Hình ảnh trường Quốc học Vinh - Huỳnh Thúc Kháng 100 năm qua

Thành lập từ năm 1920, Quốc học Vinh - THPT Huỳnh Thúc Kháng trở thành ngôi trường có bề dày lịch sử và giáo dục lâu đời nhất Nghệ An.

 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (còn gọi là trường Vinh I) có tiền thân từ hai trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) thành lập ngày 1/9/1920 và trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1943, trường đổi tên thành trường Quốc học Nguyễn Công Trứ. Cùng với Quốc học Huế, Quốc học Quy Nhơn, Quốc học Vinh là một trong ba trường Quốc học được Pháp mở ra ở Trung kỳ.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (còn gọi là trường Vinh I) có tiền thân từ hai trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) thành lập ngày 1/9/1920 và trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1943, trường đổi tên thành trường Quốc học Nguyễn Công Trứ. Cùng với Quốc học Huế, Quốc học Quy Nhơn, Quốc học Vinh là một trong ba trường Quốc học được Pháp mở ra ở Trung kỳ.

Năm 1962, do tỉnh Nghệ An có nhiều trường cấp 3 thành lập, trường này được đổi tên là trường phổ thông cấp 3 Vinh. Đến năm 1976, tiếp tục đổi tên là trường phổ thông cấp 3 Vinh I. Đến năm 1981, đổi tên lại là trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho đến nay. Trong ảnh là một buổi chào cờ đầu tuần của trường trong năm học 1976-1977.

Nằm ở trung tâm TP Vinh, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có khuôn viên rộng gần 17.000 m2. Trường có một khu nhà hiệu bộ, 3 dãy nhà cao tầng với 50 phòng học cùng các phòng máy, truyền thống. Thư viện có 2 phòng đọc với hơn 20.000 bản sách, gần 20 đầu báo, tạp chí các loại. Trường cũng xây dựng nhà giáo dục thể chất đa chức năng, sân vận động phục vụ nhu cầu học tập và giải trí của học sinh.

Trường hiện đào tạo 45 lớp với hơn 1.900 học sinh. Với đội ngũ gần 120 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn các bộ môn, trong đó có 1 tiến sĩ, 67 thạc sĩ, 69 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trường luôn được đánh giá là tốp đầu các trường chất lượng của tỉnh Nghệ An. Trường được tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua, Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập và danh hiệu Anh hùng Lao động.

Theo ghi chép, trường Quốc học Vinh khi thành lập có đội ngũ giáo viên đa số là người Pháp. Những năm đầu của thế kỷ XX, học sinh vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh học hết bậc tiểu học, muốn học lên phải vào học ở trường Quốc học Huế. Sự ra đời của trường Quốc học Vinh đã giúp cho học sinh vùng này khắc phục được khó khăn cho việc tiếp tục học lên cao.

Nhiều hình ảnh về trường qua các giai đoạn được đội ngũ giáo viên trong trường tìm lại và in ra, lưu giữ tại phòng truyền thống để các thế hệ học sinh nhớ lại.

Hình ảnh đội ngũ giáo viên thời điểm các dãy phòng học còn là nhà tranh, vách nứa.

Bức vẽ trường Quốc học Vinh trước năm 1975 có bến xe, ga tàu được một cựu học sinh ở miền Nam mô phỏng.

Bài thi vẽ của một cựu học sinh Quốc học Vinh được dự triển lãm Giáo dục tại Paris cũng được đội ngũ giáo viên tìm, in lại, lưu giữ làm tài liệu của trường.

Những tập giáo án, tài liệu xưa của giáo viên đã dần phai màu nhưng vẫn được lưu giữ cẩn thận tại trường.

Những cuốn sổ học bạ của học sinh trường Quốc học Vinh những năm 1930.

Chiếc mũ rơm của học sinh ngày xưa vẫn còn lưu giữ trong tủ kính.

Cô Lê Thị Hồng Lâm, Phó hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết đơn vị trường chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhì được Chính phủ trao tặng.

Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 13-15/11.

Phạm Trường
Bài có chụp lại hình ảnh tư liệu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hinh-anh-truong-quoc-hoc-vinh-huynh-thuc-khang-100-nam-qua-post1152190.html