Hình sự hóa quốc tế tội phạm môi trường

Cuộc chiến công nhận tội phạm môi trường là tội phạm quốc tế vẫn tiếp tục. Sau cái chết do ung thư của Polly Higgins, một nữ luật sư người Scotland có tầm nhìn xa và người đã đấu tranh cho loại tội phạm hủy hoại môi trường được công nhận là 'tội phạm quốc tế,' cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, mặc dù công việc của Higgins là đột phá, song cho đến ngày nay vẫn chưa có một hệ thống pháp lý hiệu quả nào ngăn cản các cá nhân, công ty hoặc chính phủ làm tổn hại đến Trái đất và hệ sinh thái của nó vì lợi nhuận hoặc quyền lực.

Ecocide là một tội ác

Sự thiếu trừng phạt những đối tượng này cho thấy một thiếu sót lớn trong hệ thống luật pháp quốc tế. Ecocide được định nghĩa là "sự phá hủy hệ sinh thái, nhân loại và sự sống". Thuật ngữ này bao gồm những thiệt hại trực tiếp gây ra đối với đất liền, biển, hệ thực vật và động vật trong các hệ sinh thái bị ảnh hưởng, cũng như tác động đến khí hậu.

Các tác động tiêu cực của Ecocide được ghi nhận ở nhiều cấp độ vì thiệt hại không chỉ là môi trường - nó có thể là văn hóa, tâm lý cũng như tình cảm. Các cộng đồng cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi lối sống của họ có mối liên hệ sâu sắc với hệ sinh thái bị tổn hại.

Thuật ngữ "ecocide" lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Hội nghị về Chiến tranh và Trách nhiệm Quốc gia (Conference on War and National Responsibility) ở Washington, DC và kể từ đó, nhiều học giả và chuyên gia pháp lý đã vận động để hình sự hóa nó.

Việc thúc đẩy công nhận ecocide là một tội phạm ở cấp độ quốc tế là bước đầu tiên hướng tới việc thiết lập nghĩa vụ pháp lý - không chỉ là đạo đức - đối với tất cả các dạng sống trên Trái đất.

Nhà văn và nhà hoạt động George Monbiot bình luận: "Nó sẽ thay đổi mọi thứ. Nó có thể tạo ra sự khác biệt giữa một hành tinh có thể ở và một hành tinh không thể ở được".

Trên khắp thế giới, các cộng đồng ở tiền tuyến đang chiến đấu để bảo vệ đất đai, không khí, nước, rừng và các phương tiện sinh sống của họ. Các nguồn tài nguyên đang bị đe dọa bởi các hoạt động như khai thác khoáng sản và phá rừng, tất cả đều có tác động môi trường và xã hội nghiêm trọng. Ngoài ra còn có hành vi chiếm đất đang phá hủy toàn bộ khu vực.

Thông thường, tất cả những điều này xảy ra trong khi thế giới đang nhìn theo hướng khác. Các nhà vận động đang kêu gọi hãy coi hành vi hủy hoại thiên nhiên là tội phạm hình sự quốc tế.

Ecocide là ý tưởng mà các nhà hoạt động môi trường coi là vừa rất cực đoan nhưng cũng vừa hợp lý. Thuyết này cho rằng không ai có thể được nhởn nhơ, không bị trừng phạt sau khi hủy hoại môi trường tự nhiên.

Nhiều người ủng hộ luật hình sự hóa tội hủy diệt môi trường sẽ giúp nhấn mạnh cái giá về môi trường và nhân mạng cho những vấn đề như biến đổi khí hậu gây ra.

Nhiều người ủng hộ luật hình sự hóa tội hủy diệt môi trường sẽ giúp nhấn mạnh cái giá về môi trường và nhân mạng cho những vấn đề như biến đổi khí hậu gây ra.

Trách nhiệm của ICC

Các nhà hoạt động tin rằng loại tội phạm này nên được đưa vào quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - cơ quan hiện thời chỉ truy tố 4 loại tội phạm, gồm: tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược.

Dù ICC cũng có thể truy tố tội phạm môi trường, nhưng việc này cho đến nay chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ của 4 tội nêu trên - không có bất cứ hạn chế pháp lý nào đối với những tổn thất xảy ra trong thời bình.

Dù từng quốc gia có luật lệ và quy định riêng để tránh tổn thất, nhưng các nhà vận động hình sự hóa tội hủy diệt môi trường cho rằng hành động phá hoại môi trường trên diện rộng vẫn sẽ tiếp tục đến khi nào luật pháp toàn cầu được thiết lập.

Đây sẽ không phải là kiểu luật xử quá nhẹ tay hay không có tính răn đe vì thông lệ quốc tế - như Hiệp Định Paris về biến đổi khí hậu, nơi các quốc gia tự đặt mục tiêu cắt giảm khí thải theo ý họ.

Với việc đưa tội danh thứ 5 - tội hủy diệt môi trường - vào Công ước Rome, kẻ gây hủy diệt môi trường có thể bị bắt, truy tố và tống giam. Nhưng nó cũng đồng thời giúp tạo ra thay đổi về văn hóa trong cách thế giới nhìn nhận những hành động gây tổn hại thiên nhiên.

Jojo Mehta, đồng sáng lập chiến dịch vận động Ngưng hủy diệt môi trường (Stop Ecocide) cho biết: "Nếu một thứ trở thành tội phạm, ta đặt nó dưới lằn ranh đỏ của đạo đức. Hiện thời, bạn vẫn có thể đến cơ quan chính phủ và xin giấy phép khai thác dầu đá phiến bằng công nghệ thủy lực cắt phá hoặc khai mỏ, hoặc khoan tìm, khai thác dầu, trong khi đó bạn không thể xin giấy phép giết người, vì đó là tội ác. Một khi bạn đưa chuẩn mực đó vào thực thi, bạn thay đổi não trạng văn hóa cũng như thực tế thi hành luật".

Jojo Mehta lập luận rằng việc có luật chống hủy diệt môi trường sẽ buộc những kẻ gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường phải chịu trách nhiệm.

Các nhà hoạt động tin rằng chỉ nên coi là tội hủy diệt môi trường trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất trên diện rộng - chẳng hạn như gây ra sự cố tràn dầu, khai thác đáy biển, làm trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp và khai thác cát chứa dầu.

Năm 2010, nữ luật sư Polly Higgins định nghĩa hủy diệt môi trường là "gây thiệt hại nghiêm trọng… đến mức sự bình yên của sinh vật trong vùng đã hoặc sẽ bị hủy diệt nghiêm trọng". Năm 2019, Higgins qua đời ở tuổi 50 sau khi chẩn đoán mắc ung thư.

Đó là cú sốc với phong trào chống hủy diệt môi trường - bà từng là người dẫn dắt về mảng luật pháp và là nhà vận động nhiệt thành, đã bán nhà và bỏ cả công việc được trả lương cao và dành cuộc đời cho chiến dịch này.

Nhóm vận động của Mehta - Stop Ecocide - đang trong quá trình tập hợp một ban chuyên môn gồm các luật sư quốc tế để viết một định nghĩa "rõ ràng và và mạnh mẽ về mặt pháp lý" cho tội ác hủy diệt môi trường để các quốc gia có thể đệ trình lên ICC.

Một khi có được định nghĩa chính thức thì bước kế tiếp là phải có một quốc gia ủng hộ nó ở tòa án The Hague. Với những nhà vận động như Mehta, hình sự hóa tội hủy diệt môi trường là cách để kết thúc tình trạng hủy diệt hệ sinh thái trên Trái Đất và hủy diệt những sinh vật sống ở đó.

Diên San (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/hinh-su-hoa-quoc-te-toi-pham-moi-truong-640581/