựng một thói quen đọc sách ngay trong mỗi gia đình.

Việc thích đọc sách không phải tự nhiên mà có. Bằng cách tạo ra thói quen và sở thích đọc, chúng ta mới hình thành được nếp nghĩ coi đọc sách là một nhu cầu tự thân mỗi ngày, cần thiết như ăn uống, hít thở, nghỉ ngơi. Chị Nguyễn Bích Lan, một số phận đặc biệt đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo mắc phải từ năm 13 tuổi, mày mò tự học, tự đọc và trở thành một dịch giả thành công ngày nay, từng chia sẻ: “Sách là một nhà trường không biên giới nơi tôi có thể chủ động mọi việc học tập, từ lựa chọn nhà trường cho đến thời gian học. Đọc sách cho thế giới tinh thần được mở rộng ra, xoa dịu những nỗi đau và nuôi dưỡng tâm hồn”. Theo chị Nguyễn Bích Lan, việc đọc sách cần được thực hiện mỗi ngày, khi mới bắt đầu chỉ cần 10-15 phút cho đến khi tạo lập được thói quen và trở thành nhu cầu, sở thích đọc.

Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, đến thăm một ngôi trường tiểu học ở tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã mừng tuổi các em học sinh món quà đặc biệt là những cuốn sách. Cử chỉ đầy ý nghĩa này cho thấy, việc tặng sách trong các dịp lễ tết, sinh nhật hay làm phần thưởng cho học sinh là cách làm cần được nhân rộng và phát huy. Bởi đó chính là những hành động thiết thực giúp trẻ tiếp cận với sách, hình thành thói quen đọc sách, từ đó góp phần xây dựng, phát triển phong trào đọc sách cũng như văn hóa đọc trong cộng đồng.

Việt Nhật

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/935090/hinh-thanh-thoi-quen-doc-sach-moi-ngay