Hình ảnh đáng kinh ngạc về 'những con sông vàng' ở Peru

Một bức ảnh đáng kinh ngạc do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA công bố cho thấy dường như những dòng sông vàng chảy khắp Peru.

Hình ảnh mà Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA chụp 'những dòng sông vàng' ở Peru vào ngày 24/12/2020 cho thấy vẻ ngoài khá bắt mắt, lấp la lấp lánh nhưng bên trong chứa đựng một sự thật đáng buồn.

Theo NASA, những dấu vết như vàng chảy khắp nơi cho thấy sự tàn phá do hành động khai thác vàng trái phép ở khu vực Madre de Dios, phía đông Peru.

Phi hành gia trên tàu Expedition 64 của NASA sử dụng máy ảnh kỹ thuật số Nikon D5 là người đã nhanh tay ghi lại khoảnh khắc ấn tượng này. Bức ảnh là kết quả của sự kết hợp giữa ánh sáng mặt trời, các điều kiện khí tượng thuận lợi khác vào thời điểm chụp ảnh.

Thông thường, nếu nhìn từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS, những hố vàng bị che khuất khỏi tầm nhìn do mây che phủ. Những dòng sông vàng lấp lánh chảy qua rừng mưa Amazon ở bang Madre de Dios phía đông Peru thực chất là hố thăm dò, nhiều khả năng do thợ mỏ đơn độc để lại.

Phát ngôn viên tại Đài quan sát Trái Đất của NASA cho biết: "Khai thác là nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng trong khu vực, hành động đó cũng gây ra tình trạng ô nhiễm thủy ngân từ quá trình khai thác vàng. Tuy nhiên, ước tính có khoảng hàng chục nghìn người kiếm sống bằng việc khai thác vàng trái phép".

Trong ảnh, có thể nhìn thấy Nueva Arequipa, nằm giữa hai khu khai thác mỏ khổng lồ trên Đường cao tốc xuyên biển phía Nam, nối Peru với Brazil. Khi được đưa vào hoạt động năm 2011, người ta hi vọng sẽ tạo ra động lực kinh tế to lớn cho khu vực, mang lại lợi nhuận du lịch và thương mại. Tuy nhiên, kết quả là làm gia tăng nạn phá rừng, có thể đây là hậu quả lớn nhất từ dự án đường cao tốc.

Madre de Dios là một nhánh nguyên sơ của rừng Amazon với diện tích bằng bang South Carolina, Mỹ, nơi sinh sống của nhiều loài vẹt đuôi dài, khỉ, báo đốm …

Theo NASA, Peru là nước xuất khẩu vàng lớn thứ sáu trên thế giới. Vào tháng 12/2020, các nhà khoa học tiết lộ nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon đã đạt mức cao nhất trong 12 năm. Cơ quan nghiên cứu vũ trụ INPE của Brazil dẫn báo cáo, trong đó nói rằng từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, tổng cộng 11.088 km vuông rừng nhiệt đới đã bị phá hủy, tăng 9,5% so với khoảng thời gian trước đó.

Hoàng Dung (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-la/hinh-anh-dang-kinh-ngac-ve-nhung-con-song-vang-o-peru-277179.html