Hình ảnh Tổng thống Ấn Độ và Phu nhân thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Thánh địa Mỹ Sơn

Ngày 19/11, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 18-21/11/2018 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Ram Nath Kovind và Phu nhân đã đi thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Tổng thống Ấn Độ và Phu nhân thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng ngày 19/11

Tổng thống Ấn Độ và Phu nhân thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng ngày 19/11

Trong thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Đà Nẵng.

Ấn Độ đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về biên soạn và xuất bản ca-ta- lo Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với Nghệ thuật Ấn Độ

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Học viện Bảo tàng quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và bảo tàng học, Ấn Độ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về biên soạn và xuất bản ca-ta-lô “Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với Nghệ thuật Ấn Độ” nhằm nghiên cứu về 50 hiện vật điêu khắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (6/2013).

Tổng thống Ấn Độ viết lưu niệm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Hiện nay, Bảo tàng đang phối hợp với Bảo tàng quốc gia Ấn Độ nghiên cứu, biên soạn sách giới thiệu mối quan hệ giữa nghệ thuật điêu khắc Chăm và nghệ thuật Ấn Độ, chuẩn bị in tại Ấn Độ cuối năm 2018.

Tổng thống Ấn Độ chụp hình lưu niệm với lãnh đạo TP. Đà Nẵng

Sau khi tham quan, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind viết dòng lưu niệm sau khi thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: “Tôi rất hân hạnh được đến thăm Bảo tàng Chăm. Nơi này có một bộ sưu tập phong phú các cổ vật của nền văn minh Ấn-Chăm. Đây cũng là một điển hình rõ nét về sự ảnh hưởng văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ... Tôi đặc biệt ấn tượng bởi đài thờ lớn Trà Kiệu và Shiralingam - một kiệt tác của nghệ thuật Chăm và một trong những di sản quốc gia Việt Nam. Tôi cảm ơn UBND TP Đà Nẵng và Bảo tàng Chăm về sự thân thiện và nhiệt tình của họ. Gửi lời chúc tốt đẹp nhất của tôi tới Bảo tàng”.

Hiện nay, Bảo tàng đang phối hợp với Bảo tàng Ấn Độ biên soạn, giới thiệu mối quan hệ sâu sắc giữa nghệ thuật Chăm và nghệ thuật Ấn Độ

Tại Quảng Nam: Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng phu nhân đã đặt chân đến khu di tích đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên).

Tổng thống Ấn Độ thăm di tích đền tháp Mỹ Sơn

Phát biểu tại buổi lễ đón tiếp Tổng thống Ấn Độ, ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) cho biết, tỉnh Quảng Nam nằm ngay trung độ của Việt Nam, địa giới hành chính đã được hình thành cách đây hơn 500 năm, là cửa ngõ giao thương buôn bán với nhiều nước trên thế giới thông qua cảng thị Hội An xưa và ngày nay là đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

Ngoài ra, Quảng Nam còn có nhiều di sản khác được UNESCO công nhận như: Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ” và đặc biệt là Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn - với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch nung và đá sa thạch, được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII, đã tạo nên một trung tâm kiến trúc đền tháp độc đáo, quan trọng nhất của Vương quốc Chăm-pa xưa.

Thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ được ký kết vào năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã và đang tài trợ dự án “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu Di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam”, giúp hồi sinh lại diện mạo các Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn đang có nguy cơ trở thành phế tích.

Chính phủ Ấn Độ đang tài trợ Dự án bảo tồn, tôn tạo Di tích Thánh địa Mỹ Sơn

“Thay mặt lãnh đạo địa phương, tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ Ấn Độ và cá nhân ngài Tổng thống về sự hỗ trợ quý báu cho tỉnh Quảng Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học Ấn Độ đã giúp đỡ nhiệt tình trong công tác tu bổ, tôn tạo khu di tích đền tháp Mỹ Sơn - công trình kiến trúc bằng gạch nung và đá sa thạch, được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII”, ông Quang nói.

Sau khi tham quan Thánh địa Mỹ Sơn, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind chia sẻ: "Tôi mong ước việc phục hồi sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất. Tôi có cơ hội được viếng thăm Mỹ Sơn, địa danh được UNESCO công nhận là danh lam thắng cảnh. Đó là trung tâm của vương quốc Chăm Pa. Sự tồn tại của nó xuất phát từ tư tưởng triết học của đạo Hindu ở Ân Độ. Điểm nhấn chính là vẻ đẹp kiến trúc của các ngôi đền được thiết kế tinh tế bởi các nhà nghiên cứu Chăm với các hoa văn thể hiện văn hóa một cách đa dạng và phong phú, nó đã để lại một dấu ấn sâu sắc đối với tôi, là một trải nghiệm không thể nào quên được”.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/hinh-anh-tong-thong-an-do-va-phu-nhan-tham-bao-tang-dieu-khac-cham-va-thanh-dia-my-son-424540.html