Hình ảnh tan hoang sau khi bão số 12 đi qua

Sau khi đổ bộ vào bờ, cơn bão số 12 bắt đầu hoành hành tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đến giờ, Lâm Đồng và Đác Lắc đã hứng chịu nhiều thiệt hại do cơn bão Damrey. Trưa 4-11, thành phố Tuy Hòa và nhiều địa phương khác của tỉnh Phú Yên vẫn còn ngổn ngang sau bão số 12. Nhiều nơi ở Nha Trang, Cam Ranh và các huyện khác của Khánh Hòa cũng tê liệt do bão.

Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Đác Lắc

Do ảnh hưởng bão số 12, ngày 3 và 4-11, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đã có mưa to trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến từ 100mm đến 150mm, riêng tại xã Cư Prao, huyện M’Đrắc lượng mưa đo được lên đến 328mm. Từ đêm qua, tại các huyện phía Đông của tỉnh có gió mạnh cấp 6 đến cấp 9, riêng tại huyện M’Đrắc giáp với tỉnh Khánh Hòa có gió giật xấp xỉ cấp 10.

Ngay trong ngày 4-11, Đoàn công tác của UBND tỉnh Đác Lắc do đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ trên địa bàn huyện M’Đrắc.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đác Lắc, tính đến thời đến 17 giờ ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc mưa lũ đã làm năm người bị thương, một người chết; 113 nhà của người dân, trụ sở, trường học bị sập; 1.300 nhà dân và một trụ sở cơ quan, 10 trường học bị tốc mái; hơn 302 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn.

Mưa bão làm hư hỏng nhiều diện tích mía của người dân trên địa bàn huyện Ea Kar.

Bên cạnh đó, nhiều trụ điện bị đổ, gãy; nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, cầu, cống bị trôi, hư hỏng, gây chia cắt giao thông làm nhiều khu dân cư bị cô lập, trong đó có hơn 2.323 hộ dân bị cô lập hoàn toàn.

Trước ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12, UBND tỉnh Đác Lắc đã thành lập các đoàn công tác đến các vùng trọng điểm thiên tai gồm các huyện: M’Đrắc, Ea Kar, Krông Pác, Krông Bông cùng với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tỉnh, các sở, ngành liên quan trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ. Các địa phương đã chủ động triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh kịp thời tổ chức công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm bốn tại chỗ.

Vườn hồ tiêu ở M'Đrắc thiệt hại nặng nề sau bão.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã tổ chức đoàn công tác xuống địa bàn huyện M’Đrắc trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó; hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2017 đã được phê duyệt; tổ chức trực 24/24; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin; kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền, người dân để chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ, sạt lở đất; duy trì lực lượng, phương tiện triển khai ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân và nhà nước trên địa bàn.

Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn, các hồ thủy điện điều tiết xả lũ

TT (Thừa Thiên) -Huế xảy ra mưa lớn trên diện rộng từ đêm mồng 3 đến ngày 4-11 và dự báo còn kéo dài. Tính đến chiều 4-11, mực nước trên các con sông tại TT-Huế đã đạt trên dưới báo động I. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 12, trong hai ngày qua, trên địa bàn TT-Huế tỉnh có mưa lớn trên diện rộng với lưu lượng phổ biến từ 400-600mm, có nơi hơn 700mm. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn trên các con sông và ngập lụt vùng thấp trũng.

Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế Phan Thanh Hùng cho biết, đến chiều 4-11, hồ thủy điện Bình Điền (thị xã Hương Trà) tiến hành điều tiết xả lũ với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến (khoảng từ 120-300m³/giây).

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTN&TKCN tỉnh TT-Huế nghiêm cấm toàn bộ hoạt động khai thác cát, giao thông đường sông, đặc biệt là tàu thuyền du lịch trên sông Hương; cấm khai thác cát sạn lòng sông… cho đến khi mực nước các sông trở về bình thường. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án, đầy đủ phương tiện để phòng chống mưa lớn, ngập lụt trong những ngày tới.

Cũng do lượng mưa lớn liên tục xảy ra, toàn tỉnh TT-Huế có trên 4.000 ha sắn, rau màu các loại và hơn 3.400 chậu hoa cúc chưa thu hoạch kịp đã bị ảnh hưởng; một tuyến đường lớn ven biển bị sóng lớn xâm thực nguy cơ gây cô lập hàng trăm hộ dân trong mưa bão.

Lâm Đồng: Ba người chết, hơn 70 ngôi nhà bị sập, tốc mái

Bão số 12 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng, làm hơn 70 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng, hư hại. Đã có ba người thiệt mạng do nhà sập tại huyện Lạc Dương và đuối nước tại Đà Lạt, gồm: bà Nguyễn Thị Tân (SN 1956, ngụ huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), Lương Thị Xoan (SN 1965, ngụ tỉnh Thanh Hóa) và anh Lê Trung Minh Quý (SN 1983, ngụ TP Đà Lạt).

Cầu ở huyện Đam Rông bị cuốn trôi.

Tại huyện Lạc Dương có 40 ngôi nhà bị sập, tốc mái, khoảng 100 ha hoa màu, nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao bị ngập, hư hại. Huyện Đam Rông, có 10 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 100 ha lúa, ngô, cà phê bị ngập, một dự án nuôi cá nước lạnh và một cây cầu bị cuốn trôi. Huyện Lâm Hà có 21 ngôi nhà bị sập, tốc mái và tại TP Đà Lạt có một ngôi nhà bị tốc mái; hàng chục cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị ngã đổ.

Cây đổ chắn ngang đèo Prenn, chặn đường vào TP Đà Lạt.

Chiều cùng ngày, các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành xả lũ, nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại một số địa phương. Trước tình hình mực nước các hệ thống sông, suối trên địa bàn tỉnh có khả năng lên nhanh gây lũ, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả, đồng thời tiến hành thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ.

Đác Nông: Mưa tăng dần, nguy cơ ngập úng trên diện rộng

Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đác Nông Lê Viết Thuận cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, đến 17 giờ chiều cùng ngày tại tỉnh Đác Nông đã có khoảng 20 ngôi nhà của người dân, 11 phòng học tại các huyện Đác Glong, Krông Nô bị tốc mái, hư hại hoàn toàn; khoảng 10 ha hồ tiêu, 50ha cao su tại các xã Nâm N’ đir và Đức xuyên của Krông Nô cũng bị ngã đổ, gãy cành.

Một số tuyến đường trên địa bàn các xã Quảng Sơn, huyện Đác G’long; Đức Xuyên, huyện Krông Nô, thị xã Gia Nghĩa cũng bị đổ ngã ảnh hưởng đến giao thông cục bộ.

Hiện, trên toàn địa bàn mưa có chiều hướng lớn dần, mực nước tại các sông suối, nhất là các vùng trũng của huyện Krông Nô đang có chiều hướng tăng cao. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ có nguy cơ ngập úng tại các xã Đức Xuyên và Buôn Chóa huyện Krông Nô, người dân cần chủ động đề phòng, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều nhà dân ở Quảng Ngãi ngập sâu trong nước

Do ảnh hưởng của bão số 12, trong hai ngày qua ở Quảng Ngãi có mưa, nhiều nơi mưa rất to đã gây lũ lụt lớn trên diện rộng, làm nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước, cây cối đổ gây tắc đường và sóng lớn cuốn trôi nhiều bè cá của ngư dân.

Theo văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, do lũ lớn trên các sông trong tỉnh, nhất sông Trà Câu và Trà Khúc nước đang dâng cao rất nhanh đã gây ngập lụt trên diện rộng. Nhiều vùng trũng tại các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành bị cô lập. Đến 17 giờ chiều 4-11, toàn tỉnh đã có trên hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước. Nhiều hộ dân ở ven sông Trà Khúc, Trà Câu, sông Giang đã được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn, đề phòng lũ lớn dâng cao trong đêm.

Tại huyện Bình Sơn, chiều nay, PV Nhân Dân điện tử ghi nhận một số khu vực trong huyện bị ngập, cây ngã đổ, đặc biệt đoạn đường từ xã Bình Hiệp đến Tịnh Thọ qua cầu Bảy dẫn vào thôn 2 bị ngập nặng, nhiều nhà dân bị chìm sâu trong nước. Chính quyền xã đã cấm người dân qua lại khu vực này và dẫn lối đi theo đường nhánh khác. Xã cử lực lượng dân quân túc trực tại đoạn đường này để hỗ trợ người dân qua lại an toàn.

Nhiều nơi trên địa bàn huyện Sơn Tịnh bị ngập sâu.

Xã Bình An, một cơn gió lốc mạnh đi qua đã làm tốc mái 16 nhà dân. Huyện miền núi Ba Tơ, theo báo cáo nhanh của huyện, đã có một người chết do lũ cuốn trôi, là ông Phạm Văn Hiệu, sinh năm 1964, ở xã Ba Tô. Mưa lớn cũng làm sạt lở núi, gây nhiều tuyến đường liên xã bị ách tắc giao thông. Huyện Mộ Đức vào sáng cùng ngày, mưa lớn kèm gió lốc đã làm hư hỏng 40 căn nhà của người dân ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, gây thiệt hại ước hơn 400 triệu đồng.

Mưa lũ làm việc đi lại của người dân khó khăn.

Tại huyện Trà Bồng, mưa lớn đã làm sạt lở nặng đe dọa 56 hộ đồng bào Cor trong khu tái dân cư Tà pot, Tà Két. Một số hộ dân nằm ngay ở mép sạt lở có nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản. Ngay chiều nay, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp bốn hộ dân đến nơi an toàn, đồng thời bố trí lực lượng thanh niên xung kích địa phương tục trực ứng phó, hỗ trợ người dân khi có sự cố xảy ra.

Các hộ dân ven sông Trà Khúc đều bị ngập.

Nghiêm trọng hơn, trên huyện đảo Lý Sơn do ảnh hưởng gió mạnh, sóng lớn đã phá nát 23 lồng bè nuôi cá của ngư dân. Ông Nguyễn Văn Hải, người dân thôn Đông, xã An Hải nói: “Chưa năm nào vùng biển ở đây sóng lớn như vậy. Bà con nuôi cá ở đây luôn chăm lo cho bè cá trị giá cả tỷ đồng, nhưng chỉ một đợt sóng lớn đã đánh tan tành, rất may không ai dám ở lại nên không ai bị thiệt mạng”.

Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: “ Do sóng biển quá cao đã phá nát toàn bộ 23 lồng bè nuôi cá mú, cá bớp của người dân xã An Hải với thiệt hại ước tính ban đầu trên hàng chục tỷ đồng. Hiện huyện đang chỉ đạo các bộ phận liên quan thống kê thiệt hại để hướng dẫn người dân khắc phục và địa phương hỗ trợ kịp thời cho bà con ổn định cuộc sống .

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác cứu hộ tàu thuyền tại bờ biển Quy Nhơn

Tàu hàng bị sóng đánh dạt vào bờ biển Quy Nhơn

Chiều 4-11, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp tới hiện trường, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn cho các tàu thuyền đang neo đậu tại bờ biển Quy Nhơn. Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, hiện có tám tàu hàng bị chìm và mắc cạn khi neo đậu tại khu vực phao số 0, biển Quy Nhơn.

Tính đến 16 giờ ngày 4-11, có tám tàu hàng (Biển Bắc 16, Hoa Mai 68, Jupiter, Nam Khánh 26, Sơn Long 08, Hà Trung 98, An Phú 168, FEI YUE 9) neo đậu trong vùng biển Quy Nhơn bị sóng đánh chìm hoặc dạt vào bờ, mắc cạn tại bãi biển. Theo thông tin ban đầu, có 83 thủy thủ, thuyền viên ở trên tàu, hiện đã cứu được 70 người vào bờ, hai người đã tử nạn, 21 người vẫn đang mất tích.

Về tàu thuyền đánh bắt cá, tàu cá BĐ 95184 TS, chủ tàu là ông Võ Minh Vương (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) bị gãy bánh lái lúc 23 giờ 30 ngày 3-11, vị trí phía Đông đảo Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn) 26 hải lý. Trên tàu có hai người, làm nghề đánh bắt ven bờ. Hiện Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, UBND huyện Hoài Nhơn, Đài Radio Quy Nhơn đang liên lạc với các tàu trong tổ đội đến hỗ trợ giúp đỡ.

Ngày 4-11, tại phường Hải Cảng, Quy Nhơn có bốn người ra kiểm tra bè nuôi trồng thủy sản thì bị chìm ghe, hai người đã được cứu, còn hai người đang trôi dạt. Sáng cùng ngày, có bốn người mắc kẹt trên bè cá tại Khu vực 1 phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn cách bờ 300m, đã được đưa vào bờ trưa ngày 4-11. Tàu BĐ 97362 TS của ông Ngô Quốc Nam ở Hoài Hương, Hoài Nhơn trên đường vào cảng Quy Nhơn, có một người trên tàu rơi xuống biển.

Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Bình Định có 81 nhà bị sập, 95 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh, cột điện đổ. Về giao thông, có 20m3 đường Quốc lộ 1D bị sạt lở, hai cầu bị hư hỏng, nước ngập chia cắt một số xã. Về nông nghiệp, 379ha lúa bị ngã đổ, 21,6ha lúa giống gieo sạ bị trôi, 10 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.

Mực nước các sông trong tỉnh vẫn tiếp tục dâng cao, lúc 13 giờ, mực nước trên sông Hà Thanh tại Diêu Trì 6,3m (trên Báo động III 0,8m); trên sông Kôn tại Vĩnh Sơn 72,69m (trên Báo động II 0,19m), tại Bình Nghi 16,84m (trên Báo động II 0,34m), tại Thạnh Hòa 6,6m (trên Báo động I 0,6m).

40 ngôi nhà hư hại do bão ở Quảng Nam

Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 12, từ chiều 3-11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có gió lớn kèm theo mưa to, kéo dài đã gây thiệt hại về nhà ở, tài sản của người dân. Mưa bão đã làm sáu người dân bị thương phải nhập viện…

Tại xã đảo Tam Hải, từ sáng nay (4-11) gió từ ngoài biển ùa vào rất mạnh. Khoảng 10 giờ trưa nay, một cơn lốc xoáy lớn đã làm hàng chục ngôi nhà tại các thôn: Bình Trung, Tân Lập, Long Thạnh Tây…bị hư hỏng nặng. Trong đó, có một ngôi nhà dân ở thôn Long Thạnh bị sập hoàn toàn, làm ba cha con bị thương rất nặng, đang cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Chủ tịch UBND xã Tam Hải Trần Ngọc Hữu cho biết, theo thống kê ban đầu mưa bão làm sáu người bị thương, trong đó có bốn người bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Về nhà ở, hiện có hơn 40 ngôi nhà bị sập và tốc mái. Hiện tại, do trời còn mưa và gió lớn, nên công tác khắc phục còn gặp nhiều khó khăn…

Do mưa lớn trên diện rộng kèm gió mạnh. Đến chiều 4-11, lượng nước đổ về các hồ lớn nên các nhà máy thủy điện trên địa bàn tiến hành xả nước, khiến lũ trên các con sông lớn trong tỉnh đang lên nhanh.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện tại, một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xả nước. Vào thời điểm 4 giờ sáng 4-11, Thủy điện Sông Bung 4 xả nước về hạ du với với lưu lượng đến 1.638 m3/s.

Nhiều nhà máy thủy điện xả nước để đón lũ.

Và theo thông tin từ Công ty Thủy Điện Sông Tranh cho biết, do lưu lượng nước về hồ cao hơn lưu lượng nước qua 2 tổ máy phát điện và trời đang mưa lớn, nên từ 15 giờ 30 phút ngày 4-11, hồ thủy điện Sông Tranh 2 sẽ cho xả nước qua tràn với lưu lượng từ 500 – 1.500m3/s tùy theo lượng nước về hồ.

Do các thủy điện xả lũ, nên mực nước trên sông Vu Gia – Thu Bồn đang lên nhanh. Hiện mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa đạt 7,08m, trên mức báo động 1; sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 3,47m, dưới báo động 1. Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Vu Gia và sông Thu Bồn sẽ vượt mức báo động 2. Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương theo dõi để di dời dân vùng trũng, các vị trí dễ xảy ra sạt lở, tránh thiệt hại do bão lũ gây ra…

Ninh Thuận khắc phục hậu quả bão lũ

Tính đến 17 giờ ngày 4-11, vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã ngưng mưa và giảm các đợt gió thổi mạnh, tuy nhiên, tại các huyện miền núi, vẫn còn mưa rải rác, vùng biển động dữ dội, trời chưa thật quang tạnh. Toàn tỉnh đang triển khai các giải pháp ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra.

7 giờ ngày 4-11, cơn bão số 12 đã đi ngang qua các huyện Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn (Ninh Thuận), đã gây thiệt hại đáng kể về nhà ở và tài sản khác.

Tại huyện Bác Ái, bốn phòng học của trường tiểu học Phước Thành B bị tốc mái; nhà ăn trường mẫu giáo Phước Đại bị sập; 26 căn nhà của người dân tại các xã Phước Bình, Phước Đại, Phước Thành, Phước Tiến và Phước Chính bị tốc mái; trụ ăng-ten đài truyền thanh xã Phước Tiến bị sập; toàn huyện bị mất điện.

Tại huyện Ninh Sơn, tám căn nhà của người dân ở các xã Lâm Sơn và Ma Nới hư hỏng nặng; thư viện của Trường tiểu học Lâm Sơn B; Trường tiểu học Ma Nới bị tốc mái; hai trụ điện hạ thế ở xã Nhơn Sơn bị ngã; nhiều cây xanh ở xã Lâm Sơn bị ngã đổ. Tại huyện Thuận Bắc, 12 căn nhà dân bị tốc mái và hư hỏng.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kiểm tra thiệt hại tại trường tiểu học Phước Thành B, huyện Bác Ái.

Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết: “Chúng tôi đã thông báo khẩn cấp để người dân không đi vào các vùng trũng, vùng thấp, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Hiện nay, hầu hết bà con ở khu vực đất rẫy và đất ruộng dưới vùng hạ lưu cũng đã chuyển về với gia đình, đặc biệt là các hộ dân ở triền núi đã di dời về khu dân cư. Dự tính ngày 5-11, nếu trời dứt mưa, sẽ huy động lực lượng tiếp tục sửa chữa lại nhà ở giúp dân và trường tiểu học Phước Thành B…”

Đến 17 giờ ngày 4-11, nhiều hồ chứa như: Tân Giang, Lanh Ra, Bà Râu, Trà Co… đang xả lũ với lưu lượng 5-7 m3/s theo đúng quy trình, ưu tiên xả lũ vào ban ngày để người dân vùng hNhinh ạ lưu chủ động ứng phó. Hai trụ điện bị đổ ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn đã được Điện lực Ninh Thuận khắc phục, các địa phương đang dồn lực và chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng sửa chữa lại nhà ở khi trời ngưng hẳn mưa.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 12 kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh, nên toàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to trên diện rộng trong hai ngày 4 và 5-11, ước lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 250mm. Trên các sông chính, như: Sông Cái Phan Rang, Sông Lu… mực nước dâng cao, sẽ có nhiều khả năng xuất hiện đợt lũ lớn, nên tại các khu vực xung yếu như các xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới (huyện Ninh Sơn); xã Phước Chính, Phước Thành, Phước Trung, Phước Bình (huyện Bác Ái); xã Lợi Hải, Bắc Phong, Công Hải, Phước Chiến (huyện Thuận Bắc); xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tại các xã vùng trũng và ven biển thuộc TP Phan Rang- Tháp Chàm, huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam, huyện Ninh Hải, huyện Thuận Bắc, do có mưa lớn kết hợp với triều cường, nên dễ có nguy cơ xảy ra ngập úng trên diện rộng.

Đến 17 giờ ngày 4-11, toàn tỉnh đã di dời xong 3.410 hộ/13.059 người.

Nha Trang, Cam Ranh tê liệt sau bão quét

Sân bay Cam Ranh bị tốc mái tôn.

Đổ biển báo

Và tắc nghẽn vì máy bay không cất cánh được.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, qua thống kê sơ bộ, toàn thành phố có 46 nhà sập hoàn toàn, hơn 5.200 nhà tốc mái. Chiều 4-11, UBND TP Nha Trang tiến hành họp khẩn để nghe báo cáo tình hình và lên kế hoạch khắc phục khẩn trương thiệt hại do bão gây ra, trong đó chú trọng việc dọn dẹp cây xanh đổ ở các trường học để học sinh sớm đến lớp.

Trường tiểu học Phước Thịnh, Nha Trang tan hoang.

Ngày hôm nay, sân bay Cam Ranh bị kẹt cứng, mái tôn, biển báo ở sân bay bị bão thổi bay tứ tung.

Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Sơn, Vạn Ninh đều bị thiệt hại nặng sau bão. Thống kê chưa đầy đủ ở Khánh Hòa có 5 người thiệt mạng do bão, trong đó có ba người ở Vạn Ninh, một người ở Diên Khánh và một phụ nữ bị lật xuồng tử nạn ở Cam Ranh.

Cây đổ ở Mỹ Ca, Cam Ranh.

"Tâm bão" Phú Yên khi Damrey đi qua

Hàng loạt tàu thuyền ở huyện Đông Hòa bị chìm.

Đến 11 giờ ngày 4-11, hồ Thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh xả lũ và chạy máy với tổng lưu lượng gần 7.000m3/s, tăng gấp đôi so với lúc 15 giờ chiều ngày 3-11. Hiện mức nước các sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang ở trên báo động cấp 2, có nơi trên đạt báo động 3 và đang tiếp tục dâng nhanh.

Toàn cảnh hoang tàn thành phố Tuy Hòa sau bão số 12

Mưa lớn từ đêm đến sáng 4-11, đã làm hàng trăm cây xanh, pa nô, biển quảng cáo, trụ điện, viễn thông ở thành phố Tuy Hòa ngã đổ, chắn ngang đường, giao thông ách tắc nhiều tuyến; nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị và nhà nhân cũng bị tốc mái hoàn toàn.

Nghiêm trọng nhất là bảy trụ điện cao áp 22KV trên đường Trần Phú cung cấp điện cho các cơ quan hành chính bị gãy ngang thân, cắt điện hoàn toàn thành phố từ hai giờ sáng và khó khắc phục khẩn cấp; cầu cảng Vũng Rô cũng bị sóng biển đánh vỡ.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến trưa ngày 4-11, bão số 12 kèm theo mưa lớn, gió giật mạnh làm một người bị mất tích, bốn người bị thương, 946 ngôi nhà dân và trụ sở các cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Tuyến đường sắt bắc - nam bị tắc nghẽn, hai tàu hàng bị mắc kẹ tại ga Đông Tác và ga Hòa Đa; một số đoạn trên quốc lộ 1 bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m, lưu thông khó khăn; 29 tàu thuyền của ngư dân neo đậu ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa bị sóng, gió lớn nhấn chìm; nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân huyện Đông Hòa và thị xã Sông Cầu bị sóng, lũ tàn phá, thiệt hại nặng.

Nhiều nơi ngập sâu.

Trụ điện cao áp 22KV trên đường Trần Phú cung cấp điện cho các cơ quan hành chính bị gãy ngang thân, cắt điện hoàn toàn thành phố

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, từ mờ sáng, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên và các huyện, thị xã, thành phố đã về các địa bàn xung yếu chỉ đạo tiếp tục cập nhật diễn của mưa lũ sau bão và bố trí lực lượng kiểm soát tại các vị trí ngầm, tràn, đường ngập nước, ngập lụt trên các sông; di dời, sơ tán dân ở những vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, triều cường, sạt lở đất; theo dõ chặt chẽ diễn biễn thời tiết sau bão và xả lũ của các hồ thủy điện để chủ động phòng tránh và hỗ trợ nhân dân sớm vượt qua hậu quả thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Lý Sơn thiệt hại nặng

Ảnh hưởng bão số 12, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7, cấp 8, biển động dữ dội đã làm hàng chục lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Lý Sơn bị sóng biển nhấn chìm, gây thiệt hại nặng nề.

Nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên bước đầu bão số 12 không gây thiệt hại về người, nhà cửa của người dân tại huyện đảo. Hàng trăm tàu của ngư dân đã kịp vào bờ neo đậu an toàn. Tuy nhiên, sóng biển đã đánh sập, cuốn trôi 27 lồng bè nuôi thủy sản của người dân tại vùng biển xã An Hải. Trong đó, 23 lồng bè, với gần 80 nghìn con tôm, cá đang trong thời kỳ xuất bán bị nhấn chìm hoàn toàn. Thống kê ban đầu, tổng thiệt hại cho ngư dân hàng chục tỷ đồng.

Những gì còn lại của một lồng bè nuôi hải sản.

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trước bão số 12, các ngành chức năng huyện đảo tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá và các chủ nuôi trồng thủy sản đưa lồng bè và phương tiện vào bờ neo đậu an toàn. Tuy nhiên, nhiều chủ lồng bè vì chủ quan nên đã thiệt hại nặng nề.

Ngư dân cố gắng vớt vát những gì còn lại.

“Hiện nhiều chủ lồng bè bị sóng biển đánh rơi xuống nước và đang được các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư ứng cứu. Chúng tôi cũng triển khai các lực lượng ứng trực ven biển, kiên quyết không cho người dân ra khu vực nuôi cá để vớt cá nguy hiểm đến tính mạng” – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định.

Lực lượng chức năng giúp dân dọn dẹp sau bão.

Sạt lở nhiều đoạn nguy hiểm trên đèo Lò Xo

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ đêm ngày 3 và ngày 4-11 có mưa lớn, nhiều nơi có gió to. Mưa lớn đã làm một số điểm trên khu vực đèo Lo Xo (huyện Đác Glây) bị sạt lở, một cây gỗ lớn đổ chắn ngang đường khiến tuyến đèo này đang tắc nghẽn hoàn toàn.

Ghi nhận tại hiện trường hiện có hai điểm bị sạt lở nặng cách nhau chỉ 200m tại Km1411+200 và Km1411+400. Đến 16g 30, đường đèo đã được thông, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại trên cung đường này, Trạm Cảnh sát giao thông- Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh Kon Tum đang điều tiết, nhắc nhở các lái xe cẩn thận khi lưu thông qua khu vực này, đặc biệt là ban đêm có sương mù dày đặc để đề phòng nhiều tình huống xấu có thể xảy ra.

Ngoài ra, gió to và mưa lớn đã gây tốc mái nhiều nhà dân tại thuộc địa bàn các huyện Đác Glây, Tu Mơ Rông, Kon Plông.

Vào lúc 15 giờ chiều ngày 4-11, tại thôn Bê Rê, xã Đăk Choong cháu Y Nga, sinh năm 2007 (hiện nay đang học lớp 5), do trong quá trình đi chăn bò bị sạt lở đất gây tử vong.

Mưa lớn đã làm sạt lở gây tỉnh lộ 673 chia cắt bốn xã vùng sâu của huyện Đác GLây với trung tâm huyện. Trên tuyến tỉnh lộ 676 bị sạt lở ba đoạn với khối lượng hàng trăm m3 đất đá tràn xuống đường chia cắt năm xã vùng đông Trường Sơn của huyện Kon Plông.

Để kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 12, Sở Giao thông vận tải Kon Tum đã điều động xe máy các đơn vị thi công trên địa bàn kịp thời túc trực xúc đất đá sạt lở để thông tuyên. Dự kiến đến cuối giờ sáng ngày 5-11, sẽ thông tuyến trên hai tỉnh lộ 673 và 676.

Các địa phương huyện Đác Glây, Tu Mơ Rông, Kon Plông đã kịp thời chỉ đạo cho các xã huy động lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên trên địa bàn giúp đỡ các gia đình bị tốc mái nhà, ổn định chỗ ở cho các hộ dân.

Lâm Đồng: Ghi nhận có hai người thiệt mạng, hơn 50 ngôi nhà tốc mái

Đến 14 giờ chiều nay (4-11), Lâm Đồng ghi nhận có hai người thiệt mạng. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, do mưa lớn kèm gió mạnh, khiến ngôi nhà của người dân tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, bị đổ sập hoàn toàn, hai người thiệt mạng. Hiện cơ quan chức năng địa phương đang xử lý vụ việc.

Thống kê sơ bộ, huyện Lạc Dương có khoảng 40 ngôi nhà bị sập, tốc mái; hơn 100 ha nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao bị hư hại. Huyện Đam Rông, có 9 ngôi nhà bị tốc mái, một cây cầu bị cuốn trôi. Tại TP Đà Lạt có hai ngôi nhà bị tốc mái.

Xử lý cây xanh ngã đổ trên đèo Prenn – cửa ngõ vào TP Đà Lạt.

Hiện các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xả lũ, nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại một số địa phương. Các huyện có thủy điện xả lũ đã và đang thông báo để người dân chủ động phòng chống lũ.

Sáng 4-11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng cho biết, bão số 12 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng. Mưa lớn và gió giật mạnh khiến nhiều nhà tốc mái, cây xanh ngã đổ, gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu.

Khoảng 10 giờ sáng nay, tại TP Đà Lạt ghi nhận, gió giật cấp 7, kèm mưa lớn khiến nhiều cây xanh bật gốc. Trên đường Yersin, TP Đà Lạt, một cây tùng cổ thụ bị gió giật ngã, đổ ập vào một cửa hàng, rất may thời điểm này cửa hàng không có người. Trên đường Pasteur, phường 4, một cây xanh đường kính 40 cm ngã đổ, đè sập bờ taluy dài 3m. Trên đường Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Toản, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Du… có một số cây xanh bị bật gốc.

Một cây xanh tại Đà Lạt bị bão quật ngã.

Hiện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng đang kiểm tra hiện trường tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais ghi nhận khoảng 50 ha hoa màu bị ngập, hư hại nặng; toàn huyện Lạc Dương gần 40 nhà bị tốc mái. Tại huyện Đam Rông, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hởi thông tin, đến khoảng 11 giờ 30 phút sáng nay, tại địa bàn có chín ngôi nhà bị tốc mái, xảy ra tại các xã Đạ R’Sal, Đạ M’Rông và Đạ Tông. Thủy điện Krông Nô tiến hành xả lũ, địa phương đã thông báo tình hình mưa bão đến nhân dân để có biện pháp phòng tránh an toàn.

Đề phòng ảnh hưởng bất thường của bão, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng thông báo tất cả các trường cho học sinh nghỉ học trong ngày 4-11, phân công bảo vệ trường học trực.

Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng Phan Công Ngôn cho biết, hiện các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xả lũ, với lưu lượng khoảng 75m3/s. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Lâm Đồng cảnh báo, mưa bão có thể gây lũ quét tại các sông suối, vùng trũng, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác và không ra ngoài, nếu không thực sự cần thiết.

Bão số 12 đã gây thiệt hại tại một số địa phương ở tỉnh Đác Lắc

Do ảnh hưởng bão số 12, sáng nay 4-11, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đã có mưa to trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến từ 100mm đến 150mm, riêng tại xã Cư Prao, huyện M’Đrắc lượng mưa đo được lên đến 328mm. Từ đêm qua, tại các huyện phía Đông của tỉnh có gió mạnh cấp 6 đến cấp 9, riêng tại huyện M’Đrắc giáp với tỉnh Khánh Hòa có gió giật xấp xỉ cấp 10 và bước đầu đã gây ra một số thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện M’Đrắc Nguyễn Thế Thập cho biết, đến thời điểm hiện nay một số nhà dân và trường học ở xã Krông Jin, Ea Riêng bị tốc mái; hệ thống lưới điện ở khu vực này bị ảnh hưởng, nhiều cột điện ngã đổ, khiến nhiều xã bị cắt điện.

Nước lũ làm ngập nhiều tuyến đường nông thôn ở huyện M’Đrắc, gây ách tắc giao thông.

Ngay từ sáng sớm, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện M’Đrắc đã khẩn trương di dời các hộ dân ở Buôn Lêch, xã Krông Jin ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện nay huyện đang huy động lực lượng triển khai phương án bốn tại chỗ bám, nắm địa bàn giúp dân chống bão.

Tại các huyện Ea Kar và Krông Năng, 7 giờ sáng nay, gió đã mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, khiến mất điện ở nhiều nơi, nhiều cửa hàng, siêu thị ở các huyện này phải đóng cửa để phòng tránh bão.

Đến 9 giờ sáng nay, trên địa bàn huyện Krông Bông có mưa trên diện rộng, tại các xã Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm gió giật cấp 7, cấp 8. Gió lốc đã làm bốn căn nhà bị sập, 60 căn nhà và các công trình công cộng bị tốc mái, trong đó có trụ sở làm việc của HĐND, UBND xã và trạm y tế xã Yang Mao; 40 ha hoa màu bị ngập úng. Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài cho biết, trước diễn biến phức tạp của mưa bão, hiện nay huyện đang huy động lực lượng hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, di chuyển người đến nơi an toàn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34606702-hinh-anh-tan-hoang-sau-khi-bao-so-12-di-qua.html