Hình ảnh người Việt xưa trong mắt người phương Tây

'Xứ Đàng Trong' và 'Mô tả vương quốc Đàng Ngoài' cung cấp cho độc giả những tư liệu khá quan trọng và đặc biệt của nước Việt thời bấy giờ, dưới góc nhìn của những người nước ngoài.

Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri và Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron là hai trong số những cuốn sách có giá trị của thế hệ những thương nhân, chính khách và giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Việt Nam vào thế kỷ 17, 18.

Hai cuốn sách Xứ Đàng Trong và Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, bản chuyển ngữ tiếng Việt in năm 2019.

Hai cuốn sách Xứ Đàng Trong và Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, bản chuyển ngữ tiếng Việt in năm 2019.

Xứ Đàng Trong thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên

Theo thống kê của sử gia Charles B. Maybon, kể từ lần in đầu tiên năm 1631, tập ký sự Xứ Đàng Trong của Borri đã được tái bản 15 lần. Năm 1931, trung tá Bonifacy, phụ trách môn Lịch sử bản địa tại Đại học Hà Nội đã dịch và chú giải công phu tập ký sự này từ tiếng Ý sang tiếng Pháp. Bản in tiếng Việt hiện tại được dịch từ bản tiếng Pháp của trung tá Bonifacy.

Borri tường thuật khá chi tiết về xứ Đàng Trong với những vấn đề từ quốc hiệu, diện tích, khí hậu, đất đai, sản vật... đến phong hóa, tập quán, hành chính, quân sự, thương mại, đời sống, tinh thần... của người Việt.

Vốn chỉ sống 5 năm ở các vùng lân cận Đà Nẵng hoặc trong phủ Quy Nhơn nhưng là người ham hiểu biết, tìm kiếm, ông đã có những nắm bắt tài tình về đời sống của người việt Đàng Trong.

Ví như khi viết về khí hậu ở Đàng Trong, ông có những quan sát kỹ về hành động của người dân mỗi khi có những trận lũ ập đến. Theo ông viết, khi lũ đến bất ngờ, bốn bề ngập nước, không thể ra khỏi nhà nên trâu bò, lợn gà hoảng hốt và tháo chạy tán loạn bởi dân chúng không kịp nhốt súc vật trên đồi hay chỗ cao ráo. Đây chính là dịp để tiệc tùng linh đình, vì khắp xứ có luật chung là trâu bò lợn gà hay bất kỳ gia súc nào lạc chủ sẽ thuộc về người bắt được, dân làng sẽ chèo thuyền đi bắt gia súc và mổ tiệc ăn mừng.

Hình ảnh xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn.

Lúc bấy giờ, theo Borri trong mỗi ngôi nhà dù nghèo nàn thế nào thì người Đàng Trong cũng ngồi theo ba lối khác nhau “lối đầu tiên - thấp nhất là quỳ gối lên trên một chiếc chiếu trải dưới sàn và đây là lối mà những người ngang hàng ngồi, có nghĩa là mọi người trong cùng một gia đình; lối thứ hai là trải lên chiếu một tấm vải mỏng và đẹp dành cho những nhân vật quan trọng hơn; lối thứ ba là kê một chiếc bàn cao chừng ba gang tay và rộng như một chiếc giường, chỗ này chỉ dành cho các quan trấn thủ, quan lớn địa phương hay các bậc cao tăng đạo sĩ”.

Về thể chế chính trị, theo phân tích của tác giả, thời ấy Đàng Trong dung hòa giữa thể chế Nhật và Trung Quốc, “bởi vì trong khi người Nhật đề cao võ hơn văn thì người Trung Quốc trái lại, hiến mình cho văn chương và rất ít cho võ nghiệp. Người Đàng Trong không xa rời cái này để gắn bó hoàn toàn với cái nọ. Họ cổ vũ dân chúng, tùy thời cơ mà văn hay võ được trọng dụng và ban thưởng”.

Theo tác giả, xứ Đàng Trong thuở ấy có đời sống khá tự do, có nhiều điểm khác so với đời sống nhiều quy tắc của Đàng Ngoài.

Xứ Đàng Ngoài dưới sự cai trị của vua Lê, chúa Trịnh

Baron viết cuốn sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài nhằm giới thiệu vương quốc Đàng Ngoài với các độc giả Anh. Là con lai, lại là một thương nhân có nhiều năm sinh sống tại Kẻ Chợ và có quan hệ thân thiết với phủ Chúa nên ông có điều kiện tiếp xúc, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống của giới quý tộc cũng như những tập tục sinh hoạt đời thường của người dân vùng kinh kỳ. Cuốn sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài được Baron hoàn tất năm 1685 ở Fort Saint-Georges, Madras (Ấn Độ).

Trong bút ký của mình về Đàng Ngoài, tác giả đã dành nhiều tâm huyết để tìm hiểu về tình hình chính trị và cơ chế xã hội của Đại Việt khi ấy. Ông viết khá chi tiết về vị trí và quyền lực hạn chế của vua Lê, cũng như làm rõ những quyền lực, vai trò quan trọng của chúa Trịnh trong việc phát triển vương quốc.

Dân chúng Đàng Ngoài thường tỏ ra cần cù chịu khó, tính tình sôi động tuy nhiên lại rất hay sợ hãi. Họ cũng khó giữ được yên lặng và hòa thuận nếu như không có một bàn tay sắt thép quản lý nghiêm khắc. Baron cũng chỉ ra rằng, người Việt Đàng Ngoài khi ấy rất mê tín, “sự mê tín mà dân nghèo luôn mắc phải càng khiến cho vấn nạn này thêm trầm trọng và đẩy họ vào tình thế hiểm nghèo”.

Tranh minh họa mô tả cuộc sống của nhân dân Đàng Ngoài.

Mô tả về hình dáng của người dân Đàng Ngoài, tác giả cho rằng, họ có nhiều nét gần gũi với cộng đồng người Ấn, ví như tục ăn trầu, nhuộm răng đen, đi chân đất và ngón chân cái bên phải choãi ra.

Viết về văn hóa của người Đàng Ngoài, Baron cũng đề cập đến vấn đề tổ chức tang lễ của người dân. Theo ông, dân Đàng Ngoài rất khiếp sợ về cái chết, “họ tin rằng chỉ có hồn ma của trẻ nhỏ là đầu thai trở lại vào bào thai ở trong bụng người mẹ, con tất cả các linh hồn khác đều trở thành ma quỷ”. Chính vì nỗi sợ hãi ấy, họ có những nghi lễ vô cùng tỉ mỉ đối với người chết.

Baron bày tỏ ý kiến rằng “thật cực nhọc và vô cùng phiền toái cho con cái và họ hàng cứ phải đến bên linh cữu để khóc than, phủ phục xuống đất lạy bốn lần rồi khóc than kể lể vào giờ cúng cơm”. Trong mắt tác giả, đó là những “nghi lễ rườm rà và tẻ nhạt”.

Được viết từ cách đây hơn 300 năm, đến nay hai cuốn sách Xứ Đàng TrongMô tả vương quốc Đàng Ngoài, vẫn có những giá trị quan trọng đối với việc tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề của Việt Nam thời kỳ đầu khi người phương Tây có mặt, để có thêm những góc quan sát đa chiều và mới mẻ.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hinh-anh-nguoi-viet-xua-trong-mat-nguoi-phuong-tay-post952450.html