Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các ngành LĐTB-XH, y tế, phụ nữ, Đoàn TNCS lập nhóm hạt nhân để hình thành mạng lưới những người tham gia bảo vệ trẻ em ở xã phường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chiều 22-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em, đã chủ trì cuộc họp của ủy ban. Thông tin tại cuộc họp cho thấy, năm 2018, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tư vấn 27.407 trường hợp, hỗ trợ can thiệp 806 trường hợp. Tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục, nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội. Năm 2018 phát hiện 1.356 vụ với 1.479 đối tượng xâm hại 1.358 trẻ em, trong đó 1.087 vụ xâm hại tình dục. Tình trạng tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích vẫn ở mức cao, nhất là tai nạn giao thông và đuối nước…

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị các thành viên ủy ban trao đổi thẳng thắn về những việc cần phải làm để bảo vệ trẻ em từ tính mạng, sức khỏe đến tình trạng xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động, tệ nạn xã hội.

“Một năm vẫn có tới 2.000 trẻ em bị đuối nước; tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bị xâm hại, bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu của người lớn. Các cơ quan về bảo vệ trẻ em như ngành LĐTB-XH, giáo dục, y tế, thanh niên, phụ nữ, công an, tòa án… cần nhìn nhận đã làm được gì, hệ thống đã đủ hết chưa. Cần xác định rõ những việc nóng cần làm ngay để tạo chuyển biến thực sự, không thể cứ nói chung chung”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và giao các ngành LĐTB-XH, y tế, phụ nữ, Đoàn TNCS lập nhóm hạt nhân để hình thành mạng lưới những người tham gia bảo vệ trẻ em ở xã phường. Kêu gọi các tổ chức xã hội, mạng xã hội tham gia để vừa vận động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vừa hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có vụ việc xảy ra.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành thành viên cần chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn các vụ bạo hành ở nhóm trẻ mẫu giáo, tiểu học; tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục ở bậc THCS, THPT. Ngành công an lưu ý tình trạng sử dụng chất hướng thần gây nghiện trong một bộ phận học sinh; quyết liệt hơn trong phòng chống tai nạn đuối nước, không chỉ dạy bơi cho trẻ mà phải có các cảnh báo những khu vực ao hồ, sông suối nguy hiểm.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hinh-thanh-mang-luoi-bao-ve-tre-em-582739.html