Hình thành dần thói quen làm khoa học cho doanh nghiệp

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Thành chia sẻ điều này khi khẳng định đến vai trò hết sức quan trọng của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chiều 19/7, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn Giám đốc Sở KH&CN về hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; ứng dụng khoa học, công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động và ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường điều hành nội dung chất vấn về KH&CN. Ảnh: Thành Cường

Bao nhiều đề tài KH&CN ứng dụng hiệu quả?

Đây là ý kiến nhiều đại biểu chất vấn người đứng đầu Sở KH&CN. Đại biểu Hoàng Thanh Bình, đơn vị TP. Vinh cho rằng trong những năm qua thực trạng đề tài nghiên cứu khoa học nhiều nhưng đề tài ứng dụng vào thực tiễn rất khiêm tốn, trong khi đó kinh phí các đề tài không ít. Vậy giải pháp khắc phục vấn đề này? Cụ thể hơn đại biểu Trần Duy Ngoãn, đơn vị Hoàng Mai đề nghị làm rõ hiệu quả ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp?

Trả lời về các vấn đề này, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành cho biết, việc ứng dụng riêng về lĩnh vực kỹ thuật đạt 80 -85% hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tính tổng thể thì tỷ lệ đề tài ứng dụng hiệu quả dao động từ 70 -75%.

Ông Thành cũng chia sẻ, có một số lĩnh vực rất khó đánh giá như khoa học xã hội và nhân văn. Nguyên nhân do đặc thù của khoa học vốn dĩ có độ trễ khi triển khai vào thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì độ trễ càng cao vì liên quan đến cung cấp cứ liệu, đề xuất tham mưu nên thay đổi cần thời gian, hoặc như trong lĩnh vực y tế đối với công tác nghiên cứu về dịch tễ học…

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, với câu hỏi về hiệu quả ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, trong 41 dự án triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp 3 năm qua thì khảo sát đánh giá cho thấy chỉ có 3 mô hình không đạt hiệu quả. Còn lại đều được Sở NN&PTNT và UBND các huyện triển khai khá tốt.

Ông Thành khẳng định ngành khoa học không có kinh phí để nhân rộng các đề tài đã ứng dụng mà chỉ có kinh phí triển khai các nhiệm vụ ban đầu, còn nhân rộng do kinh phí các sở, ngành, huyện. Vì thế nên hàng năm có bàn giao và giao trách nhiệm cho các huyện và sở, ngành tiếp tục nhân rộng các mô hình.

Các đại biểu cũng tập trung đề nghị làm rõ vai trò của Sở KH&CN với trách nhiệm tham mưu về lĩnh vực KH&CN. “Sở đã có những đổi mới gì trong việc đặt hàng nhiệm vụ KH&CN hàng năm?” - đại biểu Nguyễn Thị Lan, đơn vị Đô Lượng đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, các sở, ngành, địa phương đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cho Sở KH&CN, chứ sở không đặt hàng cho các đơn vị.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và lãnh đạo tỉnh nghe giới thiệu về sáng chế của anh Phan Công Sỹ, Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Lê

Tuy nhiên, cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Thành cũng thừa nhận đang có sự chênh lệnh trong các ngành, lĩnh vực đặt hàng hàng năm. Trong các năm 2016, 2017, 2018 có 91 đề tài, dự án triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 41, khoa học xã hội và nhân văn 23, khoa học y dược 17, kỹ thuật công nghệ 10.

“Giao thông, xây dựng, công nghiệp ít đề tài đặt hàng, nông nghiệp nhiều nhất đúng với ưu tiên của tỉnh. Chúng ta đang lấy đề tài nông nghiệp làm trọng tâm” - ông Thành dẫn chứng.

Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động KH&CN

Giám đốc Sở KH&CN nhiều lần đề cập đến vấn đề trước các đại biểu HĐND tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp. Ông cho biết, doanh nghiệp là mắt xích cực kỳ quan trọng để xây dựng các chuỗi, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu để chế biến sâu các sản phẩm, cũng như tìm thị trường cho sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào cũng đang gặp khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp khi đang có quá ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. “Có những dự án sở này phải “treo” 3 năm vẫn chưa có doanh nghiệp tham gia như chế biến sâu sản phẩm tinh bột nghệ” - ông Thành dẫn chứng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở KH&CN. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến vấn đề khuyến khích, thu hút doanh nghiệp nghiên cứu KH&CN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại - đơn vị Nghĩa Đàn đề nghị ngành KH&CN cho biết giải pháp để khuyến khích, tác động, kích cầu các doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN trong sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở KH&CN cho biết đây là vấn đề nước ta nói chung và tỉnh cũng rất quan tâm và cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Do đó, để thúc đẩy doanh nghiệp trong vấn đề này, Sở KH&CN đã làm việc với một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn và có tác động và thông qua các doanh nghiệp này để hình thành dần thói quen làm khoa học cho cộng đồng các doanh nghiệp.

Cho biết hiện nay, có một số doanh nghiệp lớn của tỉnh đã hình thành viện, trung tâm nghiên cứu, Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ giải pháp để kích thích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu: “Chúng tôi hỗ trợ một số dự án giao cho đơn vị trực thuộc các đơn vị này chủ trì và triển khai”, và thông qua đó các doanh nghiệp cũng đã bố trí thêm kinh phí gấp nhiều lần để đầu tư cho dự án.

Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, giải pháp trên chủ yếu triển khai ở một số doanh nghiệp lớn, giàu tiềm lực, còn với đa số là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở quy mô vừa và nhỏ, việc thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN còn là vấn đề đặt ra.

Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp được trích 10% lợi nhuận trước thuế để đưa vào quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng đơn lẻ trong vấn đề này thì quỹ phát triển KH&CN không thấm so với nhu cầu.

Để tháo gỡ, ông Trần Quốc Thành cho biết đã làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp để thực hiện ý tưởng hình thành quỹ phát triển KH&CN theo hiệp hội.

Cũng tại phiên chất vấn, lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh đã trả lời những nội dung liên quan đến lĩnh vực KH&CN mà các đại biểu chất vấn.

Kết luận nội dung này, sau khi ghi nhận cũng như chỉ ra những điểm còn hạn chế của lĩnh vực KH&CN, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường kiến nghị UBND tỉnh cần tăng cường, đổi mới công tác chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đơn đặt hàng đề tài nghiên cứu khoa học, tức là xác định rõ nguồn cung và nguồn cầu về yêu cầu của đề tài khoa học. Mục tiêu là danh mục nghiên cứu đề tài khoa học tại từng thời điểm phù hợp với điểm thiết yếu của từng lĩnh vực, ngành kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng kiến nghị danh mục các đề tài triển khai phải có tính chuyên sâu, có khả năng dự báo để khi hoàn thành thì ứng dụng hiệu quả cao trong thực tế; đồng thời đổi mới, nâng cao hơn nữa trách nhiệm hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học, đảm bảo công tác thẩm định, đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiêm túc, khách quan và chất lượng cao; nghiên cứu thực hiện tốt chủ trương liên kết tạo động lực xã hội hóa đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển và ứng dụng đề tài KH&CN…

Thành Duy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/hinh-thanh-dan-thoi-quen-lam-khoa-hoc-cho-doanh-nghiep-206640.html