Hình ảnh người mẹ trên màn ảnh đang bị méo mó

2 năm gần đây, hình ảnh mẹ chồng, mẹ vợ trên màn ảnh Việt bị méo mó quá nhiều. Dù đều là những bộ phim gây sốt, nhưng theo nhiều khán giả, việc xây dựng hình ảnh người mẹ một cách méo mó trên phim sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm, quan niệm của khán giả ngoài đời.

Ngay từ đoạn clip giới thiệu trước ngày lên sóng chính thức, bộ phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng ngay lập tức thu hút được sự chú ý của nhiều khán giả. Trailer bộ phim sau một ngày được đăng trên fanpage phim nhanh chóng hút hơn 4 triệu view. Sau hơn 1 tuần, số lượt xem lên tới 7,1 triệu view.

Phim đánh trúng tâm lý người xem khi nói về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, giúp khán giả nào cũng thấy hình ảnh của mình trong đó, dù ít dù nhiều. Điều gây tranh cãi nhất của phim chính là cách xây dựng nhân vật mẹ chồng bị cho là tai quái nhất phim. Bản thân NSND Lan Hương – người thủ vai bà Phương (mẹ chồng) cũng sợ tới mức không dám xem lại những thước phim do mình đóng. Nhiều ý kiến cho rằng đạo diễn đã xây dựng nhân vật mẹ chồng thiếu thực tế, cường điệu hóa, khiến cho hình ảnh mẹ chồng ngoài đời thực bị méo mó, dẫn tới tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả.

Bà mẹ vợ khó tính trong phim “Gạo nếp, gạo tẻ” do NSND Hồng Vân thủ vai. Ảnh: Đoàn làm phim

Bà mẹ vợ khó tính trong phim “Gạo nếp, gạo tẻ” do NSND Hồng Vân thủ vai. Ảnh: Đoàn làm phim

Sau đó, hàng loạt bộ phim Việt như: Ngược chiều nước mắt, Hạnh phúc không ở cuối con đường, Cả một đời ân oán, và mới đây nhất là Gạo nếp, gạo tẻ, hình ảnh mẹ chồng, mẹ vợ đều được xây dựng theo chiều hướng là nhân vật phản diện, khiến khán giả ghét cay ghét đắng. Cụ thể, bộ phim “Ngược chiều nước mắt”, NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội” vào vai bà Lâm - một bà mẹ lạnh lùng, tàn nhẫn với con dâu. Nhiều lần, bà Lâm là nguyên nhân khiến vợ chồng con trai cãi nhau, thậm chí khiến hôn nhân của con đi đến bờ vực đổ vỡ. Điểm chung của hai NSND Lan Hương của Sống chung với mẹ chồng và Ngược chiều nước mắt họ đều bị không ít khán giả ghét lây vì đóng vai mẹ chồng cay nghiệt dù rằng trước đó, họ từng ghi dấu ấn với các nhân vật chính diện, hiền lành, tốt bụng.

Nhân vật mẹ chồng trong Cả một đời ân oán do NSƯT Mỹ Uyên đảm nhận cũng được xây dựng là một bà mẹ độc đoán, tệ bạc với con dâu. Bà Lan luôn xuất hiện với vẻ mặt lạnh lùng, chuyên xét nét mọi chuyện trong gia đình, đặc biệt là với con dâu. Ở phần 1, bà Lan chính là người bắt con trai ly hôn với vợ. Sang phần 2, tính khí của nhân vật này bớt khó chịu hơn trước nhưng cơ bản vẫn là bà mẹ chồng khó tính, độc đoán.

Phát sóng cùng thời điểm với Cả một đời ân oán 2 là bộ phim truyền hình Gạo nếp, gạo tẻ. Phim gây tranh cãi gay gắt cho khán giả khi xây dựng bà mẹ vợ ghê gớm, tai quái, trọng phú khinh bần, thậm chí đối xử với con gái cả của mình không ra gì vì nghĩ cô con gái này mang lại vận đen cho mình. Không ít lần bà khiến con gái, con rể đau khổ, tủi nhục, khiến mối quan hệ của vợ chồng con gái ngày càng tồi tệ. Vì nhận thấy bà mẹ vợ trong phim “bất bình thường” so với các bà mẹ vợ khác trong thực tế nên NSND Hồng Vân (người đóng vai mẹ vợ) phải thú nhận, lúc mới đọc kịch bản, chính chị cũng phát ghét nhân vật của mình.

Thậm chí, khi bước vào quay phim, rất nhiều lần NSND Hồng Vân đã phải tranh cãi với đạo diễn Thạch Thảo vì thấy ngoài đời thực chưa có bà mẹ nào mang tính cách kinh khủng như nhân vật của mình. Trong phim này, một mẹ chồng khác cũng được xây dựng là nhân vật phản diện khi thực dụng, vì hám của mà muốn con trai bỏ vợ con để đi theo tình mới giàu có hơn.

Xem các bộ phim về đề tài gia đình trên màn ảnh Việt hai năm nay mới thấy rõ các nhà sản xuất, đạo diễn đang xây dựng nhân vật mẹ chồng theo cách xây dựng của phim Sống chung với mẹ chồng. Công bằng mà nói, Sống chung với mẹ chồng không phải là phim quá xuất sắc nhưng vì đề tài phim gần gũi, đánh trúng thị hiếu khán giả và trên hết, hình ảnh mẹ chồng gây tranh cãi, phim mới được chú ý nhiều đến thế. Tức là rất nhiều nhà làm phim đang rất chú trọng yếu tố gây tranh cãi, bởi điều này tạo dư luận xã hội rất mạnh mẽ và đương nhiên, tranh cãi càng nhiều, phim càng gây được sự chú ý, tò mò của công chúng, rating phim càng cao. Có thể nói, ở thời điểm này, sức hút truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thành bại của một bộ phim.

Có điều, văn hóa Việt thường rất đề cao mối quan hệ gia đình, lễ nghĩa, đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Một bộ phim hay về gia đình là bộ phim truyền tải được những điều đó. Không phủ nhận trong xã hội cũng có những bà mẹ chồng, mẹ vợ cay nghiệt như các nhân vật trên phim nhưng việc xây dựng nhân vật theo chiều hướng tiêu cực như nhiều bộ phim đã và đang phát sóng sẽ có tác động không tốt đến tâm lý, tình cảm và quan niệm của nhiều khán giả. Không ít người sau khi xem phim cảm thấy sợ hãi cuộc sống gia đình, sợ cảnh làm dâu, làm vợ. Cũng có nhiều người sau khi xem phim càng có ấn tượng xấu về mẹ chồng, từ đó có cách hành xử không đúng đạo làm con, khiến các mối quan hệ trong gia đình trở nên xấu đi.

Phim ảnh là sản phẩm nghệ thuật phản ánh đời thực, được quyền hư cấu, sáng tạo theo góc nhìn của biên kịch, đạo diễn nhưng vẫn phải có tính nhân văn, định hướng, giáo dục con người, tức là phải góp phần tác động tích cực đến đời sống, nhận thức của người xem. Có thể, các xung đột, sự tranh cãi từ việc xây dựng hình ảnh nhân vật quá đà sẽ giúp phim tạo được hiệu ứng truyền thông nhưng tất cả chỉ nên dừng ở mức độ phù hợp để đạt được đích đến cuối cùng cho cả hai bên, là người sáng tạo và người tiếp nhận. Đích đến đó chính là thông điệp của bộ phim được truyền tải và tiếp nhận một cách trọn vẹn nhất.

Một bộ phim hay là khi truyền được cảm xúc mãnh liệt cho khán giả, nhưng là thứ cảm xúc dễ chịu, tích cực chứ không phải là thứ cảm xúc tức tối, khó chịu. Bởi nếu cảm xúc tiêu cực lấn lướt, bủa vây lấy khán giả thì đồng nghĩa họ không có nhiều thời gian để nghĩ về thông điệp tốt đẹp, nhân văn của bộ phim nữa.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/hinh-anh-nguoi-me-tren-man-anh-dang-bi-meo-mo-120992.html