Hình sự hóa việc hối lộ công chức nước ngoài: Có luật cũng khó thực thi

Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam đã đưa tội hối lộ công chức nước ngoài vào phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, các chuyên gia rất nghi ngờ khả năng thực thi của điều luật này.

TS Đào Lệ Thu trình bày nghiên cứu tại tọa đàm - Ảnh V.Hân

Theo nghiên cứu của TS Đào Lệ Thu và các đồng nghiệp tại Đại học Luật Hà Nội trình bày tại Tọa đàm khoa học "Pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài, phân tích và so sánh kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại Việt Nam", do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức sáng 28.2, so sánh với pháp luật của Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy, quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi này còn sơ sài và khó áp dụng.

Trên thực tế, cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam có hiểu biết khá ít ỏi về loại hành vi này, nên việc chính sách thiếu rõ ràng càng khiến khả năng thực thi trở nên khó khăn.

Theo nhóm tác giả, pháp luật Việt Nam chưa làm rõ được nội hàm khái niệm công chức nước ngoài và công chức của tổ chức quốc tế công; phạm vi lợi ích mà người phạm tội hướng tới khi thực hiện hành vi hối lộ; mục đích hành vi đưa hối lộ...

Quan trọng hơn cả, Việt Nam đã chính thức ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự 2015, nhưng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại lại không bao gồm tội đưa hối lộ. Như vậy, pháp nhân thương mại đưa hối lộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Đây được xem là rào cản chính và khác biệt căn bản so với luật hình sự của các nước khác. Khác biệt này sẽ trở thành một khó khăn cho Việt Nam trong hợp tác quốc tế đấu tranh chống hối lộ công chức nước ngoài, không đảm bảo cơ chế hợp tác để xử lý pháp nhân một cách công bằng, bình đẳng. Trên thực tế, rất ít cá nhân phạm phải tội này, mà thường là pháp nhân.

Nhóm tác giả cũng cho rằng, những cơ chế hỗ trợ cho việc phòng ngừa, phát hiện hành vi hối lộ còn mờ nhạt.

Bà Lê Thị Hòa, Phó trưởng phòng Hình sự (Vụ Pháp luật hành chính - hình sự, Bộ Tư pháp), đại diện cơ quan soạn thảo Bộ luật Hình sự 2015, cũng thừa nhận ngay khi xây dựng điều khoản này, đã có quan ngại về tính khả thi trong áp dụng.

“Có thể nhìn thấy ngay những bất cập của những quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về hối lộ công chức nước ngoài. Khi xây dựng luật, chúng tôi cũng có tranh luận về thế nào là công chức nước ngoài, thế nào là công chức của các tổ chức quốc tế công, nhưng vì sửa toàn diện bộ luật nên không phải khái niệm pháp lý nào cũng được ghi vào”, bà Hòa lý giải.

Tuy nhiên, theo bà Hòa, dù còn những sơ hở, việc hình sự hóa tội này là một bước đi đầu tiên, đặt ra một loạt yêu cầu, kể cả hoàn thiện pháp luật hình sự và hệ thống pháp luật khác, để đảm bảo phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

Từ kinh nghiệm trong nước, ông Gerry McGowan, đại diện Cơ quan phòng chống tội phạm Anh, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, cũng "vẽ" lên một bức tranh khá ảm đảm về thực tế chống loại tội phạm này.

Đạo luật chống hối lộ của Anh có hiệu lực từ năm 2011 - được miêu tả là một trong những luật về chống hối lộ nghiêm ngặt nhất thế giới, nhưng quy định cũng mới chỉ là một khía cạnh. Trên thực tế, công tác điều tra, xác định chứng cứ để khởi tố, luận tội tiêu tốn rất nhiều nguồn lực về con người và tiền bạc.

“Trong khoảng 20 - 40 tỉ USD bị đánh cắp hàng năm chỉ liên quan đến loại tội phạm hối lộ, thì Anh được xác định là một trong những địa chỉ chính nhận những khoản tiền phi pháp này. Nhưng những vụ chống tham nhũng có tính chất quốc tế thường phải 3 - 4 năm mới có thể xử xong, có những vụ còn kéo dài hơn", ông Gerry McGowan dẫn chứng.

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/hinh-su-hoa-viec-hoi-lo-cong-chuc-nuoc-ngoai-co-luat-cung-kho-thuc-thi-937156.html