Hình ảnh ở Davos khiến cả thế giới chú ý

Hình ảnh Davos cằn cỗi với những thảm cỏ nâu, trái ngược với thảm tuyết trắng thường thấy vào mùa đông, đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về biến đổi khí hậu.

Ngày 16/1, thị trấn Davos của Thụy Sĩ sẽ chủ trì hội nghị thường niên năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Nhưng câu hỏi lớn nhất hiện tại không phải là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia sẽ thảo luận về vấn đề gì.

Nhiều người thắc mắc liệu Davos mùa đông năm nay có đủ tuyết để trượt tuyết hay không.

Nằm ở độ cao 1.560 m, Davos nổi tiếng với những đợt tuyết rơi dày đặc vào mùa đông. Tuy nhiên, đợt nắng nóng giữa mùa đông diễn ra vào đầu tháng 1 năm nay đang khiến thị trấn Thụy Sĩ mất đi đặc trưng vốn có, theo Bloomberg.

Sườn núi được che phủ bởi những thảm cỏ nâu, trong khi những người đi bộ dắt chó dạo quanh thị trấn. May mắn thay, tuyết được dự báo sẽ rơi đúng những ngày hội nghị WEF được tổ chức.

Dù vậy, hình ảnh hiện tại là dấu hiệu của những điều không lành sắp xảy ra ở khu vực Davos, nơi bầu khí quyển đang nóng lên nhanh hơn phần còn lại của Trái Đất.

 Một trạm xe buýt ở thị trấn Davos vào tháng 1/2018 (trái) và tháng 1/2023 (phải). Ảnh: Bloomberg.

Một trạm xe buýt ở thị trấn Davos vào tháng 1/2018 (trái) và tháng 1/2023 (phải). Ảnh: Bloomberg.

Hồi chuông cảnh báo cho thế giới

Thị trấn Davos không chỉ là nơi tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao về những vấn đề thế giới. Nó còn là nơi đặt trạm quan trắc thời tiết lưu giữ chuỗi số liệu dài ngày nhất về độ dày của lớp tuyết. Các nhà khoa học phát hiện rằng thời tiết tại Davos sẽ đại diện cho toàn bộ dãy Alps.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lớp tuyết phủ vào mùa hè đã giảm 10% độ dày trong 40 năm qua. Nhưng con số này không lớn nếu so sánh với số liệu về độ dày lớp tuyết vào mùa đông.

So với thời điểm cuộc họp thường niên đầu tiên của WEF khai mạc vào năm 1971, lớp tuyết đã mỏng hơn 40%.

Cây cối sẽ bao phủ mặt đất nếu tuyết biến mất. Những tán lá sẫm màu sẽ hấp thụ nhiệt từ Mặt Trời vốn được phản chiếu bởi tuyết trắng. Điều đó khiến tình trạng nóng lên trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Cáp treo đi lên khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Parsenn ngày 7/1. Ảnh: Bloomberg.

Sabine Rumpf, giáo sư tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ, cho biết tình trạng này sẽ tạo nên một vòng lặp tiêu cực và khiến tốc độ biến đổi khí hậu tăng lên.

“Tôi hy vọng đó sẽ là hồi chuông cảnh báo đối với những nhà hoạch định chính sách”, Gail Whiteman, giáo sư về tính bền vững tại Đại học Dexter ở Anh, cho biết.

“Thụy Sĩ vào mùa đông nên có tuyết. Điều đó không chỉ liên quan đến việc trượt tuyết. Toàn bộ chuỗi đa dạng sinh học sẽ thay đổi. Cây cối tưởng rằng mùa xuân đã bắt đầu”, bà nói thêm.

Phớt lờ khí hậu

Những rủi ro do tình trạng nóng lên toàn cầu không phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới cho đến những năm gần đây, bất chấp việc chúng đã xuất hiện hàng thập kỷ.

WEF là diễn đàn thường niên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nguyên thủ quốc gia kể từ năm 1971. Năm nay, hơn 30% chương trình nghị sự của hội nghị có liên quan đến biến đổi khí hậu. Như mọi khi, “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu và cạnh tranh giữa các quốc gia vẫn được quan tâm hơn hết.

Khi quan sát các bản tuyên bố hội nghị những năm 2010, lần đầu tiên WEF đề cập đến từ “khí hậu” là vào năm 2014.

Trong bài phỏng vấn với Bloomberg Green, giáo sư Whiteman cho biết sự thay đổi đó đòi hỏi nhiều năm nỗ lực phía sau sân khấu nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo rằng họ đang đánh giá thấp rủi ro của biến đổi khí hậu.

Những người tắm tại một hồ bơi ngoài trời ở Davos, ngày 6/1. Ảnh: Bloomberg.

Bà đã cống hiến sự nghiệp của mình để đưa khoa học tự nhiên lên bàn họp. Sau nhiều năm dành thời gian ở Bắc Cực thuộc Canada, bà đã chứng kiến tình trạng nóng lên nhanh chóng của khu vực này so nơi khác trên thế giới.

Bà quyết tâm mang thông điệp cấp bách tới Davos. Phương châm của bà là “những gì xảy ra ở Bắc Cực sẽ không chỉ ở lại Bắc Cực”.

Đối với giáo sư Whiteman, thúc đẩy vấn đề khí hậu tại Davos không phải điều dễ dàng. Bà không có “tấm vé kỳ diệu” để vượt qua các nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Hội nghị Davos. Bà cũng ngã ngửa trước chi phí thuê một địa điểm bất kỳ trong thị trấn.

Không nản lòng, bà nảy ra ý tưởng xây dựng “trại căn cứ”, giống như những người leo núi thực hiện để leo lên đỉnh Everest. Tương tự Davos, dãy núi Himalaya đang trải qua tình trạng tan băng chưa từng có.

Năm 2017, bà đã dựng loại lều được các nhà thám hiểm vùng cực sử dụng, cách địa điểm tổ chức hội nghị WEF không xa. Nó có hai nhiệm vụ, bao gồm không gian trưng bày vào ban ngày và phòng ngủ vào ban đêm.

Sườn núi ít tuyết tại Davos, ngày 6/1. Ảnh: Bloomberg.

“Chúng tôi rất biết ơn với bất kỳ bữa tối nào được gửi tặng trong những ngày hội nghị tại Davos”, bà nói.

Sáng kiến đi vào hoạt động với hơn 100 người tham dự trong năm đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Arctic Basecamp. Khi hội nghị diễn ra tại Davos những năm kế tiếp, chiếc lều trở thành ngôi nhà của các nhà khoa học và nhà hoạt động khí hậu.

Dự án muốn khẳng định rằng điều xảy ra tại những vùng đất băng giá của Trái Đất có tác động trên toàn thế giới, từ nước biển dâng cao đến sự bất thường của những cơn bão.

Đợt lạnh ở Bắc Mỹ đẩy nhiệt độ ở Texas, Mỹ xuống mức âm vào tháng 12/2022 và đêm giao thừa ấm áp bất thường tại Trung, Tây Âu đều liên quan đến sự bất thường của lốc xoáy vùng cực, gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Thuyết phục thế giới thay đổi

Giáo sư Whiteman cho biết năng suất của tất cả vựa lúa mì trên thế giới có liên quan trực tiếp đến nhiệt độ các cực. Bà nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là một ví dụ về mối liên kết giữa khí hậu và con người trên khắp hành tinh.

Tại trại căn cứ Arctic Basecamp, các nhà khoa học tóm tắt cho nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp về rủi ro khí hậu ảnh hưởng thế nào đối với lợi nhuận. Họ cũng lý giải tại sao việc giúp thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu lại quan trọng đối với lợi ích tài chính của doanh nghiệp.

Khách sạn Kongress Davos vào tháng 1/2017 (trái) và tháng 1/2023 (phải). Ảnh: Bloomberg.

“Khi chạm tới nhân tính và kết hợp với lợi ích cá nhân, chúng ta có thể tạo ra những cơ hội. Tôi đã thấy nó xảy ra nhiều lần”, bà nói.

Nhưng bà cũng là người đầu tiên thừa nhận rằng tiến bộ về nhận thức sẽ vô ích nếu mức độ phát thải không giảm. Năm 2022, thế giới ghi nhận mức phát thải cao kỷ lục, gây ra bởi cuộc khủng hoảng năng lượng khiến một số quốc gia quay trở lại với than đá.

Dù vậy, mỗi cuộc gặp gỡ với những người quyền lực tại Davos đều mang lại cho bà Whiteman một lý do để lạc quan.

“Bà đang làm gì ở đây với chiếc lều Bắc Cực này vậy? Bà ngủ ở đây à?”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đi ngang qua và hỏi bà Whiteman vào năm 2018.

Một người dắt chó đi dạo trên sườn núi vắng tuyết tại Davos ngày 6/1. Ảnh: Bloomberg.

Bà đã dẫn ông Netanyahu tới chiếc lều và nói chuyện về biến đổi khí hậu ở Bắc Cực. Vị thủ tướng được quan sát những lõi băng, bằng chứng cho thấy tình trạng nóng lên ngày nay là chưa từng có trong hơn 800.000 năm.

“Davos mang đến cho bạn những khoảnh khắc hiếm có như thế. Vậy nên hãy để khoa học trò chuyện với quyền lực”, bà Whiteman nói.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hinh-anh-o-davos-khien-ca-the-gioi-chu-y-post1394073.html