Hình ảnh những luồng gió phát ra tia tử ngoại trên sao Hỏa

Tàu vũ trụ MAVEN của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu chụp được ảnh sao Hỏa tự phát sáng nhờ máy chụp ảnh quang phổ tử ngoại IUVS.

Sao Hỏa tự phát ánh sáng tử ngoại. Ảnh: NASA

Theo Space, hiện tượng sao Hỏa phát ra ánh sáng tử ngoại xảy ra khi các tia tử ngoại từ Mặt Trời chiếu tới hành tinh đỏ, phân hủy các phân tử khí CO2 và ni-tơ thành nguyên tử. Những cơn gió luân chuyển ở trên tầng cao của khí quyển phân tán các nguyên tử này lên khắp hành tinh.

Ở nửa tối của sao Hỏa, những cơn gió sẽ đưa các nguyên tử này xuống cao độ thấp hơn và va chạm với nhau. Khi nguyên tử oxy tái kết hợp với ni-tơ để tạo thành nitric oxit (NO), quá trình sẽ giải phóng năng lượng dưới dạng tia tử ngoại.

Trên ảnh chụp phía tối của sao Hỏa, các màu khác nhau được dùng để biểu diễn mức độ NO khác nhau. Màu đen là mức thấp, xanh lục là mức trung bình và màu trắng là mức cao. Các mảng màu không đều và các bất thường khác trong bức ảnh là dấu hiệu cho thấy khí quyển rất khó lường của sao Hỏa.

"Những hình ảnh này là bằng chứng rõ ràng về những cơn gió bất thường ở tầng cao không và quy luật lưu thông khí trên sao Hỏa", NASA cho biết.

"Những cơn gió này điều khiển cách khí quyển sao Hỏa phản ứng với những chu trình thay đổi mạnh mẽ theo mùa của nó. Những bức ảnh đầu tiên thu được giúp củng cố thêm mô hình lưu thông khí trên khí quyển hành tinh này ở độ cao 60 – 100 km", đại diện NASA cho biết.

Hiện tượng này đã được phát hiện trong các nhiệm vụ thăm dò sao Hỏa trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chụp được ảnh. Hình ảnh chụp hôm 10/7 này được công bố tại hội nghị Khoa học hành tinh do Hiệp hội thiên văn Mỹ tổ chức tại Pasadena, California hôm 19/10.

Ngoài các hình ảnh tự phát sáng, MAVEN còn chụp được hình ảnh cho thấy ozone trên sao Hỏa thay đổi theo mùa thế nào, và chúng được hình thành bên trên các miệng núi lửa khổng lồ ở đây, theo NASA.

Sự hình thành và thay đổi của ozone trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Vùng tối đen là bề mặt đá của hành tinh, vùng sáng hơn là mây, bụi và sương mù. Vùng màu trắng ở trung tâm địa cực là CO2 đóng băng (nước đá khô). Vùng khí quyển ozone nồng độ cao được biểu diễn với màu hồng đậm. Phần rìa lượn sóng của vùng này thể hiện mô hình của gió ở quanh địa cực.

Theo VNE

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/giao-duc-khoa-hoc/201610/hinh-anh-nhung-luong-gio-phat-ra-tia-tu-ngoai-tren-sao-hoa-2748502/