Hình thành một luật riêng về xử lý nợ xấu, cần thiết hay không?

Câu hỏi có cần không một luật riêng về nợ xấu đã được giới chuyên gia đặt ra trong hội thảo 'Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật các TCTD (sửa đổi)' ngày 17/5.

 Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV - Ảnh: BTC

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV - Ảnh: BTC

"Quy định nợ xấu trên 3% mới được lập AMC không khác gì quy định hấp hối mới được gọi bác sĩ"

Phát biểu tại hội thảo được tổ chức nhằm góp ý cho dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt là xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu, ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhận định, xử lý nợ xấu là một hoạt động ngân hàng có tính chuyên biệt, cần có nguồn lực riêng để xử lý.

Nói cách khác, ngân hàng phải có công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC). Hiện nay, một số ngân hàng đã có công ty AMC song nhiều ngân hàng vẫn chưa có. Trong khi đó, theo quy định, ngân hàng muốn lập Công ty AMC thì nợ xấu phải trên 3%, ông Ngọc nói.

Nếu để nợ xấu trên 3% thì ngân hàng sẽ 'chết' trước. Quy định nợ xấu trên 3% mới được lập AMC không khác gì quy định hấp hối mới được gọi bác sĩ. Khi đó, lập AMC cũng chỉ để xử lý nợ xấu về mặt kỹ thuật. Theo tôi, cần nhìn nhận AMC là để hỗ trợ xử lý nợ xấu, nợ quá hạn, thay vì chỉ để xử lý về mặt kỹ thuật.

Ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro - Ngân hàng OCB

Hình thành đạo luật riêng, cần hay không?

Từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, trình bày tham luận, ông Darryl Dong, chuyên gia của IFC Việt Nam nhìn nhận, nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa.

Theo vị chuyên gia này, ở Việt Nam đã bàn nhiều tới vấn đề này, nhưng đến này vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC.

Ông Darryl Dong cho rằng điều này là khó hiểu khi Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Mặt khác, các quy định của Việt Nam chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch qua lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.

"Biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường", ông Darryl Dong đề xuất.

Đồng tình với quan điểm của IFC, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần cân nhắc lại cách tiếp cận xây dựng quy định xử lý nợ xấu, bởi vướng quá nhiều luật và các bên liên quan. Để thực sự phát triển thị trường nợ xấu thì cũng có nhiều bên liên quan, công cụ xử lý đa dạng và còn phát triển nên sẽ có sự chồng chéo luật và công cụ.

Do vậy, có 2 cách xử lý, một là cân nhắc xây dựng bộ luật riêng, hai là khi tình hình nợ xấu đang căng thẳng thì trong khi chờ xây dựng bộ luật ấy thì cần có Nghị quyết mới để xử lý vấn đề trước mắt.

Với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV nêu, trong bối cảnh này thì điều này là không khả thi về mặt thời gian. Do đó có thể bổ sung thành một chương nhưng cần tính toán đến quy định toàn diện, có thể thực thi được.

Đặc biệt, cần lưu ý quan hệ tương thích với các quy định khác của pháp luật. Ông Hiếu nhấn mạnh, quan hệ giữa luật này với luật phá sản rất quan trọng, là quan trọng bậc nhất. Trong trường hợp thu hồi nợ chưa trong tình trạng phá sản thì nên có thứ tự ưu tiên.

Sau năm 2025 cần có một luật về xử lý nợ xấu

GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) bày tỏ tán thành với ý kiến của đại diện IFC xung quanh việc cân nhắc mở cửa thị trường mua bán nợ. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài phải có một đại lý là người Việt Nam, như vậy hoàn toàn giám sát được việc mua - bán nợ.

Tôi cũng đồng tình cần tiến tới có luật về nợ xấu nhưng kinh nghiệm về nợ xấu đã được Quốc hội ban hành và sửa đổi trong Luật các TCTD, như vậy không thể sửa đổi dự thảo này. Chúng ta chấp nhận có một chương và đầy đủ hơn. Tôi cũng đề nghị Quốc hội tiến tới sau năm 2025 cần có một luật về xử lý nợ xấu.

GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hinh-thanh-mot-luat-rieng-ve-xu-ly-no-xau-can-thiet-hay-khong-post21759.html