Hình ảnh xúc động nơi đồng chí Trần Phú hi sinh ở Sài Gòn

Ngày nay, các căn phòng mà đồng chí Trần Phú từng bị giam giữ, cách ly và từ giã cõi đời vẫn được giữ nguyên trạng như cách đây gần một thế kỷ. Nơi đây vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân....

Khánh thành năm 1864, Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) là bệnh viện lâu đời nhất ở Sài Gòn. Khi mới xây, bệnh viện có một khu riêng biệt để nhốt các bệnh nhân tâm thần, sau được chuyển thành nơi giam giữ tù nhân chính trị bị bệnh.

Khánh thành năm 1864, Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) là bệnh viện lâu đời nhất ở Sài Gòn. Khi mới xây, bệnh viện có một khu riêng biệt để nhốt các bệnh nhân tâm thần, sau được chuyển thành nơi giam giữ tù nhân chính trị bị bệnh.

Khu nhà giam bệnh viện Chợ Quán chính là nơi đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị giam giữ và hi sinh.

Ngược dòng lịch sử, ngày 18/4/1931 cố Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt tại số nhà 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng). Bọn thực dân dùng cực hình tra tấn dã man khiến sức khỏe đồng chí suy kiệt, nhưng không khai thác được gì.

Ngày 26/8/1931, chúng đưa đồng chí đến khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán. Ngày đầu, chúng để đồng chí Trần Phú ở trong phòng tập thể ngay cửa trại giam. Trong phòng có khoảng 20 người.

Biết đồng chí Trần Phú là Tổng bí thư của Đảng, các đồng chí ở trong trại đã tận tình chăm sóc cho đồng chí Trần Phú, đồng thời liên hệ với một số y bác sĩ từ tâm để dành cho đồng chí chế độ chăm sóc ưu đãi.

Dù vậy, đồng chí Trần Phú biết mình không thể sống nổi nên đề nghị chuyển thuốc cho anh em khác để họ được sống và phục vụ cho cách mạng được lâu hơn.

Đến ngày thứ ba, nhân viên nhà thương thử đàm và máu của đồng chí Trần Phú, thấy có triệu chứng lao nên chuyển đồng chí qua khu dành riêng cho bệnh nhân lao gọi là khu cách ly.

Sau giờ hành chính, nhân viên coi trại thường kéo cửa sắt lại, đóng kín khu cách ly không cho anh em bệnh nhân tù hai khu qua lại thăm hỏi nhau. Do đó các đồng chí khác muốn sang thăm cũng rất khó khăn.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng, thể trạng đồng chí Trần Phú rất yếu, không nói chuyện được, thường nằm thiếp đi. Ngày 5/9/1931 là ngày thứ 9 kể từ khi đồng chí Trần Phú bị đưa vào trại giam này. Bệnh của đồng chí lúc này đã trở nên nguy kịch.

Ngày 6/9/1931 là ngày chủ nhật, nhân viên không đóng cửa phòng cách ly, đồng chí Nguyễn Văn Nhung qua thăm thấy đồng chí Trần Phú quá yếu, đã kêu ngay y tá đến cấp cứu nhưng họ không đến.

Biết đồng chí Trần Phú không qua khỏi, đồng chí Nhung ghé sát tai đồng chí Trần Phú hỏi: "thứ 2 địch đưa tôi về khám, đồng chí có nhắn nhủ gì không?". Dồn hết sức còn lại, đồng chí Trần Phú nói: "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu".

Đến 5 giờ chiều y tá vào thay ca. Theo đề nghị của các đồng chí trong trại giam, y tá cho khiêng đồng chí qua phòng giam cá nhân để tiện việc chăm sóc. Vì không có cáng nên các anh em đã khiêng đồng chí bằng tay, chưa đến phòng cá nhân thì đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng.

Thi hài của đồng chí được đặt ở phòng cá nhân. Các đồng chí đã làm lễ truy điệu ở phòng này. Toàn thể tù chính trị trong trại giam đã đứng dọc theo hành lang để tiễn đưa đồng chí Trần Phú - người Tổng bí thư đầu tiên của Đảng...

Ngày nay, các căn phòng của nhà giam Chợ Quán vẫn được giữ nguyên trạng như cách đây gần một thế kỷ. Nơi đây vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân và cả tinh thần chiến đấu quật cường của những người cách mạng.

Tất cả những dấu tích này sẽ mãi mãi nhắc nhở thế hệ sau lời di huấn của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.

Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/hinh-anh-xuc-dong-noi-dong-chi-tran-phu-hi-sinh-o-sai-gon-1336164.html