Hình ảnh lịch sử về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

72 năm đã trôi qua nhưng những cảnh tượng chết chóc, tan hoang ở thành phố Hiroshima và Nagasaki sau khi Mỹ dội 2 quả bom nguyên tử vẫn là những nỗi đau khôn nguôi, ám ảnh người dân Nhật Bản.

Theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, lúc 8h15 (giờ Hiroshima) ngày 6/8/1945, máy bay B-29 “Enola Gay” của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" xuống trung tâm thành phố Hiroshima. Quả bom chứa khoảng 60 kg Uranium 235 và đương lượng 13 kiloton đã phát nổ cách mặt đất khoảng 600 m. Ngay lập tức, nó giết chết ít nhất 90.000 người. 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại.

Quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” có chiều dài 3 m, đường kính 71 cm và khối lượng 4.000 kg. Sức công phá của nó tương đương 13 đến 16 nghìn tấn thuốc nổ TNT.

Một kỹ sư Australia công tác tại thành phố cảng Kure đã ghi lại hình ảnh đám khói lớn bốc lên từ vụ nổ tại thị trấn Yoshiura thuộc Hiroshima. Tại thời điểm bị đánh bom, Hiroshima là thành phố quan trọng cả về quân sự và công nghiệp.

Bức xạ và sóng nén áp suất cao tỏa ra các phía, thiêu sống hàng chục nghìn người và gia súc. Trong phút chốc, các tòa nhà và xe cộ tan chảy. Thành phố 400 năm tuổi tan thành tro bụi.

Cảnh tượng người dân địa phương bị thương, hoặc nằm chết la liệt trên các con phố bị san phẳng, chỉ vài giờ sau khi Mỹ ném "Little Boy" xuống Hiroshima.

Dù được băng bó sau khi bị thương, nhưng những người dân này không hề biết rằng họ bị nhiễm xạ ở mức nguy hiểm chết người sau vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh bên phải là những người dân bị thương đi dọc con phố đầy thi thể người.

Trên người đầy thương tích, nhưng một người mẹ Nhật Bản vẫn cho con bú.

Tất cả đồng hồ được tìm thấy ở thành phố Hiroshima dừng lại lúc 8h15 sáng, thời điểm quả bom nguyên tử "Little Boy" phát nổ.

Bê tông và thép chảy nhão. Chỉ vài phút, 75.000 người chết và bị thương nặng, 65% trong số đó là trẻ dưới 9 tuổi. Số người chết tiếp tục tăng vài ngày sau do bức xạ.

Với những người may mắn sống sót, sức khỏe của họ suy giảm trầm trọng. Họ mất cảm giác ngon miệng, tóc rụng, nhiều đốm xanh lợt xuất hiện trên cơ thể. Máu chảy ra từ tai, mũi, miệng.

Phụ nữ không kết hôn vì lo sợ sinh con dị dạng. Đàn ông không thể lập gia đình vì không ai muốn lấy người chỉ có thể sống vài năm.

Vụ ném bom kinh hoàng đã phá hủy hầu hết cấu trúc của thành phố vốn được coi là căn cứ hậu cần nhỏ của quân đội Nhật Bản. Hiroshima cũng là mục tiêu ưu tiên số 1 của nhiệm vụ tấn công nguyên tử. Mục tiêu số hai là thành phố Kokura và mục tiêu dự bị là Nagasaki.

Các nạn nhân của vụ nổ nằm tại một bệnh viện quân đội ở Hiroshima. 3 ngày sau khi quân đội Mỹ thả bom xuống Nagasaki, Nhật Bản đầu hàng. Những người ủng hộ việc ném bom cho rằng, hai vụ nổ đã kết thúc Thế chiến II sớm nhiều tháng nên cứu cứu sống nhiều sinh mạng. Tuy nhiên, phe chỉ trích coi đây là hành vi trái đạo đức và về mặt chiến thuật quân sự, việc ném bom là không cần thiết và không thể biện minh.

Nhật Bản hàng năm tưởng niệm hơn 140.000 người đã thiệt mạng trong vụ ném bom. Nhưng trên thực tế, con số nạn nhân lớn hơn rất nhiều, do rất nhiều người còn sống nhưng bị nhiễm xạ.

Thái Bình

(Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201708/ky-niem-72-nam-ngay-my-nem-bom-nguyen-tu-xuong-hiroshima-hinh-anh-lich-su-ve-vu-my-nem-bom-nguyen-tu-xuong-nhat-ban-2832044/